Chuyển đến nội dung chính

[SFF 101] Science Fiction Fantasy


Cái này chắc cũng dễ hiểu rồi. Science là khoa học (tàu vũ trụ, máy tính, laze, con chip,…), Fantasy là ảo tưởng phi khoa học (rồng, phù thuỷ, phép thuật, lời tiên tri,…). Trộn hai cái này vào chung một chỗ thì ta sẽ tạo được ra một nồi lẩu có tên “Science Fiction Fantasy”, hoặc gọi tắt là “Science Fantasy” và “Sci Fi Fantasy”.

Lưu ý: Science Fiction Fantasy không bao giờ được viết tắt là SFF. SFF là Science Fiction VÀ Fantasy, dùng để chỉ chung các tác phẩm thuộc 1 trong 2 (hoặc cả 2) dòng văn này. Còn Science Fiction Fantasy chỉ dành riêng cho những tác phẩm nằm ở khoảng giao thoa giữa 2 dòng.

Vì là trộn lẫn giữa hai dòng văn vào với nhau nên Science Fiction Fantasy hết sức đa dạng. Nó không bắt buộc phải tuân theo các quy luật khoa học, định luật vật lý như Sci Fi (mặc dù nếu muốn tác giả hoàn toàn có thể sử dụng kiến thức khoa học nặng), nhưng không đến mức quá tách biệt với thế giới thật như Fantasy, đặc biệt nếu nó áp dụng phương thức khoa học để phân tích và mổ xẻ các phần “Fantasy” của tác phẩm (định luật cấu thành phép thuật, giải phẫu rồng,…). 

Science Fiction Fantasy phần nào giống một “khúc” trên thang đo Soft và Hard Sci Fi, hay độ chính xác khoa học của tác phẩm (https://goo.gl/d11xvU), có điều nó mở rộng thêm để đo cả dòng Fantasy nữa chứ không chỉ gói trong Sci Fi. Nhưng nó mơ hồ hơn thang Soft và Hard, bởi tác phẩm có thể thiên nặng về một trong hai bên, hoặc là nặng khoa học, hoặc nặng Fantasy, hoặc đứng im ở ngay đoạn giữa, có “công nghệ” là phép thuật tích hợp cùng máy móc hiện đại, máy móc sử dụng cơ sở khoa học phi lý, phép thuật giải thích theo kiểu công nghệ, công nghệ quá tối tân đến mức nhảy hẳn sang phép thuật, hoặc đôi bên tách hẳn ra, cho một bên dùng phép thuật một bên dùng công nghệ và song song tồn tại,… thì vẫn cứ gọi chung là Science Fantasy. Thế nên Science Fiction Fantasy thường được coi là dòng chứ không phải thang đo

Science Fiction Fantasy có một số nhánh phụ nổi trội, trong đó cần kể đến:

- Urban Fantasy/Modern Fantasy: các tác phẩm Fantasy diễn ra trong bối cảnh thế giới ngày nay, có sử dụng công nghệ của thế giới hiện đại, kết hợp cùng với các yếu tố kỳ ảo siêu nhiên. Đây có thể gọi là phiên bản nâng cấp của Fantasy thuần cũ, vốn lấy bối cảnh thế giới Trung Cổ truyền thống (tức “thế giới ngày ngay” của cái thời ấy).

- Gaslamp Fantasy: tương tự như Urban Fantasy, khác ở điểm nó lấy bối cảnh thời thế giới còn sử dụng công nghệ hơi nước. Đây cũng đồng thời là chi phụ của Steampunk (https://goo.gl/Afc9Eb).

- Planetary Romance: lấy bối cảnh là một hành tinh khác, đi khám phá về thế giới và văn hoá của tộc người trên hành tinh ấy. Có rất nhiều điểm chung với các dòng truyện phiêu lưu khám phá văn hoá giai đoạn thế kỷ 19, 20.

- Sword and Planet: tương tự Planetary Romance, có điều mang chất “kiếm hiệp” hơn, tập trung vào giao tranh giữa các vương quốc hoặc người hùng với nhau (thường là theo kiểu chiến tranh Trung Cổ).

Còn rất nhiều tác phẩm thuộc các dòng Sci Fi hoặc Fantasy cũng có thể rơi vào Science Fiction Fantasy nếu chúng có sự pha trộn. Thế nên đừng ngạc nhiên nếu tình cờ thấy tác phẩm nào gắn mác Cyberpunk nhưng lại có kèm mác Fantasy, hoặc có tác phẩm được gọi là Fantasy ở chỗ này nhưng lại trở thành Space Opera ở chỗ khác…

Một số tác phẩm Science Fiction Fantasy nổi trội: Binti (Nnedi Okorafor), John Carter of Mars (Edgar Rice Burroughs), các truyện của H.P. Lovecraft, Artemis Fowl (Eoin Colfer), Star Wars (George Lucas), The Chronicles of Riddick (David Twohy), Ghostbusters (Ivan Reitman), Dragon Ball (Akira Toriyama).

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.