Chuyển đến nội dung chính

[SFF 101] Định kiến về sự "khó hiểu" của Sci Fi


Vì Goodreads vừa phát động tuần lễ đọc Sci Fi & Fantasy, có một bạn mod bên group Nhã Nam đã lập thớt để giới thiệu về một số cuốn Sci Fi bên này từng xuất bản.

Ban đầu mình rất mừng khi thấy một bên khá to bỏ công giới thiệu về cái dòng văn hấp dẫn này, nhưng đọc xuống comment thì thấy hơi hụt hẫng. Nguyên do là đến chính bạn mod nhiệt tình kia cũng vấp phải một trong những cái lầm tưởng cực lớn, khiến cho Sci Fi phải chịu kiếp lẹt đẹt mãi tại Việt Nam: nghĩ rằng vì nó có khoa học, Sci Fi sẽ khó đọc hơn các dòng khác, kể cả cái dòng Fantasy anh em của mình.

Thế nên lẽ đương nhiên, bất chấp đã viết hàng bao bài “sớ” về cái định kiến này, hôm nay mình sẽ tiếp tục viết thêm một bài nữa để giải oan cho Sci Fi.

Để anh em ta không lệch sóng với nhau, các lầm tưởng mình bác bỏ trong bài này sẽ là:

1) Sci Fi khó hiểu hơn Fantasy (vì nó có khoa học).

2) Sci Fi giới thiệu kiến thức khoa học như toán, lý, hóa, thiên văn,…

Đầu tiên, xin mời anh em đọc lại đoạn trích trong một tác phẩm Fatansy hết sức nổi tiếng, ấy là Harry Potter và Tên Tù nhân ngục Azkaban:

=====

Cuối phòng không có gì cả ngoại trừ một cái tủ áo cũ mà các giáo sư thường cất những tấm áo chùng dự trữ. Khi giáo sư Lupin bước đến đứng cạnh bên cái tủ áo thì cái tủ bỗng nhiên lảo đảo lắc lư, dộng bức tường ầm ầm.

Vài đứa học trò nhảy lùi lại cảnh giác. Giáo sư Lupin bèn bình thản nói:

"Chẳng có gì đáng sợ cả. Trong đó có một Ông Kẹ."

Hầu hết lũ học trò đều cảm thấy đó chính là cái đáng sợ. Neville nhìn thầy Lupin với ánh mắt chỉ còn có hãi hùng, và Seamus thì nhìn cái nắm đấm cửa tủ đang kêu lách cách với vẻ lo lắng bồn chồn.

Giáo sư Lupin giảng giải:

"Mấy Ông Kẹ khoái những nơi đóng kín tối tăm, như tủ quần áo, gầm giường, chạn tủ dưới gầm chậu rửa bát... Có một lần tôi bắt gặp một Ông Kẹ trú ngụ ngay trong một cái đồng hồ đứng cổ lỗ sĩ. Ông Kẹ này mới dọn vô đây vào trưa ngày hôm qua, và tôi đã xin phép ông Hiệu trưởng yêu cầu các giáo viên cứ để mặc nó ở đó để cho học sinh năm thứ ba có dịp thực tập. Vậy câu hỏi đầu tiên mà các trò phải tự hỏi là: Ông Kẹ là gì?"

Hermione giơ tay lên ngay:

"Đó là một con ma thay hình đổi dạng. Nó có thể đội lốt bất cứ cái gì mà nó tưởng làm cho chúng ta sợ nhứt."

Giáo sư Lupin nói:

"Đúng lắm. Tôi cũng không thể nào giải thích rõ ràng hơn Hermione được."

Mặt Hermione sáng rực lên. Giáo sư Lupin nói tiếp:

"Như thế khi Ông Kẹ còn ngồi trong bóng tối, nó chưa mang một hình dạng nào hết. Nó chưa biết cái nào sẽ hù dọa được người ở bên ngoài cánh cửa. Chưa có ai từng được biết một Ông Kẹ thì trông như thế nào khi nó ở một mình. Nhưng khi tôi thả nó ra khỏi tủ thì nó lập tức trở thành bất cứ cái gì mà mỗi chúng ta sợ nhứt."

