Bộ Tam Thể nhai lại để review hôm trước hay thật đấy, nhưng chơi liền tù tì 3 quyển xong đầu choáng quá. Thế nên sau nó mình phải tìm đến với một thằng nhẹ nhàng hơn cho nó cân bằng lại. Thanh niên đấy là:
🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌑 🌑 🌑
7.0/10
=====
TL;DR
=====
Trạm tín hiệu số 23 + Murderbot Diaries. Nếu
hai thằng này bị rút ruột công trình.
==============
GIỚI THIỆU CHUNG
==============
The Loneliness of the Deep Space Cargoist là một
cuốn tiểu thuyết Space Opera ngắn, được tác giả J.S. Carter Gilson tự xuất bản,
và hiện đang được cho đọc free trên Amazon. Truyện xoay quanh cuộc đời của Inez
Stanton, một tài xế chuyên chở hàng hóa đường dài. Mỗi tội thay vì lái một chiếc
xe tải bon bon trên các nẻo đường cao tốc, con xế hộp của cô lại là một cái tàu
vũ trụ gần nát đến nơi, và thứ trải dài dưới vô lăng của cô không phải là nhựa
đường xám ngoét, mà là chân không đen kịt.
Thế rồi một ngày nọ, trong một chuyến chở hàng
như thường lệ, Inez bất chợt húc trúng một mảnh văng nào đó. Inez may mắn không
bị thương tổn gì nghiêm trọng, nhưng con tàu đồng nát của cô thì lại là chuyện
khác. Cú va đã làm hỏng một số hệ thống vốn đã dặt dẹo từ trước, và giờ đây, cô
đứng trước nguy cơ phải chịu đựng một cái chết thảm khốc ngoài miền không gian
giá lạnh.
Hoặc tệ hơn, bị giao chậm hàng.
Với đồng hồ tích tắc đếm ngược và trạm không
gian gần nhất cũng phải cách đấy mấy ngày đường, liệu Inez có thể xoay xở cứu vớt
được cả sinh mạng lẫn khoản thù lao của mình không?
=====================
MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG
=====================
The Loneliness of the Deep Space Cargoist mở
ra theo kiểu In Media Res, tức nhảy tòm vào giữa cảnh hành động luôn (anh em có
thể đọc thêm về nó ở đây nếu quan tâm
https://www.facebook.com/groups/SciFiReadersVN/permalink/2305550636198857), cụ
thể là chính cái tai nạn cô Inez này gặp phải mà mình nhắc đến trong phần giới
thiệu đấy. Cái thủ pháp mào đầu này khiến cho mọi sự hơi loạn một tí nhưng
không đến nỗi quá khó theo dõi, bởi nhân vật chính cũng đang trong tình trạng rối
trí và phải tiến hành điểm lại tình hình, giúp tạo ra một cái neo cho người đọc
và khéo léo dìu chúng ta vào trong mạch truyện một cách rất tự nhiên. Trên thực
tế, cái sự rối loạn lúc ban đầu này chính ra lại rất hay, đẩy bản thân người đọc
cũng rơi vào một tâm thế hoang mang y hệt nhân vật chính, giúp tăng độ kịch
tính của cái sự kiện đang xảy ra.
Sau cái màn mào đầu đấy rồi thì khoảng phân nửa
đầu câu chuyện diễn ra một cách cực kỳ cuốn hút. Ta được theo dõi cái cô này gần
như phải căng người ra chiến đấu với chính bản thân con tàu của mình, đảm bảo
cái cục sắt vụn ấy có thể tiếp tục lết được đến cái trạm không gian gần nhất,
trong khi con tàu chết trôi kia cứ tìm mọi cách dồn cô vào chỗ bí. Hết tai họa
này đến tai họa khác xảy ra, không hệ thống này hỏng thì đến hệ thống kia hết
điện, khiến Inez liên tục phải đưa ra những quyết định hết sức tháo vát, đôi
khi thậm chí còn phải cân nhắc đánh đổi giữa cái mạng mình và cái mớ hàng hóa
trên tàu. Đây như kiểu một cái The Martian mini ấy, mỗi tội khoa học không nặng
đô bằng và bớt chớt nhả hơn thôi.
