Cuối cùng cũng phi lại hết nửa đầu cái Hyperion Cantos. Cũng như J. R. R. Tolkien và bộ Lord of the Rings, tác giả Dan Simmons ban đầu chỉ định viết một cuốn có tên là Hyperion, nhưng mà vì dày quá nên NXB bắt phải bổ ra thành hai quyển là Hyperion và The Fall of Hyperion. Chính thế nên mình sẽ chập chung chúng nó vào trong bài review này.
🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌑 🌑
8/10
=====
TL;DR
=====
Epic Cyberpunk tôn giáo, kết hợp nghịch lý thời
gian. Và thơ. Cực. Nhiều. Thơ.
==============
CỐT/VĂN PHONG
==============
Truyện lấy bối cảnh tương lai xa, khi loài người
đã ra định cư trên nhiều thế giới khác nhau. Bấy giờ xã hội trong vũ trụ có 3
thế lực thống trị chính, bao gồm:
- Hegemony of Man: đế chế lớn nhất của loài
người lúc bấy giờ, cai trị hàng ngàn hành tinh thông qua một mạng lưới các cổng
dịch chuyển tức thời có tên “farcaster.”
- TechnoCore: một nền văn minh cấu thành từ
các AI do con người chế tạo, nhưng về sau đã phát triển vượt trội và trở thành
một thể chế độc lập, nhưng vẫn chiếu cố cung cấp cho con người nhiều công nghệ
mang tính sống còn đối với nền văn minh (ví dụ như mạng lưới farcaster).
- Ousters: xã hội loài người đã sống tách biệt
với Hegemony of Man được hàng ngàn năm, có chủ trương và tư tưởng trái ngược hẳn
với Hegemony về nhiều mặt, đặc biệt về phương thức định cư trên các hành tinh
khác. Hiện đang là kẻ thù số một của Hegemony of Man.
Mấu chốt của câu chuyện nằm ở một hành tinh
"hẻo lánh" tên là Hyperion. Hyperion hiện đã được Hegemony of Man đến
định cư, nhưng chưa được chính thức cho gia nhập đế chế Hegemony of Man (chưa
được xây cổng farcaster). Tuy nhiên, hành tinh này lại sở hữu một thứ cực kỳ
quái đản, ấy là các Lăng mộ Thời gian (Time Tombs). Những lăng mộ này tồn tại
trong một trường thời gian quái dị, khiến chúng di chuyển ngược về quá khứ. Quá
khứ của chúng là tương lai của ta, và tương lai của chúng là quá khứ của ta.
Nói cách khác, các lăng mộ này được xây trong
tương lai, và con người đang dần tiến về thời khắc chúng được xây dựng.
Hiện tại, khu lăng mộ ấy đang là các phế tích
trống không, nhưng nó đang dần trôi ngược về thời bên trong vẫn còn chứa… gì
đó. Không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra khi nó về đúng thời. Thêm nữa, cái khu đấy
bị một con quái vật rất dị mang tên Shrike bảo vệ, với những năng lực gần như
siêu nhiên, làm nó càng thêm phần bí ẩn. Sự bí ẩn của khu lăng mộ và con quái
Shrike kia đã khiến cả một tôn giáo xoay quanh nó ra đời, mang tên Shrike
Church. Shrike Church hay tổ chức các cuộc hành hương đến khu lăng mộ trên
Hyperion, và theo lời đồn thì ai đến đó mà sống sót thì sẽ được con Shrike ban
cho một điều ước. Tính tới nay, chưa người hành hương nào sống sót trở về cả.
Bây giờ, do cả Hegemony of Man, TechnoCore, lẫn
Ousters đều nhòm ngó khu lăng mộ vì những mục đích riêng, Hyperion sắp biến
thành một bãi chiến trường đẫm máu. Shrike Church tổ chức một cuộc hành hương
cuối cùng đến Lăng mộ Thời gian, với 7 người tham gia là: Cha Lenar Hoyt (Giáo
hội Công Giáo), Đại tá Fedmahn Kassad (quân đội Hegemony of Man), Thi sĩ Martin
Silenus, Giáo sư Sol Weintraub (mang theo Rachel, con gái sơ sinh của mình),
Thám tử Brawne Lamia, Lãnh sự Hyperion (vô danh), Thuyền trưởng Het Masteen
(Templar/Hội Huynh Đệ Muir). Cuốn đầu tiên, Hyperion, tập trung vào hành trình
của 7 người này cũng như quá khứ của họ. Cuốn thứ hai, The Fall of Hyperion, tập
trung vào những gì xảy ra sau khi họ đến khu lăng mộ, cũng như tình hình cuộc
giằng co giữa Hegemony of Man, TechnoCore, và Ousters lúc ấy.
