Chuyển đến nội dung chính

Review Schild's Ladder của Greg Egan



🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌗🌑

8.5/10


TL;DR

The Two Faces of Tomorrow + The Theory of Everything. Hoặc Tam Thể May Cry, chơi ở độ khó Lưu Từ Hân Must Die.


GIỚI THIỆU CHUNG

Schild’s Ladder là một cuốn tiểu thuyết Hard Sci Fi của Greg Egan. Truyện lấy bối cảnh trong một tương lai rất xa, khi con người đã đề ra được một học thuyết có tên là Định luật Sarumpaet. Học thuyết này xem chừng thống nhất được cả vật lý cổ điển lẫn vật lý lượng tử, suốt mấy chục ngàn năm liền đều giải thích được hết cho tất tần tật mọi thứ liên quan đến kết cấu của vũ trụ. Định luật Sarumpaet trở thành tiêu chuẩn mới của vật lý.

Nhưng rồi một ngày nọ, tại Trạm Mimosa, một nhóm nhà khoa học đã tiến hành triển khai một thí nghiệm vật lý kiểu mới. Thông qua thí nghiệm này, họ kỳ vọng sẽ tạo ra được một vùng chân không mới, chứa đựng những quy tắc vật lý vô tiền khoáng hậu, được mệnh danh là “novo-vacuum.” Vùng novo-được dự kiến là sẽ chỉ tồn tại trong một tích tắc rất ngắn ngủi thôi, nhưng nó cũng đủ để cung cấp cho các nhà khoa học những số liệu rất quý giá, với tiềm năng hé lộ nguồn gốc hình thành của vũ trụ, cũng như kiểm tra Định luật Sarumpaet một cách kỹ lưỡng hơn.

Và khốn nạn thay, họ đã thành công.

Cụ thể, họ đã tạo ra được một vùng novo-vaccum không tuân thủ các định luật vật lý hiện hành đúng như dự tính. Tuy nhiên, nguy hiểm là cái vùng này lại không hề biến mất , mà nó cứ ngày một loang rộng ra với vận tốc bằng nửa vận tốc ánh sáng, nuốt chửng tất cả mọi thứ trên đường đi của nó. Hàng nghìn hệ thống sao có người sinh sống đã bị phá hủy, và dân tình khắp nơi liên tục phải nháo nhào bỏ chạy, tìm kiếm các hệ thống an toàn hơn để định cư tạm một thời gian, trước khi con quái vật mang tên novo-vaccum lại chường mặt đến và bắt họ phải một lần nữa bỏ chạy. Trạm Mimosa vô tình trở thành xuất phát điểm cho cả một trận đại hồng thủy mới, hứa hẹn sẽ hủy diệt toàn bộ vũ trụ.

Tuy nhiên, không phải toàn bộ nhân loại đều chẳng biết làm gì ngoài cắm đầu bỏ chạy. Vô số các nhà khoa học đã tập kết lại trên Rindler, một con tàu áp rất sát ranh giới vùng novo-vaccum, và chỉ di chuyển với vận tốc vừa đủ nhanh để giữ cho bản thân không bị nuốt chửng bởi nó. Nhờ có Rindler, con người có thể triển khai các thí nghiệm để xác định bản chất của vùng novo-vaccum, với hy vọng sẽ chặn đứng được nó.

Nhưng chết nỗi là cộng đồng khoa học con người bị xẻ đôi ra thành hai phe. Một phe được gọi là Preservationists, bao gồm những người coi việc bảo vệ nền văn minh loài người cũng như sự tồn vong của vũ trụ là ưu tiên hàng đầu, và quyết tâm hủy diệt toàn bộ vùng novo-vaccum kia. Phe còn lại được gọi là Yielders, tin rằng novo-vaccum là cơ hội ngàn năm có một để con người khám phá và thu thập các kiến thức mới, và chủ trương tìm cách đơn thuần ghìm sự lan tỏa của novo-vaccum lại hoặc tìm cách thích nghi với nó, thay vì hủy diệt nó.

