Chuyển đến nội dung chính

Review A Dead Djinn In Cairo & The Haunting Of Tram Car 015 của P. Djèlí Clark

 


🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌑 🌑 🌑

7.0/10

=====

TL;DR

=====

The Caves of Steel. Cực giống. Cả về điểm mạnh lẫn yếu. Có điều thay rôbốt bằng thần đèn.

==============

CỐT/VĂN PHONG

==============

A Dead Djinn in Cairo (gọi tắt là Djinn) và The Haunting of Tram Car 015 (gọi tắt là Tram Car) là hai cuốn truyện ngắn do tác giả P. Djèlí Clark sáng tác. Hai cuốn này lấy bối cảnh chung là Ai Cập trong thập niên 1910, chỉ có điều lúc bấy giờ, một nhà phát minh/pháp sư tà đạo đã chọc xuyên được một lỗ vào Kaf, chiều không gian chứa đựng các thế lực ma thuật trong tín ngưỡng Ả Rập, khiến phép thuật tràn sang thế giới thực của chúng ta. Sự kiện này đã biến Cairo trở thành thủ phủ mới của thế giới, nơi con người và những sinh vật thần bí sống chung với nhau.

Tuy nhiên, không phải mọi sự đều tốt đẹp. Tự nhiên thả một quả bom to tướng mang tên “phép thuật” vào giữa xã hội thì kiểu gì nó cũng sẽ loạn. Chính thế mà chính quyền Ai Cập đã lập ra một bộ riêng có tên Bộ Giả Kim, Bùa Ngải & Các Thực Thể Siêu Nhiên (bởi vì gọi là Bộ Phép Thuật thì quá mainstream 🐧 ), chuyên giải quyết các vấn đề do phép thuật gây ra. Và nội dung 2 cuốn truyện ngắn trên xoay quanh 2 vụ việc mà nhân viên của bộ phải xử lý.

Cả Djinn lẫn Tram Car đều sử dụng một kiểu mô típ cốt: một vụ án bí hiểm nào đó xảy ra (Djinn là có một con Djinn bị giết, Tram Car là có một cái toa tàu điện bị thứ gì đó ám), điều tra viên của bộ được phái đến, tìm hiểu nguyên nhân, sau đó hóa giải vụ việc. Nghe có vẻ khá là tiêu chuẩn, bởi vì nó… tiêu chuẩn thật 🐧. Cũng giống như bro Asimov với cuốn The Caves of Steel, P. Djèlí Clark là dân viết SFF, không phải người viết trinh thám. Chính thế nên ông anh chỉ có thể rập khuôn cho cốt thôi, chứ sáng tạo mới thì khó.

Trong hai quyển này thì Tram Car đọc hay hơn hẳn. Lý do rất đơn giản: nó dài gấp 3 thằng Djinn. Quyển Djinn đâu có 40 chục trang, vèo một phát là hết, trong khi Tram Car lại có tận 130 trang giấy, tha hồ mà phát triển mạch truyện. Chính bởi thế nên trong Tram Car, tác giả có nhiều đất để dẫn dắt lắt léo hơn, cho điều tra viên thử đi thử lại mấy lần, thất bại đủ kiểu rồi mới nhận ra bản chất con ma kia là gì, và rồi mới giải quyết được nó. Djinn thì phi vội vkl. Bà điều tra viên thậm chí còn chưa kịp đoán phát nào thì đã có người dâng lời giải lên tận mồm 🐧. Thật may là mình đọc Djinn sau khi đọc Tram Car, chứ nếu đọc đúng thứ tự thì đã vứt cả cái series đi rồi.

Nhưng cả 2 đều được cái là phần hành động kết truyện rất gay cấn và hấp dẫn. Lẽ đương nhiên, Tram Car vẫn ăn đứt Djinn, ở mọi khía cạnh, vừa có hài hước vừa có hành động, và phần hành động cũng có nhịp lên xuống riêng rất kịch tính, còn thằng Djinn thì phải khép nhanh câu chuyện lại nên nó chỉ có một nấc thôi, và cũng chỉ hành động thuần thôi, thế nên không có kiểu quay người đọc như chong chóng được.

================

Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI

================

Đây mới là cái phần thú vị nhất của hai cái tác phẩm này: cái thế giới của nó.

Như đã nói ở trên, truyện lấy bối cảnh Ai Cập thập niên 1910. Nội cái điều này thôi, chưa cần tính đến zinn zủng phép thuật gì, đã đủ để cả 2 cuốn trở nên cực kỳ độc đáo. Thứ nhất là bối cảnh Ai Cập được mô tả rất chân thực, tạo cảm giác mới mẻ hẳn so với những cuốn Fantasy Noir chỉ đơn thuần lấy bối cảnh phương Tây. Quyển Tram Car thì khỏi nói rồi, giới thiệu được đủ cả từ các cái vấn đề chính trị, nét văn hóa cho đến tục ẩm thực của dân Ai Cập để hình ảnh Cairo hiện lên cực kỳ chân thực. Ngay cả thằng Djinn cũng làm khá tốt mảng này, bất chấp bị chết tắc trong cái giới hạn 40 trang chết trôi của mình.

