Chuyển đến nội dung chính

Review Oceanic của Greg Egan



🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌖🌑

8.75/10

TL;DR

Boyhood nhưng mang đậm theme tôn giáo, và lấy bối cảnh hành tinh lạ.

GIỚI THIỆU CHUNG

Oceanic là một tiểu thuyết Sci Fi tâm lý ngắn của nhà văn Úc kiêm toán học gia nghiệp dư Greg Egan. Truyện lần đầu xuất bản trên tạp chí Asimov's Science Fiction, số ra tháng 8/1998, và đã được đón nhận rất nồng nhiệt. Trong liền những năm sau đấy, truyện đoạt được một loạt giải thưởng SFF cao quý, bao gồm Giải Hugo (1999), Giải Locus (1999), Giải Seiun (2001),… Oceanic được ám chỉ là nằm trong một vũ trụ có tên Amalgam-Aloof, bao gồm một số tác phẩm khác của Greg Egan, nhưng vì sự liên quan giữa quyển này với cái vũ trụ ấy siêu nhỏ, đây vẫn có thể được coi như một cuốn tiểu thuyết độc lập. Truyện hiện đang được tác giả đăng tải miễn phí trên website cá nhân, anh em có thể đọc ở đây: https://www.gregegan.net/OCEANIC/Complete/Oceanic.html

Về phần nội dung thì Oceanic lấy bối cảnh là một thế giới tương lai, trên một hành tinh với cơ man nào là đại dương, được người dân ở đó đặt tên là Covenant. Có một số bằng chứng nhất định cho thấy nhóm dân sống trên hành tinh này không phải là dân bản địa của Covenant, nhưng không ai thực sự xác định nổi gốc gác của chủng tộc mình cũng như lý do mình nay lại tồn tại ở đây là thế nào cả. Dần dần, từ những thông tin vụn vặt mình nắm giữ, dân Covenant đã hình thành một hệ thống tôn giáo chủ đạo. Họ tin rằng trước kia, từng có một chủng tộc Thiên Thần nào đấy, những tạo vật gốc cư ngụ ở một chốn có tên là Trái Đất. Nhưng rồi một ngày nọ, các Thiên Thần đã đánh cắp sự bất tử từ Đức Chúa Trời, trút bỏ xác thịt và trở thành những thực thể phi vật chất. Hành động ấy đã khiến Chúa nổi giận, và Beatrice, con gái của Người, đã phải thuyết phục các Thiên Thần rời Thành phố Phi vật chất, nơi họ bấy giờ đang cư ngụ, và lên thuyền đến Covenant để sống như một người trần và sám hối về hành vi của mình. Dân Covenant chính là hậu duệ của những Thiên Thần sa ngã ấy.

Sống trong xã hội ấy là Martin, một đứa con miền biển của Covenant. Martin vốn chỉ là một cậu bé bình thường, có một chút tâm linh nhưng không đến mức quá mộ đạo. Nhưng rồi một ngày nọ, Martin có một trải nghiệm tôn giáo hết sức sâu đậm, để lại một dấu ấn định hình toàn bộ cuộc sống của cậu sau này. Trong quá trình trưởng thành, thế giới quan mới ấy của Martin liên tục bị thách thức, nhưng thanh niên vẫn một lòng trung thành với đức tin của mình. Nhưng rồi mọi thứ đều thay đổi khi nghiên cứu của Martin dẫn dắt ông anh đến với một phát hiện chấn động, tái định nghĩa mọi niềm tin của thanh niên, và làm một trong những trụ cột lớn nhất trong đời anh ta trở nên lung lay nghiêm trọng.

MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG

Xét theo một mặt, Oceanic sẽ là một câu chuyện khá chán. Nó chứa cực ít phân đoạn mang tính hành động, gần như không có bóng dáng cảnh đấm đá hay cháy nổ nào cả. Trong này chỉ có khoảng 2 chỗ là làm cảnh xôi thịt tử tế, dãn ra đủ lâu và đẩy nhân vật vào tình thế đủ “nặng đô” về thể xác để nhịp tim ta phải tăng mạnh. Ngoài đó ra thì những chỗ máu lửa hiếm hoi của truyện sẽ không gì ghê gớm cả. Không có gì trong này cấu thành một mối đe dọa quá lớn đến tính mạng nhân vật, không có một cuộc đua với thời gian, không có một thế giới đang lâm nguy hay chuyện đao to búa lớn nào xảy ra hết. Đây là một câu chuyện tâm lý thuần túy, xoáy mạnh vào hành trình trưởng thành của nhân vật, chứ không phải một bộ phim do Michael Bơm đạo diễn. Nếu muốn tìm thứ gì thật giật gân với mạch cốt phi ào ào như lũ cuốn, anh em hãy tránh thật xa quyển này ra.