Và trong lúc các nhà khoa học mải gấu ó lẫn nhau, vùng novo-vaccum vẫn lầm lũi lan tỏa…


MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG

Schild’s Ladder có một cái cốt khá hay, nhưng hơi khó tả chút. Trọng tâm của nó là đi tìm hiểu về cái novo-vacuum, thế nên anh em chủ yếu sẽ thấy mạch truyện chạy theo cái kiểu mấy nhà khoa học ngồi trong một cái phòng và bàn qua bàn lại các giả thuyết và kiến thức với nhau. Mấy đoạn này đọc sẽ thấy khô không khốc, chưa kể còn rất đau đầu nữa (sẽ nói kỹ hơn ở phần thế giới), nhưng trông cảnh thiên hạ vắt óc chiến đấu cũng có cái thú riêng của nó. Anh em sẽ được chứng kiến một màn giao tranh đầy đặc sắc giữa những “chiến binh” tinh túy nhất mà nền văn minh nhân loại có thể đưa ra và một con quái thú ngỡ tưởng vô phương đánh bại. Hàng loạt vũ khí, chiến thuật dưới dạng các thí nghiệm và gia thuyết liên tục được đề xuất, mang ra thử nghiệm, và cứ thế nối đuôi nhau thất bại.

Tuy nhiên, gần như đi kèm với mọi thất bại luôn là một bí mật động trời được hé lộ, khiến cục diện cuộc chiến thay đổi xoành xoạch. Anh em sẽ không ít lần sửng sốt há hốc mồm trước những bước ngoặt mới trong cuộc chiến, và từ đấy thay đổi cách nhìn nhận về vùng novo-vaccum kia, tới mức thậm chí có khi còn đổi phe, chạy từ Preservationists sang ủng hộ Yielders hoặc ngược lại.

Và tiện nhắc đến Preservationists và Yielders, truyện phát triển xung đột giữa hai bên này cực kỳ khéo, tạo thành cả một mạch hấp dẫn chẳng khác nào cốt một cuốn truyện điệp viên thời Chiến Tranh Lạnh. Lúc ban đầu, bởi vì chưa ai hiểu cái novo-vaccum bản chất là như thế nào, hai bên Preservationists và Yielders vẫn chia sẻ các khám phá với nhau một cách bình thường nhằm xây dựng một khung nền chung. Tuy nhiên, càng về sau, khi hai bên càng có những thành quả rõ rệt, hoặc ít nhất là có những phương án khả dĩ để hiện thực hóa mục đích của mình, căng thẳng cứ thế ngày một leo thang. Đôi bên bắt đầu hạn chế chia sẻ kết quả, thậm chí còn nghi kỵ lẫn nhau là cài cắm gián điệp hoặc tuồn tin giả để làm lệch hướng nghiên cứu của mình. Dù rằng cái này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tác phẩm thôi (chủ yếu cuốn này toàn khám phá khoa học mà), nhưng nó vẫn là một điểm nhấn rất thú vị.

Và dị thường một điểm là bất chấp quyển này đọc vừa khô vừa lắm khoa học, vẫn có những đoạn hồi tưởng hoặc kể chuyện quá khứ nghe mượt mà đến đáng ngạc nhiên. Trong những đoạn như thế này, lắm khi ta sẽ thấy hơi “sốc nhiệt” một tí bởi vì cái giọng văn nó đổi kinh quá. Ừ, đúng là vẫn còn cái kiểu khô khô khó hiểu thấm đẫm suốt toàn tác phẩm đấy (một lần nữa, đến chỗ thế giới sẽ nói rõ thêm), nhưng chen lẫn vào đấy là những giọng hoài niệm buồn man mác của một người xa xứ, giọng tả phần khích đầy ngây thơ để khắc họa tâm tính của mấy đứa trẻ con, giọng lúng túng của một người đi dự đám tang thế giới quê nhà một người thuộc phe đối thủ, nghe trôi mượt mà như thể mấy tác phẩm văn học hiện đại vậy.