Neville thốt lên mấy tiếng ú ớ khiếp đảm, nhưng giáo sư Lupin phớt lờ đi, nói tiếp:

"Điều này có nghĩa là chúng ta có một thuận lợi lớn lao so với Ông Kẹ trước khi chúng ta bắt đầu. Trò có biết là gì không, Harry?"

Suy nghĩ câu trả lời khi bên cạnh là một Hermione cứ nhấp nha nhấp nhổm trên gót giày với cánh tay giơ tuốt trên cao quả là rất ư khó khăn, nhưng Harry cũng tìm được câu trả lời:

"Ơ... bởi vì chúng ta có nhiều người, Ông Kẹ không biết nên đội lốt nào."

"Chính xác!"

Cánh tay của Hermione đành hạ xuống thất vọng. Giáo sư Lupin nói tiếp:

"Luôn luôn nên có nhiều người khi xử lý Ông Kẹ. Con ma đội lốt sẽ bối rối. Nó nên đội lốt gì, một cái xác không đầu hay một con sên ăn thịt sống? Có một lần tôi thấy một Ông Kẹ phạm chính cái sai lầm đó: toan hù dọa hai người cùng một lúc và tự biến mình thành một nửa con sên. Không đến nỗi ghê lắm.

"Bùa chú để giải tà Ông Kẹ đơn giản thôi. Tuy nhiên cũng cần đến sức mạnh của ý chí. Các trò biết không, cái thực sự chấm dứt một Ông Kẹ là một trận cười. Điều các trò cần làm là buộc nó mang một hình dạng mà các trò thấy tức cười.

"Chúng ta sẽ thực tập câu thần chú trước, không cần dùng đến cây đũa phép. Các trò hãy nói theo tôi... riddikulus!"

Cả lớp đồng thanh lập lại:

"Riddikulus!"

Giáo sư Lupin nói:

"Tốt lắm! Rất tốt. Nhưng tôi e là mình chỉ vừa thực tập xong phần dễ làm. Các trò nên biết là chỉ mỗi cái từ đó thôi thì chưa đủ hiệu nghiệm. Và đây là lúc cần đến trò, Neville à."

=====

Anh em chắc chẳng còn lạ gì câu chuyện này nữa rồi đúng không nhỉ? Và ngay cả nếu không biết gì về Harry Potter, mọi người hẳn cũng sẽ thấy các yếu tố mới lạ trong cái đoạn trích trên đều được trình bày hết sức dễ hiểu: có một con ma tên là Ông Kẹ. Nó thích chỗ tối, và có thể biến hình thành thứ người khác sợ nhất. Để đuổi nó thì cần dùng tiếng cười. Thần chú “Riddikulus” có thể giúp bắt nó biến thành một hình dạng khôi hài để tạo ra tiếng cười ấy.

Fantasy là thế đấy, dù rất lạ, toàn những thứ chẳng tồn tại trên đời, nhưng lại được giải thích rất dễ hiểu. Vậy còn Sci Fi thì sao?

Để trả lời câu hỏi này, mời anh em đọc đoạn trích sau:

=====

Cuối phòng không có gì cả ngoại trừ một cái tủ đồ cũ mà các kỹ thuật viên thường cất phụ tùng thay thế. Khi tiến sĩ Lupin bước đến đứng cạnh bên cái tủ đồ thì cái tủ bỗng nhiên lảo đảo lắc lư, dộng bức tường ầm ầm.

Vài thực tập sinh nhảy lùi lại cảnh giác. Tiến sĩ Lupin bèn bình thản nói:

"Chẳng có gì đáng sợ cả. Trong đó có một con Leeran."

Hầu hết đám thực tập sinh đều cảm thấy đó chính là cái đáng sợ. Neville nhìn tiến sĩ Lupin với ánh mắt chỉ còn có hãi hùng, và Seamus thì nhìn cái nắm đấm cửa tủ đang kêu lách cách với vẻ lo lắng bồn chồn.