Tuy nhiên, không phải vì thiếu vắng những yếu tố giải trí mang tính mỳ ăn liền kiểu đấy mà truyện lại nhàm chán hay bình lặng. Oceanic vẫn đầy rẫy giông tố, vẫn quay cuồng trong bão táp, chỉ có điều nó thể hiện những thứ ấy thông qua một lớp vỏ hết sức dung dị. Xuyên suốt câu chuyện là hàng loạt xung đột ở cấp độ rất nhỏ, chủ yếu là các drama với tầm ảnh hưởng không quá một gia đình hay dăm ba người gì đấy, hoặc có khi chỉ thuần túy tồn tại bên trong nội tâm của nhân vật chính. Ngay cả khi có một khám phá to tát xuất hiện, truyện vẫn lèo lái nó về một xung đột vi mô, xoáy mạnh vào những giằng xé nó gây ra cho một con người duy nhất. Nhưng bất chấp sự nhỏ nhoi bề ngoài, các xung đột của nó vẫn tạo ra được những cao trào và bùng nổ rất ấn tượng, diễn ra với một tốc độ được căn rất chuẩn, không dồn dập nhưng chẳng ề à. Điều này tạo ra một sức lôi cuốn mãnh liệt cho mạch cốt, vừa có nét thanh nhẹ êm ái, vừa có chất kịch tính căng thẳng, túc tắc kéo người đọc đi với một bàn tay níu hờ, nhưng lại cực khó để dứt ra.

Đáng chú ý nhất là cái theme của câu chuyện. Lồng vào một cách rõ rệt nhất trong truyện là chủ đề đức tin. Thông qua hành trình của nhân vật chính, Oceanic khắc họa rất sắc bén và công bằng vai trò của tôn giáo đối với của con người. Truyện thể hiện rất rõ mặt lợi của nó, chẳng hạn cho thấy cách nó đóng vai một nguồn an ủi trong những thời khắc u tối cũng như cách nó khiến cho cuộc đời trông có vẻ bớt vô nghĩa đi; song nó cũng không ngán ngại việc chỉ ra những mặt trái của tôn giáo, chạy từ cách nó bóp méo thế giới quan và kìm kẹp sự phát triển tự nhiên của mỗi cá nhân cho đến cách nó bị lợi dụng làm công cụ thương mại. Nó không bỉ bôi quá mức mà cũng chẳng tâng bốc quá đà, chỉ đơn thuần đưa ra một cái nhìn hai mặt về tôn giáo, và sau đó để ta tự rút ra kết luận riêng.

Ngoài đó ra, truyện còn tích hợp kèm một số theme triết lý khác. Ta có những cuộc bàn luận về giới tính và tính dục, những chiêm nghiệm về nghĩa vụ gia đình và gắn kết cộng đồng, về thỏa hiệp giữa các khác biệt văn hóa, về vai trò của khoa học đối với hình dung của ta về thế giới,… Chúng nó đa phần đều là những nhánh phụ, tẽ ra từ cái theme về tôn giáo và đức tin gốc, và không được đầu tư quá nhiều như cái theme chủ đạo (truyện ngắn cũn thì đất đâu ra mà đào 🐧 ), nhưng cũng góp phần tạo được chiều sâu cho tác phẩm.

Điểm duy nhất thực sự đáng chê trách ở cốt của Oceanic có lẽ sẽ là cái kết của nó. Kết truyện giống với một dấu ba chấm hơn là một dấu chấm, không đưa ra một đáp án rõ ràng nào cả. Một số câu hỏi sẽ bị bỏ lửng lơ, trong khi một số thì chỉ được ám chỉ đến một mức nhất định, và ta bị bỏ mặc cho tự mình hình dung nốt những điều đã diễn ra trong truyện sẽ đưa cái thế giới cũng như nhân vật này đến đâu. Cá nhân mình thì khá ưng cách câu chuyện chốt lại, bởi lẽ mình thấy ngay cả với cái sự lơ lửng của mình, hồi kết vẫn cung cấp đủ gạch để ta tự hình dung được tương lai của mọi thứ. Bên cạnh đó, kiểu kết mở của nó rất ăn khớp với không khí gốc mà truyện đã tạo dựng cũng như cái thông điệp chung nó muốn truyền tải, đồng thời tạo ra một cái dư vị rất khó tả, khiến ta không ngừng suy ngẫm về nó sau khi mọi thứ đã khép lại. Tuy nhiên, nếu anh em nào kỳ vọng sẽ nhận được một cái kết gói ghém gọn ghẽ tất thảy các tình tiết và xung đột mà truyện đã nêu ra từ đầu đến giờ, khả năng cao mọi người sẽ thấy thất vọng.

Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI

Đầu tiên là về phần khoa học nền của nó. Greg Egan vốn khét tiếng đầu tư cho khoa học cực kỳ tởm, với các truyện của thanh niên này toàn như kiểu sách giáo khoa vật lý vậy. Chính bởi thế, lúc vào đọc cái truyện này, mình cứ ngỡ sẽ bắt gặp một phiên bản thu nhỏ của Schild’s Ladder (anh em nào chưa biết về quyển đấy thì tham khảo review ở đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/06/review-schilds-ladder-cua-greg-egan.html). Nhưng bất ngờ thay, đây lại là cái plot twist đầu tiên của truyện, bởi vì phần khoa học của nó nhẹ kinh khủng.

Oceanic không hề bới sâu xuống phân tích chi ly từng quy luật cai quản các hiện tượng và đồ dùng công nghệ trong tác phẩm. Anh em sẽ phải đi hết già nửa truyện thì mới bắt đầu thấy có một tí khoa học nghiêm chỉnh thò mặt ra, và kể cả phần đấy cũng không có gì quá nặng nề. Nếu không vì câu chuyện thường xuyên nhắc đến các hành tinh với công nghệ cổ do các “Thiên Thần” để lại, mọi người sẽ hoàn toàn có thể nghĩ đây là một tác phẩm Fantasy. Hầu hết các tình tiết cái truyện này chế ra đều khá lôgic và tự nhiên, thế nên việc nó không đi sâu xuống giải thích cũng không đến mức có vấn đề to lắm. Thực tình mà nói, việc Greg Egan tiết chế phần nhồi thông tin khoa học còn là một cái hay, bởi vì nó hạ rào cản xuống khá thấp, giúp truyện rất dễ tiếp cận.

Tuy nhiên, việc không có khoa học bổ trợ vẫn gây trở ngại cho tác phẩm. Có một chỗ ông tác giả chém khá mạnh, liên quan đến đặc điểm sinh học của người dân trên Covenant, và thử thách hơi mạnh khả năng chấp nhận sự bịa đặt của người đọc. Tình tiết này không có tí khoa học nào làm nền hết, kể cả khoa học chém, và cũng chẳng có lý do gì để nó tồn tại theo cái dạng đấy cả. Chính vì thế, nghe nó khá là lạc quẻ, như thể được ông tác giả cho vào thuần túy vì muốn làm câu chuyện thêm dị, đề phòng trường hợp thiên hạ tưởng đây không phải là SFF, chứ không phải là một phần tự nhiên của cái thế giới này. Nó không nghiêm trọng đến mức kéo tuột mọi người ra khỏi câu chuyện đâu, nhưng dễ chừng sẽ vẫn khiến anh em thấy cấn.

Về phần bản thân cái hành tinh Covenant thì nó không có gì đặc biệt lắm. Hành tinh chẳng được miêu tả gì nhiều, khiến nó hiện lên khá nhạt nhòa. Hầu như tất cả mọi thứ về nó đều giống hệt Trái Đất, khác chăng chỉ là cái tên với tỉ lệ đại dương/đất liền. Trên thực tế, nếu không đọc giới thiệu từ trước, có khi lúc ban đầu anh em còn tưởng đây chính là Trái Đất, có điều đã trải qua một trận đại hồng thủy hay tận thế khí hậu gì đó nữa kia. Thứ duy nhất đáng nói về hành tinh này là một yếu tố nhất định liên quan đến đại dương của nó. Cái này xuất hiện ở nửa cuối câu chuyện, và có lẽ là thứ được khai thác sâu nhất về mặt khoa học trong truyện. Nó không thực sự giúp cải thiện ấn tượng về Covenant đâu, nhưng nó vẫn giúp trói ngược hành tinh này vào với yếu tố văn hóa của người dân bản địa một cách khá hấp dẫn, đồng thời làm thế giới của truyện thêm chặt chẽ.

