Chuyển đến nội dung chính

Review Look Who's Back của Timur Vermes

 


🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌑🌑🌑

7.0/10

=====

TL;DR

=====

The Rise of Evil 2: Electric Boogaloo.

==============

GIỚI THIỆU CHUNG

==============

Look Who’s Back (tựa gốc là Er ist wieder da) là một cuốn SFF châm biếm xã hội của tác giả người Đức Timur Vermes. Truyện được xuất bản lần đầu tại Đức năm 2011, và khi mới ra mắt, nó đã khơi dậy cả một cuộc tranh cãi không hề nhỏ. Nguyên do là… ờm…

Anh em nhìn cái bìa, nhẩm lại tên truyện, nhìn nước xuất xứ, sau đó tự ngẫm nhé 🐧.

Look Who’s Back lấy bối cảnh Berlin đầu thập niên 2010. Vào một chiều nắng đẹp, một sự lạ đã xảy ra tại một khu đất hoang trống trải bao quanh bởi những dãy nhà hiện đại. Chẳng hiểu từ đâu, một người đàn ông đã đến nằm dài trên đó. Trông lão trạc ngoại ngũ tuần, người vận đồ binh kiểu cũ, mắt nhắm nghiền như thể say ngủ, trong khi ngay sát bên đầu lão là một vũng nước gì đó đang khô dần. Bất chợt, lão choàng tỉnh, song vẫn không nhổm dậy gì hết. Lão cứ thế nằm đực ra đó, ngoái cổ nhìn ngó quanh quất với vẻ nhăn nhó của một người đang bị một cơn đau đầu như búa bổ hành hạ.

Kẻ ấy chính là █████ ██████.

Bằng cách nào đó, một trong những kẻ sát nhân hung ác nhất lịch sử đã thoát khỏi số phận nghiệt ngã định mệnh an bài cho mình. Không những thế, lão còn đã bị đẩy thẳng đến tương lai, nơi giấc mộng về Đệ Tam Đế Chế đã tan thành mây khói, và cả nước Đức đã thay hình đổi dạng đến gần như không thể nhận ra được nữa.

Nhưng quan trọng là chỉ “gần như” thôi.

Đây có thể là một thế giới của Inter-network, của U-tube, của Vikipedia, của những chuỗi cửa hàng không bóng người trực do Herr Schlecker, Herr Müller, và Herr Rossmann quản lý, song nó vẫn giống với thế giới của gần 70 năm về trước ở một điểm rất quan trọng: con người. Bề ngoài có thể họ đã khác, mối quan tâm của họ có thể không còn như thời hậu chiến của thập niên 20 và 30, nhưng nếu đào xuống đủ sâu, bản chất họ vẫn thế. Họ vẫn có những bất mãn, những lo lắng, những kỳ vọng nhất định về cuộc đời và xã hội. Đây là những kẽ hở đầy hớ hênh, những lối tắt dẫn thẳng vào trái tim quần chúng, một cửa ngõ để thao túng họ. Tất cả những gì cần thiết chỉ là một kẻ đủ ranh mãnh để nhìn ra và tận dụng chúng mà thôi.

Một kẻ như ██████ chẳng hạn…

=====================

MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG

=====================

Look Who’s Back là một cuốn không phải ai cũng ngấm được, bởi vì hai nguyên do: cái đề tài mà nó chạm đến và cái kiểu phát triển của cốt truyện.

Đầu tiên là về đề tài. Quyển này dồn cực nặng về cả chính trị lẫn lịch sử, cụ thể là chính trị và lịch sử của Châu Âu trong giai đoạn 2 cuộc Thế Chiến cũng như khối EU hiện tại (tức giai đoạn 2010). Nó không đến nỗi khô khan, và cũng được viết theo một kiểu mà ngay cả nếu có mù hoàn toàn về những đề tài đấy thì mọi người vẫn có thể theo dõi và áng được đại để cái ý ở đây là gì, nhưng nhìn chung cũng cần mọi người tối thiểu phải có hứng thú sẵn với chúng nó, và sẵn sàng ngồi nghe những bài thuyết giảng, diễn văn dài tầm chục phút đồng hồ, thực hiện bởi ██████, một trong những nhân vật khét tiếng nhất giai đoạn hậu kỳ cận đại.

