Chuyển đến nội dung chính

Review Con tàu bất bại của Stanisław Lem

 


🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌑🌑

8.0/10

=====

TL;DR

=====

Jurassic Park x Solaris, có điều rợn hơn.

==============

GIỚI THIỆU CHUNG

==============

The Invincible (tên tiếng Anh của Con tàu bất bại, với tựa gốc là Niezwyciężony) là một cuốn Techno-thriller của nhà văn Ba Lan Stanisław Lem. Truyện xuất bản lần đầu năm 1964, vốn thuộc một bộ tuyển tập mang tên The Invincible and Other Stories (gốc là Niezwyciężony i inne opowiadania), nhưng về sau đã được tẽ ra thành tiểu thuyết lẻ.

Truyện lấy bối cảnh là một tương lai bất định nào đó, nơi con người đã có thể chế tạo được những con tàu vũ trụ hết sức tân tiến để đi khám phá dải ngân hà. Một trong những con tàu đó là Condor. Một ngày nọ, Condor nhận nhiệm vụ đến thám hiểm Regis III, một hành tinh trông có vẻ hãy còn hoang dại. Condor tiến vào quỹ đạo của Regis III, và sau đó…

Không có sau đó nữa.

Mọi liên lạc với Condor bất chợt bị ngắt một cách bí hiểm, và không ai biết chuyện gì đã xảy đến với nó hết, ngoài việc nó đã đáp xuống bề mặt hành tinh. Thế quái nào mà nguyên một siêu công trình bằng thép khổng lồ, đỉnh cao của khoa học kỹ thuật nhân loại, trang bị vũ khí tận răng, đồng thời còn được điều khiển bởi một đội ngũ đầy những sĩ quan và nhà khoa học thuộc hàng ưu tú nhất Trái Đất lại có thể biệt tăm biệt tích, đến một tín hiệu S.O.S cũng không gửi nổi vậy kìa?

Để trả lời câu hỏi này, một con tàu khác đã được cử đến Regis III: tàu Invincible. Sứ mệnh của họ là tìm kiếm tàu Condor cũng như phi hành đoàn của nó, giải cứu bất cứ ai có thể cứu được, hoặc, nếu không còn ai để giải cứu, điều tra xem chuyện gì đã xảy đến với con tàu kia.

Và quan trọng nhất, không được để chuyện xảy đến với nó xảy ra với mình...

=====================

MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG

=====================

Cái đầu tiên cần phải khen về cốt của The Invincible là nó “trực” vl.

Cụ thể hơn, truyện ngay từ trang đầu đã nhảy bộp vào mạch chính luôn, không ỡm ờ, không rào trước đón sau gì hết. Bộp một cái, mọi người đã ở trên Regis III. Bộp phát nữa, lý do đã được giải thích cực gọn ghẽ. Và lại bộp thêm phát, mọi người đã chui ra ngoài đi điều tra luôn rồi. Và cái sự trực tính của The Invincible không chỉ dừng lại ở cách nó mào đầu. Suốt cả truyện, mạch cốt phát triển theo một phong thái thẳng đuồn đuột tương tự, không râu ria lằng nhằng, không drama vớ vẩn, không hồi tưởng mùi mẫn, không một thứ gì chạy ra ngoài cuộc điều tra trước mắt cả.

Nói như vậy không phải là truyện chạy hùng hục như thể bị dí deadline hay gì đâu. Nó vẫn có những lúc ngắt nghỉ cần thiết, khi thì dồn dập để tạo cảm giác kịch tính, khi thì chậm lại để người đọc có thời gian định hình bản thân cũng như tình huống của dàn nhân vật trong truyện, lúc thì co cụm tất cả vào để gây cảm giác ngột ngạt bức bối, khi thì dãn dài nhịp văn ra để ta có thời gian suy ngẫm về mọi thứ. Nói chung là mọi thứ đều có một mạch rất nhịp nhàng, không gây cảm giác vội vã, và câu chuyện mang một sắc tập trung cực kỳ cao độ.

Bản thân cái bí ẩn đối với Condor cũng như hành tinh Regis III cũng được xây dựng rất khéo. Stanisław Lem cứ nhả ra từng tí từng tí một, cho những tình tiết quái lạ và các manh mối thu thập được ngày một chất chồng lên nhau theo một trình tự đầy lôgic, càng lúc càng làm gia tăng cảm giác rờn rợn và sởn gai ốc của cái chốn này. Mỗi đoạn manh mối tìm được luôn được nối tiếp bởi những phần bàn bạc và soi xét cũng như các giả thuyết rất hợp lý và rành mạch nhằm giúp người đọc hình dung thật chính xác cái sự dị thường của mọi chuyện, song vẫn vừa đủ mông lung để giúp ta đoán già đoán non chuyện gì đang xảy ra.

