🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌑🌑
8.0/10
=====
TL;DR
=====
Neuromancer + Death Note, viết bởi Sigmund
Freud.
==============
GIỚI THIỆU CHUNG
==============
The Demolished Man là cuốn tiểu thuyết Sci Fi
do Alfred Bester sáng tác, và là tác phẩm đầu tiên từng đoạt giải Hugo, giải
thưởng danh giá nhất làng SFF. Truyện là một trong những tác phẩm có thể được
coi như phiên bản tiền thân của Cyberpunk, ra đời từ tận trước khi cái dòng này
bắt đầu được định hình bởi những con người như Philip K. Dick và William
Gibson.
The Demolished Man lấy bối cảnh là thế kỷ 24,
trong một tương lai nơi khả năng thần giao cách cảm đã bắt đầu xuất hiện ở loài
người. Những người sở hữu khả năng ngoại cảm ấy được gọi là Esper, hay “peeper”
(tức “kẻ soi trộm,” ám chỉ khả năng thâm nhập trí óc và nhìn trộm suy nghĩ người
khác của họ), và họ được tích hợp vào mọi tầng lớp trong xã hội. Kể cũng hợp
lý, bởi chẳng lẽ lại có người không muốn được bác sĩ tâm lý đoán bệnh trúng
phóc, được thư ký tự động lên lịch và triệu người đến khi mình chưa cần mở mồm,
được nhân viên bán hàng tự động giới thiệu món đồ phù hợp nhất cho mình à?
Thực ra thì có đấy.
Người ấy tên là Ben Reichs, giám đốc của
nguyên một đế chế kinh doanh khổng lồ, dàn trải khắp Thái Dương Hệ. Reichs cực
kỳ thù ghét cái xã hội thời nay, khi con người ta gần như chẳng thể nào đi quá
được ba bước mà lại không đụng mặt một Esper.
Tại sao lại vậy ư?
Tại vì gã đang rắp tâm giết người.
Đã gần một thế kỷ rồi, chẳng một vụ giết người
được trù tính trước nào xảy ra được cả. Vì nơi nơi toàn những người biết đọc ý
nghĩ, thế nên kẻ sát nhân không sớm thì muộn sẽ bị một Esper phát giác và báo
cho cảnh sát. Kể cả nếu vì lý do thần kỳ nào đấy, tên hung thủ xuống tay giết
được mục tiêu, hắn cũng sẽ vô phương giấu nổi những mặc cảm tội lỗi và ký ức về
hành động của mình. Tất cả những gì hắn cần làm là bước ngang chỗ một Esper có
tay nghề thôi, và cái sóng não thất thường của hắn sẽ đánh động cho Esper kia
tò mò soi trộm tâm trí hắn, từ đấy biết hết chân tướng sự việc. Nói cách khác,
giết được người và thoát được tội là một điều hoàn toàn bất khả thi.
Ít nhất là với người thường thì như vậy.
Với kinh nghiệm mấy chục năm chinh chiến nơi
thương trường, phải chống chọi trước bao mưu hèn kế bẩn cũng như tự mình lập
mưu triệt hạ hàng bao đối thủ cạnh tranh đáng gờm, Reichs không phải là hạng tầm
thường chút nào hết. Kết hợp với khối tài sản khổng lồ và những nguồn lực phi
thường mà gã sở hữu, Reichs rắp tâm vạch ra một kế hoạch gây án hoàn hảo, vừa
giết được mục tiêu, vừa không bị ai phát giác hết. Đây sẽ là một cuộc đấu trí
vô tiền khoáng hậu giữa một kẻ tội phạm quỷ quyệt và hệ thống công lý nói riêng
cũng như toàn bộ xã hội loài người nói chung, và thứ đón chờ kẻ về nhì sẽ là…
Demolition!