Mấy đoạn như thế này cũng đồng thời là chỗ sự sâu sắc của tác phẩm bật lên rất mạnh. Hàng bao câu hỏi mang tính triết lý về bản chất của con người được chiêm nghiệm. Thông qua câu chuyện đời của các nhân vật, ta được suy ngẫm về việc liệu thay đổi có phải là một điều thực sự xứng đáng được tôn vinh không, hay ngược lại, liệu cố gắng gìn giữ bản thân bất biến có phải là điều nên làm; về cái giá của tri thức và sự hy sinh; về bản chất của trí thông minh và chỗ đứng của loài người; về bản chất cay đắng của sự thật và sự nhập nhằng về đạo đức của những lời nói dối… Mấy câu hỏi này thực ra cũng đã được khám phá trong những đoạn nặng về khoa học rồi đấy, nhưng phải đến mấy chỗ như thế này nó mới dễ dàng được ta để ý thấy, thay vì bị chôn vùi dưới một núi phương trình.

Vấn đề đối với cái cốt của truyện này là đôi khi các phần nối nhau không được ổn cho lắm. Có những chương tác phẩm tự nhiên nhảy cóc một thời gian khá dài, quay sang bàn về một cái mạch cốt gần như mới tinh luôn, bất chấp việc cái chương liền trước vừa xảy ra một việc động trời, và thiên hạ còn chưa hết choáng vì nó. Thế rồi lại có những đoạn tác giả hơi để lộ mục đích quá, trông rõ là rẽ nhánh ra thế này là để xây dựng nhân vật hoặc thế giới. Nó không đến nỗi kéo tuột người ta ra khỏi truyện đâu, nhưng nói chung là vẫn như kiểu mấy cái ổ gà trên đường ấy: đang đi ngon tự nhiên xóc một phát.

Thế rồi còn phần kết của câu chuyện này có thể cũng sẽ khiến anh em cảm thấy hơi bị hẫng. Nó gói ghém khá nhiều vấn đề lại ngon lành, nhưng nhìn chung giống với một lời hứa và một niềm hy vọng về một tương lai bất định hơn là một sự giải quyết gọn ghẽ. Cụ thể ra sao thì mình không thể nói ra được vì sẽ spoil rất nặng, nhưng anh em cứ hiểu nôm na là nó sẽ có kiểu kết bơ vơ hơi giống chị Dậu chạy ra khỏi nhà dưới cái trời đêm tối đen như mực, mỗi tội thay vì là mực thì trời sáng sủa hơn tí <(“).


Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI

Sở dĩ mình đọc Schild’s Ladder bởi vì từng bắt được một clip review về quyển này trên Youtube. Trong clip, đồng chí làm review mở màn bằng cách nói đây được coi là một trong những cuốn Hard Sci Fi khó nhằn nhất từng được viết ra, với phần khoa học cứng đến độ đủ làm người ta bầm tím luôn sau khi đọc. Lúc nghe tả vậy, mình lập tức thấy có hứng thú, mặc dù vẫn nghĩ chắc cùng lắm nó kiểu như hàng của Arthur C. Clarke hay Lưu Từ Hân là kịch dây đàn thôi.

Nhưng lạy Chúa trên cao, chưa quả nhầm nào to bằng quả nhầm này.

Phần khoa học trong này phải nói là tởm lợm ngoài sức tưởng tượng. Ngay từ cái chương đầu tiên thôi, nó đã tống cho một núi kiến thức về vật lý lượng tử rất khó hiểu vào mặt. Và không, trước khi anh em hỏi, không phải đây là kiểu cứ quẳng chữ “lượng tử” random khắp nơi để nghe có vẻ khoa học đâu. Cái này là khoa học một cách cực kỳ nghiêm túc, với đủ mọi loại vectơ chuyển động, quy luật đồ thị, hằng số không gian và đủ thứ hầm bà lằng khác mà anh em sẽ có thể mò thấy trong một giáo án vật lý cao cấp.

