Chuyển đến nội dung chính

[SFF 101] Hopepunk


Những tác phẩm Sci Fi tăm tối thường có một sức hút khó tả đối với người đọc. Một phần là bởi vì tâm lý con người vốn hay để ý và ghi nhớ những điều tiêu cực hơn là tích cực, và các xúc cảm tiêu cực thường dễ khơi gợi lên hơn. Thêm một phần nữa là vì một thế giới đầy nghịch cảnh sẽ giúp các xung đột nảy sinh ra được một cách dễ dàng hơn, tạo ra được nhiều chướng ngại với mức độ khó khăn cao hơn để các nhân vật phải gồng người lên mới vượt qua nổi, từ đó có một câu chuyện với những xung đột kịch tính hơn và hấp dẫn hơn.

Chính vì vừa dễ hút người đọc, vừa dễ tạo kịch tính nên lượng tác phẩm mang màu sắc u ám, tuyệt vọng nhiều vô kể. Nhưng lẽ đương nhiên, bất kể có hay đến đâu, nếu cứ như vậy mãi thì cũng đến lúc thị trường trở nên một màu, trông vào phát ngấy. Bởi thế nên trong những năm gần đây, có kha khá tác phẩm bắt đầu né các bối cảnh đen tối, hướng đến những thứ mang màu sắc tươi đẹp hơn. Các tác phẩm này có phần tương đồng với những tác phẩm thời Hoàng kim năm 50s, nhưng vẫn giữ lại chút punk của Cyberpunk giai đoạn 80s và Post-Cyberpunk thời hiện đại. Chính thế mà chúng được đặt cho một cái tên mới: Hopepunk (phiên bản tương tự của Fantasy sẽ là Noblebright).

Hopepunk có thể hoặc là lấy hẳn một thế giới tích cực, hoặc sẽ viết với một giọng văn đầy vẻ tích cực ngay cả trong một thế giới không mấy tử tế. Cái khó của Hopepunk là bởi vì nó "sáng" quá nên bi kịch sẽ không được mạnh như các dòng tăm tối khác. Chính vậy nên các tác giả thường hay để xung đột chính của tác phẩm là những xung đột mang tầm vi mô hơn, đặc biệt là các xung đột về tư tưởng, nội tâm, tâm lý, hay nói cách khác là những xung đột không thể cứ trâu bò đấm phát chết luôn được.

Ví dụ như trong Người về từ Sao Hỏa, một trong những tác phẩm có thể liệt vào Hopepunk gần đây, nhân vật chính chẳng phải cứu thế giới hay lật đổ tập đoàn khổng lồ hoặc vạch trần mưu mô gì hết, mà chỉ đơn thuần làm thế nào mà loay hoay sống được mấy tháng. Arkwright của Allen M. Steele thì kể về nỗ lực của một ông nhà văn muốn lên vũ trụ. Xung đột của quyển này thực chất lại không phải là những khó khăn mà ông tác giả kia gặp phải, mà là những bất đồng và tranh cãi giữa các thế hệ con cháu sau này, người thì muốn bất chấp dư luận tiếp tục biến hoài bão của ông thành hiện thực, người thì muốn vùng thoát ra khỏi cái "lời nguyền" tự dưng tròng lên cổ mình ấy.

Một số tác phẩm Hopepunk đáng chú ý: Noumenon (Marina J. Lostetter), bộ Wayfarers (gồm The Long Way to a Small, Angry Planet, A Closed and Common Orbit, và Record of a Spaceborn Few), Binti (Nnedi Okorafor), các truyện trong series rôbốt của Asimov (chất punk gần như không có, và ra đời trước khi cái dòng này có mặt rất lâu, nhưng vẫn khá sát để liệt vào Hopepunk).

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.