Chuyển đến nội dung chính

Review The Theory Of Interstellar Trade của Paul Krugman

Vì đã giới thiệu lại về Foundation của Asimov trong cái clip so sánh giữa nó và Dune hôm qua, mình lại nhớ đến một thành phẩm phái sinh khá thú vị từng gián tiếp nảy sinh từ cái series này.



Nhưng trước khi bàn về cái tác phẩm kia, ta phải điểm qua về tác giả của nó, Paul Krugman cái đã.

Thường thì khi nhắc đến việc Sci Fi truyền cảm hứng cho ai, ta thường sẽ nghĩ đến các nhà sáng lập tập đoàn công nghệ hoặc các nhà khoa học chuyên phát minh ra những thứ máy móc tân tiến hoặc gì đó đại loại thế, bởi vì cái chữ “SCIENCE” to đùng trong tên đã là một cái thương hiệu quá nổi tiếng rồi. Tuy nhiên, như mình đã nói trong một bài hồi năm ngoái (anh em đọc full ở đây: https://www.facebook.com/groups/SciFiReadersVN/permalink/3113830008704245/), khoa học không chỉ dừng ở mấy ngành STEM, mà nó còn bao trùm cả những ngành liên quan đến nhân chủng và xã hội học nữa, và đấy chính là cái ngành Foundation đã thúc Krugman lao vào theo đuổi. 

Cụ thể là hồi còn trẻ, Krugman đã vớ được cái bộ Foundation đấy, và đã chết mê chết mệt với nó. Series này không có người hùng bụng sáu múi một tay ôm súng laze một tay ôm gái xông pha đi cứu dải ngân hà, mà nó chỉ có những nhà khoa học xã hội, những nhà ngoại giao, nhà kinh tế, chính trị gia uốn lưỡi gài bẫy nhau. Krugman đặc biệt ấn tượng với cái khái niệm psychohistory của truyện (kết hợp toán + tâm lý học để dự đoán hành vi tương lai của một nhóm người lớn), và khao khát được trở thành một người như Hari Seldon, sử dụng toán học cứu rỗi nền văn minh nhân loại.

Sau khi tìm hiểu loanh quanh xem con đường sẽ giúp cuộc đời mình tiến gần đến với giấc mơ đó nhất là gì, Krugman quyết định cắm đầu vào học kinh tế. Ông dần trở thành một trong những nhà kinh tế có ảnh hưởng nhất trên thế giới, nổi tiếng trong giới học thuật với các công trình nghiên cứu về kinh tế quốc tế (bao gồm lý thuyết thương mại và tài chính quốc tế), địa lý kinh tế, bẫy thanh khoản và khủng hoảng tiền tệ. Ông từng giữ chức giáo sư kinh tế tại nhiều trường đại học nổi tiếng, bao gồm MIT và Princeton, và vào năm 2008, ông vinh dự được ẵm Giải Nobel Kinh tế vì những đóng góp của cho Lý thuyết Thương mại Mới và Địa lý Kinh tế Mới.

Krugman tính đến nay đã cho ra mắt gần 30 đầu sách, bao gồm các tác phẩm học thuật, sách giáo khoa, và sách dành cho độc giả phổ thông. Bên cạnh đó, ông còn đã viết hàng trăm bài báo chuyên sâu về các vấn đề kinh tế và chính trị cho những tờ như The New York Times, Fortune và Slate, đồng thời đã cho xuất bản hơn 200 tạp chí học thuật trên các tạp chí chuyên nghiệp và các tập đã biên tập. Trong số này, thứ có lẽ cộng đồng Sci Fi chúng ta sẽ cảm thấy hứng thú nhất là The Theory of Interstellar Trade.

The Theory of Interstellar Trade, tức Thuyết Thương mại giữa Các vì sao, là một “công trình nghiên cứu” được Krugman viết vào năm 1978, nhưng phải đến tận năm 2010 mới lần đầu chính thức ra mắt công chúng. Lúc bấy giờ, Krugman mới lấy xong bằng thạc sĩ được một năm, và chỉ vừa mới bắt đầu sự nghiệp của mình trên cương vị là một phó giáo sư tại Đại học Yale. Quãng thời gian này phải làm việc khá căng, thế nên Krugman đã giải trí bằng cách kết hợp hai tình yêu của mình lại với nhau (tức Sci Fi và kinh tế), và đã chém ra cái nghiên cứu dài 15 trang ấy.

