Vì sắp tới thằng Ngõ Cụt sẽ ra mắt, mình đã ngồi
cày lại cả series này để review cho anh em. Thực ra đọc xong từ hôm kia rồi,
nhưng nhìn lịch thấy hôm nay có mấy quả kỷ niệm khá hợp, thế nên dời bài sang
hôm nay.
🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌖🌑
8.75/10
=====
TL;DR
=====
The Decline and Fall of the R̵o̵m̵a̵n̵
̵E̵m̵p̵i̵r̵e̵ Universe + A Brief History of T̵i̵m̵e̵ A Past Outside of Time.
==============
GIỚI THIỆU CHUNG
==============
Tam Thể là tên cuốn đầu tiên trong bộ trilogy
tiểu thuyết của Lưu Từ Hân. Đây là một series Hard Sci Fi Trung Quốc, lấy nền tảng
là Nghịch lí Fermi (nếu người ngoài hành tinh có tồn tại thì sao mãi chẳng thấy
ai thò mặt ra vậy?) và cuộc tiếp xúc lần đầu giữa con người và một nền văn minh
tiên tiến ngoài hành tinh. Từ đấy, Tam Thể phát triển lên thành cả một bộ biên
niên sử đồ sộ phi thường, chiêm nghiệm về tương lai của nhân loại nói riêng và
vũ trụ nói chung.
Đúng như cái tên “trilogy” của mình, series
bao gồm ba cuốn là:
1) Tam Thể (The Three-Body Problem)
2) Khu Rừng Đen Tối (The Dark Forest)
3) Tử Thần Sống Mãi (Death’s End)
Ngoài đây ra thì còn 2 cuốn ngoại truyện khác
nữa, một do Lưu Từ Hân viết, một là fanfic nhưng về sau được bro Lưu gật đầu
cho gộp vào vũ trụ chính. Tuy nhiên, anh em không cần đọc 2 cuốn đó thì sẽ vẫn
hiểu được nội dung của series chính
Thực ra tên chính thức của series này là
Remembrance of Earth's Past (gốc là Địa Cầu Vãng Sự). Tuy nhiên, vì cái tên lằng
nhằng quá, chưa kể đến tít tập cuối mới bắt đầu hiểu full được ý nghĩa của nó,
thiên hạ từ Tây đến Tàu đều dùng tên quyển đầu để gọi chung toàn series. Và như
anh em đã thấy ở đoạn đầu, trong bài review này, mình cũng sẽ để Tam Thể là cái
tên của bộ truyện.
Thêm một lưu ý nữa là bản mình đọc là bản dịch
tiếng Anh, thế nên một số thứ đề cập trong review này có thể sẽ lệch với bản Việt.
=====================
MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG
=====================
Như đã nói ở trên đó, series Tam Thể mang một
tầm vóc vĩ mô vô cùng, động đến cả vận mệnh của toàn bộ vũ trụ. Nhưng được cái
là bro Lưu phân bổ và xây dựng truyện rất khéo, để cho mọi thứ tăng tiến dần dần,
không bùm một cái thả người đọc vào trong một bối cảnh quá choáng ngợp mà đi từ
những thứ thân quen lên trước đã. Càng vào sâu, anh em càng thấy mọi thứ mở rộng
ra trước mặt mình, và nhảy hẳn vào những thế giới xa lạ và kỳ vĩ ngoài sức tưởng
tượng. Cách làm này giúp anh em chẳng đến nỗi ngơ ngơ không hiểu chuyện gì đang
xảy ra, nhưng vẫn không làm mất đi sự ấn tượng của quy mô thực sự của truyện,
khiến mọi người không khỏi há hốc mồm ra trước cái tầm của nó.
Bản thân cốt truyện cũng được dẫn dắt một cách
hết lức ly kỳ và lôi cuốn. Trong cuốn Tam Thể, phát pháo mở màn của series, anh
em sẽ cảm thấy mình như đang đọc một tác phẩm trinh thám hiện đại (mỗi tội rất
nặng đô phần khoa học), được dẫn dắt đi hết bí ẩn này đến bí ẩn khác, với mọi
manh mối lại đẻ ra một câu hỏi hoặc một cái plot twist mới, hứa hẹn đang có những
điều kịch tính hơn đang chờ đợi phía trước. Các yếu tố Sci Fi được tận dụng một
cách rất điêu luyện, vô hiệu hóa mọi thứ lôgic mọi người có thể sử dụng hòng
đoán định diễn tiến sắp tới, bởi lẽ đây là một bí ẩn không thể sử dụng lối tư
duy “Địa Cầu” quèn mà luận ra nổi. Thế rồi khi các bức màn dần được vén lên,
anh em vẫn sẽ không khỏi sững người vì sự hợp lý đến rùng rợn của nó. Tất cả mảnh
ghép đều rơi vào đúng chỗ, mọi câu hỏi đều được giải đáp thỏa đáng, và khi nhìn
ngược lại, mọi người hẳn sẽ thấy sự tình không thể nào khác đi được.