Bên cạnh đó thì đoạn này còn set up mấy cái bí
ẩn rất hấp dẫn. Cụ thể ra sao thì nói ra lộ mất, nhưng đại khái là cái thứ va
vào tàu của Inez không chỉ là một cục thiên thạch hay cái rác vũ trụ gì bình
thường đâu, mà hứa hẹn sẽ dẫn đến cả một âm mưu rất to lớn. Về sau thì còn có
thêm một số sự kiện khác xảy ra, khiến cái bí mật đấy càng trở nên thú vị tợn,
và đẩy độ kịch tính của tác phẩm lên một tầm cao hơn hẳn. Bên cạnh đó, bản chất
cái chỗ hàng mà Inez phải chở cũng được tiết lộ, đẩy cô vào một tình thế khó xử
vô cùng, và anh em sẽ cực kỳ nôn nóng muốn biết rốt cuộc quyết định của cô sẽ
là gì.
Khốn nạn một cái là tự nhiên cái nửa sau của
truyện lại tòi mặt ra.
Cái đoạn này cốt làm ăn lôm côm hẳn. Nó cũng
nhiều chuyện bất ngờ xảy ra và làm tăng độ kịch tính như phần trên thật đấy,
nhưng lại xuất hiện theo một cái kiểu trời ơi đất hỡi. Nếu ở bên trên mọi thứ
diễn ra tự nhiên và hợp lý bao nhiêu, thì ở đây nó lại ngu ngu và rời rạc bấy
nhiêu, chưa kể còn có một số trùng hợp ngẫu nhiên nghe rất khắm. Các quyết định
được đưa ra theo một cái lôgic nói tử tế thì là cồng kềnh, còn nói nặng thì là…
ngu. Chính sự ngớ ngẩn đấy làm gần như toàn bộ nửa cuối truyện cứ như một cái
side quest được tác giả “thăng chức” lên làm mạch chính một cách đầy kệch cỡm,
nhằm set up cho các cái sequel sau này.
Và tiện nhắc đến vụ set up cho sequel, anh em
cứ xác định luôn là chẳng có một tí bí ẩn nào trong này được giải quyết đâu
nhé. Tác giả gần như bỏ lửng như thể muốn học tập kiểu Mystery Box của Jar Jar
Abrams (đọc thêm về nó ở đây
https://www.facebook.com/groups/SciFiReadersVN/permalink/2804932512927331) ấy.
Kể cả nếu có may mắn và những bí ẩn sẽ tiếp tục được khám phá ở phần sequel
sau, anh em sẽ vẫn thấy hơi bực mình vì nó biến cả quyển truyện này thành một dạng
trailer chứ không phải là một sản phẩm đầy đủ. Chơi kiểu vậy thực ra cũng không
có gì gọi là quá quắt hết, bởi nhiều tác phẩm SFF khác như Lord of the Rings,
Hyperion, A Song Of Ice And Fire cũng chơi kiểu ngừng giữa chừng, đùn mạch/bí ẩn
chính sang sequel. Nhưng vấn đề là mấy quyển đầu trong các bộ đấy được viết rất
cuốn, và người ta còn có hứng muốn đi tiếp. Riêng The Loneliness of the Deep
Space Cargoist thì về cuối làm ăn lởm khởm, khiến ta chỉ muốn biết rốt cuộc cái
bí mật nó là gì cho xong chuyện thôi, nhưng lại đụng cái kết “Hồi sau sẽ rõ” mới
lộn tiết chứ.
Cái duy nhất được tiết lộ là quyết định cuối
cùng về lô hàng, cơ mà cái đấy cũng bị làm theo một kiểu nhạt toẹt, như thể tác
giả viết đến cuối thì sực nhớ ra, và bảo, “À ờ, còn cái hàng thì thế này nhé.
