Chuyển đến nội dung chính

Review The Automatic Detective của A. Lee Martinez

 


🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌗🌑🌑

7.5/10

=====

TL;DR

=====

Sin City + Overwatch, diễn ra ở tương lai (nếu “tương lai” đóng băng trong thập niên 50).

==============

GIỚI THIỆU CHUNG

==============

The Automatic Detective là một cuốn tiểu thuyết Raygun Gothic lai trinh thám của A. Lee Martinez. Truyện lấy bối cảnh là Thành phố N̵e̵w̵ ̵Y̵o̵r̵k̵ Empire, nơi những kỳ quan của công nghệ như rôbốt và xe bay là chuyện thường ngày ở huyện, và những kẻ đột biến quái thai cùng những thí nghiệm khoa học điên rồ nhan nhản tại mọi cung đường góc phố. Đây là một thành phố của cơ hội, nơi bất kỳ ai cũng có thể biến giấc mơ của mình thành hiện thực, song cũng lại là một mảnh đất tàn khốc vô cùng, nơi chỉ một sơ sảy cũng đủ để con người ta bị nhịp chân xô bồ của nó nghiến nát bét.

Sống tại cái “nồi lẩu” sầm uất ấy là Mack Megaton, một nguyên mẫu rôbốt quân sự do một nhà bác học điên chế tạo. Ngay cả xét theo tiêu chuẩn cao ngất của Thành phố Empire, Mack vẫn là một cỗ máy giết chóc vô cùng tân tiến, được tạo ra để trở thành nỗi kinh hoàng ngoài chiến trường, khiến mọi quân đội phải khuỵu gối với sức mạnh áp đảo của mình. Và với tất cả những tiềm năng phi thường ấy, Mack…

… chẳng làm được gì cho đời cả.

Thay vào đó, Mack chỉ đơn thuần là một anh lái taxi quèn, phải kiếm từng đồng trả tiền điện qua bữa. Một con rôbốt trong hàng ngàn con rôbốt khác tại nơi đây.

Tuy nhiên, Mack cũng chẳng lấy đó làm phiền. Nó chỉ muốn được sống một cuộc đời lặng lẽ, để đơn xin quyền công dân của mình được phê duyệt yên ổn. Bản thân việc nó được chế tạo để có thể đấm bẹp rúm ró một cỗ xe tăng cũng đã đủ gây khiến hồ sơ của nó bị săm soi kinh lắm rồi, đi rước thêm chuyện rắc rối vào người thì mọt kiếp sẽ bị coi là một cỗ máy mất.

Nhưng khốn nạn cho Mack là nó đang sống trong Thành phố Empire, nơi không ai cần đi rước rắc rối về hết, bởi lẽ rắc rối không sớm thì muộn sẽ tự đến đạp cửa xông vào nhà.

Và trong trường hợp của Mack, rắc rối đến dưới dạng lời kêu cứu do một bé gái đột biến hàng xóm để lại, bấy giờ đã mất tích cùng cả gia đình mình.

Từ mốc xuất phát ấy, Mack bắt đầu phải dấn thân vào những con hẻm tăm tối và đụng độ với những thành phần cặn bã nhất lẩn khuất trong Thành phố Empire. Càng tìm kiếm, Mack càng nhận thấy đây không chỉ là một vụ bắt cóc đơn thuần, điều vốn dĩ chỉ là chuyện cơm bữa tại Empire. Không, vụ này có cực kỳ nhiều uẩn khúc bí hiểm, dính dáng trực tiếp đến lịch sử ra đời cũng như quá trình sa đọa của Thành phố Empire, chưa kể còn có một ý nghĩa hết sức hệ trọng đối với sự tồn vong của cả thành phố lẫn mọi công dân của nó…

=====================

MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG

=====================

Như anh em hẳn đã nhận ra khi đọc xong phần TL;DR cũng như giới thiệu sơ lược nội dung, The Automatic Detective đặc sệt chất trinh thám, cụ thể ở đây là trinh thám Noir. Nó chỉ có đúng một mạch truyện duy nhất: điều tra về sự mất tích bí ẩn của gia đình hàng xóm cái con rôbốt Mack Megaton kia, không nhùng nhằng ba bốn mạch tẽ nhánh chồng chéo chạy đồng thời với nhau hay gì hết cả.

