Trong bài về cái danh sách ngáo của tạp chí
TIME ngày hôm trước, mình có đề cập đến 1001 đêm và việc nó là một trong những
tác phẩm mang tính nền tảng cho Fantasy hiện đại. Điều này làm mình nhớ đến một
tuyển tập đã đọc cách đây ít lâu, cũng có truyện đú 1001 đêm. Nó chính là:
🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌑 🌑
8.0/10
=====
TL;DR
=====
Black Mirror, nhưng nhẹ nhàng và hàn lâm hơn.
==============
GIỚI THIỆU CHUNG
==============
Exhalation: Stories là một tuyển tập truyện ngắn
của Ted Chiang, tác giả cuốn tiểu thuyết ngắn Story of Your Life (đã được chuyển
thể thành bộ phim Arrival). Nó chứa 9 câu chuyện tất cả, với 7 trong số đó là
các truyện/tiểu thuyết ngắn đã từng được Chiang xuất bản trong giai đoạn 2005 –
2015, và 2 truyện được viết mới cho riêng tuyển tập này. Chúng chủ yếu là truyện
Sci Fi, nhưng có một số truyện pha kèm cả Fantasy vào, với một truyện gần như
có thể coi là Fantasy thuần túy (tùy cách mọi người nhìn nhận về giả kim). Cụ
thể hơn, chúng bao gồm:
1) The Merchant and the Alchemist's Gate: kể về
một nhà buôn Ảrập và một cánh cổng thời gian, được viết theo style Nghìn lẻ một
đêm (cụ thể là chuỗi truyện xoay quanh thủy thủ Sinbad).
2) Exhalation: nội dung một cuốn nhật ký do một
nhà khoa học vô danh nào đó để lại, kể về bản chất giống loài mình cũng như giả
thuyết của ông ta về số phận thế giới.
3) What’s Expected of Us: một bức thư gửi về từ
tương lai, xoay quanh bản chất của ý chí tự do cũng như những tác động mà nó có
thể gây ra cho xã hội.
4) The Lifecycle of Software Objects: kể về
cách con người tạo ra một hệ thống AI có tri giác với mục đích biến chúng thành
thú cưng ảo, nhưng dần dần chúng lại phát triển thành một phiên bản tương đương
con người.
5) Dacey's Patent Automatic Nanny: xoay quanh
thí nghiệm nuôi dạy một đứa trẻ bằng bảo mẫu máy móc thay vì con người, và hệ
quả bất ngờ nảy sinh từ đó.
6) The Truth of Fact, the Truth of Feeling: một
cặp hai câu chuyện song song về cách lưu trữ ký ức, một là về một thổ dân được
học chữ, một là về một nhà báo và công nghệ lưu trữ và hiển thị mọi ký ức dưới
dạng các thước phim.
7) The Great Silence: xoay quanh cách con người
cứ tìm cách liên lạc với các dạng thức sống thông minh lạ ngoài Trái Đất, dù
cho ngay trên Trái Đất đã có một giống loài đủ tiêu chuẩn.
8) Omphalos: trong một thế giới nơi thuyết Sáng Thế (vũ trụ và sự sống do
Chúa tạo ra) là sự thật, các nhà khoa học phát hiện ra một điều làm rúng động đức
tin của mình.
9) Anxiety Is the Dizziness of Freedom: kể về
một vụ lừa đảo liên quan đến các thiết bị áp dụng công nghệ lượng tử, cho phép
con người ở những chiều không gian song song nói chuyện với nhau.