Cuốn đầu tiên, Hyperion, giống với một tuyển tập
truyện ngắn hơn là một cuốn tiểu thuyết bình thường. Đúng là nó có một mạch
truyện chung thống nhất, xoay quanh các khó khăn cũng như trở ngại của đoàn người
hành hương, nhưng cái hay của truyện không nằm ở đấy. Cứ đi được một đoạn, một
thành viên của đoàn sẽ lại chia sẻ câu chuyện về đời mình, cùng với lý do mình tham
gia chuyến hành hương/tự sát này, và lạy Chúa trên cao, mảnh đời của mỗi người
đều thú vị ngoài sức tưởng tượng.
Mỗi câu chuyện đều mang một style cực kỳ riêng
biệt, chẳng hạn câu chuyện của Cha Lenar Hoyt đọc chẳng khác nào mấy quyển tiểu
thuyết du ký của các nhà thám hiểm Châu Âu hồi trước (ví dụ như Isabella Bird);
chuyện Đại tá Fedmahn Kassad thì bay thẳng thành hành động quân sự kết hợp lãng
mạn; Thám tử Brawne Lamia thì là một cuốn trinh thám Neo-Noir đặc sệt chất
Cyberpunk như do chính tay William Gibson viết; câu chuyện của Giáo sư Sol
Weintraub thì thậm chí còn thay cả cách trình bày, để cốt lộ tòe loe ngay từ đầu
và tập trung vào một hành trình xúc động vô cùng;… Mỗi câu chuyện đều óc dính
dáng đến cái khu lăng mộ trên Hyperion, hoặc với con quái vật Shrike một cách
trực tiếp, và chúng tạo thành những plot twist cực bất ngờ, vừa tạo dấu ấn cho
câu chuyện lẻ, vừa góp phần xây thêm sức hút cho mạch chính. Ngoài ra, mỗi một
mảnh đời lại được tác giả tận dụng để phân tích và đào sâu về một triết lý rất
vĩ mô, ví dụ như bản chất của tôn giáo, ý nghĩa của sự tồn tại, linh hồn của
văn chương trong một thế giới thực dụng, cái giá của bản sắc dân tộc,… Mỗi lần
một mẩu truyện kết thúc, ta sẽ thấy tiếc nuối cực kỳ, và chỉ muốn mau mau chóng
chóng cho họ đến khu lăng mộ kia để xem rốt cuộc thì hồi kết của người kể sẽ ra
sao, nhưng rồi mẩu truyện tiếp theo xuất hiện, và ta lại bị hút vào như trước.
The Fall of Hyperion thì bỏ hẳn cái kiểu kể
chuyện lẩu Thái đấy đi, bắt đầu trở thành một cuốn tiểu thuyết truyền thống
hơn. Có thể nói nếu Hyperion là một câu chuyện vi mô về kiếp người thì The Fall
of Hyperion lại là một câu chuyện vĩ mô về vận mệnh của các đế chế. Truyện vẫn
tiếp tục kể về 7 con người hành hương trong Hyperion, nhưng bắt đầu lùi xa hẳn
ra, giới thiệu một số tay chơi lớn của những phe phái trong thế giới này vào,
và đào cực sâu vào các mưu mô chính trị, các âm mưu mà mỗi phe ấp ủ. Đọc về
cách những con người như Meina Gladstone, CEO (ừ, CEO 🐧 ) của Hegemony of Man phải lèo lái chống đỡ thù trong giặc ngoài hay
cách những con AI mưu tính và sắp xếp những nước cờ chiến lược riêng của mình
mà thấy hấp dẫn vô cùng. Dù hiếm khi có cảnh chiến trận khổng lồ nào mà chủ yếu
toàn những cảnh… họp, họp, và họp, ta vẫn có thể cảm nhận được sự căng thẳng và
kịch tính của một cuộc chiến đang lên cao trào, và bất kể ai có thắng có thua
ra sao, vận mệnh thiên hà cũng sẽ thay đổi hoàn toàn.