Nếu nó chỉ nhiều kiến thức không thôi thì đã chẳng nói làm gì, vì cái này là đặc thù của Hard Sci Fi rồi mà. Nhưng cái đáng sợ của quyển truyện này là Greg Egan gần như kỳ vọng chúng ta phải nắm sẵn một số kiến thức nền tảng về toán học và vật lý ấy. Ngôn từ thanh niên này sử dụng để diễn giải các khái niệm khoa học cũng lại đặc sền sệt khoa học tiếp, phải căng hết sạch cả óc ra và đọc đi đọc lại mới hiểu nó là cái gì. Trên thực tế, trong này có mấy đoạn phức tạp đến độ mình còn phải lấy hẳn giấy bút ra vẽ hình và tính nhẩm mới bám đuôi nổi cái thứ ông tác giả đang muốn miêu tả.

Mà thế vẫn chưa là gì đâu. Có một số đoạn ông anh chỉ thả tên định lý hoặc khái niệm khỉ mẹ nào đó trong toán học và/hoặc vật lý lượng tử ra thôi, xong không giải thích gì thêm mà lập tức sử dụng nó làm nền tảng để đi xây tiếp những thuyết cực kỳ phức tạp khác. Thực ra thì không phải nếu không biết về mấy cái khái niệm kia thì tịt luôn đâu, vì những thứ râu ria phát triển về sau sẽ dần cung cấp manh mối để mọi người từ đấy luận ngược được trở lại và hiểu cái nền tảng của nó thực chất là gì, nhưng anh em cứ xác định phải gồng óc săm soi từng lời Egan viết ra mới hiểu nổi đấy nhé. Cảm giác đọc mấy chỗ này mà cứ thấy như một thằng học sinh ngồi trong lớp Lý, nghe thầy giảng cách tính chu kì và tần số dao động riêng của mạch trong khi hôm trước vừa nghỉ học và chẳng hiểu điện dung với độ tự cảm là cái giống gì hết.

Chính vì mấy đặc tính trên mà cái quyển này đòi hỏi anh em phải đọc một cách tập trung cao kinh khủng, và gần như không có chuyện chơi kiểu cưỡi ngựa xem hoa được. Như mấy cuốn kiểu Tam Thể hay The Martian chẳng hạn, ta ít nhất còn có thể đọc lướt lướt mấy phần nặng kỹ thuật của nó, hay thậm chí nhảy cóc hẳn luôn nếu đã nhìn ra các từ khóa cần thiết. Riêng với Schild’s Ladder thì làm vậy gần như là bất khả thi, bởi vì tất cả mọi thứ đều là từ khóa, liên hệ với nhau theo một cách rất chằng chịt. Lơ ngơ nhảy cóc một tí thôi thì hoặc sẽ chẳng hiểu tại sao cái kết luận nó lại thành ra như thế, hoặc tại sao một số diễn tiến của câu chuyện nó lại như này như kia, và rốt cuộc lại phải cắn răng giở lại phần đã bỏ sót để đọc.

Nói nôm na cho dễ hiểu, anh em cứ hình dung rằng nếu đem ra so sánh, đọc mấy cuốn kiểu Tam Thể sẽ như đi đánh Trận nước Pháp ấy. Ừ thì đúng là nó có Tuyến phòng thủ Maginot trông hầm hố thật đấy, nhưng một khi đã bắt bài được rồi thì có thể vượt qua một cách rất nhẹ nhàng, nhoằng phát đã tele được cả đạo quân đến tận trung tâm thủ đô rồi. Nhưng riêng thằng Schild’s Ladder sẽ là Trận Stalingrad, và sẽ không có chuyện chơi được trò Rush B trên một đất nước mang tên Rush-A đâu. Anh em sẽ phải đánh đấm một cách cực kỳ trâu chó chỉ để ì ạch tiến được từng tấc đất, từng phân đường, và cứ thỉnh thoảng, khi ngỡ tưởng mình đã tìm được một cứ điểm ngon lành để bám trụ lại rồi, anh em sẽ lại chợt bị dội pháo tan tác, buộc phải cuống quýt lùi về tập hợp lực lượng trước khi có thể tổ chức phản công và tái chiếm cứ điểm bị vừa phải buông.