Tiện nhắc đến thanh niên họa sĩ Áo, anh em biết lão này là ai, mang tư tưởng thế nào, và đã làm những gì rồi đấy. Tác phẩm này lại còn được viết ở ngôi thứ nhất, thuật lại mọi thứ qua miệng của lão, thế nên lẽ đương nhiên, tất cả những tư tưởng và tội ác lão từng làm đều xuất hiện đặc kín mọi trang sách, thông qua con mắt nhìn nhận của một kẻ ngông cuồng thực sự tin tưởng vào tính chính nghĩa của toàn bộ mớ đấy. Look Who’s Back không làm vậy để tẩy trắng cho ██████ hay tán dương gì lão cùng mấy thứ đấy hết đâu, nhưng vì truyện có một mục đích rất cụ thể (bên dưới sẽ bàn kỹ hơn), thế nên nó bắt buộc phải làm kiểu đấy thì mới đạt hiệu quả. Dù rằng cũng là tác phẩm hài, đây không phải là một tác phẩm có thể thưởng thức một cách thoải mái như Jojo Rabbit, và thực tế (cụ thể ở đây là các bài review khác mình từng đọc về quyển này) đã chứng minh rằng những gì chứa đựng trong Look Who’s Back vượt quá sức chịu đựng của rất nhiều người, ngay cả khi họ hiểu tại sao sự tình lại phải như thế.

Vấn đề cuối cùng mình muốn nhắc đến về quyển này là cái mạch cốt của nó bị xây khá lôm côm. Trong khoảng nửa đầu truyện thì mọi thứ có vẻ rất ổn, và hành trình của ██████ nhìn chung có một đường hướng phát triển rất cụ thể. Tuy nhiên, càng về sau thì quyển này càng lộ rõ ra là xét về mặt cốt mà nói, nó không thực sự có một cao trào tổng thể nào. Đây như một series phim dài tập, với thời lượng mỗi tập là tầm 2, 3 chương gì đó. Tập nào tập nấy cũng có các cao trào, kịch tính, hóa giải riêng, và chúng cũng hợp thành một mạch tổng quát là nỗ lực khởi động một phong trào quốc gia xã hội mới cũng như khôi phục lý tưởng Volksgemeinschaft theo hình dung của ██████. Tuy nhiên, mạch tổng đấy khá mơ hồ, không được thể hiện thông qua một xung đột thực sự rõ ràng nào cả. Nói cách khác, cái quyển này không có trùm cuối, không có một chướng ngại tối thượng cần chinh phục, hay thậm chí cả một thế lực đối đầu xuyên suốt. Điều này khiến truyện có cảm giác mông lung vô định, dù trông rõ là vẫn có hướng đi thật. Cái kết của nó cũng rất vô thưởng vô phạt, chỉ như một “tập” có thể xen vào bất cứ đoạn nào khác trong truyện, chứ không xứng mặt làm cao trào cho cả một tác phẩm.

Tuy nhiên, nếu không ngán ngại mấy điểm đó và chấp nhận bước vào câu chuyện này, mọi người sẽ nhận được một trải nghiệm thú vị đến lạnh gáy. Thông qua hành trình ██████, qua cách lão vươn từ một kẻ vô danh tiểu tốt, bị lầm tưởng là một diễn viên nhập tâm quá đà vào vai diễn, thành một hiện tượng truyền thông, tác giả Timur Vermes vẽ lên một bức tranh châm biếm đáng giật mình về thực trạng mong manh của xã hội Đức hiện đại. Nó cho thấy quần chúng dễ dàng chấp nhận nhận những tư tưởng cực đoan lan truyền như thế nào, miễn sao nó được khoác lên một cái mã bao bọc hợp lý. Vermes mô tả một cách chân thực đến giật mình cái sức hút của chủ nghĩa quốc gia xã hội, thể hiện rất rõ không phải ngẫu nhiên nó từng có thời chèo kéo được không ít người ủng hộ. Với chỉ một xíu thay đổi thôi (hay thậm chí có khi còn chẳng cần phải thay đổi gì), quốc gia xã hội sẽ vẫn có thể làm rung động con tim thiên hạ, nhất là những người thuộc một thế hệ chưa từng trải qua thời kỳ tăm tối ấy, và nay đã phần nào lãng quên lịch sử, với kiến thức về tư tưởng này chỉ dừng lại ở “Fascism bad.”

