Chuyển đến nội dung chính

[SFF 101] Sci Fi vs. Popular Science

 Hình dưới là cuộc nói chuyện giữa một ông thầy vật lý và một ông thầy đạo đức (đúng hơn là triết học, nhưng truyện gọi nó là đạo đức thì cứ tạm gọi là đạo đức 🐧 ). Cuộc trò chuyện này gợi cho mình nhớ lại một bài trên Reddit hay forum nào đó, hỏi rằng cái nào hay hơn, các cuốn khoa học viễn tưởng (Science Fiction) hay các cuốn khoa học phổ cập (Popular Science).


Vì Science Fiction và Popular Science ra đời phục vụ hai mục đích khác nhau, thế nên chỉ có tùy khẩu vị mà thấy thích cái nào hơn thôi, chứ còn hỏi ai hơn ai thì cũng hợp lý như hỏi dứa hay dừa ngon hơn vậy 🐧. Tuy nhiên, dù không thể phân định hơn thua, ta vẫn có thể so sánh hai thằng này với nhau. Một điều không thể phủ nhận là sức hút của Science Fiction mang một “vị” rất riêng biệt so với sức hút của Popular Science. Và một trong số những thứ làm nên sự khác biệt ấy chính là việc Science Fiction thường pha thêm nhiều yếu tố “nhân” hơn hẳn Popular Science.

Popular Science dù lắm khi cũng tự tạo dựng các câu chuyện để giúp các kiến thức mình đưa ra trở nên dễ nuốt và ghi nhớ được lâu hơn (đặc biệt mấy cuốn khoa học cho trẻ em), mục đích chính của nó vẫn cứ là truyền tải kiến thức. Science Fiction thì trái với lầm tưởng thường gặp, lại không lấy khoa học làm trọng. Ừ, ta vẫn có thể có những cuốn Hard Sci Fi như bộ truyện Tam Thể hay cuốn g̶i̶á̶o̶ ̶t̶r̶ì̶n̶h̶ tiểu thuyết Seveneves, với độ chính xác khoa học được đề cao và chú trọng đưa các ý tưởng công nghệ vĩ mô ra bàn, đến mức gần như chạm sát vào ranh giới của Popular Science. Nhưng ngay cả trong những cuốn ấy, nó vẫn đào sâu vào các yếu tố nhân văn, mượn câu chuyện của mình để bình phẩm về mối quan hệ giữa người với người cũng như các phạm trù xã hội khác (về cơ bản cũng là quan hệ người-người, có điều ở tầm vĩ mô). Hay có những cuốn không thể phủ nhận là Hard Sci Fi, với tính chuẩn xác khoa học cực cao, nhưng lại chọn đề tài chính là khám phá những yếu phạm trù nhân văn, chẳng hạn Arkwright và hành trình vùng vẫy tìm kiếm cái tôi trong khi cố gắng duy trì truyền thống gia đình, hay như Children of Time và sự khó khăn của việc định hình xã hội và rũ bỏ bản năng để tiến tới một xã hội văn minh hơn.

Và quan trọng nhất, Hard Sci Fi chỉ đơn thuần là một nhánh rất nhỏ trong Science Fiction. Nếu nhìn rộng ra, ta sẽ thấy hàng loạt tác phẩm khác pha trộn một cách rất đồng đều phần Science và phần Fiction, hay thậm chí còn để phần Fiction áp đảo hoàn toàn. Hẳn mọi người vẫn còn nhớ cuốn Flower for Algernon, với chỉ một lượng khoa học cực kỳ li ti, vừa đủ để nó đủ tiêu chuẩn trở thành Science Fiction thôi, còn đâu hoàn toàn tập trung vào khám phá bản chất của hạnh phúc cũng như cách con người chúng ta đối xử với nhau. Brave New World cũng là một tác phẩm chiêm nghiệm rất sâu về xã hội và ý nghĩa của sự tồn tại, cũng như nhiều theme triết lý khác. Xứ Cát thì là cả một bài luận dài về sự nguy hiểm của việc sa vào bẫy tôn sùng những thủ lĩnh với sức hút mạnh, đặc biệt nếu họ là các thủ lĩnh tôn giáo. Trạm Tín Hiệu Số 23 thì như một cú vả vào mặt các cuộc chiến vô nghĩa, cho ta thấy những đau thương chiến tranh mang lại ngay cả với những người “chiến thắng”. Series Animorphs thì dù có điểm nhấn cực hay là công nghệ biến hình, cho phép ta tìm hiểu về đầu óc và bản năng các loài vật, nó lại trở nên đáng nhớ bởi đi khám phá những mảng tăm tối và thậm chí còn đầy khủng khiếp của cuộc đời và chiến tranh mà ít tác phẩm cho teen dám động đến.

Như ông thầy trong hình đã nói, nghiên cứu bản chất của sự vật (vật lý) và nghiên cứu mối quan hệ người-người (t̶r̶i̶ế̶t̶ ̶h̶ọ̶c̶ đạo đức) dù khác nhau nhưng lại quan trọng không kém gì nhau. Đây là một trong những nền tảng tồn tại của Science Fiction, và từ đó tạo ra sức lôi cuốn riêng cho nó.

À và trong trường hợp có anh em nào tò mò thì truyện tên là “From Now on, We Begin Ethics” của Amase Shiori nhé. Hình minh họa được xén ra và edit lại từ hai trang khác nhau cho hợp hơn, nhưng ý chính của nó không đổi.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.