🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌑🌑
8.0/10
=====
TL;DR
=====
2001: A Space Odyssey, nhưng văn mượt gấp bội
và chú trọng mạnh vào HAL. Mỗi tội bi quan hơn.
==============
GIỚI THIỆU CHUNG
==============
The Freeze-Frame Revolution là một cuốn Hard
Sci Fi ngắn do Peter Watts viết. Truyện lấy bối cảnh một con tàu vũ trụ mang
tên Eriophora, lãnh nhiệm vụ đi xây các cổng không gian khắp vũ trụ để tạo
thành một mạng lưới lỗ giun, tức một hệ thống đường cao tốc không gian, phục vụ
loài người. Việc lái tàu và điều hành mọi thứ do một con AI tên Chimp chịu
trách nhiệm, và ngoài nó ra thì tàu còn chở theo 30.000 nhân sự để giúp xây cổng
không gian cũng như giải quyết các tình huống bất ngờ trong chặng hành trình nữa.
Vì Eriophora chỉ có thể bay với vận tốc chậm
hơn ánh sáng, thế nên khoảng thời gian nó di chuyển giữa hai điểm mút của các
“con đường” ấy phải kéo dài cả ngàn, có khi cả triệu năm. Thế nên toàn bộ nhân
sự của tàu đều được cho vào các buồng ngủ đông, và cứ tầm vài thiên niên kỷ,
khi nào cần xây cổng thì một số nhân sự thiết yếu sẽ được đánh thức dậy (thường
chỉ tầm 4, 5 người gì đó thôi) để giúp con AI xử lý công việc, sau đó lại đi ngủ
tiếp.
Xét chuẩn ra, tổng lượng thời gian thức tỉnh của
các thành viên phi hành đoàn Eriophora chỉ tầm dăm ba năm gì đấy, nhưng kỳ thực
Eriophora đã lang thang ngoài vũ trụ được cả chục triệu năm rồi, và đã mất liên
lạc với Trái Đất. Sau một quãng thời gian dài nhường ấy, liệu loài người như họ
biết đến có còn tồn tại không hay đã tiến hóa thành một thứ gì đó khác rồi?
Hay thậm chí đã tuyệt chủng hẳn rồi?
Không ai biết. Không ai trả lời.
Và Eriophora cứ lầm lũi bay tiếp…
Chút lưu ý: đây trên lý thuyết là một cuốn tiểu
thuyết độc lập, nhưng nó vẫn là một phần của một series có tên Sunflower Cycle,
bao gồm một loạt các truyện ngắn khác đã được tác giả đăng free gần hết trên
web cá nhân. Dù có thể nhảy bộp vào đọc The Freeze-Frame Revolution luôn, mình
vẫn khuyên mọi người ít nhất nên đọc thêm cái truyện ngắn Hotshot nữa (đọc ở
đây: https://rifters.com/real/shorts/PeterWatts_Hotshot.pdf) để giúp làm một số
bí ẩn trong này dễ nuốt hơn. Nó khá ngắn, gần như có thể coi như một chương
prologue, thế nên không sợ mất nhiều thời gian đâu.
=====================
MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG
=====================
Trước khi bàn sâu hơn vào The Freeze-Frame
Revolution, mình khuyên anh em nên nhảy thẳng vào đọc nó luôn, đừng tìm hiểu
thêm gì sâu hơn. Kể cả cái giới thiệu gốc của truyện. Đừng đọc nó. Tránh xa cái
thằng củ lờ đó ra. Có một số cái trong này nên được trải nghiệm “mù,” nhưng lại
rất khó review nếu không nói ra. Phần điểm số, TL;DR và giới thiệu sơ lược có lẽ
đã đủ cho anh em quyết rồi đấy, không cần đọc sâu xuống dưới nữa đâu.
.
.
.
Ok, và với những anh em còn lại (hoặc quay lại
trong tương lai), dưới đây sẽ là review sâu hơn.
Truyện có một cái ý tưởng cốt chính khá hấp dẫn:
một nhóm người muốn cướp lại quyền làm chủ con tàu từ tay con AI, nhưng khổ nỗi
là 1) con AI quản tàu nó toàn năng quá, không thể làm gì nó không biết được, và
2) ai cũng chỉ được tỉnh cùng lắm vài ngày, chẳng biết sẽ tỉnh cùng ai (dù con
AI hay phân nhỏ các nhóm người ra và thường mỗi đợt cần người thường chỉ chọn
nhân sự trong cùng một nhóm đấy), sau đó lại lăn quay ra ngủ tận mấy ngàn năm.
