Để hiểu về Sci Fi thì trước hết phải hiểu “Speculative Fiction” là gì. Thuật ngữ này dịch ra là “giả tưởng tư biện,” hoặc còn gọi là “giả tưởng suy đoán.” Ngày nay thì có thể nói gọn hơn là "giả tưởng" không thôi cũng được, vì chính ra trong đó cũng đã kèm nghĩa tư biện rồi. Giả tưởng bao gồm rất nhiều dòng phụ, trong đó có Sci Fi, Fantasy, Weird Fiction, Horror,… Các tác phẩm giả tưởng có thể đối nghịch hẳn nhau (VD: truyện Sci Fi và truyện Fantasy), nhưng tựu trung lại luôn được xây dựng từ một câu hỏi nền tảng: “What if (nếu)…?”
Tuy nhiên, không phải cứ có yếu tố “Nếu…?” là auto thành giả tưởng. Quan trọng là cái “Nếu…?” kia phải đủ “điêu,” đủ xa rời sự thật. Giả sử một truyện xây dựng dựa trên ý tưởng “Nếu tôi bị bắt cóc thì sao?” không được coi là giả tưởng, vì nó hoàn toàn có thể xảy ra. Ngược lại, “Nếu tôi bị bắt cóc lên Sao Hoả thì sao?” sẽ được coi là giả tưởng, bởi vì nó đủ xa thực tế.
Dưới đây là một số ví dụ về các tác phẩm sử dụng câu “Nếu…?” đủ tiêu chuẩn làm giả tưởng:
- Harry Potter: Nếu phù thuỷ có thật ở thời hiện đại thì sao?
- Game of Thrones: Nếu rồng, quỷ, phép thuật có thật ở thời Trung Cổ thì sao?
- Starship Troopers: Nếu bọ ngoài hành tinh tồn tại và muốn làm thịt con người thì sao?
- I, Robot: Nếu có 3 định luật chặt chẽ để quản lý hành động của rôbốt thì sao?
- Animorphs: Nếu con người có quyền năng hoá thú thì sao?
- Lord of the Rings: Nếu có một chiếc nhẫn huyền thoại giúp ta làm bá chủ thiên hạ thì sao?
Tóm lại, muốn biết một tác phẩm bất kì có thuộc Speculative Fiction, hay giả tưởng, cứ áp cốt truyện của nó vào thế giới thực xem chênh lệch nhau cỡ nào. Nếu nó lệch hẳn, hoặc phải rất lâu nữa mới thành hiện thực, đó ĐÚNG là giả tưởng. Ngược lại, nếu nó ăn khớp, hoặc mai xảy ra luôn được, đó KHÔNG phải giả tưởng.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