Bên ngoài việc khắc họa cách Đức có thể dễ dàng tự đi vào vết xe đổ một lần nữa, Vermes còn mượn Look Who’s Back để châm biếm những vấn đề nổi trội mà Đức nói riêng và khối EU nói chung đang lờ lớ lơ đi, hoặc giải quyết một cách rất ấm ớ. Sự nhảm nhí hóa của các nội dung truyền thông, cách quần chúng bình thường hóa những hành động gây tổn hại đến cộng đồng, sự trễ nải và thiếu quyết đoán của tầng lớp lãnh đạo với những vấn đề cả đối nội lẫn đối ngoại,… không thiếu thứ được đưa vào trong này và chế giễu theo một kiểu vừa hài mà cũng vừa đáng ngẫm nghĩ.

Và tiện nhắc đến hài, Vermes cũng khá thành công trong khía cạnh giải trí của câu chuyện. Đầu tiên thì ta có những cái kiểu hài bề nổi, chủ yếu xoay quanh việc ██████ rất ba ngơ trước cái thế giới hiện đại. Nó thể hiện qua việc lão cứ trầm trồ trước những thứ như Vikipedia, nghĩ rằng đây là kết hợp của encyclopedia và Viking, thể hiện sự tự hào của dân Đức đối với một tộc người Aryan cổ từng giong buồm đến khám phá các miền đất lạ; việc thanh niên nhìn thấy người dân dắt chó đi dạo và hốt phân chó và tưởng đây là mấy người tâm thần; việc đồng chí loay hoay đặt tên email nhưng tất cả các từ liên quan đến bản thân cũng như Đệ Tam Đế Chế đều hoặc bị nhà mạng cấm, hoặc bị mấy thằng trẻ trâu nó lấy hết rồi.

Tuy nhiên, cái kiểu vỗ mặt hô hố như những gì hay xuất hiện nhan nhản trong mấy phim Marvel không phải là phương pháp đùa chính của truyện. Cái hài cối lõi của Look Who’s Back không mang tính mỳ ăn liền như thế, mà nó tinh tế hơn hẳn. Ví dụ như có lần, ██████ bị hỏi đùa về chó và tính thượng đẳng giữa những chủng chó khác nhau. Không nhận thấy mình bị mỉa, lao nghiêm túc làm nguyên một bài luận để trả lời nó. Cái kiểu lão chiêm nghiệm về chó này chó kia nực cười kinh khủng, song cái tư tưởng phân biệt chủng tộc và những gì lão nghĩ cần phải thực hiện để đảm bảo sự thuần khiết của xã hội chó sẽ không khỏi làm ta toát mồ hôi lạnh. Một trường hợp khác nằm ở việc chủ đài truyền hình cấm ██████ nói đùa về người Do Thái trên sóng. Ở đây, bà chủ đài không muốn đùa về dân Do Thái bởi vì cái đấy đi quá ngưỡng giới hạn, nhưng ██████ thì lại tưởng cũng như mình, bà này bảo không được đùa vì thực lòng tin dân Do Thái là một mối hiểm họa như mình, và mừng rỡ ra mặt vì những tưởng mình đã tìm được một người đồng chí. Một ví dụ khác nằm ở việc ██████ đưa ra bài phát biểu ăn mừng trước toàn công ty khi chương trình của mình được nhận một giải thưởng rất danh giá, và cái kiểu lão nói gà nhưng thiên hạ lại hiểu vịt đã khiến một căn phòng đầy những người hoàn toàn tỉnh táo, ăn học đàng hoàng, nhiệt liệt giơ tay chào kiểu Phát-xít, hô vang trời câu quen thuộc giật mình, “Sieg Heil!”