Tuy nhiên, điều ấy chỉ đồng nghĩa với việc cốt của truyện sẽ dễ theo dõi thôi, chứ không phải là nó sẽ “thẳng đuột,” không gì lắt léo đâu nhé. Cuộc điều tra của Mack diễn ra một cách hết sức ly kỳ, dẫn con rôbốt kia đi đến đủ mọi ngóc ngách của Thành phố Empire, và liên tục khám phá ra những manh mối mới, thường là dưới dạng các bí ẩn hoặc khó khăn bất ngờ, để từ đấy đẩy cuộc điều tra của nó đi hết hướng này đến hướng khác. Bên cạnh đó, vì cái thế giới của The Automatic Detective khá dị hợm (lát đến phần thế giới sẽ nói kỹ hơn), thế nên nếu không có gì thì thôi, chứ một khi đã bẻ lái thì nó sẽ cua gắt kinh khủng, khiến ngay cả những người quen với các mô típ của cả trinh thám lẫn Sci Fi cũng không khỏi chưng hửng.

Bên cạnh đó, The Automatic Detective còn cực kỳ đề cao tính hành động. Vào truyện còn chưa được nóng chỗ là anh em đã thấy có đấm nhau bôm bốp rồi, và sau đó thì cứ đi tầm vài trang là lại có cảnh xung đột nảy ra, gây cảm giác nghẹt thở vô cùng. Mỗi một trận tẩn nhau đều được xây dựng theo kiểu rất công phu, đọc mà thấy mãn nhãn vô cùng.

Đặc biệt, tác giả Martinez không chỉ nhồi các pha tẩn nhau theo kiểu lấy được, mà ông anh cứ không ngừng biến tấu mọi thứ, luôn bày ra những tình huống quái đản để buộc con Mack phải tận dụng các điểm mạnh/yếu của mình một cách thực sự sáng tạo, chứ không chỉ chơi kiểu xôi thịt dùng cơ bắp (ờm, bộ truyền động 🐧 ) đơn thuần. Các địch thủ mà con Mack đụng mặt cũng liên tục thay đổi và nâng cấp bản thân, đánh rất cân tài với Mack, khiến dù có biết rằng Mack sở hữu sức mạnh của nhân vật chính, ta vẫn không khỏi hồi hộp chẳng hiểu liệu nó có qua khỏi không.

Tính hành động cao ấy kết hợp với mạch truyện điều tra hấp dẫn đã mang lại cho The Automatic Detective một sự gay cấn và lôi cuốn khó tả, và một khi đã cầm truyện lên thì anh em sẽ bị hút tọt vào trong đấy, không cách nào dứt ra nổi.

Ít nhất là cho đến đoạn giữa của nó.

Khi truyện đi qua được tầm phân nửa, một tình tiết mới xuất hiện, làm mình không khỏi choáng váng cả đầu óc, rối bời hết tâm can. Lột tả được súc tích nhất cảm xúc của mình khi ấy có lẽ sẽ là cái từ này:

Bruh 🐧.

Đọc đến đoạn đấy, mình phải lật ngược lại đọc lướt mấy chương trước, vì chắc chắn phải có âm mưu gì chứ không thể nào như thế nào được. Sau một hồi giở đi giở lại, kết luận cuối cùng của mình là:

Bruh 🐧.