Xong rồi đấy, về đi bà con ôi.” Đọc đến đấy mà thấy lúc đầu phí công trăn trở
vl.
===============
Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI
===============
The Loneliness of the Deep Space Cargoist chỉ
có hơn 100 trang một tẹo, nhưng mà thế giới của thằng này được xây dựng ổn một
cách đáng ngạc nhiên. Đầu tiên là về phần công nghệ. Đây không phải là một cuốn
Hard Sci Fi, thế nên nó không sa đà vào việc đảm bảo mọi thứ phải sát thực hết
mức có thể, nhưng nó vẫn rất lôgic, chưa kể còn đảm bảo lồng ghép được một số yếu
tố giúp ghì các thứ chém gió của mình vào với thực tại, chẳng hạn cách lực hấp
dẫn hoạt động với cả sự nguy hiểm của quán tính. Ngoài ra, cái cách tác giả tả cũng
rất sinh động, khiến anh em có thể dễ dàng mường tượng ra cách thức hoạt động của
các loại công nghệ khác nhau, và thậm chí còn cảm thấy mình như đang thực sự được
đứng trong cái không gian chật chội, đầy mùi ngai ngái và rệu rã của cái con
tàu kia nữa.
Bên cạnh việc công nghệ lôgic thì cái thế giới
của thằng này còn khá cá tính nữa. Trong phần TL;DR, mình có so sánh nó với thằng
Murderbot Diaries. Một phần là vì khoản nhân vật của hai thằng này rất giống
nhau (phần dưới sẽ bàn thêm sau), nhưng một phần lại là vì cách bọn này tiếp cận
xây dựng thế giới ngược hẳn với nhau. Nếu đã đọc review của mình về series
Murderbot Diaries (full bài ở đây:
https://www.facebook.com/groups/SciFiReadersVN/permalink/3165893890164523), anh
em sẽ thấy mình có bảo phần thế giới của cái bộ đấy (ít nhất là quyển một) tiêu
chuẩn vô cùng, chủ yếu dựa vào sự quen thuộc của thiên hạ với Cyberpunk và
Space Opera mà carry khoản đấy chứ chẳng sáng tạo mới lắm vì ít đất quá.
Riêng thằng The Loneliness of the Deep Space
Cargoist thì lại khác. Nó thậm chí còn ít đất hơn hẳn Murderbot Diaries (quyển
1 của Murderbot Diaries có tầm 150 trang, quyển Cargoist thì chỉ có khoảng
130), nhưng mà biết cách lồng ghép xây thế giới vào với xây nội tâm nhân vật
khéo kinh khủng. Cứ mỗi lần cái cô Inez này hồi tưởng về cái gì là y như rằng
ta lại được tìm hiểu thêm về một khía cạnh mới của cái thế giới ấy hoặc đào sâu
hơn vào một khía cạnh đã được giới thiệu, bao gồm nền tảng chính trị của cái thế
giới đấy, một phần lịch sử hiện đại của nó, cách xã hội của nó vận hành, và thậm
chí còn cả văn hóa ẩm thực của nó nữa (hay ít nhất là cách chế bia lậu 🐧 ). Một số cái tất nhiên chỉ
bàn sơ sịa bên ngoài thôi, vì có 130 trang thì đòi hỏi gì, nhưng cũng có mấy chỗ
nó sâu sắc đến bất ngờ, khiến mình không khỏi ngạc nhiên nó lại có thể xuất hiện
trong một cuốn tiểu thuyết ngắn như thế này.