Trước cái tình hình này, phải làm cách mạng kiểu gì bây giờ?
Cái cuộc cách mạng xương xẩu ấy chính là trọng
tâm của cốt, và nó được phát triển một cách khá hấp dẫn. Vì nhân vật chính
không trực tiếp tham gia lãnh đạo cái cuộc cách mạng này, thế nên tất cả mọi thứ
liên quan đến nó đều được trình bày dưới dạng một bí ẩn. Ta được theo dõi nhân
vật loay hoay lần theo các manh mối khác thường để dần khám phá ra sự thật về tất
cả những mưu chước và thủ đoạn rất tinh vi mà phe làm cách mạng đã nghĩ ra để
giải quyết hai vấn đề hóc búa chính trên, đồng thời còn khám phá được những bí
mật động trời về bản thân con tàu theo một cách rất tự nhiên nữa. Đọc những đoạn
đi tìm hiểu kiểu đấy lôi cuốn ra phết.
Nếu nghe miêu tả thế này, hẳn không ít anh em
sẽ nghĩ một cuốn kiểu điệp viên phá hoại ngầm hay chiến tranh cách mạng giật
gân gì đó, và nghĩ như vậy kể cũng không hẳn là sai. Đúng là cuộc cách mạng và
những chiêu trò lừa lọc để qua mắt con AI hình thành xương sống của cả truyện đấy,
nhưng những cái đoạn liên quan trực tiếp đến làm cách mạng có khi chỉ chiếm tầm
50-60 trang gì đó thôi (quyển này gần 200 trang), chưa kể lại còn dàn trải ra
khá xa nhau nữa. Đây chính là lý do mình khuyên anh em đừng tìm hiểu thêm về
truyện trước khi đọc làm gì, vì gần như đâu đâu người ta cũng miêu tả như thể
phần cốt này là cái chính yếu của tác phẩm, tạo ra một cái nhìn rất sai lệch về
truyện. Bản thân mình đã bước vào tác phẩm này với lầm tưởng đây sẽ là một cuốn
truyện làm cách mạng gì đó, thế nên đã phải mất một hồi mới bắt nhịp được với
thứ đáng lẽ phải được đem ra giới thiệu là sự hấp dẫn chính của nó: những khoảng
tương đối lặng chen vào giữa những điểm mốc cốt.
Truyện dành cực kỳ nhiều thời gian cho việc
xây dựng nhân vật (sẽ nói bên dưới sau), khám phá các ý tưởng khoa học (cũng sẽ
nói bên dưới sau), và chiêm nghiệm về cái bản chất của nhiệm vụ mình đang thực
hiện, về ý nghĩa của việc làm người, về sự tồn tại, và về bản chất của ý chí tự
do nữa. Khá nhiều câu hỏi đáng suy ngẫm được đặt ra, và thường chúng nó chẳng
bao giờ có một câu trả lời rõ ràng. Watts viết mấy đoạn này rất khéo, nêu ra vấn
đề và bàn luận về nó đủ sâu để phơi bày hết các điểm tinh tế của câu hỏi ra,
nhưng dừng lại vừa đúng chỗ để đơn thuần cung cấp một cái khung dàn cho người đọc
tự thân suy nghĩ về những vấn đề này một cách không bị định hướng. Ta có cảm
giác như bản thân đang được trực tiếp bàn luận cùng tác giả trên danh nghĩa một
con người ngang hàng, chứ không phải ngồi nghe cầm tay giảng giải phải nghĩ thế
nào thế nào.
Đặc biệt là đồng chí Watts có một cái giọng
văn rất uyển chuyển và linh hoạt, luồn lách khắp mọi mạch của câu chuyện để nối
chúng vào với nhau một cách êm ru. Truyện có thể nhảy từ giữa cảnh hành động kịch
tính sang bàn luận sâu về khoa học, xong tót ngược vào suy nghĩ nội tâm và bàn
chuyện triết lý này nọ mà không gượng hay vấp váp tí nào. Mọi thứ chảy trôi một
cách rất mượt mà, và ta có thể bị truyện chở đi một quãng đường rất ngoằn ngoèo,
với đủ các chặng dừng nếu liệt kê ra thì nghe có vẻ khá hổ lốn, nhưng một khi
đi hẳn thì lại thấy mọi chỗ tiến, dừng, nghỉ, đảo mạch đều xuất hiện đầy tự
nhiên, không thể nào khác đi đâu được.