=====================
MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG
=====================
Điểm thú vị của cái bộ truyện này là gọi chúng
nó là “truyện” thực ra cũng… không đúng lắm. Già nửa số truyện trong này được
viết gần như một bài luận, phân tích và chiêm nghiệm về một triết lý hay công
nghệ nào đó, còn “cốt” của nó thì chỉ là một dạng Framing Device, đặt vào đấy
làm màu cho thiên hạ đỡ thấy lan man thôi. Đến bản thân những truyện được đầu
tư xây dựng cốt một cách nghiêm túc hơn, anh em cũng sẽ vẫn thấy “nhân vật
chính” của tác phẩm là cái phần triết công nghệ kia chứ không phải gì khác. Thế
nên anh em đừng kỳ vọng sẽ thấy những pha lật kèo nhanh hơn bánh tráng, những
màn thoát hiểm ngoạn mục hay có cái gì quá hoành tráng cả. Nói thật thì nếu đọc
lấy cốt, anh em sẽ thấy khá thất vọng với quyển này vì khá nhiều truyện có cao
trào với kết hơi… xịt.
Tuy nhiên, phần triết với cái văn phong của
Ted Chiang thực sự thừa sức hard-carry mấy cái cốt nhạt. Các triết lý nền tảng
mà ông anh đem ra bàn đều rất thú vị, và được trình bày một cách lôgíc vô cùng.
Gần như mọi lỗ hổng hay vấn đề tiềm tàng có thể nảy sinh ra từ cái triết lý gốc
hay công nghệ nền đều được tác giả vá kín hoặc đào sâu thêm, thậm chí nhiều lúc
còn chỉ ra những mặt rất bất ngờ nhưng đầy hợp lý, khiến ta gần như không bắt bẻ
được chỗ nào cả.
Đặc biệt quan trọng là bro Chiang đưa đẩy mấy
cái triết công nghệ ấy theo mạch phát triển của câu chuyện một cách rất tự
nhiên, không hề kéo tuột người đọc ra khỏi mạch truyện. Mặc dù biết rất rõ là
đang ngồi trong một lớp triết học đại cương, chẳng một phút nào mình cảm thấy
như đang nghe giảng đạo hết, kể cả khi truyện mang hẳn kinh ra giảng theo đúng
nghĩa đen luôn 🐧. Ông anh
còn rất khôn ở chỗ cuối mỗi truyện cho thêm một phần ghi chú về nguồn cảm hứng
cũng như cơ sở thực tiễn của các thứ triết mình đưa ra, để ta không khỏi ngẫm
ngược lại và so sánh phiên bản truyện với phiên bản đời thực, và từ đó càng
giúp củng cố sự lôgíc của nó, cũng như đảm bảo chúng ta có thêm “thịt” để lai
rai tiếp, chứ không phải cứ đọc xong là phủi đít bỏ đi luôn.
Giọng văn của Chiang cũng khá hay, có một sự bộc
trực và khô nhất định nhưng cũng đủ mềm mại uyển chuyển để giúp tạo ra một nét
nghiêm túc cho mọi câu chuyện, nhưng không đến nỗi sơ mi đóng thùng. Tất cả hợp
lại tạo cho các câu chuyện một bầu không khí rất hấp dẫn, không để người đọc bị
quá choáng hay nặng đầu trước những gì đã trình bày, nhưng vẫn đảm bảo mọi thứ
có đủ “trọng lực” để kích cho người đọc suy nghĩ thật sâu về chúng ngay cả sau
khi đã đọc hết.
===============
Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI
===============
Mỗi một câu chuyện trong bộ tuyển tập này là một
thế giới riêng, nằm ở đủ mọi thể loại thời kỳ khác nhau trong lịch sử, từ tận
thời cổ đại cho đến tương lai cho đến chẳng ai hiểu nó là cái thời khỉ mẹ gì nữa
🐧. Gần như tất cả đều được đầu
tư tô vẽ một cách rất tỉ mỉ, đặc biệt ở những mẩu truyện vốn là tiểu thuyết
dài, khiến cho mỗi truyện đều có một hương vị cực kỳ riêng biệt, không ai giống
ai hết, bất chấp tất cả đều được viết theo một cái giọng khá tương đồng với
nhau.