Những đoạn như vậy xuất hiện xuyên suốt câu chuyện, làm ta không khỏi bật cười trước sự tréo ngoe của nó, song lại cũng dựng hết tóc gáy bởi vì ta biết lão này là ai, chưa kể còn được theo dõi mạch suy nghĩ của lão, và từ đấy biết phân cảnh đang diễn ra trước mắt còn có một tầng nghĩa ám ảnh vô cùng.

===============

Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI

===============

Look Who’s Back châm biếm là chính, thế nên khoản yếu tố SFF của nó cực kỳ nhẹ. Ngoài cái vụ ██████ bị tống lên tương lai ra, chẳng có một cái gì bất thường khác xảy ra hết. Bản thân việc tại sao ██████ lại thò mặt được lên thế giới hiện đại cũng không được chú trọng lắm, và anh em đừng kỳ vọng sẽ nhận được một lời giải thích hay màn bẻ lái nào liên quan đến khoản này. Trên thực tế, lý giải đằng sau vụ vượt thời gian này cực kỳ giống với cái meme “Somehow, Palpatine returned” khét lèn lẹt trong The Rise of Skywoker, chỉ có điều nó được làm theo kiểu khá hơn tí, và được những thứ khác của truyện gánh hộ rất mạnh.

Bản thân thế giới thì nó lấy bối cảnh ở thời hiện đại, thế nên nhìn chung cũng không có gì quá kỳ vĩ. Tuy nhiên, vì mọi thứ được miêu tả lại qua con mắt của một cái lão sống cách đây hơn nửa thế kỷ, chưa kể lại còn trong một giai đoạn hết sức đặc biệt, thế nên ta cũng nhận được khá nhiều mô tả hấp dẫn về nước Đức (cụ thể là Berlin) của giai đoạn đầu thập niên 2010. Nó không hẳn quá chi tiết, nhưng cũng chứa đủ thông tin để mọi người có thể mường tượng ra một cách sắc nét nước Đức bấy giờ hình hài trông như thế nào, và đặc biệt là cách ██████ mô tả về các công nghệ cũng như tập tục của “tương lai” nghe nó cũng khá Sci Fi nữa.

Thú vị nhất về khoản thế giới có lẽ sẽ là cách ██████ thường xuyên ôn lại lịch sử, cả về lịch sử của cá nhân lão lẫn lịch sử của Đức Quốc xã, chạy từ lúc lão vừa mới tiếp quản Đảng Lao động Đức cho đến tận những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Thông tin truyện đưa ra khá nhiều, nhưng không đến mức ngồn ngộn, và thường được tích hợp vào với các mạch chính theo một cách rất tự nhiên, thế nên vừa đảm bảo xây dựng lên được một bức tranh tương đối sống động về nước Đức thời ấy, vừa không đến mức làm độc giả cảm thấy mệt đầu (cho lắm).

========

NHÂN VẬT

========

Và giờ đây, ta đến với phần thú vị nhất, đông thời cũng gây tranh cãi nhất của Look Who’s Back.

Look Who’s Back cũng có một dàn nhân vật khá đông đảo đấy, nhưng thành thật mà nói, cái truyện này về cơ bản chỉ có đúng một nhân vật đáng chú ý thôi: ██████. Cái lão này được xây dựng theo một cách mình thấy rất thành công. Vermes nắm được rất ổn thần thái và phong cách của ██████, và tái tạo lại lão một cách khá sát thực. Đáng chú ý nhất, tác giả không đi theo hướng mà phần đông thiên hạ vẫn hay làm với lão này, ấy là nói khống một khía cạnh nào đó của lão lên. Chẳng hạn, trong những tác phẩm hư cấu, ta thường sẽ thấy ██████ bị tô vẽ thành một kẻ độc ác thuần túy, làm tất cả mọi thứ không vì lý do gì ngoài việc lão đơn giản là quỷ Satan tái thế và muốn hủy diện nhân loại; hoặc không thì cái lão này cũng bị biến thành một dạng thằng hề, làm cái gì cũng ngu si và chỉ có thể mua vui vài trống canh cho người đời. Look Who’s Back không làm thế, mà nó khắc họa một ██████ đa chiều hơn hẳn, với những tài nghệ không thể chối cãi và một bản lĩnh phi thường. Lão không như một thằng phản diện bước ra từ những cuốn tiểu thuyết về James Bond, mà là một con người ta hoàn toàn có thể nhìn thấy xuất hiện ngay ngày mai, hoặc trong một chương trình tranh biện nào đó, hoặc trên một kênh Youtube nổi chuyên luận bàn về tin tức xã hội và chính trị. Chính sự chân thực này làm các thông điệp đả kích và cảnh báo của câu chuyện càng hiệu quả hơn hẳn, chứ không chỉ là một câu chuyện hài xuềnh xoàng.

