Mấy bữa vừa rồi mình hơi án binh bất động, anh
em thông cảm tí. Nguyên do là bởi lúc ấy đang dồn sức lết lại nốt chặng cuối của
một series để còn review. Series đó là:
🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌑🌑🌑
7.0/10
TL;DR
Thợ săn quái vật làm mọi thứ ngoài săn quái vật,
trước khi nhượng lại series cho người khác.
GIỚI THIỆU CHUNG
The Witcher là một series Dark Fantasy rất nổi
tiếng của tác giả người Ba Lan Andrzej Sapkowski. Truyện lấy bối cảnh trong một
thế giới mang màu sắc Trung Cổ, nơi con người bị đủ kiểu sinh vật kỳ bí quấy
phá. May mắn thay, đã có một số người xoay xở tạo ra được các Witcher - những
con người đột biến với khả năng phi thường. Các Witcher này được đào tạo một
cách cực kỳ khắt khe từ nhỏ để trở thành những sát thủ chết chóc, đủ sức đánh
tay đôi với lũ quái. Sau khi hoàn tất quá trình huấn luyện, họ đi lang thang khắp
nơi, tìm kiếm những vùng đang bị quái vật quấy nhiễu để hành hiệp.
Tất nhiên là chỉ sau khi đã chốt xong hợp đồng
ngon lành thôi 🐧.
Geralt xứ Rivia, một trong những nhân vật
chính của series, chính là một Witcher như thế.
Series có 8 cuốn cả thảy, bao gồm:
1 ) The Last Wish
2 ) Sword of Destiny
3 ) Blood of Elves
4 ) Time of Contempt
5 ) Baptism of Fire
6 ) The Tower of the Swallow
7 ) The Lady of the Lake
8 ) Season of Storms
Trong số này thì cuốn 1 và 2 là tuyển tập truyện
ngắn, một kiểu tiền truyện cho series chính, nhưng vẫn cần phải đọc để hiểu những
thứ nó phát triển sau này. 5 cuốn sau chúng nó, từ Blood of Elves cho đến The
Lady of the Lake, là tiểu thuyết dài, gói gọn toàn bộ phần cốt chính của
series. Thằng cuối cùng là một tiểu thuyết phụ, với các sự kiện bên trong xảy
ra gần khung thời gian với The Last Wish, không cần đọc cũng được. Bài review
này cũng sẽ chỉ bàn đến 7 cuốn đầu thôi.
MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG
Trong 2 cái tuyển tập truyện ngắn đầu tiên, tức
The Last Wish và Sword of Destiny, Witcher có một cái mạch rất đậm chất…
Witcher. Cụ thể, nó gần như thuần túy xoay quanh các cuộc phiêu lưu của thanh
niên Dê già xứ Rivia này. Ông anh sẽ lê xác đến một ngôi làng hay một miền đất
mới, nhận một hợp đồng làm ăn nào đấy hoặc vướng vào rắc rối gì đấy, lăng nhăng
với một (vài) cô, và giải quyết xong thì lại lê mông lên ngựa đi chỗ khác.
Nghe mô tả như vậy, có lẽ anh em sẽ thấy mấy mẩu
truyện trong 2 cuốn này có phần rập khuôn, và kể ra thì đúng là nó cũng phần
nào bám theo công thức thật. Tuy nhiên, cũng giống như cùng một hằng đẳng thức
có thể được vận dụng để đẻ ra hàng trăm bài toán thú vị, cái công thức của
Witcher trong 2 cuốn này cũng được tác giả Sapkowski vận dụng một cách rất khéo
léo để tạo ra các câu chuyện hấp dẫn. Ừ, đúng là chỉ cần đọc tầm 1, 2 mẩu truyện
trong đó thôi là anh em sẽ hòm hòm nắm được cái kiểu của nó rồi, biết cái kiểu
chẳng có thứ gì trong các câu chuyện này sẽ giống như bề ngoài cả, và sẵn sàng
tinh thần đón mấy phe bẻ lái kiểu gì cũng sẽ đến đấy. Nhưng kể cả khi đã lường
trước được như vậy, hay thậm chí là kể cả khi đã biết cái quả bé lái sẽ là gì,
anh em sẽ vẫn thấy khá bất ngờ với cách diễn tiến mẩu truyện được đưa đẩy.
