Cái clip của Fire of Learning về La Mã cổ đại ngày hôm trước (https://www.facebook.com/groups/SciFiReadersVN/permalink/3206017846152127/) là một trường hợp rất thú vị. Nó về bản chất là một dạng tư liệu lịch sử, chủ yếu muốn đưa thông tin về những phương diện khác nhau của nền văn minh La Mã và đối chiếu nó với thế giới hiện đại. Tuy nhiên, cái clip đấy lại lằng nhằng ở một chỗ nó có đầy đủ mở thân kết của một câu chuyện, và đã sử dụng yếu tố SFF làm tiền đề. Mạch kể của nó có thể hơi lan man và lủng củng, và cái yếu tố SFF của nó cực kỳ mơ hồ, nhưng chúng nó vẫn cứ tồn tại, và là nền tảng cho cả clip.
Vậy liệu có thể coi bản thân cái clip đấy là một tác phẩm SFF không?
Đây là một câu hỏi rất hay nhưng mà cũng lại rất ngứa thịt. Nó cho thấy Sci Fi và Fantasy là hai cái dòng có độ phủ mênh mông vô cùng, nhưng đồng thời cũng thể hiện một cái vấn đề khá là đau đầu của dòng này: một tác phẩm phải thế nào mới KHÔNG ĐƯỢC nằm vào trong đấy?
Mình gốc định nói đến nó trong cái bài hôm trước luôn. Tuy nhiên, vì cái bài đấy đã lê thê rồi sẵn, trong khi chủ đề này lại còn khá lằng nhằng nữa, thế nên mình đã tách nó ra thành bài riêng để hôm nay đăng.
Như mình từng nói trong bài phân biệt giữa Sci Fi và Fantasy (anh em nào chưa đọc có thể xem full ở đây https://www.facebook.com/photo?fbid=1063715733771406&set=gm.1536554419765153), điều kiện cần thiết duy nhất để một tác phẩm bất kỳ rơi vào một trong hai thằng này là nó chứa đựng một yếu tố “điêu điêu,” khó xảy ra ở thực tại. Chính bởi cái rào cản thấp hơn ngọn cỏ này mà hàng loạt tác phẩm có thể chễm chệ vào trong mảng SFF ngồi, bất chấp việc nhìn cảnh chúng nó khoác lên mình cái mác SFF mà cứ thấy… sao sao 🐧.
Đầu tiên thì ta có các tác phẩm đến từ những mảng khá nhạy cảm, khiến cho việc gọi chúng nó là SFF trở nên rất ngượng mồm. Ví dụ khổng lồ nhất sẽ là tôn giáo. Gần như mọi tác phẩm tôn giáo trên đời này đều có chứa đựng những yếu tố phép thuật phi thường và những giai thoại hết sức quái chiêu, chẳng hạn việc xác chết trả thù, biến nước thành rượu, tẽ đôi đại dương, linh hồn đầu thai, thánh thần phù hộ,… Nếu đứng lẻ riêng ra, đây toàn là các mô típ mà Fantasy tối ngày sử dụng, và phần đông con người sống trong thế giới hiện đại đều sẽ tin là bất khả thi. Bên cạnh đó, vì gần như mỗi tôn giáo đều có một cách lý giải khác nhau cho sự hình thành của đất trời cũng như cơ chế vận hành của các hiện tượng thiên nhiên, chắc chắn không thể có chuyện tất cả đều cùng đúng sự thật được, và phải có ít nhất một tôn giáo nào đấy là “điêu” theo đúng nghĩa. Tuy nhiên, vì đây là vấn đề tín ngưỡng, thế nên nếu ta gọi một cuốn kinh hay điển tích nào là Fantasy thì chẳng khác nào sổ toẹt đức tin của người ta đi, và kiểu gì cũng sẽ ăn gạch ngay lập tức.