Tuy nhiên, một khi đã quen được với cái sự đòi hỏi của Schild’s Ladder, anh em sẽ không khỏi thấy nể phục cách Greg Egan áp dụng những kiến thức và thông tin khoa học ấy vào trong việc tạo dựng thế giới của mình. Cực kỳ hiếm có chỗ nào anh em có thể bắt bẻ được, bởi vì nền tảng của nó quá sức chặt chẽ và kiên cố. Ngay cả những thứ bịa đặt cũng được bổ trợ bởi một bộ khung xương chắc chắn phi thường, khiến cho chúng nó hiện lên với dáng vẻ hoàn toàn khả thi, như thể đây sẽ là tương lai tất yếu của khoa học và công nghệ vậy.

Tiện nhắc đến chuyện tương lai, những thứ Greg Egan tưởng tượng mới cho thế giới của mình thế hiện ông anh có sức sáng tạo cao kinh khủng. Nếu muốn kể hết những gì thanh niên nghĩ ra cho thế giới của mình thì chắc phải làm tận mấy bài riêng lẻ mất, chứ 1 cái review như thế này chẳng thể nào nói hết được. Tiêu biểu mình chỉ muốn kể đến việc trong thế giới này, con người đã tái tạo được hoàn toàn dữ liệu não của mình dưới dạng thông tin kỹ thuật số, và sau đấy thoải mái truyền tải chúng vào bất kỳ một thân xác nào, hoặc thậm chí sống hoàn toàn trong thế giới ảo luôn cũng được.

Chỉ từ một công nghệ vặt này thôi mà Greg Egan đã xoay ra cả chục công nghệ phái sinh khác nhau cũng như những vấn đề liên quan đến tâm lý xã hội. Ví dụ bao gồm con người có thể đổi sang các lốt nhỏ li ti như con côn trùng để sống trên các trạm thí nghiệm với không gian hạn chế, hoặc tạo ra một hệ thống tái sử dụng xác của nhau để “dịch chuyển” giữa các hành tinh. Cũng chính vì thân xác có thể thay đổi tùy thích thế này mà giới tính gần như tuyệt chủng hoàn toàn, và những thân xác tiêu chuẩn của con người sẽ có thể tự động phát triển cơ quan sinh dục sao cho những con người cảm thấy có sự đồng điệu về tâm hồn sẽ được thoải mái đến với nhau. Trong trường hợp những người quyết định sống dưới dạng tín hiệu ảo hoàn toàn, họ sẽ phát triển một kiểu văn hóa riêng xoay quanh việc thể hiện tình cảm với nhau, đồng thời cũng có một kiểu sinh con đẻ cái riêng nữa, từ đó hình thành một bản sắc văn hóa cũng như cách nhìn đời khác biệt hẳn với những người vẫn còn sử dụng cơ thể để trải nghiệm thế giới.

Tiện nhắc đến việc dịch chuyển và khác biệt văn hóa, vì các tín hiệu chỉ có thể truyền đi với vận tốc tiệm cận ánh sáng, thế nên nếu có ai quyết định đi thăm thú các vì sao lạ thì xác định luôn là sẽ lệch nhịp với quê hương tận vài trăm hoặc cả ngàn năm là bình thường. Chính bởi vậy mà xã hội loài người dần hình thành thêm một cấp phân nhánh nữa, với những người quyết định ở im trên một hành tinh sẽ có văn hóa và kiểu nhìn đời khác hẳn những người thích chu du nơi này nơi kia. Thậm chí, một số hành tinh có nền văn hóa gắn bó cộng đồng đến mức nếu trong trường hợp hiếm hoi có người dân nào của hành tinh đi thăm một hành tinh khác, toàn bộ hành tinh quê nhà sẽ tự làm chậm hoàn toàn nhịp sinh học của mình lại, khiến cho kể cả có hàng chục trôi đi ở bên ngoài thì họ cũng chỉ trải nghiệm vài phút là cùng. Nhờ có nét văn hóa này, vài trăm năm sau, khi người đi du lịch đến hành tinh khác quay trở lại, đôi bên sẽ chẳng bị lệch thời gian với nhau, và không thấy cuộc sống của nhau thay đổi quá nhiều đến mức hai bên chỉ còn như người dưng nước lã.