Đặc biệt một điểm là trong 2 quyển đầu này,
Sapkowski gần như đều xây dựng câu chuyện dựa trên các giai thoại cổ tích Châu
Âu rất quen thuộc. Trong quá trình đọc, anh em sẽ gặp lại đủ thể loại kỷ niệm
tuổi thơ, chẳng hạn Bạch Tuyết, Cô Bé Quàng Khăn Đỏ, Người Đẹp Và Quái Vật,
Nàng Tiên Cá,… Chỉ có điều lần này, mọi thứ đều được nhìn nhận và phát triển
theo những hướng tăm tối và tàn khốc hơn (so với bản gốc của chúng nó, thứ vốn
đã khá đen tối rồi ấy nhé, chứ không phải mấy cái bản tô hồng của Disney đâu),
với các nhân vật vốn thánh thiện thì tử tế nhất cũng đầy dục vọng như những con
người bình thường, còn không thì khát máu tàn bạo và đầy điên loạn. Các sự kiện
trong câu chuyện cũng bị xào xáo đủ kiểu, với một số thứ thì được trình bày dưới
dạng là do lời đơm đặt của thiên hạ chứ thực tế tầm thường hơn hẳn, một số thì
được diễn giải để ta thấy nếu nó mà xảy ra ngoài đời thật thì sẽ để lại hậu quả
như thế nào. Đọc lúc thì thấy phát phì cười, lúc thì thấy sởn tóc gáy trước cảnh
những thứ ta từng nhìn nhận với con mắt ngây thơ nay lại trở nên hết sức trần
trụi.
Bên cạnh đó, hai cuốn này còn kết hợp được
tính giải trí với nhiều triết lý sâu sắc đến bất ngờ. Như mình đã nói trong một
bài so sánh giữa The Last Wish và Dragonsbane (anh em có thể đọc cả bài ở đây:
https://scifivietnam.blogspot.com/2022/08/dragonsbane-vs-witcher-hai-huong-i-tu.html),
Witcher nhồi nhiều trò đùa vào kinh khủng, lắm lúc còn dày đặc tới mức đến
Taika Waititi có khi cũng sẽ phải ra vỗ vai Sapkowski bảo nên tem tém lại.
Nhưng được cái là gần như chẳng truyện nào trong mớ này chỉ thuần túy chọc cười
thiên hạ, mà chúng nó luôn đi kèm với những đoạn suy ngẫm và triết lý sâu sắc đến
đáng giật mình, cả về những thứ lặt vặt trong đời sống thường nhật như những mối
quan hệ độc hại với cái nhọc nhằn của việc bươn chải kiếm cơm cho đến những thứ
to tát hơn như tác động của con người đến với môi trường và bản chất của thiện
ác. Và đáng nể thay, Sapkowski đã hàn được hai thứ ngỡ tưởng rất khó ăn nhập
này vào với nhau một cách rất nuột nà, không thấy bị đá nhau gì hết.
Nhưng khốn nạn là sau 2 quyển này thì đến 5
quyển còn lại.
Quyển tiểu thuyết dài đầu tiên của Witcher,
Blood of Elves, nhìn chung bám khá sát cái kiểu của 2 thằng đầu, đặc biệt là
The Last Wish. Mặc dù đấy là cả một câu chuyện liền mạch, ta vẫn thấy nó được bổ
nhỏ ra thành các phần khá tách bạch, vẫn với style các câu chuyện phiêu lưu có
thể nói là khá lẻ, gần giống với mấy mẩu truyện ngắn hồi trước. Dẫu rằng vẫn ở
trong một môi trường quen thuộc, anh em sẽ thấy nó câu chuyện bắt đầu được bẻ
lái một cách rất rõ rệt rồi, dần rời xa cái kiểu cũ. Sang đến quyển tiếp theo
thì ý đồ của Sapkowski đã quá rõ ràng: chán viết Witcher rồi, viết A Song Of
Ice And Fire đây.
Ok, trên lý thuyết thì A Song Of Ice And Fire
ra sau Witcher, nhưng anh em hiểu ý mình mà 🐧.
Trên lý thuyết, mấy cuốn tiểu thuyết của
Witcher vẫn duy trì đúng phong cách của series. Vẫn có cái kiểu đùa thô tục
chen với triết lý sống, vẫn có các truyền thuyết và giai thoại cổ tích tăm tối,
thậm chí đến cả cái lối viết tuyển tập truyện ngắn vẫn còn được lưu giữ phần
nào, với việc điểm nhìn cứ đổi xoành xoạch, và câu chuyện vẫn có thể gọi là cấu
thành từ những mảnh ghép độc lập. Vấn đề là chúng nó đọc cứ lôm côm thế nào ấy.