Bên cạnh đó thì giai đoạn 1910 là lúc công nghệ hãy còn thô sơ, thế nên cả hai cuốn truyện mang một sắc Steampunk cực kỳ rõ nét, bất chấp việc công nghệ không phải là tâm điểm của chúng nó. Như mình nhớ thì cái thằng Djinn thậm chí còn chẳng đả động gì mấy đến phần công nghệ của nó, nhưng thông qua những lời bóng gió về phục trang cũng như bối cảnh xã hội, mình vẫn mường tượng ra được hòm hòm cái nét cổ pha hiện đại của dòng Steampunk. Mặc dù phải thú nhận là một phần cũng vì đã đọc Tram Car từ trước nữa, thế nên biết luôn thằng này là Steampunk rồi 🐧.

Phần phép thuật cũng được xây dựng rất ngon lành. Tác giả không phân tích cụ thể cơ chế hoạt động của mọi thứ ra sao, mà luôn nói kiểu úp mở, chỉ giải thích vừa đủ để ta hiểu tình hình và biết phép thuật trong này có thể làm được những gì, còn đâu giữ nguyên vẻ thần bí cho nó. Cái mà ông anh tập trung vào miêu tả nhiều nhất là cách phép thuật làm thay đổi đời sống của Cairo, tạo ra những ngành và “ngành” vừa hấp dẫn vừa chân thực, đồng thời cũng là tác nhân gây ra một số biến động lớn về xã hội, khai sinh ra những phong trào có tác động xuyên suốt trong truyện (ít nhất là quyển Tram Car thì thế). Các nhân vật thần thánh ma quỷ siêu nhiên cũng được tích hợp một cách rất khéo léo vào trong xã hội Cairo, cho thấy đám này cũng có những nét rất “người”, mặc dù khi cần thì bro tác giả vẫn không ngại cho ta thấy không phải vô cớ mà chúng nó được tôn lên làm thần.

=========

NHÂN VẬT

=========

Như đã nói ở trên, 2 cuốn này rất giống với The Caves of Steel, và trong đó bao gồm cả giống về yếu điểm của nó nữa. Thế nên xin được mượn lại lời nhận xét từng đăng trong bài review The Caves of Steel:

Nhân vật trong này ngu vl 🐧.

Mặc dù cũng không hẳn.

Cái điểm khác biệt lớn nhất giữa Asimov và Clark là nhân vật của Asimov thì… ngu thật, đến mấy cái hết sức hiển nhiên cũng chẳng nhận ra. Riêng dàn nhân vật của Clark thì lại là dân có não hẳn hoi, mỗi tội… không kịp dùng 🐧.

Cụ thể là nhân vật chính trong cả Djinn lẫn Tram Car đều luôn nhận ra vấn đề nằm ở đâu. Họ biết câu trả lời hiển nhiên là gì, và biết tại làm sao mà nó lại không ổn. Chỉ có điều ngay khi họ vừa bắt đầu đặt câu hỏi thì tự nhiên câu trả lời đã từ trên trời rơi xuống, và họ chỉ việc chớp lấy thời cơ nữa thôi. Thằng Djinn là bị dính quả này nặng nhất, với đồng chí nhân vật chính vừa mới bắt đầu thấy nghi ngờ thôi là đã có một nhân vật khác tòi mặt vào, nói toạc móng heo ra hết sự tình. Tram Car thì ít nhất còn đỡ, vì ông điều tra viên còn có mấy dịp phải xách mông lên mà tự điều tra, và còn có ít nhất 3 lần trong truyện tự mình luận ra giải pháp rất hay và rất chuẩn. Nhưng ngay cả ông này cũng bị dính mấy phát chưa kịp lắc não thì đã có một nhân vật khác tòi ra lắc hộ cho rồi. Được cái là dàn nhân vật của Tram Car có cái kiểu hài hài, và ngay cả trùm cuối cũng còn thú vị, thế nên theo dõi hành trình của họ vẫn còn thích. Cái Djinn thì kiểu toàn phẳng lét ấy, và thằng trùm chẳng có nét tính cách nào ngoài… nó là trùm. Hết 🐧.

=========

TỔNG KẾT

=========

Bất chấp những hạn chế gây ra bởi độ dài của mình, A Dead Djinn in Cairo và The Haunting of Tram Car 015 vẫn là hai cuốn Fantasy Noir thú vị. 2 quyển này dù đặt chung trong một thế giới, và cũng có crossover với nhau 1 tí, nhưng hoàn toàn có thể đọc độc lập, không cần phải theo trình tự gì cả. Mình khuyên anh em nên đọc cuốn Tram Car trước, nếu không vì cái cốt thì ít nhất cũng hãy tận hưởng cái thế giới của nó, và sau đó thì có thể dừng luôn ở đấy nếu muốn. Cuốn Djinn thì tốt nhất nên coi như ngoại truyện, thích thì đọc, không thì thôi.

Và nhân tiện, Djinn có thể được đọc free trên web của bên Tor.com, hoặc mua miễn phí trong tuyển tập các truyện ngắn hay nhất năm 2016 mà bên Tor.com xuất bản trên Amazon nhé: https://www.amazon.com/Some-Best-Tor-com-2016-Original-ebook/dp/B01MS8EZ9X/ref=sr_1_7?dchild=1&keywords=best%20of%20tor.com&qid=1591709055&s=digital-text&sr=1-7

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.