Trong The Theory of Interstellar Trade, Krugman đặt ra giả định rằng khi nền văn minh loài người đã sở hữu công nghệ đủ cao để ra định cư ở nhiều nơi khác ngoài vũ trụ, hàng hóa sẽ phải được chuyên chở bằng tàu bè phóng với vận tốc tiệm cận ánh sáng. Vấn đề là anh em biết rồi đấy, thể theo thuyết tương đối, phóng nhanh như vậy thì thời gian sẽ trở nên rất loạn. Ví dụ thế này nhé, nếu mọi người vay ngân hàng 10 tỉ USD làm vốn với lãi suất 1%/năm, và dùng khoản 10 tỉ đó đi mua hàng để chở đến Proxima b (hành tinh có thể sinh sống gần Trái Đất nhất). Nếu mọi người chất hàng lên một con tàu di chuyển được với vận tốc bằng 99,999999% vận tốc ánh sáng (không bằng được 100% đâu, vì lúc đấy làm gì còn khối lượng nữa 🐧 ), đạp ga phóng hết tốc độ thì chỉ khoảng hơn 4 năm sau, mọi người đã đặt chân đến Proxima b và bán được hàng ngon lành rồi. Giờ chỉ việc đem tiền lời kiếm được trả cho ngân hàng thôi.

Vấn đề là vì ngân hàng nằm im ở Trái Đất, không di chuyển cùng mọi người, thế nên thời gian chủ quan của họ trôi đi nhanh hơn hẳn thời gian chủ quan của mọi người, và lúc mọi người đặt chân đến Proxima b, đối với, hành trình của mọi người kéo dài gần 30 năm trong mắt họ. Nói cách khác, khoản tiền gốc mọi người vay bây giờ tự nhiện lại có tận hai cái giá trị thời gian lệch nhau rất xa, không thể tính theo cách thông thường được nữa. Thế tóm lại bây giờ lãi suất phải tính theo kiểu nào đây?

Công thức tính lãi suất ấy là đề tài chính của The Theory of Interstellar Trade.

Vì toàn bộ vốn kiến thức uyên thâm về kinh tế của mình dừng lại ở con B- (hình như thế 🐧 ) tài chính tiền tệ cách đây tỉ năm và khoảng vài chục cái tab Google, mình không đủ trình hiểu nổi cái khỉ mẹ gì đang diễn ra trong nghiên cứu này cả, chứ đừng nói là giải thích vắn tắt cho anh em. Thế nên nếu anh em nào cảm thấy quan tâm về một nghiên cứu kinh tế Sci Fi nghiêm túc lấy cảm hứng từ vũ trụ Foundation thì hãy thử vào đọc ở đây nhé: https://web.archive.org/.../~pkrugman/interstellar.pdf

Nghiêm túc mà nói thì anh em thực sự cũng có thể nhảy cóc mấy cái công thức của nó nếu không quan tâm tài chính kinh tế lắm, bởi vì chỉ riêng phần dẫn dắt và lý luận của nó thôi cũng đủ hấp dẫn (và quan trọng nhất là tương đối dễ ngấm) rồi. Tác giả lấy hành tinh đích đến là Trantor, thủ phủ của Đế chế Ngân hà trong Foundation, và bịa ra một mớ về bond với capital movement và interest rate của nó (ok, có thể cái mớ đấy không phải là bịa, nhưng mà B- tài chính bạn ơi 🐧 ), cũng như một số thông tin kỹ thuật liên quan đến giãn nở thời gian trong quá trình di chuyển. Đọc xong mới thấy cái The Theory of Interstellar Trade này chính ra xây dựng thế giới tởm phết đấy chứ chẳng đùa đâu.

Mà nếu có anh em nào làm ngân hàng hay đầu tư hiểu được mớ trong đấy thì cố gắng dành tí thời gian làm một bài khai sáng cho thiên hạ cũng nghe với nhé, chứ cái mớ này nhìn ong não vl 🐧.

À và P/S: Krugman từng có lần biên một bài review rất hay và chi tiết về series Foundation (mặc dù spoiler khá nặng). Anh em nào muốn biết góc nhìn của một nhà kinh tế về series này thì có thể đọc ở đây nhé: https://www.theguardian.com/books/2012/dec/04/paul-krugman-asimov-economics

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.