=====================
MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG
=====================
Lúc ban đầu, The Demolished Man chủ yếu theo
chân nhân vật phản diện chính của chúng ta, ấy là Ben Reichs, kẻ sát nhân tiềm
tàng. Trong phần này, ta được tác giả dẫn đi khám phá động cơ giết người của
Reichs, cũng như những khó khăn mà gã phải vượt qua nếu không muốn bị xách cổ
đi làm Demolition. Chỗ này nhồi thông tin khá nhiều, đôi lúc theo một cách hơi
gượng, và anh em đọc có thể sẽ thấy hơi mệt. Nhưng được cái nó trình bày rất
lôgíc nguyên nhân Reichs muốn làm một cái việc động trời như thế, đồng thời dàn
dựng rất tốt nền tảng để về sau ta hiểu rõ tại sao các nhân vật lại cứ phải làm
những việc mình làm.
Và tiện nhắc đến việc mình làm, trong phần đầu,
ta cũng được theo dõi các bước chuẩn bị cho vụ giết người của Reichs. Alfred
Bester viết đoạn này một cách rất điêu luyện, tận dụng tối đa điểm nhìn của
Reichs để vừa lúc thì trưng ra những phương thức che đậy manh mối và tâm trí
tài tình, lúc thì giấu kín một số chi tiết quan trọng dưới cái sự ám ảnh và
dòng suy nghĩ có phần điên loạn của gã doanh nhân ấy, để duy trì một số bí ẩn
nhất định. Ta sẽ đồng thời được thấy một cách hết sức rất rõ rệt sự tỉ mỉ và
ranh ma của Reichs thông qua những hành động gã thể hiện, vừa không ngừng lấy
làm tò mò về một số điều ngỡ chừng vô nghĩa của gã, cũng như háo hức muốn biết
rốt cuộc một số tình tiết đầy bí hiểm mà gã cứ ám chỉ cũng như phương thức giết
người không bao giờ được gã nói rõ là gì.
Toàn bộ mạch chuẩn bị và vụ án mạng xảy ra rất
nhanh, chỉ tầm 1/4 quyển truyện là đã xong xuôi rồi, và sau đó ta chủ yếu quan
sát quá trình trốn tội của Reichs. Đáng chú ý ở đây là tác giả rất khôn, biết rất
rõ rằng vì mình đã nói toạc ra từ đầu Reichs là thủ phạm rồi nên nếu cứ cà kê
mãi vụ ai là hung thủ thì rất dễ làm độc giả phát ngán, hay thậm chí còn coi
thường IQ của các nhân vật phe thiện. Chính thế nên tác giả đẩy thanh niên thám
tử lên ngang hàng với người đọc một cách rất chóng vánh, nhoằng phát nhận ra
luôn Reichs chính là kẻ sát nhân. Song bất chấp cái tốc độ phi thường ấy,
Bester vẫn chú ý để mọi thứ diễn ra thật lôgic, không dựa vào một sự tình cờ ngẫu
nhiên hay cung mớm hoặc suy luận nhảy cóc quá cao siêu nào cả, mà để ông thám tử
tự mình trổ tài gài bẫy Reichs, từ đó xác định được bản chất của cái gã này.
Nối tiếp nó là một màn mèo đuổi chuột hết sức
hấp dẫn giữa Reichs và ông thám tử. Đôi bên đều biết người kia đang chĩa mũi
dùi vào mình, và ra sức tìm cách dồn ép và phòng thủ trước những nước cờ của
nhau. Ta được thấy cách truy Reichs khẩn trương sử dụng nguồn lực của công ty một
cách thật khéo léo, sao cho đủ hợp lý để thiên hạ không nghi ngờ gì mình mà vẫn
đủ sức che đậy mọi dấu vết; cách gã dần luận ra những cái bẫy mà ông thám tử
đang giăng và từ đấy nhảy né, và sau đó giăng ngược lại những cái bẫy của chính
mình. Đồng thời, ta cũng được theo bước ông thám tử trong quá trình ông ta vắt
óc luận ngược ra trình tự sự việc của vụ án cũng như phương thức gây án của
Reichs, đồng thời nghĩ kế chứng minh những nghi ngờ và lập luận của mình là
không thể sai vào đâu được, từ đó dồn đuổi cả Reichs lẫn những đồng minh của gã
vào bước đường cùng và quàng bản án Demolition lên người bè lũ nhà chúng. Trông
cảnh đôi bên cứ dồn dập đấu nhau qua lại, với thế thượng phong đảo xoành xoạch
thú vị lắm, và anh em sẽ cực khó quyết định nổi rốt cuộc bên nào sẽ chiến thắng,
hay thậm chí bản thân mình muốn ai sẽ giành phần thắng trong ván cờ này.