Một thứ nữa cũng tương tự với tôn giáo sẽ là truyền thuyết và các mẩu truyện cổ tích dân gian. Hãy thử nhìn vào những truyền thuyết như nỏ thần An Dương Vương hay thanh gươm Thuận Thiên của Lê Lợi mà xem. Đây là những câu chuyện xoay quanh các cụ tổ có thật của nước ta, và gắn liền với sự kiện lịch sử thật, nhưng lại có những cái yếu tố chẳng thể nào có thật ngoài đời, ấy là việc nỏ bắn phát bay ra cả trăm mũi tên và rùa thần hiện lên trao gươm. Mỗi tội gọi đây là Fantasy thì cũng hơi khó, bởi nó liên quan trực tiếp đến lịch sử và danh tính của cả một dân tộc. May mắn một điều là nó không đến nỗi gắn quá chặt chẽ vào đức tin của thiên hạ như tôn giáo (mặc dù tất nhiên nó vẫn có sự liên hệ), thế nên nếu có nhích mấy mẩu giai thoại đấy vào thành Fantasy thì cũng chẳng đến mức chết người, miễn là phải công nhận nó chứa đựng một phần sự thật.
Còn một kiểu tác phẩm khác dù không động chạm gì đến ai nhưng cũng khó nói chẳng kém: các tác phẩm cứ ỡm ờ về sự “điêu” của mình. Nó sẽ mô tả theo kiểu cực kỳ nước đôi những yếu tố khó hiểu mình có, lúc thì ngầm ám chỉ rằng một điều phi thường như thế này chắc chắn chỉ có thể do phép thuật mà thành, nhưng sau đó tự nhiên lại chỉ ra một số lý do thực tiễn nghe cũng… xuôi xuôi. Thế rồi đến cuối tác phẩm, ta không có một màn lột mặt nạ như Scooby-Doo nào hết, không một lời khẳng định nó là phép thuật hay là chiêu trò ma mãnh, và tác giả chỉ đứng dậy phủi đít bỏ đi, tủm tỉm cười trong khi chúng ta vò đầu bứt tai không hiểu bản chất sự việc là thế nào. Chẳng biết liệu yếu tố Fantasy có tồn tại trong tác phẩm không thì sao mà nói nó là Fantasy được? Nhưng gọi nó là tác phẩm thường kiểu gì nếu nó cứ nửa đực nửa cái như thế?
Edgar Allan Poe khét tiếng là cực kỳ thích chơi cái trò này, với một trong thể hiện rõ nhất cái kiểu ỡm ờ đấy là mẩu truyện ngắn The Tell-Tale Heart. Trong truyện, một tên sát nhân sau khi giết bố mình rồi cứ văng vẳng nghe thấy tiếng tim ông cụ đập thình thịch. Hắn làm mọi thứ có thể để át tiếng đấy đi, để thuyết phục bản thân là mình không nghe thấy gì cả, nhưng tiếng đập vẫn cứ lớn dần, lớn dần, cho đến khi hắn chịu không nổi nữa và thú nhận tất cả. Không một ai có thể khẳng định được là có phải linh hồn ông cụ đã hiện về ám ảnh hắn hay không, bởi vì chúng ta chỉ có lời kể của kẻ sát nhân, không một lời giải thích nào hết.
Tương tự với câu chuyện đó là mẩu truyện ngắn The Horla của tác giả người Pháp Guy de Maupassant, câu chuyện được coi là nguồn cảm hứng để tác phẩm The Call of Cthulhu huyền thoại của H. P. Lovecraft ra đời sau này. Nhân vật chính trong câu chuyện này cũng là một Unreliable Narrator (đọc thêm ở đây nếu anh em chưa nghe đến thuật ngữ này bao giờ: https://www.facebook.com/groups/SciFiReadersVN/?post_id=2307669669320287), và sau một lần vô tình vẫy tay chào một con tàu Brazil thì tự nhiên cứ có cảm giác mình như bị một thực thể ma quái mang tên Horla hành hạ. Nhân vật chính ngày một ám ảnh với cái con Horla đấy, và dần dần nghĩ rằng những chuyện bất hạnh mình gặp phải cũng như tình trạng tâm lý của bản thân là do nó gây ra. Câu chuyện cho ta thấy rất rõ nhân vật đang dần trở nên mất trí, nhưng nó hoàn toàn chẳng hề khẳng định hay phủ nhận sự tồn tại của cái con ma kia. Đến cuối truyện, ta vẫn chẳng thể hiểu nổi tóm lại có thứ gì thực sự tên là Horla ám nhân vật chính hay không, hay thằng cha này chỉ thần hồn nát thần tính.