Khốn nạn một cái là The Fall of Hyperion ôm đồm
quá nhiều. Đồng chí Simmons rất thích tiếp tục phát triển sâu thêm các theme
triết lý ở quyển trước, đồng thời đá kèm phân tích thi ca cũng như phê bình tư
tưởng tôn giáo. Ban đầu thì nó còn hay, nhưng càng về sau thì nó càng bắt đầu
nhập nhèm và rối loạn, đặc biệt đến gần cuối ông anh lại đẻ ra thêm một hai cái
triết mới nghe hơi ngu ngu thế nên đọc rất là nhọc nhằn. Thêm vào đó, bản thân
cái cốt cũng bắt đầu có một số vấn đề, đôi ba chỗ khó hiểu và có thể nói là
plot hole bắt đầu lộ ra, khiến đọc mà bực cả mình. Quả kết may mắn là nó vớt
lên được, với hầu hết các mạch cốt lõi đều được giải quyết ngon lành hết. Nhưng
nản cái ông anh lại học cái thói của Jar Jar Abrams (đừng hỏi tại sao, lôgic
này cũng hợp lý như một số cái lời giải thích trong truyện vậy 🐧 ), cứ để chừa lại mấy cái
Mystery Box không được giải quyết, khiến truyện mất đi một phần độ hay. Có khi
Simmons đã bị biên tập bắt cắt bớt mấy chương cho nhẹ sách nên nó mới lỗ chỗ
như thế, nhưng nhìn cảnh cả 2 quyển này đã dày gần 1000 trang rồi, tớ thực sự
không muốn biết bản uncut full HD nó trông như thế nào đâu 🐧.
================
Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI
================
Đây có lẽ là một trong những lý do khiến không
ít người coi Hyperion xứng đáng chiếm vị trí của Dune trong làng Sci Fi.
Thế giới của Hyperion thú vị và sâu sắc cực kỳ,
mặc dù lúc ban đầu có thể ta sẽ hơi sốc nhiệt. Bình thường các tác giả Sci Fi sẽ
cho người đọc thời gian để làm quen với thế giới mới mình xây dựng. Ta sẽ được
kết hợp trải nghiệm giữa những thứ quen thuộc và những thứ mới lạ, đồng thời những
thứ mới sẽ được giải thích từ khá sớm. Nhưng Simmons thì khác. Simmons giới thiệu
ta đến với cái thế giới này bằng cách thả tòm ta vào ngay chính giữa nó, không
một lời giải thích, không một mấu bám quen thuộc. Ngay từ đầu ta đã bị vả bôm bốp
vào mặt bởi hàng loạt những thuật ngữ, những khái niệm, những cái ám chỉ nghe
chẳng khác gì tiếng Phạn, và đi cả một đoạn rồi mà vẫn chẳng thấy có dấu hiệu
gì là chúng nó sẽ được giải thích hết. Nhưng rồi sau đó ông rất khôn khéo, để
cho mỗi một câu chuyện của một người hành hương gắn liền với một khía cạnh công
nghệ, văn hóa riêng, và từ đó mà đào sâu vào phân tích cực kỳ kỹ lưỡng những thứ
mình đưa ra. Dần dần, đến cuối cuốn Hyperion, ta đã tự lắp ráp lại được trong đầu
một bức tranh khá toàn diện về cái thế giới này cũng như những công nghệ mà nó
sử dụng. Ngay cả những thứ gần như chẳng được giải thích tí gì, ví dụ cái món
vũ khí deathwand, hệ thống liên lạc fatline, tia hellwhip,… cũng có thể được hiểu
hòm hòm về bản chất, và phần còn lại thì tự điền vào chỗ trống cũng được.
Hyperion còn một điểm hấp dẫn rất độc đáo khác
nữa là nó kết hợp Fantasy vào với Sci Fi một cách hài hòa khó tin. Cái vũ trụ của
Simmons tạo ra mang nặng một cái sắc cổ kính, trong khi rõ ràng là một thế giới
tương lai. Nhưng khác với những tác phẩm Science Fantasy khác, chẳng hạn như
Star Wars, Simmons phát triển thế giới của mình một cách khéo léo hơn hẳn,
không để người đọc phải ngạc nhiên chẳng hiểu tại sao thời buổi súng ống pằng pằng
mà vẫn có người cầm kiếm đánh nhau. Yếu tố Fantasy được thể hiện ra thông qua
cách đặt tên các món công nghệ, chẳng hạn farcaster, deathwand, treeship,… và
chỉ miêu tả chúng vừa đủ để ta không thể chối cãi được đây là công nghệ hiện đại.