Và đây mới chỉ là một số nét bề mặt của những thứ nảy sinh từ việc biến nhân loại thành một nền văn minh của những chiếc máy tính lượng tử thôi đấy. Còn cực kỳ nhiều thứ khác mình phải lược đi không bàn đến, và ngay cả những thứ đã liệt kê ra cũng không thể mô tả được đúng tầm cái độ sâu sắc và chi tiết của chúng nó. Nói chung là thế giới của Schild’s Ladder phi thường và ảo diệu ghê lắm, một khi đã lạc vào thì chết mê chết mệt luôn.


NHÂN VẬT

Dàn nhân vật của Schild’s Ladder bảo là hay thì hơi quá, nhưng bảo là dở cũng lại hơi kỳ.

Cụ thể hơn, Schild’s Ladder mắc đúng cái tật mà Hard Sci Fi phần đông đều mắc phải: dùng nhân vật theo kiểu hơi giống cái loa phường, coi họ như công cụ để truyền tải ý tưởng chứ không phải con người thật. Trong quá trình đọc, mình thấy rất khó mà đồng cảm được với nhân vật nào trong này, bởi vì họ cứ na ná nhau, cùng bám theo một cái kiểu mẫu nhà khoa học tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, như đã nói trên phần cốt đấy, có những đoạn giọng văn tác giả đổi hẳn, khiến mọi thứ đọc như truyện văn học thường. Trong những đoạn này, ta thấy được thế giới quan của nhân vật, hiểu được về quá khứ và động cơ của họ, và thấy họ trở nên “3D” hơn rất nhiều. Nhưng vấn đề là cũng như đã nói ở phần cốt, các đoạn này không được hàn gắn một cách trôi chảy cho lắm, thế nên mình cứ có cảm giác các nhân vật trong những đoạn đó là… nhân vật mới ấy.

Ví dụ như khi đọc về thời thơ ấu của nhân vật chính, sự thiếu tính liền mạch của các phân đoạn khiến cho mọi thứ có cảm giác như một mẩu truyện ngắn đứng độc lập, với một dàn nhân vật mới toanh. Nhân vật chính bản trẻ có một sự lôi cuốn rất khó cưỡng, và mang nhiều lớp lang sâu sắc bất ngờ, nhưng nét hấp dẫn của thằng cu này cứ rời rạc với phiên bản người lớn của nó ấy, thành ra khi về với thời hiện tại, mình vẫn chẳng cảm thấy nhân vật chính có gì hay ho hết, bất chấp việc vừa có một quãng thời gian rất thú vị với chính nhân vật này.

Nói cách khác, nhân vật trong này như thể tồn tại trong một trạng thái chồng chập lượng tử ấy, vừa hay mà lại vừa không hay cùng một lúc.

Mà xét cho cùng, vì đây là một quyển truyện về thuyết lượng tử, nhân vật như thế kể cũng hợp <(“).


TỔNG KẾT

Schild’s Ladder là một quyển đọc khá mệt, bởi vì tác giả gần như không chút nương tay trong khoản khoa học của nó. Tuy nhiên, nếu có thể bám trụ lại với nó, anh em sẽ được chiêu đãi một câu chuyện hết sức lý thú và sâu sắc đến đáng ngạc nhiên, đặt trong một thế giới phong phú và sáng tạo hiếm ai bì nổi. Đây không phải là quyển dành cho dân mới bập vào Sci Fi, nhưng nếu anh em nào đã có chút kinh nghiệm với dòng này và không ngại thách thức thì rất nên đọc nó nhé.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.