Một tác phẩm khác thậm chí còn mập mờ hơn hai thằng trên là bộ manga Hōzuki Island của Kei Sanbe. Trong truyện, một toán trẻ con phải tìm cách sinh tồn trên đảo hoang, trong khi có một lão thầy đang rắp tâm tìm cách hại chúng nó. Rất nhiều lần câu chuyện cho một bóng ma hiện ra và giúp đưa bọn nó đến nơi an toàn, nhưng đến cuối truyện thì lập tức tác giả lại quay ngoắt 180 độ và đưa ra những lời lý giải cực kỳ hợp lý cho mọi thứ, khiến cho hồn ma kia trở thành không gì hơn một thứ ảo giác bọn trẻ con tự bịa. Nhưng rồi đến tận cái trang cuối cùng (literally), tác giả một lần nữa lại bồi thêm một khung hình cực kỳ đáng ngờ, và thế là tất cả chúng ta chẳng còn biết làm gì hơn ngoài sồn sột gãi đầu và tự hỏi: tóm lại con ma kia có thật hay không thế?
Một ví dụ hài hước hơn thì sẽ là A Connecticut Yankee in King Arthur's Court của đại văn hào Mark Twain. Tác phẩm này đặc biệt ở chỗ nó rõ ràng là SFF rồi, vì có nhân vật chính bị xà beng bổ vào đầu và du hành ngược thời gian về hơn một thiên niên kỷ trước, thời Vua Arthur còn ngự trị. Tuy nhiên, có một tiểu tiết nhỏ trong này có thể được coi như một bài toán mini, đại diện cho cái vấn đề phân định Fantasy mà ta đang bàn đến, ấy chính là phù thủy Merlin. Gần như từ đầu đến cuối truyện, Merlin chỉ được thể hiện như một kẻ lừa đảo đại tài, dùng các mánh ảo thuật để lừa lọc thiên hạ rằng mình có phép thần thông quảng đại trong khi kỳ thực chẳng biết cái gì hết. Nhưng rồi đến tít tận cuối truyện, Merlin đã thực hiện được một cái “bùa” rất ảo diệu, và ngay cả nhân vật chính cũng không thể hiểu nổi liệu đó là phép ma thật hay thanh niên kia vẫn chỉ diễn trò mà thôi, và sau đó nhờ ăn rùa mà mới được như thế.
Sci Fi thì thường đỡ hơn một tí, bởi vì nó không đến nỗi dễ lập lờ đánh lận con đen như phép thuật, và vấn đề lớn nhất nó hay gặp phải là phân biệt giữa nó và Fantasy. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp tác giả làm cho một tác phẩm chẳng hiểu nên gọi là Sci Fi hay cái gì nữa.
Ví dụ dễ thấy nhất sẽ là cái game My Memory of Us do Juggler Games phát triển. Cái game này kể về cuộc xâm lược cũng như chiếm đóng Ba Lan của Đức Quốc Xã, có điều thay lính Đức thành rôbốt. Vấn đề ở đây là tất cả những gì diễn ra trong game thực chất là lời kể của một ông cụ bán sách già cho một bé gái. Người chơi sẽ chẳng thể xác định nổi có phải đây là một phiên bản thế giới song song của thế giới thực chúng ta, và những lời kể của ông cụ chính là phiên bản lịch sử thật của cái thế giới này, hay chẳng qua ông chỉ đang thêm mắm dặm muối cho câu chuyện được thú vị, với cả tránh để một đứa trẻ phải nghe về những tội ác tàn khốc của Phát-xít.
Cùng đề tài chiến tranh, có điều sớm hơn trước đó, ta có Valiant Hearts: The Great War, một game về Thế Chiến I do Ubishit, à nhầm, Ubisoft thực hiện. Gần như tất cả mọi thứ trong game đều bám rất sát lịch sử, chỉ trừ có mấy món hàng của cái lão tướng Von Dorf. Lão này đã bắt được một nhà khoa học Pháp, và đã ép ông phải chế tạo cho mình các loại vũ khí tân tiến. Technically, các công nghệ xe tăng với khinh khí cầu mà nhà khoa học người Pháp kia đã chế ra không đến nỗi bất khả thi lắm, nhưng nó vẫn hơiiiiiii đi trước thời đại một tí xíu thôi (ít nhất theo như những gì mình biết thì là thế 🐧 ), khiến cho đến mấy đoạn đấu nhau với Von Dorf ta sẽ không khỏi ngờ ngợ đây là Sci Fi.