Tiện nhắc đến văn hóa bản địa, mảng này được Greg Egan đầu tư tử tế hơn hành tinh tí. Vì như đã nói đấy, diện tích đại dương của Covenant lớn gấp bội đất liền, thế nên dân tình ở đây hình thành một văn hóa gắn liền với biển cả rất thú vị, ngấm vào phong tục tập quán và thậm chí cả tôn giáo chính của họ nữa. Nó cũng có một sự đa dạng nhất định, với người dân sống hẳn ngoài biển (gọi là Freelander) và dân sống trên đất liền (Firmlander) mang trong đầu những tư tưởng và thế giới quan khác nhau, từ đấy tạo ra những tương phản khá hay khi đôi bên đề cập đến nhau hay tương tác và tham gia các nghi lễ của nhau.

Về phần cái tôn giáo thì nó cũng hao hao Covenant. Cụ thể hơn, khi đọc về tôn giáo của Oceanic, anh em sẽ thấy nó có nhiều điểm trùng khít với một tôn giáo có thật, ấy là Thiên Chúa Giáo, chỉ thay đổi dăm ba cái tên và tích đi thôi. Cơ mà đỡ hơn Covenant, phần tôn giáo được tác giả đầu tư khá kỹ càng, miêu tả những bàn luận và tranh cãi xung quanh nó, tập tục của nó, các bất động nội bộ và sự phân nhánh của nó đủ cả. Chủ yếu mấy thứ đấy đều được Greg Egan tái chế lại từ những sự kiện thật liên quan đến Thiên Chúa Giáo, nhưng chúng vẫn được thêm mắm dặm muối vừa đủ để tạo cảm giác mới mẻ.

NHÂN VẬT

Về khoản nhân vật thì Oceanic gần như chẳng thể chê được tí gì. Xuất sắc nhất trong này sẽ là Martin, nhân vật chính của chúng ta. Vì truyện được kể qua ngôi thứ nhất, thế nên mọi tâm tư tình cảm của thanh niên này, chạy từ lúc ông anh còn nhỏ cho đến khi đã trở thành một con người trưởng thành, đều được khắc họa rất rõ nét. Ta sẽ được chứng kiến cách lòng mộ đạo của Martin hình thành ra làm sao, càng lúc càng được củng cố như thế nào, và trải qua những bước chuyển mình ra làm sao, và kéo theo những băn khoăn, dằn vặt, mâu thuẫn nội tâm thú vị thế nào. Hấp dẫn nhất là Greg Egan đã để Martin không ít lần điều chỉnh lại cách bản thân nhìn nhận đức tin và tôn giáo trong quá trình lớn lên, cố gắng giữ cho nó ăn nhập với vốn sống cũng như vốn kiến thức mình tích lũy được, chứ không chỉ  đơn thuần sụp đổ hoàn toàn ngay khi thế giới quan hiện tại gặp thách thức.

Do đây là truyện ngắn, thế nên ngoài Martin ra thì chẳng có nhân vật nào được chăm chút ngang tầm cả. Nhưng dẫu không được chú trọng, các nhân vật phụ vẫn được đầu tư ít nhiều, khiến cho họ vẫn trông như những con người chính hiệu, với những quan tâm và đời sống riêng, chứ không chỉ là bù nhìn đứng ra để lấp đầy sân khấu. Nổi trội nhất có một đồng chí xuất hiện ở khúc giữa, tương tác khá nhiều với Martin, và nhờ đấy mà đã được gián tiếp xây lên thành một nhân vật đầy ấn tượng. Mặc dù con người này trông rõ là ra đời chỉ để giúp đưa đẩy Martin sang một giai đoạn khác trong đời, thanh niên vẫn thể hiện một cá tính rất độc đáo, từ đấy để lại được một dấu ấn khá sâu đậm trong tâm trí người đọc. Kể cũng hơi tiếc là thanh niên đó xong việc là tếch đi luôn, chứ không tiếp tục đồng hành cùng Martin cho đến cuối tác phẩm.

TỔNG KẾT

Oceanic không phải là một tác phẩm hoàn hảo, và chắc chắn sẽ không hợp gu tất cả mọi người. Nếu anh em muốn một thứ gì kỳ vĩ và lớn lao, cả về quy mô câu chuyện lẫn các ý tưởng đem ra bàn thảo, Oceanic sẽ không phải câu chuyện mọi người nên tìm đến. Tuy nhiên, nếu muốn thứ gì đó, nhẹ nhàng mà vẫn có sức nặng, ảo diệu mà vẫn gần gũi, một mẩu đời thường giữa một thế giới phi thường, Oceanic sẽ là chốn dừng chân không tệ đâu. 

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.