Cuốn Khu Rừng Đen Tối thì không thể nào chê được
tí gì về khoản cốt hết. Nó cải thiện và nâng cấp mọi phương diện của Tam Thể, với
độ kịch tính tăng cao bội phần. Riêng quyển này thì có thể nói như mấy bộ Death
Note cùng khắc nhập vào với nhau vậy, xoay quanh gần như hoàn toàn những màn đấu
trí, lừa lọc giữa những cá nhân tinh túy nhất mà nhân loại có với một nền văn
minh nguy hiểm ngoài sức tưởng tượng, trong khi cũng phải đánh lừa chính cả đồng
bào của mình với tầng tầng lớp lớp sự dối trá để đảm bảo kế hoạch của bản thân
không bị gián điệp của phe địch phát giác. Mọi người chắc chắn sẽ trở nên hoang
tưởng cực nặng trong quyển này, săm soi đến từng lời ăn tiếng nói, nhất cử nhất
động của các nhân vật, không thể tin tưởng được bất cứ điều gì, mà cũng chẳng
dám không tin bất cứ cái gì cả, bởi vì ai cũng đều biết đây là lúc con người bị
dí vào chân tường rồi, và sẽ không một thủ đoạn nào, bất kể điên rồ và tuyệt vọng
đến đâu, bị loại khỏi vòng cân nhắc hết.
Nhưng rốt cuộc, kể cả nếu anh em có là cháu
đích tôn của Conan Doyle hay là đệ ruột của Stephen Hawking thì cũng vô dụng.
Không một thứ gì có thể chuẩn bị nổi cho mọi người trước cái kế hoạch thật mà
những con người kia định triển khai, bởi vì chúng nó điên rồ và tàn ác đến tột
độ. Chính vì thế, khi sự thật được phanh phui, hoặc là nhân vật tự nói ra, hoặc
bị gián điệp phe địch bóc mẽ, anh em sẽ không khỏi thấy rét run trước cái sự
máu lạnh của chúng nó, đồng thời còn cả thầm khâm phục theo một cách đầy bệnh
hoạn trước cái độ khủng của khối óc đã nghĩ ra nó, hoặc cái khối óc đã luận ra
được nó giữa một rừng dối trá như thế kia.
Mệt mỗi cái là thằng Tử Thần Sống Mãi lại hơi
bị đuối so với hai thanh niên trên về khoản cốt. Nó vẫn lưu giữ những yếu tố đã
làm nên sự thành công của Tam Thể và Khu Rừng Đen Tối, vẫn có những sự kịch
tính, những màn đấu trí hay ho, và thậm chí còn nâng tầm series lên ở cực kỳ
nhiều khoản. Mỗi tội là lượng sạn ở phần này cũng nhiều hẳn lên, với một số diễn
tiến và tình tiết cứ mang tính rời rạc, hay có khi còn ngô nghê nữa. Đọc cái
truyện mà có cảm giác như thể bro Lưu có quá nhiều ý tưởng muốn trình bày trong
cái series này, nhưng vì kỵ số 4 nên cố gắng nhồi nhét hết vào trong quyển cuối
để mọi thứ dừng ở 3. Rốt cuộc là câu chuyện không có thời gian để thở (hay ít
nhất là không đủ thời gian thở như 2 cuốn trên), tạo cảm giác hấp tấp và vội
vàng hơn hẳn.
Nhưng còn một thứ có thể tệ hơn cả cốt của Tử
Thần Sống Mãi, ấy là cái giọng văn của đồng chí Lưu.
Như mình đã nói đấy, series này là Hard Sci
Fi, tức là nó có một lượng thông tin khoa học công nghệ khổng lồ, với độ chính
xác cao vô cùng. Tất nhiên, điều ấy không đồng nghĩa với việc nó sẽ làm tác phẩm
trở nên khó tiếp cận. Đã từng có vô vàn tác phẩm Hard Sci Fi được đón nhận tốt
vì tác giả rất biết cách cân bằng và tích hợp phần khoa học vào mạch cốt rồi,
chẳng hạn như bộ truyện The Expanse (và series phim chuyển thể) của James S. A.