Tiện nhắc đến kiểu đi trước thời đại, nhưng chỉ trước tầm một hai phân, anh em hãy cứ nhìn vào các tác phẩm Technno Thriller như James Bond, Jason Bournes, Mission Impossible, và hàng trăm tỉ thứ tương tự khác xem. Mấy tác phẩm trong này đều có sự xuất hiện của những món đồ công nghệ cực kỳ tối tân, nhưng lại không đến nỗi quá tân tiến để ta cảm thấy như thể mình vừa nhảy cóc một thập kỷ. Nó vẫn lưu giữ một nét gì đó rất gần gũi, khiến ta cảm thấy là chắc những thứ như thế này cũng có thể tồn tại được thật. Tuy nhiên, kể cả nếu có đi gõ cửa từng viện nghiên cứu một trên thế giới, mọi người cũng sẽ cực kỳ chật vật trong việc móc bằng ra được thứ gì tởm ngang tầm những món xuất hiện trong các tác phẩm trên. Căn bản bởi vì nền tảng của chúng nó thì hiện ta có sẵn rồi, và nhiều thứ ta thậm chí còn đã tiến sát hẳn đến rồi, nhưng để chạm được đến nó thì vẫn còn phải đi thêm một tí nữa.
Mấy tác phẩm liên quan đến xã hội thì còn lằng nhà lằng nhằng nữa, bởi vì có khi nó còn chẳng có công nghệ để mà bảo là Sci Fi. Như mình đã nói trong rất nhiều bài (tiêu biểu là bài này: https://www.facebook.com/photo/?fbid=1800849313391374&set=gm.2979064378847476 và bài này: https://www.facebook.com/photo/?fbid=1851038108372494&set=gm.3113830008704245), khoa học không chỉ dừng ở toán lý hóa, mà nó còn bao gồm cả các nhánh xã hội học nữa. Đề ra một giả thuyết về cách xã hội con người sẽ tiến/thoái hóa nếu gặp nghịch cảnh nào đấy và viết nguyên một tác phẩm để làm “giả lập” về nó cũng có thể được coi là một thứ dính dáng đến Sci Fi, mặc dù nếu nhìn vào thì cực khó để nói nó thực sự là Sci Fi. Ví dụ như cái cuốn The Children of Men của P. D. James gần như chẳng có một tí khoa học nào, ngoại trừ việc tự nhiên người dân… tịt đẻ. Trong cả truyện, tác giả chỉ đi chiêm nghiệm về cách xã hội sẽ trở nên suy tàn và cách chính trị gia tận dụng cơ hội nắm quyền như thế nào, và nếu che vụ tịt đẻ đi thì nó sẽ chẳng khác nào một cuốn sách văn học thuần túy. Vấn đề là đây vẫn là một thí nghiệm khoa học xã hội, và nó ngay cả nếu bỏ vụ vô sinh đi thì vẫn còn một số yếu tố phi thực khác, chẳng hạn như mấy băng đảng du côn quay về với mê tín dị đoan và cách chính quyền Anh dần trở nên độc tài. Tương tự với nó, ta có Random Acts of Senseless Violence do Jack Womack, cũng xoay quanh việc xã hội thoái hóa, băng đảng lên ngôi, và chính quyền sụp đổ, cũng khó có thể gọi là Sci Fi nhưng lại chẳng thể coi là văn thường.
Trên đây mới chỉ là sơ sơ một số thứ nhập nhằng của việc phân định liệu một tác phẩm có phải nằm ngoài SFF hay không thôi. Kể hết ra thì nhiều lắm. Chính thế nên định nghĩa về SFF đến tận ngày hôm nay vẫn chưa có cái gì thật sự chung nhất cả, vì cứ mỗi lần có ai thử “quy hoạch” nó là kiểu gì cũng sẽ ngớ người nhận thấy có mấy thằng ngoại lệ chẳng biết nhét đâu. Bởi vậy mà nếu muốn phân định đâu là với không phải là SFF thì hãy cứ dùng quy luật xem porn ấy: nhìn vào thì biết chứ nói thế nào được 🐧.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