Nhưng lúc mọi sự bắt đầu bước vào giai đoạn
tàn cuộc, Bester lại viết yếu tay đi. Có một số phân cảnh trong truyện phần nào
hơi có vấn đề, mâu thuẫn với những thông tin đã có ở phía trước. Hoặc không thì
chúng nó cũng làm dấy lên một số câu hỏi khá phá game, chẳng hạn việc tại sao
đã có cái sự kiện A, sự kiện B rõ ràng như thế, và một số nhân vật nhất định
hoàn toàn có thể lợi dụng nó để hỗ trợ mưu đồ của mình, nhưng rốt cuộc lại chẳng
làm thế, hay tại sao đã xảy ra những chuyện như thế này rồi mà không thấy cả xã
hội nhao nhao làm loạn. Công bằng mà nói thì đến cuối truyện, ta vẫn có thể tự
suy luận thêm dựa trên các thông tin bổ sung để trả lời một số câu hỏi ấy,
nhưng vấn đề nếu muốn luận ra được như vậy thì chân cẳng phải rất khỏe, bởi vì
mọi người sẽ phải thực hiện những pha bay nhảy về mặt lôgic khá xa thì mới chạy
được đến nơi. Nó không đến nỗi phá hủy hoàn toàn trải nghiệm đọc của mọi người,
nhưng nó cũng gây lấn cấn không nhẹ.
Bản thân cái kết có lẽ cũng sẽ làm mọi người
không khỏi chợn lòng, đặc biệt những ai chưa quen đọc SFF. Nó không đến mức quá
dị hợm hay cái gì đâu (ok, thực ra ban đầu cũng khá dị đấy, nhưng kiên nhẫn một
tí là sẽ đến đoạn giải thích cụ thể ngay), nhưng nó đánh dấu một bước ngoặt mà
đến bản thân mình cũng phải nhướng mắt, không nghĩ rằng đây là lựa chọn hợp lý
nhất để chốt lại cuộc chiến giữa Reichs và ông thám tử. Nó không tệ đâu, thực tế
còn là một trong những phân cảnh phê cần và kịch tính nhất cả truyện nữa kia,
nhưng bản chất mọi thứ đã không còn là một cuộc đọ trí nữa, mà chuyển sang làm
một thứ xôi thịt hơn (không phải đấm nhau đâu, nhưng giải thích kỹ ra thì spoil
hơi nặng). Với lôgic của truyện, việc điều ấy xảy đến không có gì là phi lý hết,
nhưng vì tính đến trước thời điểm ấy, The Demolished Man là một cuộc chiến đấu
về IQ thuần túy, thế nên mình thực sự muốn nhìn thấy nó chốt lại cũng với một
màn đọ IQ, chứ không phải là… như thế.
===============
Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI
===============
Trong phần TL;DR, mình đã so sánh The
Demolished Man với Neuromancer, và sang phần giới thiệu chung thì gọi đây là
Cyberpunk từ trước khi Cyberpunk ra đời. Đấy một phần là vì cái kiểu mạch truyện
trinh thám rất đậm chất Noir của nó, nhưng chủ yếu là vì cái thế giới nền của
tác phẩm. Thanh niên này sở hữu những chất giống Cyberpunk không thể tả, chỉ có
điều nó không được gọi là Cyberpunk vì thời đấy đã ai biết Cyberpunk là cái gì
đâu.