Đồng thời, trong quá trình để các nhân vật bàn thảo về các manh mối và đưa ra giả thuyết nhằm làm sáng tỏ mọi sự, Stanisław Lem cũng lồng vào khá nhiều theme triết lý thú vị. Mấy đề tài lớn nhất mà truyện động đến là giới hạn sự hiểu biết của con người trước các thế lực gần như thuộc về thiên nhiên, những hậu họa tiềm tàng có thể xảy đến khi nhân loại để cái tôi và lòng tham (cả về tham vật chất lẫn “tham” kiến thức) lấn át lý trí, và bản chất của trí tuệ cũng như những loại hình tiến hóa tiềm tàng (đến phần thế giới sẽ bàn kỹ hơn). Nhìn chung The Invincible mặc dù mang rất đậm chất mấy phim thriller của thập niên 80-90, nó không hề giải trí thuần túy một chút nào, mà có những bài học rất đáng suy ngẫm.

Tuy nhiên, The Invincible không phải không có sạn. Đến khoảng 1/3 cuối truyện, Stanisław xem chừng không biết phải đưa đẩy câu chuyện đi đâu nữa. Nó vẫn có những phân cảnh hết sức thú vị và đáng ngạc nhiên, vẫn có cái cảm giác sởn gai ốc và vô vọng ảm đạm của chỗ đầu, vẫn có những triết lý sâu sắc, và nhìn bề ngoài thì có thể nói là không khác gì phần đi trước hết. Nhưng có hai vấn đề khá lớn với cái đoạn này.

Một là nó không đẩy mạnh cao trào lên để nối tiếp với mấy phân đoạn trước, mà chỉ để kịch tính… đi ngang. Mọi thứ cứ diễn ra theo một cách khá bình bình, và nó cũng không chốt lại ở một đỉnh cao thực sự nếu so với mấy phần trước. Khi đọc ở đây, anh em có thể thấy là Stanisław đang muốn làm một việc rất cụ thể, nhưng khốn nạn một nỗi đoạn này phụ thuộc rất nhiều vào một yếu tố chưa được đầu tư tử tế lắm (đến phần dưới sẽ bàn kỹ hơn), thế nên rốt cuộc nó không tạo được một ảnh hưởng đủ mạnh để khép lại toàn bộ vở kịch một cách hoàn mỹ.

Cái vấn đề thứ hai là phần kết này khép lại trong khi vẫn còn một số ý tưởng nữa đáng lẽ có thể triển khai thêm. Stanisław trong mấy đoạn đầu nêu ra nhiều ý lắm, và đọc cách đồng chí này bàn về chúng mà có cảm giác thanh niên đang rất chậm rãi lôi mấy khẩu Chekhov ra tra dầu tra mỡ, trịnh trọng treo vào những chỗ hút mắt nhất trên tường, sau đó quay sang nháy mắt với độc giả, thế rồi chắp tay sau đít và huýt sáo bỏ đi. Mấy cái khẩu súng mà Stanisław treo cũng lại khá thú vị nữa, cả dưới dạng các ý tưởng liên quan đến theme chính lẫn việc xây dựng xung đột cho cốt, và mình rất nóng lòng muốn biết nó rốt cuộc sẽ được triển khai kiểu gì. Nhưng hỡi ôi, nào ai ngờ nổi Stanisław bỏ đi hẳn luôn, chẳng còn quay lại nhòm ngó mấy khẩu Chekhov kia nữa. Mặc dù có một khẩu trong số đấy bị bỏ không là rất hợp lý, bởi lẽ nó dính đến cái theme chủ chốt của câu chuyện, nhưng vì còn nhiều khẩu bị để im quá, câu chuyện cứ có cảm giác dang dở và không được trọn vẹn.

===============

Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI

===============

Cái đầu tiên cần phải chửi về thế giới của The Invincible là nó “trực” vl.