Tiến sĩ Lupin giảng giải:

"Bọn Leeran khoái những nơi đóng kín tối tăm, như tủ quần áo, gầm giường, chạn tủ dưới gầm chậu rửa bát... Có một lần tôi bắt gặp một con Leeran trú ngụ ngay trong một cái máy chủ cũ. Con Leeran này mới dọn vô đây vào trưa ngày hôm qua, và tôi đã xin phép ông Giám đốc Tập đoàn Gratis yêu cầu bộ phận kỹ thuật cứ để mặc nó ở đó để cho thực tập sinh có dịp thực hành. Vậy câu hỏi đầu tiên mà các cô các cậu phải tự hỏi là: Leeran là gì?"

Hermione giơ tay lên ngay:

"Đó là một sinh vật ngoài hành tinh biết biến hình. Nó có thể đọc sóng não, và đội lốt bất cứ cái gì mà nó tưởng làm cho chúng ta sợ nhứt."

Tiến sĩ Lupin nói:

"Đúng lắm. Tôi cũng không thể nào giải thích rõ ràng hơn Hermione được."

Mặt Hermione sáng rực lên. Tiến sĩ Lupin nói tiếp:

"Như thế khi con Leeran còn ngồi trong bóng tối, nó chưa mang một hình dạng nào hết. Nó chưa biết cái nào sẽ hù dọa được người ở bên ngoài cánh cửa. Chưa có ai từng được biết một con Leeran thì trông như thế nào khi nó ở một mình. Nhưng khi tôi thả nó ra khỏi tủ thì nó lập tức trở thành bất cứ cái gì mà mỗi chúng ta sợ nhứt."

Neville thốt lên mấy tiếng ú ớ khiếp đảm, nhưng tiến sĩ Lupin phớt lờ đi, nói tiếp:

"Điều này có nghĩa là chúng ta có một thuận lợi lớn lao so với con Leeran trước khi chúng ta bắt đầu. Cậu có biết là gì không, Harry?"

Suy nghĩ câu trả lời khi bên cạnh là một Hermione cứ nhấp nha nhấp nhổm trên gót giày với cánh tay giơ tuốt trên cao quả là rất ư khó khăn, nhưng Harry cũng tìm được câu trả lời:

"Ơ... bởi vì chúng ta có nhiều người, con Leeran không biết nên đội lốt nào."

"Chính xác!"

Cánh tay của Hermione đành hạ xuống thất vọng. Tiến sĩ Lupin nói tiếp:

"Luôn luôn nên có nhiều người khi xử lý một con Leeran. Sinh vật đội lốt sẽ bối rối. Nó nên đội lốt gì, một trận mưa thiên thạch hay một vụ nổ hạt nhân? Có một lần tôi thấy một con Leeran phạm chính cái sai lầm đó: toan hù dọa hai người cùng một lúc và tự biến mình thành một tảng thiên thạch bị nổ tung giữa trời. Không đến nỗi ghê lắm.

"Phương pháp chế ngự đám Leeran đơn giản thôi. Tuy nhiên, nó cũng sẽ đòi hỏi phải nhanh tay nhanh miệng một tí. Các cô các cậu biết không, cái thực sự khiến bọn Leeran hoảng là ánh sáng mạnh. Điều các cô các cậu cần làm là chiếu một luồng ánh sáng cường độ lớn vào người nó. Thật may mắn, khẩu súng M-12x mà Tập đoàn Gratis đã cấp cho các cô các cậu để phòng thân trong quãng thời gian thực tập trên Trạm Không gian Megas-XLR có tích hợp đèn pha công suất mạnh, phòng khi trạm mất điện, và nó có chế độ kích hoạt bằng giọng nói.

"Chúng ta sẽ thực tập câu lệnh kích hoạt trước, không cần rút súng ra. Các cô các cậu hãy nói theo tôi... Đèn pha: bật!"