Nó còn được thể hiện qua cách ông chọn chủ đề để bàn, chẳng hạn những phạm trù
liên quan đến tôn giáo, khai hoang thuộc địa, văn học cổ, các triết lý của những
nhà tư tưởng xưa, và đặc biệt là đâm cực kỳ sâu vào thơ ca của thi sĩ John
Keats, khiến tác phẩm mang một cái không khí rất gần với Châu Âu giai đoạn đầu
thế kỷ 19. Thậm chí ta còn có một số đoạn nghe chẳng khác nào lịch sử trong một
tác phẩm High Fantasy, với một thành phố thi sĩ cổ nay đã hoang tàn, và huyền
thoại về Sad King Billy, cuộc kháng chiến của người dân I̶r̶e̶l̶a̶n̶d̶
Maui-Covenant trước sự công nghiệp và thương nghiệp hóa mảnh đất tổ tiên của
mình, và còn cả một cuộc tình cổ tích giữa người trần và người trời “bất tử”
(do “nợ” thời gian khi ngủ đông để di chuyển giữa các hành tinh),... Tất cả những
yếu tố Fantasy này đều khá là “mềm”, không đến mức làm ta phải ngạc nhiên chẳng
hiểu tại sao đã thế kỷ này rồi mà còn dùng những thứ như thế.
=========
NHÂN VẬT
=========
Quyển Hyperion có khá nhiều nhân vật, bởi vì mỗi
một câu chuyện của một người hành hương lại đi kèm với một dàn nhân vật phụ
khác nhau. Nhưng đáng chú ý là ngay cả trong những mẩu truyện lẻ, Simmons cũng
cực kỳ đầu tư cho nhân vật, không để ai chỉ như những mảnh gỗ di động, mà cho họ
tối thiểu cũng có một chút ít chiều sâu, đủ để ta cảm thấy đây quả thực là những
con người từng sống thật. Các nhân vật chính thì khỏi bàn rồi, mỗi người có một
nét tính cách riêng, và khá là biệt lập với nhau. Tất nhiên, vì các nhân vật biệt
lập với nhau như thế nên có thể mọi người sẽ thấy có người này hợp cạ với mình
hơn những người khác, hoặc người này khó ưa hơn những người còn lại.
The Fall of Hyperion thì giới thiệu ít nhân vật
hơn, nhưng vì bản chất cách kể chuyện của nó nên thời lượng đầu tư cho mỗi nhân
vật không còn được như trong Hyperion nữa, và bắt đầu xuất hiện một số nhân vật
hơi bị thừa, xây dựng không được sâu cho lắm, hay thậm chí chỉ xuất hiện với mục
đích đẩy cốt đi xong biến mất luôn, hoàn toàn không có tí chiều sâu nào hết. Đặc
biệt khó chịu là mấy con AI ta được gặp mặt, không phải vì bọn nó không có chiều
sâu, mà vì chúng nó… sâu quá, chẳng thể hiểu nổi là thế nào 🐧.
Nhưng ít nhất nó vẫn cho ta CEO Gladstone, và
thế là đủ gỡ gạc lại rồi 🐧.
=========
TỔNG KẾT
=========
Cuốn truyện mở màn cho Hyperion Cantos (xẻ nửa thành Hyperion và The Fall of Hyperion) là một trong những tác phẩm Sci Fi đồ sộ nhất từng xuất hiện trong dòng này, với Hyperion là một phát pháo mở màn hết sức ấn tượng, hiếm cuốn nào khác làm được như thế. Khổ nỗi sang đến The Fall of Hyperion thì ông tác giả hơi bị sa đà vào nhiều thứ linh tinh quá, khiến cho câu chuyện trở nên rối rắm không cần thiết. Tuy nhiên, rốt cuộc nó vẫn về đích được một cách khá ổn thỏa, xứng đáng trở thành một trong những cuốn kinh điển của Sci Fi.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