Như đã nói ở trên, Stanisław tối giản hóa tất cả mọi thứ lại để ta có thể tập trung hoàn toàn vào mạch truyện chính. Tuy nhiên, cái chủ trương không râu ria, không nhùng nhằng ấy lại khiến thế giới của câu chuyện bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thương vong thảm hại nhất của nó là cái nền văn minh loài người thời bấy giờ. Gần như chẳng có một tí thông tin gì được cung cấp về con người trong này cả, với thậm chí cả lý do Regis III được Condor đến khảo sát cũng bị ngó lơ toàn tập luôn. Không ai biết loài người đang có những vấn đề gì, cơ cấu tổ chức xã hội ra sao, đã phát triển đến đâu, và đường hướng với tương lai thế nào. Điều này khiến cho trong suốt cả truyện, anh em sẽ thấy cực khó hình dung rốt cuộc cái vũ trụ này hiện đang như thế nào, và vị thế của con người ở bên trong nó.

Có một chỗ tác giả động đến việc con người từng tìm thấy dấu vết của một chủng tộc ngoài hành tinh nằm ở đâu đó, nhưng cũng chẳng có nhiều thời lượng được đầu tư cho cái chủng tộc này. Ta không biết con người đã quật lên được những gì, hiểu ra sao về cái nền văn minh ấy, và điều đó ảnh hưởng ra sao đến thế giới quan của nhân loại nói chung và các nhân vật nói riêng. Chết người một chỗ là cái chủng tộc này về sau có vai trò quan trọng trong cốt, thế nên việc để đội này bị quá nhạt nhòa như thế khiến họ chỉ như một cái cớ giúp câu chuyện xảy ra, chứ không phải là một phần của thế giới trong The Invincible.

Nhưng thế giới của tác phẩm không nát hoàn toàn. Stanisław vẫn dành một lượng thời gian khá nhiều để mô tả về hành tinh Regis III. Nơi này không được tô vẽ theo một kiểu kỹ tã gì cho cam, và không có chuyện anh em được đi săm soi và thăm thú từng tiểu tiết một của hành tinh đâu, nhưng bảo nó không ấn tượng thì sẽ là cả một sai lầm lớn. Tác giả khắc họa được một cách chân thực và sống động vô cùng cái sự cằn cỗi và chết chóc của nơi này, biến ngay cả bầu không khí cũng như sắc màu của hành tinh thành một bàn tay siết nghẹt lấy cuống họng anh em. Mọi người sẽ cảm thấy một sự ngột ngạt và tuyệt vọng khủng khiếp bủa vây lấy mình, như thể cả cái hành tinh đấy là một khối vật chất hiện hữu ngay bên cạnh, đè nghiến lên người ta, phà vào gáy ta một làn hơi khô ráp và nóng bức. Thậm chí, có những cảnh Regis III còn chẳng khác nào một con thú săn mồi, luôn hiện hữu ở đâu đó sát bên khóe mắt, để ta luôn ý thức được về sự hiện diện của nó. Tất cả những gì ta biết là có gì đó không ổn đang diễn ra, và nguy hiểm sắp chồm xuống đầu đến nơi rồi, nhưng khi ngoái nhìn khắp nơi thì chẳng thấy gì sất.

Một phần khác cũng được đầu tư tương đối kỹ là khoản khoa học của truyện. Stanisław không phải Arthur C. Clarke, Greg Egan, hay James P. Hogan, thế nên cũng như với hành tinh Regis III, ông không đi sâu vào trình bày tỉ mỉ mọi thuyết khoa học hay mổ xẻ công nghệ theo một cách quy củ và chuẩn xác đến từng con ốc. Nhưng Stanisław vẫn trình bày một lượng vừa đủ khoa học để làm nền, cũng như sắp xếp chúng thật lôgic để mọi thứ công nghệ sử dụng hiện lên khá chân thực, như thể những gì ta sẽ có thể làm được nếu cho thêm vài thập kỷ nghiên cứu, và giúp The Invincible cũng có thể được coi là một cuốn Hard Sci Fi phiên bản nhẹ.

Đặc biệt đáng chú ý là một yếu tố công nghệ rất mới mẻ, mang tính mấu chốt đối với toàn bộ tác phẩm. Cái này nói cụ thể ra thì spoil gần như từ đầu đến cuối truyện luôn, nhưng được Stanisław xoáy vào rất kỹ, và nêu ra những ý tưởng mà ngay cả thời nay đọc vào cũng thấy không hề “cổ” một tí nào. Dựa trên cái công nghệ đấy, Stanisław đã thêu dệt ra nguyên một hành trình tiến hóa hết sức quái chiêu, nhưng cũng vô cùng hợp lý, và đặc biệt là đầy hấp dẫn và sáng tạo. Nó chập chung được cả tiến hóa tự nhiên vào với tiến hóa nhân tạo, rút ra những kết luận rất đáng suy ngẫm về bản chất của trí tuệ cũng như chọn lọc tự nhiên, cho ta có một cái nhìn vừa lạ lại vừa quen về châm ngôn của Darwin: “Thứ sẽ sống sót không phải là loài mạnh nhất, mà cũng chẳng phải là loài thông minh nhất; nó phải là thứ thích nghi được tốt nhất với sự thay đổi.” Sau khi The Invincible khép lại, mọi người có lẽ sẽ quên sạch mọi thứ về nó đấy, nhưng riêng những ý tưởng xoay quanh thứ công nghệ này thì không quên được đâu.