Đầu tiên, điều này được thể hiện ra qua cái kiểu
nát ngầm của thế giới. Trong cái thế giới này, ta liên tục được gặp gỡ những
con người có địa vị cao sang, song đi kèm với họ luôn là một sự mục ruỗng. Cái
hiển nhiên đầu tiên là Reichs, một ông chủ tập đoàn giàu nứt đố đổ vách, nhưng
lại ấp ủ trong lòng những mưu mô rất gian xảo. Bản thân cái công ty của Reichs
cũng chẳng phải hạng tử tế gì, ngoài mồm thì luôn tốt đẹp, nhưng lại có nguyên
một bộ phận chuyên đi phá hoại đối thủ.
Sau đó ta có cái xã hội thượng lưu của những
nhân vật ảnh hưởng nhất thành phố, với vẻ ngoài cực kỳ quý phái và sang trọng,
nhưng đằng sau những cánh cổng đóng kín thì lại bày ra những trò suy đồi và bỉ ổi,
sặc mùi nhục dục. Gương mặt đại diện cho cái xã hội đấy thậm chí còn được đặt mệnh
danh là The Gilded Corpse (Cái Xác Dát Vàng), và nó thể hiện rất chính xác bản
chất của đám người kia: diện mạo thì hào nhoáng thật đấy, nhưng bên trong thì
thối hoăng và đầy giòi bọ.
Bản thân cái lực lượng đại diện cho phe chính
nghĩa, cái liên đoàn của các Esper, cũng chẳng tử tế gì hơn mấy. Họ có một hệ
thống tôn ti quyền lực rất cụ thể, tạo thành những giai cấp riêng trong nội bộ,
và khinh những người ở cấp thấp hơn ra mặt. Bên trong nội bộ cũng có những
chiêu trò đấu đá rất bẩn tưởi, với một phe thậm chí còn gần như là Phát-xít
phiên bản tân thời, với kế hoạch ưu sinh và chủ trương chỉ cho những thành viên
thuộc chủng tộc thượng đẳng (anh em tự đoán phải sắc tộc nào mới đủ tiêu chuẩn
nhé) được huấn luyện Esper, trong khi phe tử tế còn lại cũng có mùi bóc lột rất
nặng, với đủ thứ thuế má nặng nề chồng chất và kiểm soát cực kỳ ngặt nghèo các
thành viên.
Một thứ khác nữa làm cho tác phẩm trở nên giống
Cyberpunk là cách cái khả năng ngoại cảm được tận dụng. Thứ này hơi có mùi
Fantasy một tí, nhưng nó được mô tả nghe chẳng khác nào cách William Gibson khắc
họa Internet trong Neuromancer luôn. Nó là một thứ “công nghệ” cực kỳ hữu ích với
con người, cho phép ta làm được bao điều phi thường, song cũng liên tục bị lợi
dụng để thực hiện các mục đích xấu. Nó cũng gây nghiện khá nặng cho người sử dụng,
thế nên một trong những hình phạt đáng sợ nhất đối với một nhà ngoại cảm là bị
bài trừ khỏi cộng đồng Esper, mọt kiếp không được trò chuyện theo cái kiểu giao
tiếp tâm trí trực tiếp với đồng loại mình nữa. Trông cảnh nó khiến kẻ bị bài trừ
ấy vật vã và sa sút mà giống cách Case bị tước khả năng đăng nhập vào ma trận
(tức Internet) trong Neuromancer đến rợn. Thậm chí, trong một số phân cảnh các
Esper soi sâu vào tâm trí người khác, nếu chỉ thay đổi một vài từ khóa, chẳng hạn
mental block thành ICE, subconscious thành cyberspace, là mọi người sẽ chẳng thể
nhận ra nổ cái đoạn vừa đọc là của Neuromancer hay The Demolished Man nữa luôn.