Trên lý thuyết, cái tình tiết ấy được diễn giải rất tử tế, lồng ngược vào với những gì đã xảy ra ở đoạn đầu, và không hẳn là phi lôgic. Nó hoàn toàn có thể xảy ra được, nhất là trong một cái thế giới bát nháo như The Automatic Detective. Tuy nhiên, cái sự dị tình tiết này thử thách ngưỡng chấp nhận của người đọc hơi quá mức cần thiết, đặc biệt khi nó xuất hiện theo một kiểu như từ trên trời rơi xuống, không được mào đầu gì cả, và tùy cách nhìn nhận mà thậm chí còn lệch hẳn tông với cái bản chất sát thực đến mức trần trụi mà tác phẩm xây dựng từ đầu đến giờ (ờ thì, ít nhất là “thực” hết mức một tác phẩm với một con khỉ đột biết nói, một con rôbốt sát thủ, một lão cảnh sát chuột có vợ là người lùn, một thằng du côn bốn tay và một lão trùm xã hội đen có thể dịch chuyển đồ vật bằng trí óc có thể làm được 🐧 ).

Công bằng mà nói, sau khi tình tiết này xuất hiện, câu chuyện vẫn duy trì được sự hấp dẫn, với các cảnh hành động càng lúc càng thêm phê pha hơn. Tuy nhiên, cả câu chuyện giờ trở nên giống như một tập phim hoạt hình hành động do thanh niên Micheal Bơm chịu trách nhiệm sản xuất. Nó cũng cố níu lại một tí chất Noir của bản thân, nhưng giờ chủ yếu tập trung vào việc đánh trùm theo kiểu gì chứ chẳng còn mấy tính trinh thám nữa. Kết hợp với bản chất lệch tông của cái tình tiết ở đoạn giữa, anh em sẽ phần nào cảm thấy như thể phải ăn toàn chả băm dù đã gọi suất chả miếng ấy: về cơ bản cũng ngon tương tự nhau, nhưng vẫn cứ sai sai thế nào ấy.

Thêm một vấn đề nữa là cái quyển này có kiểu cưỡi ngựa xem hoa hơi nhiều. Nó nêu ra khá nhiều đề tài triết lý thú vị, bao gồm cuộc đua giữa lực lượng hành pháp và giới tội phạm trong việc ứng dụng công nghệ, hệ quả của việc sở hữu một số năng lực ngoại cảm, kiểm soát và sống cùng với cơn nghiện,… nhưng mấy cái này chỉ nói ra một tí làm màu, còn đâu chẳng đi sâu vào bàn về chúng nó gì cả. Đáng lẽ làm thế cũng có thể châm chước cho qua, bởi vì nó có một đề tài xoáy được khá sâu là bản chất của nhân tính và ý thức, nhưng khổ nỗi cái trò nhân tính với ranh giới giữa người/máy hay tốt/xấu của nó không được khai thác một cách mới mẻ gì cho cam, đặc biệt khi đem ra so vấn đề là mấy đề tài còn lại. Quan trọng nhất, một số thứ “phụ gia” ấy ẩn chứa ý nghĩa khá quan trọng đối việc định hình thế giới của The Automatic Detective, thế nên việc chỉ thả bâng quơ một vài câu như vậy chỉ tổ khiến mình đặt thêm một số câu hỏi về cách cái thế giới này vận hành, nhưng rốt cuộc lại chẳng được trả lời.

Và tiện nhắc đến thế giới…

===============

Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI

===============

Thế giới của The Automatic Detective có thể được so với một cái hội chợ, bởi vì nó sinh động và bắt mắt vô cùng. Cũng như với phần cốt, A. Lee Martinez đặt tính giải trí lên hàng đầu, thế nên ông anh không câu nệ việc phải tuân thủ nguyên lý khoa học nghiêm chỉnh, mà cứ thế tương đủ thứ vào trong truyện, miễn sao trông nó có vẻ hấp dẫn. Kết quả là thanh niên đã tạo ra cả một thành phố bát nháo chi khươn, pha trộn đủ thứ trên trời dưới bể. Nhưng thần kỳ làm sao, nó không tạo cảm giác hổ lốn hay rời rạc, mà vẫn ăn nhập với nhau theo một kiểu quái thai, tăng thêm sự xô bồ cho cái thành phố được sử dụng làm bối cảnh cho tác phẩm.