Nhưng chỉ vì chặng đường đi êm không có nghĩa
là không khí của cái truyện này sẽ dịu dàng gì cho cam. Peter Watts xây dựng
khá nhiều không khí khác nhau tùy theo từng phân cảnh, nhưng chủ yếu đều mang
màu sắc thê lương ảm đạm, như thể ta đang tham dự một đám tang hoặc như một tử
tù chờ chết. Bên cạnh đó, Watts còn tận dụng sự rợn ngợp tuyến thời gian kéo
dài ngoài sức tưởng tượng như một khối tạ khổng lồ, liên tục treo lơ lửng trên
đầu chúng ta và đè bẹp tất cả mọi thứ. Cái này làm tác phẩm nhiều lúc mang màu
bi quan hơi quá đà (mặc dù ít nhất chưa đến mức trở thành edgy), nhưng được cái
nó góp phần làm tăng bật sự nhỏ nhoi của phi hành đoàn cũng như tăng thêm sức nặng
cho những vấn đề họ phải chiêm nghiệm.
Còn một cái nữa cần phải bàn đến là The
Freeze-Frame Revolution chốt lại một cách khá mở. Có khá nhiều câu hỏi xung
quanh được gợi ra rốt cuộc không có đáp án nào, hoặc nếu có thì cũng chỉ là một
số cái manh mối lấp lửng và ta phải tự quyết có nên tin vào nó hay không. Thậm
chí đến cả cái kết cũng không hẳn là kết, mà chỉ như một đoạn dừng lấp lửng.
Nhưng rất hay một cái là dẫu rằng còn một số điều ta sẽ không thể nào biết được
trọn vẹn (kể cả nếu có đọc thêm mấy truyện ngắn khác trong cùng series)Watts vẫn
xoay xở tạo ra được cảm giác mọi thứ đã được khép khá kín, và cái điểm dừng của
câu chuyện vừa hợp lôgic của mạch cốt, vừa hợp cái theme xuyên suốt toàn truyện.
===============
Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI
===============
Vì đây là Hard Sci Fi, thế nên lẽ đương nhiên
thế giới của The Freeze-Frame Revolution sẽ được đem ra mổ xẻ và phân tích trên
một cái nền khoa học khá là chuẩn xác. Ta có những thứ to tát như cách động cơ
con tàu Eriophora, cơ cấu các cổng lỗ giun mà cái tàu này tạo dựng ra, cấu trúc
lôgic trong suy nghĩ của con AI, rồi lại có cả những thứ mang tính nhỏ lẻ hơn,
chẳng hạn cách các thành viên phi hành đoàn được tích hợp và tương tác với hệ
thống của tàu hay cách họ hình thành một kiểu xã hội “bộ lạc” dựa trên những
nhóm người hay tỉnh cùng nhau, tất cả đều được đem ra bàn hết. Ngôn ngữ của
truyện cũng khá dễ tiếp cận, không đến mức quá nặng nề về kỹ thuật hay khó hiểu
gì, chủ yếu giải thích các nguyên lý nền chung chứ không bận tâm đến tiểu tiết
lắm. Nhờ vậy nên truyện vẫn đủ để làm hài lòng anh em nào muốn có khoa học nặng
đô, nhưng không tạo cảm giác choáng cho những ai vốn quen với những thứ nhẹ
nhàng hơn.
Đáng chú ý nhất trong mớ đấy có hai thứ. Đầu
tiên là những đoạn liên quan đến cách Eriophora duy trì môi trường sống cho các
thành viên phi hành đoàn, vì tác giả còn là một nhà khoa học chuyên ngành sinh
lý học môi trường. Rất nhiều chỗ được miêu tả một cách chi tiết và sáng tạo, với
những giải pháp và vấn đề đầy tính bất ngờ, và về sau còn cả cách nó được lợi dụng
để giúp qua mặt con AI nữa. Cái thứ hai là đoạn liên quan đến cấu trúc của một
ngôi sao và cách nó sắp sửa sụp đổ. Chỗ này được Watts đầu tư miêu tả một cách
chi tiết và đầy hình tượng, khiến cho lúc đọc anh em sẽ cảm thấy như đang được
đứng hẳn trên đài quan sát cái ngôi sao đấy thật luôn, và không khỏi trầm trồ
trước sự kỳ vĩ của nó.
Cơ mà cái thế giới này lại được xây theo một
kiểu hơi dễ bực mình. Có một số chỗ khá quan trọng đối với cách hiểu của ta về
thế giới, nhưng truyện chỉ đơn thuần quẳng chúng nó vào vào thẳng mặt chúng ta,
và sau đó sẽ không giải thích luôn đâu mà cứ bắt ta phải mặc định chấp nhận sự
tình trước đã, xong một hồi sau mới có giải thích tử tế. Bên cạnh đó, như đã
nói ở trên, truyện bỏ ngỏ khá nhiều chỗ, và đến cuối cùng vẫn chẳng có câu trả
lời nào ngoài vài manh mối mơ hồ, chẳng hạn việc tại sao thỉnh thoảng khi mở cổng
không gian là lại có quái vật nhảy ra, hay rốt cuộc Trái Đất đã gặp chuyện gì rồi.