Bất chấp đã xây dựng ██████ theo một cách không phiến diện, Vermes không hề tẩy trắng cho cái lão này một tí nào. Cái bản chất xấu xa của lão đều được thể hiện một cách cực kỳ rõ ràng, và ta có thể thấy rất rõ đây là một kẻ bỉ ổi và kiêu ngạo trong mọi nếp nghĩ. Lão này không thể đi quá nửa câu mà không phun ra gì đó sặc mùi phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, ảo tưởng quá độ, hay ngông cuồng đến mức cận kề ngưỡng tâm thần. Kể cũng phải nể phục thanh niên Vermes, bởi vì ông anh đã lia ngòi bút của mình qua cả một bãi mìn khổng lồ, để chính ██████ đóng vai trò dẫn truyện và nhìn nhận về những gì lão làm, song vẫn không làm những tư tưởng tàn ác lão ấp ủ trong lòng bị “sạch” đi tí nào hết. Trên thực tế, cái kiểu ██████ nhìn nhận về bản thân chỉ khiến ta càng thêm hãi sợ và ghê tởm cái lão này, bởi vì thật khó lòng mà tin nổi trên đời lại tồn tại một con người có thể bệnh hoạn đến nhường ấy.

Bản thân các hành động lão đã làm trong lịch sử, chẳng hạn các vụ diệt chủng người Do Thái, việc kìm kẹp báo chí, cướp đoạt quyền lực cũng không bị coi nhẹ. Tất cả đều được công nhận là đã xảy ra, và lý do dẫn đến những vụ việc đau thương đấy được bộc lộ rõ nét qua những ý nghĩ đầy kinh tởm của ██████. Lão không hề tỏ chút hối hận, không hề có một tí xung đột nội tâm nào về cái đấy hết. Không tội ác nào của lão bị lấp liếm bất cứ lập luận nào có thể gây lầm tưởng rằng chúng có tí gì tử tế hết, kể cả những điều do chính ██████ suy nghĩ hay nói ra. ██████ của Vermes không được xây dựng như một hình mẫu Thanos phiên bản người, mà lão vẫn đích thị là ██████, một kẻ vô phương bao biện. Trừ khi bản thân anh em cũng mang những ý nghĩ quái thai về sắc dân, vai trò giới, tinh thần dân tộc độc hại như chính ██████, mọi người sẽ không thể nhìn nhận về lão dưới dạng một người hùng bị hiểu nhầm hay gì tương tự như vậy cả.

========

TỔNG KẾT

========

Mặc dù có một số hạt sạn khá to về cách tạo dựng câu chuyện, Look Who’s Back vẫn là một cuốn tiểu thuyết rất hấp dẫn và đáng suy ngẫm. Gọi đây là một phiên bản Số Đỏ hiện đại của Đức thì sẽ hơi quá đà, bởi lẽ Timur Vermes còn khướt mới đú nổi trình độ với Vũ Trọng Phụng, song Look Who’s Back vẫn là một nỗ lực trào phúng với phong thái khá tương đồng với kiệt tác của ông vua phóng sự đất Bắc kia. Nếu ưng cái kiểu của Số Đỏ và muốn trải nghiệm một thứ hao hao, mang màu sắc ảo diệu hơn, anh em có thể ngó qua Look Who’s Back nhé.

P/S: nếu sau hôm nay mà cái group này vẫn còn đứng được thì tớ sẽ ngạc nhiên lắm đấy 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.