Cả nhóm đồng thanh lập lại:

"Đèn pha: bật!"

Tiến sĩ Lupin nói:

"Tốt lắm! Rất tốt. Nhưng tôi e là mình chỉ vừa thực tập xong phần dễ làm. Các cô các cậu nên biết là chỉ mỗi cái câu đó thôi thì chưa đủ hiệu nghiệm. Và đây là lúc cần đến cậu, Neville à."

=====

Anh em hoàn toàn có thể thấy là với chỉ một xíu thay đổi thôi, một câu chuyện thuần túy Fantasy, với một nhóm học sinh được ông phù thủy dạy bùa chú để chống ma đã biến thành một câu chuyện Sci Fi 100%, với nhóm sinh viên thực tập trên một trạm không gian được một tiến sĩ dạy cách tự vệ trước một sinh vật ngoài hành tinh. Các yếu tố mới lạ của câu chuyện vẫn được giới thiệu theo cách gần như nguyên si: có một con quái tên là Leeran. Nó thích chỗ tối, và có thể biến hình thành thứ người khác sợ nhất. Để đuổi nó thì cần dùng ánh sáng mạnh. Câu lệnh “Đèn pha: bật” có thể giúp kích hoạt đèn gắn trên súng để tạo ra luồng ánh sáng ấy. Nhưng nó có gì khó hiểu hơn đâu? Thay vì bảo mọi người rẽ trái hai lần như Fantasy, Sci Fi chỉ đơn thuần bảo hãy rẽ phải hai lần. Nó chỉ là một cách tiếp cận khác, không hơn không kém.

Đối với cái định kiến thứ 2, ấy là việc Sci Fi toàn giới thiệu toán lý hóa các kiểu, thì mình xin phép được phản bác bằng một trong những cuốn Sci Fi đã lấy đi nhiều nước mắt nhất của cộng đồng người đọc Việt Nam: Hoa trên mộ Algernon.

Bây giờ chúng ta chơi một trò như thế này nhé: mọi người hãy thử giở quyển Algernon ra. Ai có sách dùng sách. Ai có ebook dùng ebook. Ai không có sẵn cả sách lẫn ebook thì hãy mở Google tra cụm “Hoa trên mộ Algernon đọc online” để dùng tạm. Sau đó lục từ đầu đến cuối quyển truyện và moi hết mọi thứ dính dáng đến khoa học tự nhiên (tức toán, lý, hóa, sinh…) trong đó ra và đặt cạnh nhau xem có đủ nửa trang giấy không.

Câu trả lời sẽ là không.

Hoa trên mộ Algernon kể về một anh chàng bị thiểu năng tên Charlie, nhờ phẫu thuật mà tự nhiên thông minh lên đột biến. Cuộc phẫu thuật ấy là hoàn toàn bịa đặt. Cho đến tận ngày hôm nay, nền khoa học hiện đại của chúng ta vẫn hoàn toàn không thể làm cho bất kỳ ai thông minh lên được một cách thần kỳ như Charlie. Và khoa học bịa đặt thì ta gọi là gì?

Là khoa học giả tưởng. Là khoa học viễn tưởng. Là Sci Fi.

Chính vì lẽ đó, Hoa trên mộ Algernon là một tác phẩm Sci Fi. Tuy nhiên, nó hoàn toàn chẳng giới thiệu một tí kiến thức khoa học tự nhiên nào đến cho người đọc cả. Sau khi đọc xong Algernon, mọi người sẽ không hiểu thêm về toán học, không giỏi hơn về vật lý, không thông tường thiên văn hơn, không đùng một phát tốt nghiệp được Bách Khoa đúng hạn. Điều này cho thấy rằng hoàn toàn không có chuyện Sci Fi kiểu gì cũng sẽ hù dọa mọi người bằng cái Ông Kẹ mang tên khoa học cả.