Phần lớn những chỗ bị bỏ ngỏ không hẳn cần có một câu trả lời, vì thực ra nó
cũng chẳng làm hỏng sự toàn vẹn của thế giới này, nhưng kết hợp với việc nó thỉnh
thoảng lại nấn ná việc giải thích, anh em cứ xác định là mình đôi lúc sẽ cảm thấy
hơi bị ngơ ngơ trong cái thế giới này nhé.
========
NHÂN VẬT
========
The Freeze-Frame Revolution chỉ có tầm một
nhúm nhân vật thôi, và trong đấy thì có đúng 3 nhân vật là được đầu tư nghiêm
túc. Trong số này thì tử tế nhất sẽ là cô nhân vật chính, bởi vì chúng ta dành
toàn bộ truyện ngồi trong đầu cô ta và nhìn nhận mọi thứ qua mắt cô ta. Thú vị
nhất là cái cách chuyển biến nội tâm của cô này được xây dựng, chạy từ lúc hãy
còn “ngây thơ” chưa hiểu gì cho đến khi khám phá ra một sự thật hãi hùng về con
tàu. Trông cảnh cô này đi từ việc nhìn đời một cách hơi tăm tối nhưng vẫn khá
bình thản cho đến suy sụp và chìm vào tuyệt vọng mà thấy phát tội, nhất là trước
những cảnh cô bị giằng xé giữa những gì mình đã biết về bản chất của con AI và
cái bản năng xúi mình nhìn nhận nó theo một hướng khác, dựa trên sự thương hại
bản thân từng dành cho nó lẫn “tình bạn” cô từng hình thành với nó.
Và tiện nhắc đến con AI, cái thằng (not) HAL
9000 này có lẽ sẽ là nhân vật ấn tượng nhất trong toàn truyện. Nó được xây dựng
với một cái câu chuyện nền rất lôi cuốn, khiến ta không khỏi mủi lòng thương cảm
lúc sự tình mới được tiết lộ. Câu chuyện đấy tạo ra một hiệu ứng rất hay cho
phân cảnh lúc hành động của thằng này bị lật tẩy. Những gì nó làm quả đúng sởn
tóc gáy thật, và bộ mặt thật của nó tương phản rất mạnh với hình ảnh đáng
thương câu chuyện nền tô vẽ lên. Tuy nhiên, hành động của nó lại hợp lý đến rợn
cả người với cái quá khứ kia, không thể lệch đi đâu được, khiến cho bản thân
chúng ta khi đọc vào cũng sẽ thấy rất mâu thuẫn, không biết phải nghĩ sao về nó
nữa. Thêm vào đó, ngay cả khi các hành động của nó không ngừng bị chính ghép
lôgic vào để diễn giải một cách đầy hằn học, mọi thứ vẫn được cân bằng lại nhờ
những hoài nghi về việc liệu nó có thực sự là người phải chịu trách nhiệm cho
những việc mình làm không, chưa kể về sau còn có những giả thuyết ngược được
đưa ra, cho thấy nó vẫn còn một cái gì đó không như bề ngoài, và có thể diễn giải
mọi thứ nó làm bằng lôgic thuần túy là sai lệch. Mọi thứ về con AI này đều được
giữ cho rất mập mờ, với chúng ta nắm trong tay tầm 2, 3 thuyết tiềm tàng để diễn
giải về nó, nhưng chẳng biết cái nào đúng cái nào sai, hay liệu có khi nào cần
phải kết hợp sao đó mới nhìn ra được bức tranh toàn cảnh không.
Nói tóm lại là lúc đọc xong mọi thứ, các nhân
vật khác có thể sẽ trôi tuột ra khỏi đầu, nhưng riêng thằng ôn này hẳn sẽ bám
trụ lại dai lắm.
========
TỔNG KẾT
========
The Freeze-Frame Revolution là một cuốn truyện
thiên về gợi mở khá nhiều. Nếu muốn có một câu chuyện gọn ghẽ, quy củ tập trung
chạy một mạch từ đầu đến cuối, anh em có lẽ sẽ không hợp với quyển này. Nhưng nếu
không ngại đi lan man một tí và thích được thả óc ngẫm ngợi lung tung, anh em
hãy ngó qua nó nhé.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