Corey cùng bộ phim Interstellar của Christopher Nolan. Cả hai đều có nồng độ kiến
thức khoa học rất đậm đặc, và tính chính xác của chúng cũng khá cao, nhưng đều
rất dễ thưởng thức.
Mỗi tội Tam Thể lại không phải vậy.
Lưu Từ Hân viết series này theo một phong cách
có thể nói là xương xẩu kinh hồn: chú trọng đưa thông tin, giải thích ý tưởng,
tạo dựng lôgic, kệ mợ tất cả những thứ còn lại. Anh em sẽ thường xuyên gặp cảnh
những “cục” to đùng, đầy chữ với chữ thả chình ình vào giữa câu chuyện, với gần
như không một tí nỗ lực nào nhằm giúp nối nó vào một cách tự nhiên. Nó làm trải
nghiệm đọc tiệm cận cực kỳ sát với đọc một bài viết khoa học trên Wikipedia, cứ
đi được một đoạn là lại bấm link nhảy tót sang một bài giải thích thuật ngữ kỹ
thuật mới, và sau một hồi ong hết cả đầu thì mới quay ngược về được với bài
chính. Ngay cả mình vốn tối ngày cắm đầu vào mấy thứ khoa học cũng đến phát ngộp
với nó, và phải quẳng sách đi đọc mấy cái truyện ngắn random cho nó nhẹ đầu,
xong mới dám quay về đọc tiếp.
Cũng may một cái là giọng văn của bro Lưu mềm
dần theo chiều dài series, và đến cuốn cuối cùng thì có nhiều đoạn câu từ nghe
cực kỳ trôi tai, thậm chí còn có thể nói là có chất thơ nữa. Có một đoạn nói hẳn
ra thì lộ mất một mạch cốt rất quan trọng, nhưng thực sự là chỗ này đọc vào mà
cứ có cảm tưởng không phải do Lưu Từ Hân viết ra ấy (một phần cũng vì đoạn này
là Fantasy thuần túy, thế nên ông anh không nhồi nhét khoa học gì vào cả).
Thêm một vấn đề nữa với giọng văn là series đảo
điểm nhìn xoành xoạch, lắm lúc vừa đảo điểm nhìn vừa nhảy cóc tới trước cả trăm
năm, khiến anh em thỉnh thoảng sẽ có mấy pha xây xẩm đầu óc, chững lại một tí
thì mới định hình được bản thân đang đọc cái gì. Nó không đến nỗi như kiểu
Foundation, cứ hơi tí là lại vứt sạch sành sanh mọi thứ đi, nhưng anh em cứ xác
định là phải liên tục làm quen với những thế giới mới đấy nhé.
===============
Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI
===============
Đầu tiên là về phần khoa học nền tảng của
thanh niên này. Bên trên mình liên tục gọi bộ này là Hard Sci Fi, nhưng thực chất
nói thế quá bằng sỉ nhục nó. Cái tên chuẩn của thanh niên này phải là Hardcore
Sci Fi mới đúng, bởi vì nó chẳng khác nào Dark Soul của Sci Fi nếu xét trên
phương diện kiến thức khoa học. Nếu đem
ra đặt cạnh thằng này, The Martian, The Expanse, Interstellar, Tenet,… sẽ đều
trông thảo mai chẳng khác nào Star Wars. Nó chứa đựng một lượng thông tin kỹ
thuật lớn kinh hồn kèm đủ thứ học thuyết và giả định vĩ mô trên trời dưới bể, cả
trong ngành STEM lẫn khoa học xã hội, tới mức gây ra cảm giác chỉ cần thêm đôi
ba cái phương trình vào thôi là có thể đem cái này in thành sách giáo khoa được.
Tất cả mọi thứ đều được đem ra giải thích và miêu tả một cách kỹ tã không tưởng,
giúp kể cả những người mù khoa học nhất cũng có thể nắm bắt được các khái niệm
cần thiết.
Ngay cả những thứ bịa đặt, chẳng hạn các món
vũ khí không gian liên kết nguyên tử bền hay thế giới trong các chiều không
gian bậc cao và bậc thấp, cũng được xây dựng trên một nền tảng khoa học cực kỳ
quy củ, được khắc họa theo cách vừa sống động vừa chân thực, tới mức ta hoàn
toàn có thể tin được rằng đây là một thứ tồn tại thật, chỉ chờ được khám phá ra
mà thôi. Nếu anh em mà có chút gì quan tâm đến khoa học thì gần như cái series
này sẽ là cả một thiên đường, và dù có không quan tâm khoa học đi chăng nữa thì
mọi người cũng sẽ không khỏi bị hớp hồn trước cái óc tưởng tượng chừng như vô
biên giới của bro Lư, cũng như bức họa cực kỳ xuất sắc mà thanh niên này đã tô
vẽ lên về những miền ảo mộng dị biệt như vậy.