Tất nhiên, cái thế giới của The Demolished Man
cũng chẳng hoàn hảo gì. Cái vấn đề lớn nhất với nó là ở mấy chỗ, tác giả muốn một
số tình tiết phải xảy ra, thế nên đã tự đá vào một số quy tắc mình đã đề ra ban
đầu. Vì mấy cái đấy đi vào spoiler rất nặng, thế nên mình sẽ không nói sâu,
nhưng đại khái điều này làm cho thế giới trở nên lung lay đi, và ta bắt đầu
nhìn ngược lại những đoạn hồi trước với ánh mắt nghi ngờ, không hiểu tại làm
sao mọi thứ lại thành ra thế này.
Bên cạnh đó, thời điểm The Demolished Man ra đời
cũng bóp ấy thế giới thằng này hơi mạnh. Truyện được viết và đăng tạp chí năm
1952, xuất bản thành truyện năm 1953, thế nên nó có một thế giới không thể nào
sặc mùi thập niên 50 hơn được. Các công nghệ của nó nghe cổ không thể tin nổi,
chạy từ mấy cái tàu vũ trụ vẫn còn được gọi là “rocket,” việc hệ thống hành pháp
sử dụng AI chạy thẻ bấm lỗ, cho đến cái cách tất thảy mọi thứ đều dựa trên triết
lý về phân tích tâm lý của Sigmund Freud. Cái kiểu tương lai “tối cổ” này tạo một
nét cá tính rất hấp dẫn cho truyện, và bản thân mình không nghĩ đây là một điểm
trừ quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nó đôi lúc cũng làm cho tác phẩm trở nên bị
ngô nghê, đặc biệt những thứ dính đến cái mảng Sigmund Freud của nó.
========
NHÂN VẬT
========
Nhân vật của The Demolished Man nói thật là
không để lại nhiều ấn tượng lắm, nhưng vẫn khá ổn. Trong số họ thì thanh niên
Reichs là ấn tượng nhất. Ta dành rất nhiều thời gian đi sâu vào trong tâm trí của
nhân vật này, được thấy đủ thứ lo toan suy nghĩ của gã, cũng như cái hành trình
gã dần trở nên điên loạn trong khi tìm cách che đậy cho bản thân. Gã cũng có một
số nét tính cách ngầm mà về sau ta được khám phá ra, phần nào tạo chiều sâu rất
thú vị.
Về phần mấy nhân vật khác thì họ cũng được
miêu tả và khắc họa một cách hay ho, có điều hơi bị rập khuôn một chiều, chủ yếu
bởi vì họ tồn tại để công kênh hai nhân vật chính của truyện lên, ấy là ông
thám tử và Reichs. Thanh niên thám tử cũng có một mức thời lượng nhiều ngang ngửa
Reichs đấvà cũng khá được đầu tư, nhưng kỳ thực cái ông này cũng hơi bị nhạt.
Ông anh có một mạch truyện tình tay ba xem chừng là để giúp bản thân trở nên có
chiều sâu hơn, và ở một mức độ nào đó, nó quả cũng đã cho ông ta thêm tí chiều.
Mỗi tội cái mạch đấy nó cứ thừa thừa, và cũng hơi chán nữa, thế cho nên mình thấy
hơi khó cảm với cái ông này.
Nhưng mà được cái trong này không có nhân vật
nào bị… ngu, và như thế là đã ổn lắm rồi 🐧.
========
TỔNG KẾT
========
The Demolished Man có một khởi đầu rất ngon
lành, song lúc chạy đến khúc cuối thì hơi đuối đi, và tuổi tác của nó cũng bị lộ
ra khá rõ ràng. Tuy nhiên, đây nhìn chung vẫn là một tác phẩm rất thú vị, và có
thể được đọc cả dưới dạng một câu chuyện trinh thám lẫn Sci Fi. Anh em rất nên
ngó thử nhé.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