Cũng tương tự cách triết lý cốt lõi được triển
khai, các thế giới của mỗi câu chuyện được xây dựng một cách rất lôgíc và mạch
lạc, làm ta cảm thấy các thế giới ấy hoặc hoàn toàn có thể từng tồn tại trong lịch
sử, hoặc rất có thể sẽ tồn tại trong tương lai. Chỉ mệt mỗi cái là có một số thế
giới hơi khó “bắt mạch” một tí, bởi vì tác giả chôn cái bản chất thật của nó
vào đoạn giữa giữa, thế nên ban đầu phải đi hơi mù, chẳng hiểu cái gì là cái gì
cả.
Lẽ đương nhiên, vì các thế giới khác nhau đến
vậy, sẽ có một số thế giới anh em cảm thấy ưng hơn, một số cảm thấy không ưng bằng.
Như cá nhân mình thì thấy có một mẩu truyện ngắn bro này xem chừng bị thiếu đất,
thế nên cái thế giới của nó có cảm giác hơi nhồi nhét và khó hình dung; một mẩu
truyện dài thì ông anh viết cứ… kiểu gì ấy, làm mình không thấy ưng thế giới của
nó cho lắm. Nhưng nhìn chung, bất luận cảm quan cá nhân về các thế giới ấy có
ra sao, anh em sẽ vẫn phải khâm phục cái sức sáng tạo của thanh niên này.
========
NHÂN VẬT
========
Vì các tác phẩm này chẳng có gì liên quan đến
nhau ngoài việc chúng nó cùng mang tính triết lý rất cao, mỗi một tác phẩm sẽ
có một dàn nhân vật mới toanh. Các nhân vật phần lớn đều được đào sâu phân
tích, mỗi người đều có một quá khứ, một đức tin, một thế giới quan riêng, và mỗi
câu chuyện đều có thể coi là một hành trình khám phá bản thân của họ. Cũng như
với thế giới, ta sẽ thực sự cảm thấy đây là những con người có thật, với nhưng
ưu tư buồn phiền của riêng mình.
Nhưng vấn đề là ông anh viết các nhân vật hơi…
một màu, đặc biệt là các nhân vật chính. Ừ thì đúng là cái bà nhà khoa học mộ đạo
trong cái truyện Sáng Thế với cái ông nhà báo trong truyện lưu trữ ký ức có những
vấn đề riêng và thế giới quan riêng đấy, nhưng cái giọng của Chiang rất hiếm
khi thay đổi, hay đúng hơn là không thay đổi đủ nhiều để ta cảm thấy rõ được sự
khác biệt. Cái lỗi này nặng nhất trong mấy truyện lấy bối cảnh là tài liệu để lại,
đọc chẳng khác gì cùng là một ông tên Ted họ Chiang ngồi chém, có điều giữa chừng
chạy vào nhà tắm đeo thêm cái mặt nạ lên cho đổi gió. Cũng may là trong một số
truyện, có một số nhân vật phụ không “được” Chiang chui vào đầu miêu tả nội tâm
hay gì hết, mà chỉ nhìn nhận qua con mắt của người ngoài thôi, và nhờ đó mà trở
nên ấn tượng hẳn.
========
TỔNG KẾT
========
Exhalation giống với một bộ sưu tập các ý tưởng
và thí nghiệm tư duy (thought experiment) hơn là một tuyển tập truyện giải trí.
Tuy nhiên, nếu đã xác định đúng tâm tưởng trước việc vào đọc thì anh em sẽ thấy
nó có tác dụng giải khuây cao đến bất ngờ, và dư âm của nó sẽ đọng lại rất lâu.
Vì các truyện trong này không liên quan đến nhau, anh em có thể bổ nhỏ nó ra, đọc
xen kẽ các mẩu truyện của nó với các tác phẩm khác, hoặc đơn thuần đọc cách
ngày để suy nghĩ thêm về những thứ được bàn luận, đồng thời có thời gian tra cứu
thêm về các yếu tố nền tác giả đưa ra nhé.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