Tiếp theo thì sẽ đến bản thân cái thế giới của
series. Đây có thể nói là cái phần hấp dẫn nhất trong toàn bộ series này, nhưng
đồng thời cũng là thứ khó bàn đến nhất, bởi vì nó khổng lồ quá. Như đã động đến
ở trên, Lưu Từ Hân rất thích cái trò nhảy cóc điểm nhìn và mốc thời gian. Cứ mỗi
lần như thế, ông anh lại đưa ta đến với một thế giới và xã hội mới toanh, chạy
từ thế giới của người ngoài hành tinh cho đến thế giới loài người.
Trong này thì ấn tượng nhất chắc chắn sẽ là
cái thế giới con người. Cứ mỗi lần một biến động nào đó xảy ra hay khi một khoảng
thời gian nào đó trôi qua, con người lại phải thay đổi để thích nghi, và cũng
như phần khoa học, tất cả các xã hội con người dựng ra trong bộ truyện đều được
xây dựng với một sự chân thực đến lạnh tóc gáy. Bro Lưu không bỏ qua bất kỳ
tình tiết nào, đánh vào mọi khía cạnh của thế giới, từ mô hình chính trị cho đến
loại hình kinh tế và thậm chí còn cả tâm sinh lý của con người trong thời đại/thế
giới này. Bất cứ series nào với chỉ đôi ba thế giới đạt tầm như thế thôi thì
cũng đã đáng nể lắm rồi, nhưng tính trung bình ra thì anh Lưu thả tận gần chục
cái thế giới như vậy trong mỗi quyển, tất cả đều chi tiết và sống động như
nhau, đến mức mình có mấy lần còn phải từ chối hiểu là trên đời lại có một người
mang cái đầu như ông anh này tồn tại.
Mà mấy cái thế giới này không chỉ có mỗi cái
mã bên ngoài thôi đâu. Mọi thế giới/xã hội đều có thể được hiểu dưới dạng một
phép ẩn dụ, tương trưng cho một triết lý và cách nhìn đời riêng biệt. Chúng
luôn có một tầng nghĩa thứ hai, một bức thông điệp tiềm ẩn để mọi người suy ngẫm.
Một số thế giới mang lại cảm giác như thể chúng là những mẩu truyện ngụ ngôn
thu nhỏ, đóng vai trò cảnh tỉnh hoặc phê phán một số tư tưởng nhất định. Một số
khác thì lại như một tấm gương đặt trước mặt chúng ta, khiến ta run rẩy trước sự
mong manh của những thứ gọi là đạo đức và đúng sai, buộc ta phải suy nghĩ rất
nhiều về bản chất của con người. Nói chung, đây như một cái nồi lẩu triết lý vậy,
anh em kiểu gì cũng sẽ có thể rút ra được đủ thứ từ những cái thế giới này.
========
NHÂN VẬT
========
Gần như toàn bộ điểm trừ của series đều nằm ở
cái chỗ này đây.
Nhân vật của Lưu Từ Hân được viết theo một kiểu
cực kỳ cứng. Thật kỳ diệu là trong một cái vũ trụ với cả chục chiều không gian
theo đúng nghĩa đen, bro Lưu lại không thể bố thí được cho nhân vật của mình ít
nhất thêm một cái chiều để họ trông đỡ phẳng. Vâng, đúng là nhân vật nào cũng
có quá khứ, có động cơ, và có sự phát triển hấp dẫn đấy, nhưng hầu hết tất cả đều
hành động như một con rôbốt. Nhiệm vụ của họ trong tác phẩm là đưa đẩy cái cốt,
chứ không phải là… làm người.
Cái này bị nặng nhất trong cuốn đầu tiên, với
các nhân vật như thể được đẽo ra từ cùng một tảng băng vậy. Không thể nào phân
biệt được ai vào với ai hết, bởi vì tính cách tất cả cứ mang một kiểu băng giá,
vô hồn, cứng còng hao hao nhau. Thật may là họ được quả cốt gánh rất mạnh, với
nhiều cơ hội thể hiện sự khôn khéo của bản thân khiến họ dù bị nhạt nhưng không
hề chán tí nào.