Câu chuyện cứ có cảm loanh quanh luẩn quẩn, vô định hơn cả lúc tác giả còn chưa
có mạch truyện thống nhất nào. Các tình tiết trong truyện cũng diễn ra một cách
gượng gạo hơn, thiếu sự chảy trôi nhuần nhuyễn của tuyển tập ban đầu. Nó vẫn có
những đoạn rất hay, chẳng kém gì 2 cuốn đầu cả, mỗi tội là mang tính chắp vá rất
cao, và tự thân không gồng gánh nổi phần cốt chính đang mỗi lúc một tạ.
Quan trọng nhất, series càng ngày càng không
còn là Witcher. Sapkowski ngày càng sa đà tập trung vào những trò đấu đá
chính trị, không buồn viết về những chuyến phiêu lưu kiểu Witcher như trước nữa.
Trên thực tế, thanh niên Witcher nhà ta cũng phải khoảng 80% thời lượng trong
truyện bị sút thẳng thành nhân vật phụ, toàn làm mấy thứ sặc mùi side-quest ngu
ngu ở đâu ấy, trong khi cái cốt chính diễn ra một cách rất độc lập với các hành
động của thanh niên này. Ừ, cũng có một số mưu mô Sapkowski viết hấp dẫn thật đấy,
nhưng nhìn tổng thể thì ông anh làm ăn rất lóng ngóng, khiến câu chuyện đọc cứ
như một cái fan fic A Song Of Ice And Fire phế. Mình không biết anh em thế nào,
nhưng riêng mình đến với Witcher bởi vì nó là… Witcher, chứ không phải A Song
Of Ice And Fire, đặc biệt lại càng không phải một phiên bản cùi bắp hơn của
ASOIAF.
Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI
Thế giới Witcher được xây dựng một cách rất
phong phú và thú vị, đặc biệt những phần liên quan đến các sinh vật kỳ bí sinh
sống trong thế giới này. Sapkowski khắc họa chúng nó một cách khá ấn tượng, đặc
biệt là ở hai cuốn đầu, khi mỗi câu chuyện lại có một chủng loài đứng ở vị trí
trung tâm. Về ngoại hình thì đám này chẳng có gì đáng nói lắm, vì chúng nó toàn
lấy các chủng loài tiêu chuẩn trong Fantasy hết ấy mà. Tiên thì sẽ trông giống
như tiên, người lùn trông giống người lùn, rồng trông giống rồng,… Dẫu vậy, vẫn
có một số chủng loài ít tiếng tăm hơn, hiếm khi xuất hiện trong Fantasy, và
chúng nó được đầu tư mô tả tỉ mỉ vô cùng, với những ngôn từ nghe mà đến lạnh
gáy.
Tuy nhiên, cái hấp dẫn ở đây là cũng như cách
mình biến đổi các câu chuyện cổ tích, Sapkowski đã có những sáng tạo mới mẻ để
thay đổi cách ta nhìn nhận những giống loài này, đặc biệt trong mối quan hệ của
chúng nó với con người. Hầu như toàn bộ lũ sinh vật ấy, dù là sinh vật có khả
năng tư duy cao hay quỷ quái hung hãn, cũng đều được khắc họa như thể chính
chúng mới là nạn nhân của con người. Loài người là kẻ đến xâm lược và cướp đi
môi trường sống của chúng nó, và đám phi nhân kia mỗi con lại loay hoay tìm
cách thích nghi với thực tại mới của mình theo một kiểu, đem lại cho cái lũ này
một chiều sâu đến khó ngờ, và cũng góp phần gián tiếp cho ta hình dung được về
lịch sử của thế giới Witcher luôn.
Bản thân con người cũng được đầu tư một cách
khá sâu. Ta có một lượng khá nhiều quốc gia và các tổ chức, phe phái khác nhau,
với các mối quan tâm và mưu đồ của riêng mình. Tất cả những mưu đồ ấy đều được
đi sâu vào miêu tả một cách rất lôgíc, đi kèm với những tình tiết thú vị về
tình hình địa chính trị, kinh tế, sở trường sở đoản của các vùng khác nhau, vẽ
ra một bức tranh toàn cảnh chi tiết về thế giới nơi đây, cũng như một mạng lưới
rất tinh xảo của hàng bao âm mưu khác nhau cùng chất chồng, đâm chọc và va chạm
với nhau, thậm chí có khi còn còn nương vào nhau để tiến. Quan sát cách các mưu
chước lúc tan lúc hợp kể cũng thú vị phết.
