Mặc dù Sci Fi có một sự khác biệt rất nổi bật so với các dòng khác, đó là nó lấy khoa học làm nền tảng, về cơ bản đây vẫn cứ là văn học. Chính thế nên phần lớn các tác phẩm Sci Fi sẽ vẫn dựa nhiều vào xung đột mang tính cá nhân, bất kể đó là con người với con người hay con người với rôbốt, AI, zombie,... hay thậm chí chỉ là nội tâm của 1 thứ mang "nhân" tính nào đó.
Nhưng thỉnh thoảng chúng ta vẫn có những tác phẩm như cuốn The Ark bên dưới, quyết tâm đánh mạnh vào thứ làm cho mình khác biệt: để khoa học làm nhân vật chính.
Trong truyện, 1 sao chổi sắp sửa bay ngang Trái Đất. Mặc dù nó sẽ không đâm sầm xuống, sao chổi này lại mang theo một lượng chất phóng xạ siêu khổng lồ, và lúc bay ngang, nó sẽ khiến toàn bộ khí quyển Trái Đất bị nhiễm phóng xạ, và một nhân loại sẽ diệt vong. Với chỉ 5 năm ngắn ngủi, con người phải tìm cách sống cho qua đại nạn này.
Truyện gần như có thể nói là có kết cấu như một bài toán. Câu hỏi đặt ra là: sắp chết đến nơi, không trốn đi đâu được, còn 5 năm để chuẩn bị, không được gây hoảng loạn, làm gì giờ? Sau đó, trong gần như 95% câu chuyện, khoa học ra chiếm spotlight, với liên tục phải chống đỡ trước các khó khăn mới xuất hiện, các bước thụt lùi, phải tìm cách đi vòng vèo lách qua những rào cản công nghệ nhằm tìm được đáp án. Nhân vật chính gần như không có, với các yếu tố con người chỉ thi thoảng mới xuất hiện trong những mẩu truyện nho nhỏ về cách chính phủ bưng bít thông tin xoay quanh đại nạn sắp đến. Mọi thứ lôgíc và khoa học đến mức cả quyển thậm chí còn có thể tóm gọn lại bằng một đoạn script.
CometGetDistance = ExtinctionEvent
WinActivate, Human-Safe-Haven.project
Loop {
Send, {Money}{Men}
Run Washington\DOD\Improve-Plan.exe
If WinActive("Information Leak") {
Run Washington\DOD\Cover-Up.exe
}
Else If WinActive("Technical Roadblock") {
Run Science\Ingenuity\Workaround.exe
}
Else If ExtinctionEvent = 0 {
Break
}
}
Run Washington\DOD\Human-Safe-Haven.project
Send, {Luck}{Prayers}
ExitApp
Để khoa học lên trước thế này là một nước đi cực kỳ liều mạng, bởi vì khoa học vốn dĩ nó cực kỳ khô khan. Seveneves cũng là một cuốn để cho khoa học một mình tỏa sáng, nhưng lại khô cực kỳ và chỉ hút được một nhóm người đọc nhất định. Arkwright và The Martian thì khôn khéo hơn, lồng ghép drama con người (Arkwright) và sự hài hước (The Martian) vào để cân bằng lại. The Ark mặc dù không có cá tính như The Martian hay lồng ghép nhiều tính "nhân" như Arkwright, nó rất may mắn là chỉ có 250 trang chứ không dài gần 800 trang như Seveneves, và lượng "nhân" ít ỏi trong các vụ bưng bít của chính phủ vẫn đủ để bẻ nhỏ các mảng khoa học nặng ra.
Nhìn chung, The Ark là một cuốn với sức hút rất lạ. Nó không có mấy xung đột, nhân vật chính chẳng thấy mặt đâu, chẳng có một thứ gì sâu sắc đánh vòng tình cảm cả, thậm chí cái kết còn được tiết lộ rành rành ở ngay chương đầu tiên. Nhưng nó lại hấp dẫn một phần não bộ khác, phần não từng giúp 2 con khỉ đầu tiên nghĩ rằng, "Giờ mà đập hai hòn đá vào nhau thì sao nhỉ?" Nó cuốn người đọc bằng sự tò mò, muốn biết khó khăn này sẽ được giải quyết ra sao, lỗ hổng kia sẽ được trám thế nào, rắc rối tiếp theo sẽ ập đến từ đâu,... Nói cách khác, ta như nhìn ngắm một trận đấu tuyệt mỹ giữa con người và quả sao chổi, với đủ các ngón đòn nhử, thọc, chém, thăm dò từ thanh kiếm khoa học. Và mặc dù đã biết kết quả sẽ ngã ngũ ra sao, ta sẽ vẫn không khỏi cảm thấy phần nào hồi hộp khi tiếng chuông kết trận đến gần, và hài lòng với trận đấu mình được chứng kiến.
Cuốn này mình vớ được miễn phí trên Amazon trong đợt sale hồi Giáng Sinh năm ngoái, giờ không rõ có còn không, nhưng căn cứ số trang với tên tác giả thì chắc giá tầm $3-4 gì đó (khoảng 65-95k). Nếu thấy ưng kiểu truyện không phải là truyện như thế này thì anh em nên thử tìm đọc.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