Thể hiện rõ nhất sự xô bồ ấy là những công dân tại thành phố này. Trên lý thuyết thì tại Thành phố Empire chỉ có vài nhóm người chính thôi, nhưng vì không bị bó buộc bởi quy luật khắt khe nào, tất cả phân hóa lên rất đa dạng, như thể tại đây có đến hàng loạt chủng tộc riêng biệt từ tứ phương đổ về. Ta có những thanh niên mọc thừa tay thừa chân, nhưng nhìn chung vẫn còn ra dáng người; có cả những thành phần về cơ bản là thú vật được nâng cấp lên thành người, chẳng hạn như tay đồng nghiệp khỉ đột của Mack hoặc ông cảnh sát chuột bạch chịu trách nhiệm bảo lãnh đơn xin cấp nhân quyền của con rôbốt kia; có cả những thanh niên bề ngoài thì trông giống người nhưng lại sở hữu các năng lực tâm linh bí hiểm; có những mẫu rôbốt đậm chất người như Mack, nhưng cũng có những con rôbốt “vô hồn” chỉ bám theo đúng một chỉ thị riêng, song bản thân cũng đầy đa dạng vì chủ nhân của bọn nó đã gài các chương trình nhân cách lạ lùng cho bọn nó;…

Bản thân cái Thành phố Empire cũng được xây dựng một cách rất tử tế nữa. Đây là một nơi chết tắc trong thời thập niên 50, với đủ thứ công nghệ và kết cấu nhà cửa đều được mô tả y hệt những gì các tác giả Sci Fi pulp (tức truyện đăng trên tạp chí rẻ tiền) thời xưa vẫn hay mường tượng về tương lai. Cái kiểu tương lai cổ lỗ sĩ này kết hợp với cái chất Noir sẵn có, một thứ vốn hay đi liền với giai đoạn xưa ấy, tạo thành cả một cái sân khấu hết sức thú vị và cá tính, như thể bản thân nó cũng là một nhân vật riêng lẻ vậy.

Đáng chú ý là dù thả rông đủ kiểu như thế, bối cảnh của cái thế giới này vẫn bám theo một số khuôn khổ nhất định, tạo thành một sự hỗn loạn có hệ thống, và từ đấy tạo ra cho nó một nét chân thực lạ đời. Chính phủ trong này không bị đẩy lên thành tàn ác một cách lố lăng hay gì, mà nó chỉ đơn thuần là quan liêu với trình độ quản lý lôm côm, thành ra thành phố cứ thế nát dần. Người dân dẫu rất đa dạng nhưng cũng có xu hướng tụ lại thành những nhóm với đặc điểm tương đối chung nhau, và có thái độ đối xử riêng với nhau tùy vào việc ai thuộc nhóm nào, tạo thành một kết cấu xã hội phân hóa giai cấp rất rõ nét. Các thứ khoa học công nghệ dù chém tung trời vẫn có một lịch sử phát triển và hình thành rất hấp dẫn, cho thấy nó đã trải qua một quá trình được thị trường đào thải và chọn lọc, rốt cuộc tiến hóa đến mức thành như ngày nay, chứ không phải tự nhiên tòi ra và được cả xã hội cứ thế chấp nhận dùng.

Nhưng mà như đã nói ở trên, đến tầm giữa truyện thì tự nhiên lại có một thứ chém hơi quá mạnh tay xuất hiện, làm giảm bớt cái sự chân thực của thành phố này đi. Nó không đến nỗi chọc cho thế giới thủng lỗ chỗ như mấy màn tele của Game of Thrones mấy season cuối, nhưng cũng không khỏi khiến ta phải nhướng mày. Đặc biệt khó chịu là hồi trước khi cái tình tiết ấy xuất hiện, một giả thuyết khác nhằm giải thích cho mọi thứ đã được chính tác phẩm đề ra, và nó nghe quả thực hết sức lôgic, ăn nhập hoàn toàn với cái kiểu chân thực điêu ngoa của thế giới này. Nếu thay cái tình tiết ấy bằng cái giả thuyết kia, mọi thứ ở nửa cuối truyện vẫn có thể diễn ra theo kiểu y như cũ, chẳng cần thay đổi gì cả. Giả thuyết đó có thể nghe sẽ không kêu được bằng cái tình tiết kia, song nó đã có nền tảng rất chắc chắn, được tích hợp vào tác phẩm ngay từ đầu rồi, và sẽ khiến toàn bộ thế giới càng thêm chặt chẽ và chân thực. Chán cái thanh niên lại không đi theo con đường đấy mà lại chọn cái thứ của nợ kia, rốt cuộc làm tác phẩm trông thì lòe loẹt hơn đấy, nhưng bên trong thì bắt đầu bị mối mọt gặm.

