Chuyển đến nội dung chính

[SFF 101] Steampunk vs. Gaslamp Fantasy



Trong bài trước, mình có nói Steampunk và Gaslamp Fantasy là anh em họ hàng với nhau, nhưng không nói chi tiết mối quan hệ dây mơ rễ má giữa bọn nó cũng như điểm khác biệt giữa hai bên. Để tránh sau này có người nhầm lẫn, bài này sẽ bàn sâu về hai thằng đó.

Như anh em hẳn đã biết, gần như chẳng một dòng văn nào trên đời lại có thể đứng độc lập cả. Chúng luôn pha trộn vào với nhau, vay mượn các mô típ và phương pháp kể chuyện của nhau không ít thì nhiều. Và rồi dần dần, sau nhiều lần giao lưu như thế, một số sự kết hợp bắt đầu trở nên có hình có dạng hẳn. Chúng có những thông lệ riêng, quy tắc riêng, và bắt đầu có thể đứng độc lập. Đó chính là cách các dòng văn lớn hình thành những ngách nhỏ cho bản thân, và Speculative Fiction (Văn học Giả tưởng) cũng không nằm ngoại lệ.

Trong số các dòng đáng chú ý mà Speculative Fiction từng giao lưu cùng, ta phải kể đến Historical Fiction (Văn học Lịch sử). Và trong số hàng ngàn giai đoạn lịch sử/văn hóa của nhân loại có thể được tận dụng để viết văn, có một giai đoạn rất thú vị mang tên Cách mạng Công nghiệp. Đây là giai đoạn chuyển giao cột mốc đối với các quốc gia phương Tây, khi công nghệ hơi nước đã cho phép nền sản xuất chuyển từ dựa vào nhân lực thủ công sang máy móc cơ khí. Những biến động xã hội nó mang lại, cả tốt lẫn xấu, cùng với cách nó làm thay đổi gần như hoàn toàn bộ mặt của các thành phố lớn, khiến cho thời kỳ này như một thế giới khác. Và đối với Speculative Fiction, dòng văn của những sự phi thực, đây như một món quà trời cho. Chỉ cần nhảy bổ vào giai đoạn này, thêm tí khoa học công nghệ và/hoặc phép thuật siêu nhiên vào, là ngay lập tức đã có hai đứa con hết sức độc đáo: Steampunk và Gaslamp Fantasy.

Cả Steampunk lẫn Gaslamp Fantasy sẽ đều lấy bối cảnh là giai đoạn thế kỷ 19/đầu thế kỷ 20, tương ứng với thời Nữ hoàng Victoria và thời Vua Edward VII ở Anh. Vì thời đấy Anh có tầm ảnh hưởng quá lớn, khiến cho nó có độ “nhận diện thương hiệu” cao hơn so với các quốc gia khác, bối cảnh của truyện cũng thường sẽ là Anh Quốc (thường sẽ là London, vì ai cũng biết nước Anh chỉ có mỗi London thôi, giống như Mỹ chỉ có New York vậy 🐧 ), hay các thành phố lấy cảm hứng từ đó. Công nghệ sẽ loanh quanh trong các thứ máy móc chạy bằng hơi nước, hoặc ít nhất mang style na ná máy móc thời đấy, còn thực tế chạy bằng phép hay điện hay máu trinh nữ hay gì thì tùy tâm tác giả.

Tuy nhiên, vì được xây dựng trên hai nền tảng khác nhau là Sci Fi và Fantasy, hai thanh niên này tách biệt ở một điểm rất cơ bản: tỉ trọng giữa khoa học công nghệ và phép thuật.

Gaslamp Fantasy tập trung vào các yếu tố phép thuật và siêu nhiên, còn khoa học cực kỳ hạn chế. Đôi khi khoa học và công nghệ của nó còn lấy nguyên khoa học cũ của Anh trong thời đó mang vào, không thay đổi gì cả. Thứ duy nhất khiến nó không thành Historical Fiction là sự xuất hiện của phép thuật. Steampunk thì ngược lại, sẽ đánh mạnh vào khoa học, với các yếu tố phép thuật bị hạn chế lại, hay thậm chí còn không có. Như trong bài về Steampunk mình đã viết, trọng tâm của dòng này sẽ là những thứ công nghệ tân tiến vượt trội, cao cấp hơn hẳn các công nghệ của giai đoạn thế kỷ 19-20, hoặc thậm chí còn vượt cả công nghệ hiện đại, có thể có súng laze, tàu ngầm, phi thuyền, máy tính, rôbốt,…

Tất nhiên, cũng như việc Sci Fi và Fantasy có thể song song tồn tại trong cùng một tác phẩm (như mình đã nói trong bài về Science Fantasy), Steampunk và Gaslamp Fantasy không nhất thiết phải tồn tại độc lập. Một tác phẩm có thể ngả hẳn về Steampunk hoặc Gaslamp Fantasy, hoặc cũng có thể đứng ỡm ờ ở giữa. Cái game BioShock Infinite của Irrational Games là một ví dụ chạy lệch hẳn về phía Steampunk, còn bộ tiểu thuyết His Dark Materials của Philip Pullman thì lại lệch hẳn về Gaslamp Fantasy. Tuy nhiên, sang đến Fullmetal Alchemist của Hiromu Arakawa hay Howl's Moving Castle của Diana Wynne Jones thì mọi thứ bắt đầu nhập nhằng rồi, gọi là Steampunk cũng được mà Gaslamp Fantasy cũng được, vì chúng nó có cả phép thuật lẫn máy móc đồng đều (chưa kể còn bổ sung thêm công nghệ giai đoạn Thế Chiến I vào nữa).

Ngoài ra thì còn cả vấn đề là liệu có nên tính các tác phẩm xuất bản vào đúng cái thời kỳ đấy không nếu chúng nó đáp ứng đủ tiêu chuẩn về nội dung. Frankenstein của Mary Shelley thì không được rồi, vì dù ra đời trong thời Victoria, nó quá xa so với các tiêu chuẩn của Steampunk và Gaslamp Fantasy. Nhưng còn 20,000 Leagues Under the Sea của Jules Verne thì sao? Nó đáp ứng đủ hết mọi tiêu chí của Steampunk, nhưng vì tác giả không “cố ý” mượn thời điểm lịch sử mà viết dựa trên kiến thức đương thời, liệu nó có được tính là Steampunk không? Gaslamp Fantasy thì có Dracula của Bram Stoker cũng gặp vấn đề tương tự. Ngày nay những tác phẩm như thế này vẫn còn đang được tranh cãi, với một bên thì chỉ quan tâm là từ góc độ của độc giả, chúng nó thuộc về Steampunk/Gaslamp Fantasy, còn một bên thì khăng khăng đòi giữ góc độ của tác giả, bảo chúng nó không thể thuộc về hai dòng đấy được vì người viết có viết truyện lịch sử đâu.

Nhưng tóm lại thì cứ kệ, biết sơ sơ về hai đồng chí Steampunk với Gaslamp Fantasy này như thế là được rồi. Còn đâu quan trọng là nội dung hay dở thế nào thôi, nghĩ nhiều mệt óc 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.