========

NHÂN VẬT

========

Cái đầu tiên cần phải vừa khen vừa chửi về nhân vật của The Invincible là nó “trực” vl.

Một lần nữa, mình phải nhắc lại cái việc Stanisław chặt râu chặt ria gọn ghẽ như thế nào, bởi vì nó cũng lan luôn đến cả nhân vật. Dàn nhân vật trong truyện cũng có những tính cách khá riêng biệt, và có rất nhiều đoạn xung đột nội tâm hay phải đối mặt với những khó khăn giúp nêu bật lên bản chất và nhân tính của họ, thế nên họ không đến mức nhạt thếch hay gì đâu. Tuy nhiên, đừng kỳ vọng đội nhân vật trong này sẽ có gì quá ấn tượng, bởi lẽ họ bị khắc họa khá một chiều, không quá khứ, không hoài bão, không ước mơ gì cả. Thú vị một chỗ trong phạm vi của câu chuyện, sự “phẳng” (tương đối) của họ lại là một thế mạnh rất lớn. Nó không làm ta mất thời gian nhùng nhằng với những thứ drama rẻ tiền hay rập khuôn mà gần như mọi cuốn Techno-thriller đều vướng phải, không ít thì nhiều. The Invincible có những ý tưởng rất hay, và Stanisław biết rõ thiên hạ đến với nó sẽ muốn được khám phá các ý tưởng đấy, thế nên ông anh dẹp sạch tất cả những thứ linh tinh khác đi để tập trung vào điểm hay nhất của tác phẩm, và chiến lược này có thể nói là thành công vang dội.

Khốn nạn cái là đến 1/3 cuối thì trò đấy lại phản tác dụng.

Như đã nói trong phần cốt đấy, đến hồi kết, Stanisław xoay sang xây dựng kịch tính dựa trên một thứ vốn dĩ chưa được đầu tư đủ đô, và đó chính là nhân vật. Mọi thứ ở khúc cuối phụ thuộc vào việc mọi người mê được dàn nhân vật chính, hoặc ít nhất là nhân vật trọng tâm của tác phẩm, để từ đó cảm thấy lo sợ trước những việc họ phải làm. Trước lúc bước vào hồi kết, Stanisław xem chừng cũng hiểu mình phần đầu chưa làm đến nơi, nên ông anh đã gắng sức nhét thêm một cảnh xây dựng nhân vật vào trước nó. Cảnh đấy nhìn chung cũng khá ổn, và quả thực nó đã nâng điểm các nhân vật lên một chút trong mắt mình, nhưng “một chút” thôi thì chưa đủ. Rốt cuộc, lúc nhân vật loay hoay trong đoạn này, mình khá là vô cảm, bởi vì bố ai quan tâm thanh niên sống chết thế nào. Nực cười một chỗ là ở đây, cái hành tinh Regis III và một thứ khác nữa lại trở thành những “nhân vật” đáng chú ý hơn hẳn, và chúng nó đã gánh đến còng cả lưng khúc cuối. Nhưng vì nhân vật chính tạ quá, thế nên nó vẫn không gồng đủ căng để đẩy cái kết lên đến cái tầm thực sự xứng đáng để chốt lại tác phẩm.

========

TỔNG KẾT

========

The Invincible mang rất nhiều điểm tương đồng với các bộ phim Sci Fi kinh phí thấp ta hay thấy cách đây tầm 30, 40 năm gì đó, nhưng theo một nghĩa rất tích cực. Nó là một câu chuyện phiêu lưu pha kinh dị rất hấp dẫn, song cũng bàn luận về nhiều ý tưởng và đề tài sâu sắc và mang tính vượt thời gian cao đến đáng ngạc nhiên. Đúng là nó cũng có một số điểm trừ thật, nhưng không đến mức làm tác phẩm bị què quặt. Nếu đã phát ngấy mấy thứ hầm hố và cần thứ gì mang tính giải trí nhẹ nhàng nhưng không đến mức vô não, anh em hãy ngó qua The Invincible nhé.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.