Sau khi review bộ Foundation hôm qua, mình lại nhớ đến một series khác cũng có khá nhiều điểm tương đồng với nó, chỉ có điều nằm ở Fantasy chứ không phải ở Sci Fi, ấy là bộ manga Archenemy and Hero do Ishida Akira vẽ, dựa trên bộ light novel cùng tên của Mamare Touno.
Cũng như trong Foundation, Archenemy and Hero có một cái thế giới khá “tiêu chuẩn,” chỉ khác mỗi cái của Foundation thì chuẩn đế chế vũ trụ bao la với mấy cái hành tinh một màu trong khi Archenemy and Hero thì là chuẩn High Fantasy với người hùng đi diệt quỷ vương. Trên thực tế, cái series này nó còn “chuẩn” đến mức không buồn đặt tên cho nhân vật luôn, mà dùng vai trò với chức tước của nhân vật để gọi nhau thôi (VD: Hero, Demon Queen/Crimson Scholar, Female Knight, Head Maid, Big Sister Maid, Little Sister Maid, Young Merchant, Dragon Princess, Lone Winter King,…). Nói cách khác, nó xác định rõ luôn mình chẳng có cái gì đặc biệt hết rồi, và chẳng buồn giấu giếm điều ấy.
Tuy nhiên, cả hai thanh niên này đều đào cực kỳ sâu vào những yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới mình, dựa trên quá trình phát triển của lịch sử thật, với Foundation thì là sự suy tàn và sụp đổ của Đế chế La Mã, còn Archenemy and Hero thì là lịch sử Trung Cổ giai đoạn thế kỷ 14-15 gì đó. Dựa trên cái tiền đề đấy, cả hai đều xây dựng lên rất nhiều màn lừa lọc lắt léo, với những chính sách tài chính tiền tệ hoặc phát kiến công nghệ được sử dụng như vũ khí mềm để các quốc gia và các phe phái gài nhau hay móc ngoặc với nhau nhằm củng cố địa vị của bản thân.
Nhưng mà Archenemy and Hero cũng có khá nhiều điểm khác biệt so với Foundation. Cái dễ thấy nhất là nó đọc trôi hơn hẳn. Bất chấp việc cũng có nhiều đoạn giải thích khá là cồng kềnh, hay như chúng ta vẫn hay gọi là mấy cái “tường chữ” ấy, Archenemy and Hero nắm một lợi thế cực kỳ to lớn là nó có hình ảnh minh họa đi cùng, chưa kể bản thân cái giọng viết nó cũng đã hài hài một tí rồi, không cứng đờ đờ như Asimov.
Thêm một cái nữa là Archenemy and Hero không bị bó buộc bởi tư tưởng bài xích chém giết đến cực đoan như Foundation. Trong Foundation, Asimov đã nói thẳng thừng rằng bạo lực là chốn cư ngụ cuối cùng của những kẻ bất tài, và 99% các vấn đề đều được giải quyết bằng võ mồm hoặc đơn thuần chỉ nằm im cho địch đánh chán thì thôi (nói nghiêm túc đấy nhé 🐧 ); riêng Archenemy and Hero thì coi bạo lực như một công cụ đơn thuần và sẵn sàng dùng khi cần đến (mặc dù cũng đả kích nó rất mạnh), thế nên series có rất nhiều cảnh hành động đan xen vào, giúp giữ được kịch tính, đồng thời cũng tranh thủ đá qua các vấn đề chiến thuật quân sự Trung Cổ luôn.
Khốn nạn mỗi một cái là Archenemy and Hero bị mắc một thứ rất khó chịu mà mình vẫn hay gọi là “wibu-itis.” Cụ thể là cách nó đôi khi hơi bị lạm dụng mấy cái mô típ câu khách ngứa thịt của manga. Đùa một tí để giữ cho mấy phần giải thích kinh tế các kiểu nó nhẹ nhàng hơn thì cũng ok thôi, nhưng lắm lúc cứ có mấy cái đùa rất nhạt, nếu không muốn nói là vô duyên, thò cái mặt vào. Đang giữa lúc bàn về tính thanh khoản của khoai tây và chính sách thuế xuất nhập khẩu nhằm khắc phục thâm hụt thương mại thì tự nhiên bà họa sĩ hay biên tập của truyện lại tòi ra, gào vào tai là “Cười đi, định mệnh mày, cười!” hoặc là “Vếu đây, vếu đây, mại dzô, mại dzô!” Nó không đến mức làm cho mạch truyện phanh kít lại, nhưng mà cũng như kiểu đang phóng bon bon trên đường thì vấp phải ổ gà ấy, phá game vl.
Nhưng mà nói chung thì nếu cảm thấy ưng cái ý tưởng của Foundation nhưng mà hơi ngại cái kiểu văn sa mạc của Asimov thì anh em có thể ngó qua bộ này nhé. Lưu ý tí là nó có khá nhiều phiên bản chuyển thể manga, nhưng phiên bản được coi là chính thức có tên là Maoyuu Maou Yuusha - "Be Mine, Hero!" "I Refuse!".
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