Hồi trước, lúc review xong cái series Bobiverse và cái bài về nhân bản lượng tử (hay đúng hơn là sự bất khả thi của nó), mình nổi hứng muốn ngó qua một cuốn khác cũng có phần tương tự, có điều kinh điển hơn. Hôm nay đọc xong rồi thì xin được review cho anh em.
🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌑🌑
8.0/10
=====
TL;DR
=====
Drama 2 nhà ảo thuật và cái kết đắng.
==============
GIỚI THIỆU CHUNG
==============
The Prestige là một cuốn tiểu thuyết năm 1995
do Christopher Priest sáng tác. Truyện kể về cuộc đời và sự nghiệp của hai ảo
thuật gia hư cấu là Alfred Borden và Rupert Angier. Lúc mới chập chững theo đuổi
nghề diễn ảo thuật, cặp đôi này đã tình cờ chạm mặt nhau, và sau một cuộc đụng
độ nghiệt ngã thì bắt đầu nảy sinh hiềm khích. Thế là từ đó, đôi bên cứ thế tìm
cách trả đũa và phá thối lẫn nhau. Kể cả sau khi đã trở nên thành đạt và gặt
hái được mọi danh vọng mình hằng mơ tưởng, họ vẫn không thể buông tha cho nhau,
và thậm chí sau khi chết đi rồi vẫn còn khiến con cháu của mình bị ảnh hưởng nữa.
=====================
MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG
=====================
Trước khi bàn kỹ về nội dung, mình xin được
lôi một cái điểm trừ của truyện lên bàn luôn, bởi vì nó to lù lù như con voi ấy,
nói trước cho lành:
Christopher Nolan bóp dái thằng này ghê quá 🐧.
Như anh em hẳn đều đã đoán ra ngay từ khi nghe
giới thiệu và đọc thấy cái tiêu đề truyện, The Prestige chính là bản gốc cho bộ
phim cùng tên rất xuất sắc năm 2006 của Christopher Nolan. Phim được Nolan chuyển
thể khá trung thành với nguyên tác, thế nên khi đọc ngược vào truyện, ta sẽ vô
tình rơi vào cảnh cầm đèn chạy trước ô tô, nắm trước được phần nào một số cái
twist quan trọng của truyện.
Tuy nhiên, nếu đã xem trước phim thì mọi người
cũng không cần lo lắng lắm, bởi vì như anh em có thể thấy từ điểm số mình đã
cho cái quyển này, cái điểm trừ ấy không đủ sức để đánh sập toàn bộ tác phẩm
đâu. Bản phim của bro Nô chỉ động đến tầm 1/3 câu chuyện thôi, còn lại có khá nhiều
thứ khác bị bỏ ra ngoài hoặc bị thay đổi đi.
Truyện gốc có 4 cái mạch liền, hay đúng hơn là
4 góc nhìn khác nhau, mỗi mạch dần dần làm soi tỏ bí mật chính của truyện cũng
như góp phần xây dựng nhân vật. Mạch thứ nhất lấy bối cảnh ở thời hiện đại, với
hai người cháu của Borden và Angier tìm đến với nhau vì mỗi người có một bí mật
liên quan đến ông tổ nhà mình cần giải quyết. Mạch thứ 2 được thuật lại thông
qua nhật ký của Alfred Borden, kể về cách mọi mối thù truyền kiếp giữa hai con
người này bắt đầu cũng như dàn dựng cái bí ẩn chính của truyện. Mạch thứ 3 thì
nằm ở lưng lửng giữa hai mạch trước, xoay quanh thời thơ ấu của một hậu duệ,
giúp củng cố thêm bí mật ở cả 2 mạch kia, đồng thời bắt đầu thả một số manh mối
để thiên hạ dần đoán đáp án sẽ là gì. Mạch cuối cùng lại quay về với format nhật
ký, có điều lần này là của Rupert Angier, về cơ bản là phần lời giải gần như
hoàn chỉnh cho tất cả những gì được đưa ra trong 3 mạch trước. Chỉ có một phần
nho nhỏ nó để chừa lại, để cho đến cuối truyện thì tác giả lộn ngược về mạch đầu
tiên giải quyết nốt.
Ngay từ lúc mới bắt đầu truyện, tức khi vào mạch
thời hiện đại, mình đã phần nào cảm thấy an tâm là truyện sẽ có gì đó hơn cái
phim nhà bro Nô rồi, bời vì toàn bộ mạch này (và về sau là cả mạch thứ ba nữa)
đã bị Nolan vứt hoàn toàn khỏi phim. Lúc đọc đến hết cái mạch thứ 2, nhật ký của
Borden (bấy giờ đi được khoảng chưa đầy 1/3 truyện), thì gần như mình đã không
còn nghi ngờ gì nữa: đúng là cái plot twist về cơ bản sẽ na ná những gì Nolan
làm trong phim đấy, nhưng bản chất nó sẽ khác hẳn.