Cuốn thứ hai cái thiện được hơn hẳn cái mảng
này, mặc dù vẫn còn mắc hội chứng ma nơ canh khá nặng. Ít nhất thì nhân vật
chính lần này đã có một nét tính cách riêng biệt hẳn, khiến cho khi thanh niên
tương tác với những người khác thì không bị giống như kiểu đang tự đứng nói
chuyện trước gương nữa. Có thể mọi người chưa chắc đã thực sự thấy ưa được cái
kiểu tính cách của nhân vật đấy, nhưng dẫu sao, nó vẫn là một luồng gió mới, và
khi đến khoảng cuối truyện thì hẳn mọi người sẽ dễ thấy đồng cảm hơn.
Nhưng sang đến quyển cuối thì anh Lưu lại chơi
kiểu cực đoan vl.
Công bằng mà nói, quyển cuối có một số nhân vật
với thế giới nội tâm hấp dẫn hơn hai thằng đi trước. Trên thực tế, lúc đọc về một
nhân vật ở đoạn đầu, mình thực sự cảm thấy bị lôi cuốn bởi cái nét tính cách và
cái kiểu tư tưởng của thanh niên này, và cứ đinh ninh bro Lưu đã lên tay nghề
trong khoản nhân vật. Nhưng rồi chỉ sau vài chương, mình chỉ muốn quay về vả
cho thằng bản thân trong quá khứ mấy phát vì tội từng chê các nhân vật trong 2
cuốn ban đầu. Lý do giản dị thế này thôi:
Nhân vật trong này ngu vl.
Xét chuẩn ra thì mấy nhân vật chính cũng đầu
óc phết đấy chứ chẳng đùa, toàn kiểu người có ăn có học ngon lành, xổ được khoa
học nhanh hơn Eminem bắn rap, nhưng mà những quyết định họ đưa ra trong câu
chuyện chạy từ vô lý cho đến đần độn. Cực kỳ nhiều đoạn mình phải lật ngược trở
lại mấy chương để xem có bỏ lỡ gì không, vì như cuốn thứ hai đã dạy cho bài học
xương máu: chắc chắn phải có âm mưu gì chứ không ai tự nhiên ngu đến thế này được.
Nhưng hỡi ôi, tìm đỏ mắt vẫn chẳng thấy có cái gì đủ sức biện minh cho mấy hành
động đó cả.
Bực mình nhất là chỉ mỗi mấy nhân vật chính bị
thế thôi, còn dàn nhân vật phụ vẫn có cái kiểu tính cách thì bìa các tông nhưng
mà đầu óc thì đến bố L cũng phải quỳ xuống vái. Sự tương phản giữa hai dàn
chính phụ này làm mình không ngừng cảm thấy tiếc rẻ, chỉ muốn mấy cái ông chính
chết cụ nó đi hay làm sao đó cút cho thật nhanh ra khỏi câu chuyện để nhường đất
cho dàn nhân vật phụ tỏa sáng.
Nhưng không, bất chấp sự ngu độn của bản thân,
dàn nhân vật chính vẫn cứ lì lợm ở im đấy và tra tấn người đọc với cái quả tình
yêu được viết theo kiểu khó ngửi đến độ phi vèo qua cả địa phận Interstellar và
nhảy tọt vào lãnh thổ Rent-A-Girlfriend luôn (ừ, tớ đọc Rent-A-Girlfriend 🐧. Không, buông lâu rồi 🐧 ), trong khi dàn nhân vật phụ
cứ thế rụng dần, và teo tóp cùng họ là hy vọng cuốn 3 sẽ đạt được ngang tầm mấy
bậc tiền bối của nó.
========
TỔNG KẾT
========
Tam Thể là một bộ truyện với tầm vóc cực ít
tác phẩm có thể bì kịp. Nó có một mạch truyện cực kỳ hấp dẫn, một lượng lớn kiến
thức khoa học ở đủ mọi thể loại ngành (cả xã hội và nhân văn) được truyền tải rất
thú vị, vô số giả thuyết sáng tạo được khắc họa sinh động, và hàng bao thông điệp
cũng như bài học đáng suy ngẫm. Dẫu cho nó hay để ý tưởng và mạch cốt của mình
lấn hết phần nhân vật, chưa kể còn có một quả kết hơi hơi chùng, bộ truyện Tam
Thể chắc chắn sẽ đi vào lịch sử như một trong những kiệt tác của Sci Fi, hay thậm
chí còn là một tác phẩm văn học kinh điển thời hiện đại. Anh em rất nên dành thời
gian đắm mình trong thế giới của nó nhé.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