Có thể sẽ có bạn nói rằng Hoa trên mộ Algernon là trường hợp đặc biệt, chứ bình thường Sci Fi có thế đâu. Đây cũng lại là một lầm tưởng nốt. Có cực kỳ nhiều quyển Sci Fi tương tự như Algernon, chỉ có điều chưa có nhiều quyển được xuất bản tại Việt Nam. Điểm sơ sơ, ta sẽ có Random Act of Senseless Violence của Jack Womack, 1984 của George Orwell, Children of Men của P.D. James, 451 độ F của Ray Bradbury, The End of the World Running Club của Adrian J. Walker, The Long Walk của Stephen King, The Road của Cormac McCarthy, I Am Legend của Richard Matheson, cùng với hàng vạn, hàng vạn cuốn khác nữa.

Tại sao lại có một điều kỳ lạ như vậy? Đó là bởi các cuốn này dù cũng dựa trên khoa học, chúng nó lại lấy trọng tâm ở một mảng mà rất nhiều người trong số chúng ta quên mất rằng cũng là khoa học nốt: khoa học XÃ HỘI.

Khoa học xã hội là gì? Là kinh tế học, là chính trị học, là lịch sử, là ngôn ngữ học, là tâm lý học, là nghiên cứu tôn giáo, nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu dân gian, nghiên cứu đạo đức… Những thứ này làm nên một phần không nhỏ của Sci Fi, và nếu nhắc đến Sci Fi mà chỉ nói về khoa học tự nhiên và bỏ qua khoa học xã hội thì cũng chẳng khác gì chặt cụt tay đi xong tuyên bố toàn bộ loài người chỉ có một tay. Đấy là một cái nhìn cực kỳ phiến diện.

Tình cờ thì đây cũng chính là câu trả lời cho câu hỏi về việc tại sao có nhiều tác phẩm thuộc mảng Dystopia rơi vào trong Sci Fi đến thế mà bạn mod kia đã nêu ra trong post gốc. Dystopia là đặt xã hội của con người lên bàn cân, để đề ra các giả thuyết về hình thái xã hội, cách loài người ứng xử với nhau trong những tình huống giả định, chiêm nghiệm hệ quả của các mô hình kinh tế cũng như chính trị tiềm năng nếu được áp dụng thật... Đề ra giả thuyết, lập mô hình, dự đoán hệ quả - đây chính là những bước thiết yếu của các công trình nghiên cứu khoa học đã hình thành nên nửa kia của Sci Fi: khoa học xã hội.

Như mọi người có thể thấy, Sci Fi hoàn toàn chẳng khó hiểu hơn Fantasy tí nào. Ừ, nó sẽ giới thiệu những khái niệm mọi người chưa biết đến, hay thậm chí còn chưa tồn tại trên đời, nhưng chẳng lẽ Fantasy lại không làm thế? Fantasy có hòn đá phù thủy, cốc lửa, bảo bối tử thần, tưởng ký, khóa cảng,… toàn những thứ trời ơi đất hỡi ở đâu đó mà ra, có khác gì Sci Fi đâu?

Cũng y hệt như Sci Fi, Fantasy sẽ buộc phải nắm tay mọi người và giải thích hết những khái niệm mới lạ ấy, và nó sẽ phải làm điều đó theo một cách hết sức dễ hiểu. Fantasy không thể bắt mọi người phải hiểu sẵn về văn hóa tộc Celt để biết về chữ Runes, không bắt mọi người phải thuộc điển tích kinh Tân Ước để biết về chén thánh chúa Jesus, không bắt mọi người phải quen thuộc với nghiên cứu về giả kim của các triết gia cổ như Alain de Lille, Albertus Magnus, Arnold of Villanova để hiểu về giả kim thuật, mà nó sẽ chắt lọc và phát triển từ đó để đảm bảo cung cấp cho mọi người một lượng thông tin nền tối thiểu nhất, vừa đủ để theo dõi câu chuyện mình muốn kể.