Bắt đầu từ đấy thì đọc yên tâm hơn hẳn, vì biết
chắc là có thứ đến xem phim cũng chẳng đoán nổi rồi, và mạch 3, 4, cũng như phần
mạch 1 vòng lại ở cuối quả thật không hề khiến mình thấy thất vọng, bởi vì bí mật
cứ chất chồng bí mật, khiến mình ngày càng cảm thấy bị cuốn theo cái mạch của
nó, và cái phim của Nolan gần như bay thẳng ra khỏi đầu. Ấn tượng nhất là cách
cái mạch 1 gói lại câu chuyện. Riêng phần này bị bỏ khỏi phim thì quả thực là một
tội ác, bởi nó có thể nói là một trong những phần hấp dẫn nhất của truyện. Nó gần
như biệt lập hẳn với những phần trước về mặt phong cách, nhảy thẳng sang kinh dị
Gothic chứ không còn kiểu nhẹ nhàng văn chương nữa, rùng rợn chẳng kém gì truyện
của Poe hay Lovecraft luôn, song vẫn nối một cách rất trơn tru vào những phần
đi trước, không hề tạo cảm giác phá game tí nào.
Đặc biệt một điều là tác giả sử dụng cực kỳ
thành công thủ pháp Unreliable Narrator (anh em xem ở đây nếu không biết nó là
gì: https://www.facebook.com/groups/SciFiReadersVN/permalink/2307669669320287).
Ngay khi bắt đầu vào những trang đầu tiên trong cuốn nhật ký của Borden, tác giả
đã thể hiện rất rõ là đừng có tin tưởng những gì được viết trong này, bởi vì nó
là ý kiến chủ quan, và chưa kể người viết còn đang cố ý tung hỏa mù nữa. Nối
theo đằng sau nó là một số ví dụ minh họa luôn cách nhân vật có thể nói “thật”
mà hoàn toàn không hề thật tí nào, dựa trên những thủ pháp của dân làm ảo thuật.
Khi kết hợp với một ngòi bút tạo dựng không khí đầy điêu luyện, điều này làm
mình gần như trở nên hoang tưởng hẳn.
Càng về sau, khi các thông tin mâu thuẫn càng
xuất hiện nhiều, với những lần đảo qua đảo lại và những thứ xem chừng là plot
twist mới, mình đâm nghi kỵ cả cái phim của anh Nô, chẳng còn hiểu nổi có phải
những gì mình “biết” nhờ cái phim đấy lại đang khiến chính bản thân mình bị đưa
vào tròng không nữa. Tận khi hết mạch 4 rồi, lúc gần như mọi thứ đã được giải
thích xong rồi, mình vẫn không dám tin hẳn đó là kết quả cuối cùng, bởi vì như
đã nói đấy, vẫn còn dư lại mấy trang đảo về mạch 1 nữa, và bố ai biết mấy trang
cuối này có lật thêm phát nào không.
Và đúng là nó lật tiếp thật, nhưng mà theo một
kiểu hơi khó ngờ 🐧.
Tuy nhiên, kể cả nếu không so sánh với bản
phim của Nolan thì truyện vẫn có một vấn đề khác, ấy là nó có chỗ hơi bị lê
thê, đặc biệt trong mạch 3 và mạch 4. Có mấy đoạn cứ ê a mãi, nhẩn nha tả nhiều
thứ xem chừng khá là thừa. Vấn đề này sẽ còn trở nên nghiêm trọng gấp bội nếu
anh em đã xem cái phim của Nolan, và về cơ bản hiểu cơ chế vận hành của cái thứ
nằm trong phân cảnh này rồi. Ừ, đúng là phần trước đã làm mình cảm thấy không
nên tin Nolan thật đấy, nhưng một khi lòng kiên nhẫn đã bị thử thách đến hơi
quá đà, với cả manh mối từ mấy phần trước cũng đã đủ để giúp đoán định câu chuyện
về cơ bản sẽ đi sát bản chuyển thể thì quả là hơi ngứa thịt
===============
Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI
===============
Cái thế giới trong này thực ra không hẳn được
đầu tư cho lắm, căn bản bởi nó lấy bối cảnh là thế giới thực, và chỉ phóng tác
một phần ở chỗ gần cuối. Phần thế giới hiện đại thì gần như chẳng được tác giả
buồn xây dựng tí gì rồi, ngoài tả sơ sịa một tí cho có. Cái thế giới trong quá
khứ thì được tả ngon lành hơn chút, với bầu không khí của London xưa (và về sau
là nước Mỹ thời xưa) cũng như những nề nếp sinh hoạt của nó được mô tả khá sinh
động và dễ hình dung. Tuy nhiên, mấy cái này cũng chẳng có gì gọi là đặc biệt lắm,
và anh em bốc random một quyển truyện cổ nào đó lên thì cũng sẽ thấy nó đại
khái như thế.