========
NHÂN VẬT
========
Cũng như Trạm tín hiệu số 23 và Murderbot
Diaries, nhân vật có thể nói là phần đã hard carry toàn bộ cái cuốn The
Loneliness of the Deep Space Cargoist này. Nói cụ thể hơn, người carry nó chính
là cái cô shipper vũ trụ Inez kia. Cô này có một cái quá khứ nền hấp dẫn kinh
khủng, được tiết lộ theo một cách nhỏ giọt qua những đợt hồi tưởng hoặc các giấc
mơ. Ta sẽ được nhìn thấy cái cách cô này đi từ một quá khứ nô lệ, phải chịu đựng
đủ kiểu ngược đãi trên đời, và dần trở thành một con người mang khá nhiều sẹo
trong tâm hồn. Đọc những cái đoạn như thế mà sẽ vừa thấy thương cho cái cô này,
vừa thấy thêm hiểu lý do cô quyết định chọn một công việc đầy cô đơn là chuyên
chở hàng giữa các hành tinh và trạm không gian, cũng như hiểu tại sao các mối
quan hệ của cô lại cứ toàn có những cái kết chẳng mấy tốt đẹp.
Ngay cả nếu không có sẵn một cái quá khứ nền ấn
tượng như vậy, cái cách bản chất con người của cô này được khắc họa cũng sẽ khiến
anh em cảm thấy rất dễ đồng cảm. Tác giả dành cực kỳ nhiều thời lượng đi sâu
vào những tâm tư của cô, khắc họa những tiếc nuối và nghi ngờ của cô về mọi thứ
trong đời mình, từ việc đắn đo tự hỏi liệu mình chọn cái nghề này là có đúng
không cho đến hối tiếc về các cuộc tình dang dở. Bên cạnh đó, cô còn có cái kiểu
sắt đá của một con người chật vật tìm cách bươn chải mưu sinh, nhưng vẫn ấp ủ một
số hoài bão lớn lao theo một kiểu hết sức bình dị. Nếu bỏ qua cái bản chất
tương lai của nghề nghiệp cô cũng như việc cô này từng có bạn tình là một con
người ngoài hành tinh kiểu bạch tuộc nào đó (ừ, bạch tuộc 🐧 ), những trăn trở nội tâm cùng mơ ước của cô sẽ rất sát với những gì đại
đa số chúng ta từng trải qua ít nhất một lần trong đời.
Nhân vật phụ xuất hiện gần như đều để công
kênh cô này lên hết nên cũng không có gì đáng nói lắm. Đến khoảng nửa cuối thì
mới bắt đầu có một số nhân vật độc lập hơn xuất hiện, nhưng mà anh em biết cái
nửa cuối nó thế nào rồi đấy 🐧. Nản nhất
là cái thằng trùm cuối của truyện. Tác giả có nỗ lực tìm cách đẩy thanh niên đấy
lên một cái tầm đáng sợ, cho hắn thực hiện nhiều hành động tàn ác và rất máu lạnh,
nhưng vấn đề là những điều đồng chí này làm cứ thiếu Iốt kiểu gì ấy. Gần như mọi
hành động hắn thực hiện đều khiến mình phải đảo mắt vì cái sự bất tài hoặc thừa
thãi của nó, đến mức nó thậm chí còn phần nào làm hỏng cả hình ảnh Inez. Bởi vì
thằng trùm làm ăn rất lôm côm, thế nên Inez cũng chỉ cần hành động theo một kiểu
lôm côm là đủ rồi, chẳng cần phải tháo vát như ở đoạn đầu nữa. Đọc mà bực hết cả
mình.
========
TỔNG KẾT
========
The Loneliness of the Deep Space Cargoist là một
tác phẩm với kha khá sạn, đặc biệt là ở nửa cuối. Tuy nhiên, vì khoản nhân vật
với thế giới làm rất tốt, ăn đứt cả nhiều quyển tiểu thuyết dài được xuất bản
chính thống, thế nên nó vẫn duy trì được một mức hấp dẫn đáng kể. Vì truyện chỉ
có hơn trăm trang bọ, đặc biệt lại còn đang để free trên Amazon, thế nên anh em
cứ mạnh dạn ngó thử nhé.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