Nhưng đáng buồn là song hành với những thứ thú
vị trên lại là những thứ rất dễ gây ức chế.
Cái đầu tiên là Sapkowski rất hay có kiểu vứt
con bỏ chợ. Ông anh sẽ chém ra một số loài sinh vật hay khái niệm, sự kiện gì
đó nghe rất kêu để độn thế giới của tác phẩm lên, nhưng chỉ giải thích một tí
qua loa rồi bỏ không đấy, đi làm gì đó khác. Điều này đặc biệt khó chịu khi ta
lết đến mấy cuốn tiểu thuyết dài, lúc những chuyến phiêu lưu kiểu Witcher gốc
chỉ còn là một kỷ niệm đẹp. Ông anh cứ ê a đi xây dựng mấy cái gì đâu đâu hoặc
chém thêm rất nhiệt, nhưng chẳng mấy khi chịu đào sâu gì nữa. Phải hiếm hoi lắm
ta mới vớ được một thứ gì đó được đào sâu hẳn, chẳng hạn như cái lần Geralt gặp
một con ma cà rồng và ngồi nói chuyện với nó. Nhưng ngay cả những lần như thế
thì vẫn có khá nhiều thứ bị bỏ ngỏ, không được trả lời một cách chu đáo như 2 tập
đầu, thành ra thế giới Witcher vẫn mang nét lỗ chỗ.
Thêm nữa, cái style viết của Sapkowski khiến
thế giới của Witcher nhiều lúc lung lay kinh khủng. Như đã nói trên phần mạch
truyện đấy, Sapkowski rất thích đùa cợt các kiểu. Mặc dù mấy trò đùa của ông
anh nhìn chung cũng khá nhộn, chúng nó đôi khi cứ bổ rầm rầm vào trụ đỡ thế giới
series như búa tạ. Có lúc thì Sapkowski đùa kiểu hiện đại quá, đả động đến những
việc nghe khó lòng tin nổi lại có thể tồn tại được trong một thế giới Trung Cổ;
có lúc ông anh lại tham thả Easter Eggs liên quan đến thần thoại và lịch sử vào
trong truyện, đến mức nó đá ngược vào các quy luật chính tay thanh niên đã tô vẽ
lên từ trước hoặc sau này vẽ ra. Đọc mấy đoạn đấy muốn cười mà cũng chẳng nổi,
vì trông cái thế giới bị phá tanh bành như thế chỉ để phục vụ một câu đùa mà thấy
xót phát kinh.
Thêm một cái nữa cũng liên quan đến style viết
là Sapkowski đôi khi xây thế giới kiểu luống cuống thế nào ấy. Cái này ta có thể
đặc biệt thấy rõ trong những phần tiểu thuyết dài, khi ông anh bắt đầu phải cơi
nới mọi thứ ra để lấy nền tảng xây dựng các mưu mô chính trị của mình. Vì như
đã nói đấy, Sapkowski duy trì lối viết truyện ngắn cho mấy cuốn tiểu thuyết của
mình, có điều làm kiểu hụt hơi, thế nên nhiều đoạn cứ vị rời rạc, giật cục. Điều
này cũng ảnh hưởng luôn đến cả thế giới của Witcher, với thỉnh thoảng ta lại có
một khía cạnh nào đó của thế giới tự nhiên bị lôi ra thuyết giảng một thôi một
hồi, nhưng không đủ tính kết nối vào với các khía cạnh khác. Kết hợp với cái
tính vứt con bỏ chợ, nói khơi khơi xong chỉ khai thác một chỗ tí xíu rồi bỏ đấy
đi làm thứ khác, Sapkowski khiến thứ mới bàn đến trông không như một phần của
cái thế giới tổng thể, mà chỉ như một cái chân chống lẻ tác giả sực nhớ ra cần
có thì mới chống đỡ được âm mưu, thế nên vội vã tương bừa vào.
NHÂN VẬT
Cũng như mấy mảng trên, dàn nhân trong 2 tuyển
tập truyện ngắn của Witcher được làm ổn hơn hẳn mấy quyển tiểu thuyết sau này.