Bồi thêm vào đó còn là cả mấy câu hỏi triết lý nó khơi ra nữa chứ. Nếu xét độc lập, mớ câu hỏi đấy quả thực rất hấp dẫn, và cái cách tác phẩm động đến chúng nó cho thấy bọn này chứa đựng nhiều tiềm năng đến thế nào. Vấn đề là như đã nói ở trên, mấy câu hỏi này có liên quan đến cơ chế hoạt động của thế giới tác phẩm, vậy nên khơi chúng nó ra cũng đồng nghĩa với đặt nghi vấn về chính sự tồn tại của cái thế giới ấy. Thà rằng ỉm hẳn đi đừng nói ra, chứ một khi đã lôi ra rồi thì phải phân tích cho tử tế, không thì người đọc sẽ tự nhiên để ý thấy có một mảng của cái thế giới chưa được giải thích thỏa đáng, kể cả khi xét theo tiêu chuẩn của một tác phẩm cười vào mặt lôgic thế này, và từ đấy làm giảm độ chân thực của nó đi.

Và nếu đã đọc phần nhận xét mạch truyện thì anh em biết ông tác giả đã làm kiểu gì rồi đấy.

========

NHÂN VẬT

========

Như đã nói ở trên, các công dân trong thế giới của The Automatic Detective đa dạng vô cùng. Điều này dẫn đến việc ta có một dàn nhân vật rất độc đáo và đáng nhớ, chẳng hạn một con rôbốt tiếp tân lẳng lơ cứ thấy có khách đến là lại tán tỉnh, một cô thiên tài công nghệ bị ái máy móc, một con rôbốt quản gia nhưng lại ăn nói như dân hàng chợ với cái giọng “hai lúa” đặc sệt, một con rôbốt trợ lý với cái kiểu mỉa mai châm chích rất ngứa thịt,…

Nhưng chết nỗi tất cả đều rập khuôn kinh khủng.

Như đã nói ở trên, The Automatic Detective được xây dựng như một tác phẩm trinh thám Noir, với đủ mọi mô típ của dòng này nhồi vào trong. Điều ấy không chỉ dừng lại ở cốt, mà còn loang cả vào các nhân vật nữa. Và nếu anh em nào hay đọc dòng đấy thì mọi người về cơ bản biết luôn nhân vật trong này như thế nào rồi đó. Một nhân vật chỉ cần xuất hiện và nói vài câu thôi là anh em sẽ ngay lập tức nhận ra đây là cái kiểu nhân vật nào, đóng vai nào rồi. Điều này khiến cho ngay cả Mack Megaton, nhân vật được xây dựng sâu và đa chiều nhất tác phẩm, với đủ mọi giằng xé nội tâm hấp dẫn, cũng phần nào trở nên kém thú vị đi, bởi lẽ nó trông không giống một con người (ờm, rôbốt mang tâm tính người 🐧 ) nữa, mà chỉ như một tập hợp các cliché di động của Noir.

========

TỔNG KẾT

========

The Automatic Detective là một tác phẩm có tính giải trí rất cao, mỗi tội đôi khi vì mải mê tìm cách tăng khả năng mua vui của mình quá mà đã tự đưa tay bóp ấy. Dẫu vậy, nếu vừa đọc xong một gì hơi quá nặng đầu và cần thanh lọc lại óc cho thanh thản, anh em rất nên ngó qua The Automatic Detective nhé.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.