Được một cái là nó tập trung khá nhiều vào mảng
cuộc sống của dân hoạt động giải trí thời bấy giờ, cụ thể là giới ảo thuật gia,
thế nên ta cũng có một số cái nhìn khá hay ho về đời sống cũng như cách dân ảo
thuật thu xếp đi tour với trình diễn như thế nào. Lẽ đương nhiên, vì tác giả viết
quyển truyện này từ góc nhìn của dân ảo thuật, thế nên anh em đừng kỳ vọng sẽ
được học hỏi nhiều về cách làm ảo thuật từ truyện (bởi vì đạo đức nghề nghiệp của
người viết không cho phép tiết lộ bí mật trong ngành), thế nhưng mọi người sẽ vẫn
được chứng kiến cái cách giới ảo thuật gia làm cho các màn diễn của mình trở
nên hào nhoáng như thế nào, cũng như triết lý làm việc và cách họ hoạt động để
nghĩ ra chiêu trò mới.
Phần Sci Fi trong truyện thì phải đi đến gần
quá nửa mới bắt đầu thò mặt ra, và nó cũng được giải thích khá ổn. Mặc dù tác
giả cố tình lờ lớ lơ đi nhiều thứ bởi vì đây xét cho cùng không phải là Hard
Sci Fi, nó vẫn có một sự lôgic nhất định, không mang lại cảm giác từ trên trời
rơi xuống hay phép thuật đội lốt Sci Fi tí nào, mà cũng có cơ sở nghiên cứu thử
nghiệm mày mò đủ cả (dù nghe cứ cổ cổ vì được diễn giải theo cái ý hiểu về khoa
học của dân thời thế kỷ 19-20). Thú vị là dù nếu xét theo tiêu chuẩn khoa học
thì nó chém bay nóc nhà, tác giả vẫn chú trọng đề cập đến rất nhiều vấn đề có
thể nảy sinh từ cái yếu tố Sci Fi này, và tìm cách giải quyết nó sao cho thật hợp
lý, một điều mà rất nhiều tác phẩm với “nồng độ” Sci Fi cao gấp bội còn không
làm nổi.
========
NHÂN VẬT
========
Ngoài cái cốt ra thì truyện cũng cực kỳ chú trọng
đầu tư về nhân vật, giúp ta có một cái nhìn rất sâu vào trong đời sống của họ.
Trong số này thì nổi nhất lẽ dĩ nhiên chính là hai nhà ảo thuật Alfred Borden
và Rupert Angier, bởi vì phần nhật ký của họ chiếm phần lớn nội dung sách, chưa
kể tất cả những nhân vật còn lại gần như toàn quay ngược về tả lại họ hay góp
phần xây dựng họ theo một cách nào đó. Ta được thấy quá trình trưởng thành của
Borden và Angier, thấy lý do tại sao hai con người đến từ những cái gia cảnh rất
khác biệt lại cùng dấn thân vào lĩnh vực này. Mỗi người có một thiên hướng và bản
tính riêng, thế nên xem cách họ gầy dựng sự nghiệp của bản thân cũng như đối
đãi với người xung quanh rất thú vị.
Hấp dẫn nhất là ta có thể thấy những nuối tiếc,
những băn khoăn và day dứt của bọn họ về mối thù hằn giữa mình và người còn lại,
thấy họ nhận ra mối quan hệ đầy độc hại đó đang đầu độc cuộc sống của mình như
thế nào và tìm cách dứt bỏ nó đi, nhưng vẫn không vì lý do này thì lý do khác lại
bị cuốn trở vào. Mối quan hệ đấy vô tình lại giúp thúc đẩy bọn họ tiến lên trước,
bằng mọi giá chứng minh mình c̶h̶i̶m̶ ̶t̶o̶ ̶h̶ơ̶n̶ giỏi hơn thằng kia, khiến
nó không chỉ là một thứ độc hại đơn thuần mà còn tích cực theo một cách hơi bệnh
hoạn.
Cái khó chịu ở đây là hai thanh niên này đúng
là có chiều sâu thật đấy, nhưng chung quy vẫn cứ hơi… đểu. Không phải đểu yêu
đâu, mà là kiểu đểu cáng ấy. Đúng là có mấy chỗ mình cảm thấy thương cảm và/hoặc
hiểu lý do họ hành động như thế, nhưng sự thực vẫn cứ là hành động của mấy
thanh niên này khá khó ngửi. Angier thì còn đỡ đi một tí, bởi vì thanh niên về
sau có nhiều hành động mang tính hối cải với cả có phần hơi quân tử. Riêng đồng
chí Borden thì quả thật làm mình thấy rất ngứa, chỉ muốn sút cho mấy phát vì sống
chó. Tùy vào ngưỡng chấp nhận của anh em, mọi người có thể cũng sẽ gặp khó khăn
trong việc ưa được nhân vật trong này.
========
TỔNG KẾT
========
The Prestige phải gánh một quả tạ hơi nặng là
bản chuyển thể của chính mình, khiến cho một số yếu tố trong nó không còn được
hấp dẫn đúng mức nữa. Tuy nhiên, ngay cả nếu đã xem phim rồi, mọi người sẽ vẫn
thấy rất bất ngờ trước trải nghiệm mà bản truyện gốc mang lại, và cảm thấy
không hề lãng phí thời gian với nó. Và tất nhiên, nếu chưa xem phim, mọi người
rất nên ngó qua nó, bởi nếu không bị spoil gì thì sẽ khó dứt ra lắm đấy.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