Trong mấy cuốn tuyển tập truyện ngắn, cả dàn
nhân vật chính (tức những thanh niên xuất hiện xuyên suốt tất cả hoặc nhiều mẩu
truyện) lẫn các nhân vật phụ (tức những nhân vật có vai trò quan trọng trong
các truyện riêng lẻ) đều được tạo dựng một cách rất thú vị. Họ có những tính
cách tách biệt khá rạch ròi với nhau, và mỗi người đều có ít nhất một tầng gì
đó tiềm ẩn bên trong mình. Đến ngay cả một đồng chí gần như phẳng lét, trông rõ
là được nhồi vào chỉ để đóng vai giải trí như Dandelion cũng có những khoảnh khắc
bộc lộ rõ rằng ông anh không chỉ thuần túy là một thằng hề, mà cũng là một con
người với những cung bậc cảm xúc riêng.
Nổi trội nhất thì tất nhiên phải kể đến đồng
chí Gao Bạc nhà ta: Geralt xứ Rivia. Ông anh này ban đầu cứ tưởng sẽ chỉ được
xây dựng theo kiểu bad boy phong trần, tung hoành ngang dọc, thiên hạ vô địch,
và đủ thứ mô típ rập khuôn khác mà anh em thường hay gặp ở các nhân vật chính
trong Fantasy. Nhưng ngay từ truyện đầu thôi, Sapkowski đã cho ta thấy Geralt
còn ẩn chứa nhiều thứ hơn thế, và càng đến các truyện sau thì ta càng thấy đây
quả là một nhân vật rất đa chiều và hấp dẫn. Ông anh có đời sống nội tâm rất phong
phú, với những mối lo hết sức gần gũi với đời thường. Thanh niên cũng chẳng phải
hạng hữu dũng vô mưu, mà tinh tế đến bất ngờ, sở hữu một lòng nhân ái phi thường
ngay cả nếu xét theo chuẩn của con người, chứ đừng nói là một kẻ đột biến đáng
lẽ phải không còn tí xúc cảm nào. Nhìn chung là ban đầu, anh em sẽ đến với
Geralt vì tò mò muốn xem thanh niên múa kiếm, nhưng rốt cuộc lại ngồi lại với
ông anh vì muốn nghe đồng chí này bàn triết các kiểu.
Khốn nạn là sang đến mấy cuốn truyện dài thì
câu chuyện lại khác. Dàn nhân vật hấp dẫn cũ hoặc bị sút xuống thành công dân hạng
hai, không còn được đoái hoài đến mấy nữa, hoặc cứ thỉnh thoảng lại bị reset mức
phát triển. Cứ khi nào có vẻ nhân vật đã phát triển lên một cấp mới, đến cuối
tác phẩm hoặc sang đến tác phẩm sau, ta lại thấy mọi thứ về cơ bản vẫn đâu vào
đó, lắm khi còn chẳng có lời giải thích nào được đưa ra cả. Mấy nhân vật mới được
giới thiệu vào thì không hấp dẫn bằng dàn nhân vật cũ, với phần đông thậm chí
còn chẳng sâu được bằng cái anh hề Dandelion, và độ đa dạng thua cả mấy nhân vật
phụ của 2 tuyển tập đầu. Nhiều nhân vật cũng có những cảnh rất thương tâm và
đáng chú ý, nhưng một lần nữa, họ đã bị Sapkowski bóp ấy với cái lối viết giật
cục của mình, và ta thực sự khá khó cảm thấy những đoạn này thực sự cấu thành một
phần con người họ.
TỔNG KẾT
Witcher là một series với rất nhiều tiềm năng, và đặc biệt có một khởi đầu cực ổn. Nản cái là tác giả tự nhiên bỏ sở trường và đâm đầu làm sở đoản, và càng về sau thì càng có vẻ chẳng biết mình phải đi đâu. Series không đến nỗi nát hoàn toàn, nhưng anh em sẽ không khỏi cảm thấy nó bỏ lỡ rất nhiều cơ hội. Anh em vẫn nên đọc ít nhất 2 cuốn đầu của nó để tận hưởng thế giới của Witcher, và tự áng xem mình cho 2 quyển đấy được bao điểm. Nếu thấy điểm của chúng nó từ tầm 4/5 sao đổ lên thì hẵng đọc tiếp để biết nốt câu chuyện sẽ chốt lại ra sao, mặc dù cứ xác định trước trong đầu là điểm của mấy quyển theo sau sẽ phải trừ đi từ 1 cho đến 1.5 sao đấy nhé.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