Lật ngược lại, đây cũng chính là những gì Sci Fi làm. Sci Fi sẽ không đòi mọi người phải giỏi toán, không bắt mọi người phải biết hố giun là gì, hay đến Albert Einstein, Isaac Newton, Louis Pasteur là ai nó cũng chẳng bắt mọi người biết. Thậm chí, có khi nó còn tảng lờ luôn phần khoa học nền, chỉ chú trọng vào các thành phẩm mà khoa học làm ra. Như câu chuyện Harry bản Sci Fi chế ở trên đã minh chứng, Sci Fi chỉ cần nhắc đến một số thành phẩm mà ai cũng biết như súng ống, người ngoài hành tinh, đèn pha là xong rồi, có bắt mọi người cân bằng electron hay đo bước sóng của ánh sáng gì đâu?

Sci Fi và Fantasy thực chất là hai mặt của một đồng xu. Chúng có những yếu tố mới mẻ cần giải thích, và sẽ luôn đảm bảo cách giải thích của mình không vượt quá tầm của người đọc mục tiêu. Cái duy nhất khiến Sci Fi “khó hiểu” hơn Fantasy là lời giải thích của nó dính phải cái mác khoa học, trong khi chúng ta đã bị định hình từ lúc ngồi học phổ thông để cảm thấy khoa học như một con ngáo ộp rồi. Thế nên chỉ cần nghe đến tên nó thôi là ngay lập tức phần đông mọi người sẽ mường tượng ra trong đầu nào là hằng đẳng thức cosin, nào là kết tủa bazơ, nào là quy tắc bàn tay phải,… trong khi chẳng có cuốn Sci Fi phổ thông nào nó lại đưa ba cái thứ hầm bà lằng đấy vào cả, kể cả nếu nó tập trung vào khoa học tự nhiên thay vì khoa học xã hội.

Chính vì thế, mọi người hãy gạt bỏ những e dè về việc Sci Fi là một thứ gì đó cao siêu bác học đi, mà hãy cứ nhìn nhận Sci Fi với đúng bản chất của nó: một dòng văn học. Bất kể “khẩu vị” đọc của mọi người có là gì đi chăng nữa, Sci Fi cũng sẽ có một món vừa miệng. Mọi người thích tình cảm lãng mạn? Giải cứu Thời gian sẽ sẵn sàng phục vụ. Ưa thứ gì đó triết lý sâu sắc hơn ư? Thế giới Mới Tươi đẹp đã đứng chờ từ chiều. Muốn giải trí sau ngày căng thẳng? Thanh niên tưng tửng mang tên Bí kíp Quá giang Vào Ngân hà sẽ cù cho mọi người lăn ra đất. Muốn suy luận hack não với trinh thám? Người Chạy xuyên Không gian và Sáu đợt Thức tỉnh sẽ giúp mọi người được guồng cơ óc. Muốn khám phá khoa học thực tiễn? Người về từ Sao Hỏa hân hạnh tài trợ chương trình này. Muốn thứ gì hardcore hơn thế nữa? Tam Thể sẽ cho mọi người biết ai là daddy trong cái nhà này. Cần một thứ đậm chất nhân văn và xúc động nghẹn ngào? Hoa trên mộ Algernon và Trạm tín hiệu số 23 sẽ là điểm dừng chân hợp lý. Cảm nắng anh công an huyện nhưng chưa biết bắt chuyện kiểu gì? Hãy ghé thăm Oceania cùng với Winston trong 1984. Mại dzô! Mại dzô!

Và trong trường hợp mọi người còn ái ngại, hãy biết rằng từng có một thằng mấy lần suýt đúp lớp vì hóa và tí nữa tạch tốt nghiệp vì lý nhưng về sau lại trở thành một trong những con nghiện Sci Fi thuộc dạng nhất nhì Việt Nam, và nó chính là đứa gõ ra bài sớ này đây 🐧.

Và tiện thì đến tận bây giờ, dù đã đọc xong 7749 quyển Sci Fi, chưa kể còn đã dịch và xuất bản truyện cũng trong mảng Sci Fi nốt (với một số còn là cho chính Nhã Nam), thằng đấy vẫn chẳng hiểu ôxít khác gì với axít đâu 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.