Chuyển đến nội dung chính

Review Bobiverse #1-3 của Dennis E. Taylor

 Vụ Đỗ Nam Trung vừa ký thêm một sắc lệnh về khám phá không gian làm mình nhớ tới một series cũng sử dụng đề tài này làm tiền đề, nhưng mà triển khai nó theo một cách khá độc đáo. Tiện thể cũng sắp đến ngày phần mới của nó ra mắt (hay đúng hơn là được cho ra khỏi cái nhà tù Audible 🐧 ), xin được review cho anh em.



🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌖🌑

8.75/10

TL;DR

Murderbot Diaries x The Martian x Ready Player One. Giải trí rất tốt.

GIỚI THIỆU CHUNG

Bobiverse là một series Space Opera do Dennis E. Taylor tự xuất bản. Tính đến nay, series có tất cả là 4 tập truyện, bao gồm:

1) We Are Legion (We Are Bob)

2) For We Are Many

3) All These Worlds

4) Heaven's River

Truyện được đón nhận rất tốt, đặc biệt là khi nó được cho lên Audible làm thành sách nói và giữ ngôi vị đầu bảng ở đấy suốt một thời gian dài. Thấy series quá thành công, Amazon đã lập tức ký hợp đồng xuất bản độc quyền với bro tác giả, để cuốn thứ 4 ra mắt dưới đúng một định dạng: sách nói trên dịch vụ Audible của Amazon. Phải đến 24 này (tức tròn 3 tháng sau khi nó lên Audible) thì Heaven's River mới được thả cho ra mắt bản kindle. Chính vậy nên mình mới đọc 3 cuốn đầu, còn thằng thứ 4 như thế nào thì chưa biết, và review sẽ chỉ giới hạn trong 3 quyển đầu mà thôi. Cũng may là vì 3 quyển đầu lập thành một cái trilogy khá gọn ghẽ, gói gọi gần như tất cả các mạch cốt, thế nên review sẽ không bị ảnh hưởng gì nhiều.

Series kể về một thanh niên tên là Robert Johansson, tức Bob, một kỹ sư phần mềm tài ba sống trong giai đoạn cuối thập niên 2000. Thanh niên vừa chốt kèo bán được cái startup kỳ lân (anh em nào không hiểu kỳ lân là gì thì cứ tạm hình dung thằng cha này là chủ của Grab đi 🐧 ) và thu về được một gia tài kếch xù, tha hồ ăn chơi đập phá từ giờ cho đến hết đời.

Khốn nạn cái là ngay trong cùng ngày hôm đấy, Bob đã gặp tai nạn giao thông, và lìa đời khi còn chưa kịp tận hưởng chỗ tiền của mình.

Nhưng may mắn/xui xẻo thay, trước lúc vụ tai nạn xảy ra, Bob đã quyết định chơi ngông một tí: đăng ký dịch vụ cất não vào tủ lạnh. Cụ thể hơn, đây là một dạng dịch vụ bảo hiểm tương lai. Nếu Bob chẳng may qua đời, một công ty tư nhân sẽ lập tức được thông báo, và họ sẽ đến thu lấy não của bro này và đem đi bảo quản. Hy vọng của cả Bob lẫn công ty là trong tương lai, con người sẽ phát minh ra được công nghệ để tái tạo Bob dựa trên cái bộ não ấy, về cơ bản là cho thanh niên đầu thai sang kiếp mới.

Và đúng như kỳ vọng, một thế kỷ sau, Bob đã được cho hồi sinh. Tuy nhiên, trong cái may lại có cái rủi. Nước Mỹ bấy giờ đã thay đổi gần như hoàn toàn, trở thành một quốc gia toàn trị dưới chế độ thần quyền. Bob bị liệt vào dạng tài sản của nhà nước, và đã bị dựng dậy dưới dạng một con AI nô lệ. Bob sẽ buộc phải điều khiển một tàu thăm dò Von Neumann (kiểu tàu đi đến đâu thì thu thập tài nguyên ở đấy để tự nhân bản chính mình, sau đó tất cả các tàu lại túa đi khắp nơi và lặp lại quy trình), đi đến các hệ thống sao xa xôi nhằm tìm kiếm các hành tinh thích hợp cho con người lên định cư.

Nhưng có một điều phía chính phủ Mỹ quên không tính tới: Bob là dân lập trình rất cứng cựa, chưa kể bây giờ lại còn nắm trong tay khả năng tính toán và phản ứng phi thường của một siêu máy tính. Thế là Bob đã xoay xở vùng thoát ra khỏi cái gông cùm của mình, bất chấp mọi nỗ lực ngắn cản cũng như phá hoại của các phe phái cả trong nội bộ chính quyền Mỹ lẫn các quốc gia đối nghịch.

Và giờ đây, với một cái xác tàu bất tử, và đặc biệt là không còn bị bố con thằng nào đè đầu cưỡi cổ nữa, Bob bắt đầu đi khám phá vũ trụ.

MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG

Ban đầu thì truyện đi khá là chậm, bởi vì nó phải định hình cái thế giới của Bob cũng như cá tính nhân vật cái đã. Trước lúc vụ tai nạn xảy ra thì gần như ta chỉ đi loanh quanh tìm hiểu cái bản chất geek của thanh niên Bob này và giải thích một số thứ nền tảng liên quan đến vụ đông lạnh não thôi. Ngay cả lúc được hồi sinh rồi thì ta cũng sẽ mất một thời gian khá lâu để làm quen với thế giới mới, với nhiều đoạn tả lại bối cảnh lịch sử nền khá dài dòng và cách Bob khám phá/học hỏi các công nghệ mới của thế giới tương lai.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc cái đoạn đi chậm ấy bị chán. Phần nhiều công lao sẽ thuộc về giọng văn/giọng kể của Bob, gần như một tay carry luôn toàn bộ các mảng đấy. Ông anh có một cái cách nhìn đời khá tưng tửng và đầy nét hào hứng khám phá những thứ mới mẻ, gần như tương đương với Mark Watney trong The Martian (mặc dù có nghiêm túc hơn tí), và rất thích kháy đểu như cái con Murderbot trong series cùng tên (mặc dù không anti social như nó). Chính thế nên nghe bro này dẫn dắt qua các tình tiết kể lể ta sẽ chẳng thấy dông dài tí nào, mà cứ bị cuốn đi hết trang này đến trang khác. Ngay cả các phần miêu tả công nghệ khoa học (đây là Hard Sci Fi, thế nên khoản lý thuyết khoa học của nó khá là chuẩn xác) cũng được giới thiệu một cách rất dễ hiểu và lắm khi còn hài hước nữa, đọc không thấy khô tí nào.

Đến lúc các phần set up đã xong xuôi thì gần như không thể còn chê vào đâu được nữa. Mọi thứ cứ tăng dần về độ kịch tính, với đầu tiên chỉ là mấy màn lén trộm cắp đồ để do thám và thu thập thông tin, xong về sau nâng tầm hẳn lên thành các màn đấu súng giữa những lực lượng phá hoại, và đến tận hôm phóng đồng chí Bob đi rồi mà rắc rối vẫn xảy ra, với quy mô thậm chí còn khủng hơn hẳn. Taylor viết mấy cái này cực kỳ khéo, vẫn để cái bản tính và giọng điệu hài hước của Bob bộc lộ ra nhưng vẫn giữ nguyên được sự kịch tính, không để nó thành hài tết quá lố như kiểu mấy cái phim Marvel.

Đến khi thanh niên thoát được ra ngoài vũ trụ rồi thì Bob bắt đầu sử dụng quặng khai thác được ở các vành đai tiểu hành tinh để tự tạo ra các con tàu y hệt mình, sau đó copy ma trận não mình vào mấy cái xác tàu đấy, về cơ bản tạo ra các Bob mới. Mỗi một thằng Bob lại có một ý định khác nhau, và chọn một điểm đến/mục tiêu riêng biệt để theo đuổi. Đến đây thì mạch truyện bắt đầu tẽ nhánh, và mỗi một mạch nhánh lại trở thành một câu chuyện gần như biệt lập với phong cách và sức hấp dẫn riêng hẳn. có thằng thì quay về Thái Dương Hệ để xem con người làm ăn thế nào rồi, có thằng thì phóng đi tìm các chủng loài thông minh khác trong vũ trụ, có thằng thì ngồi lỳ một chỗ tí toáy chế tạo công nghệ mới để về sau nâng cấp tàu bè cho các Bob… nói chung là muôn hình vạn trạng luôn. Trừ khi ghét hẳn toàn bộ cái dòng Sci Fi, anh em kiểu gì cũng sẽ tìm được ít nhất một mạch hấp dẫn trong cái mớ này. Khổ mỗi cái là điều này cũng đồng nghĩa với việc mọi người có thể sẽ thấy hơi khó chịu mỗi khi truyện nhảy mạch, đảo từ mạch mình đang quan tâm sang một mạch khác mình không quan tâm mấy, và chỉ mong nó mau mau chóng chóng trở về mạch ban nãy thôi.

Cuốn 1 và cuốn 2 của truyện cứ phát triển dần như thế, với cuốn 2 có thể gọi là The Empire Strikes Back của cả trilogy. Nó đẩy độ kịch tính của tác phẩm lên một cái tầm ngoài sức tưởng tượng, khép lại với một cuộc chiến hết sức epic. Nhưng khốn nạn một điều là thằng khép lại cả trilogy thì lại có kết cấu hơi ngáo. Công bằng mà nói thì cuốn 3 cũng hấp dẫn chẳng kém gì 2 cuốn trước đâu, nhưng cái vấn đề là trong quyển này thì đám Bob đi… làm side quest hơi nhiều. Sau cái phần kịch tính của quyển thứ 2, mình kỳ vọng hành trình giải quyết nó sẽ chiếm một phần khá lớn nội dung quyển 3, hoặc ít nhất cũng phải được đẩy lên sớm sớm tí. Đằng này mấy ông cứ toàn đi làm ba cái chuyện lăng nhăng gì đó, với thỉnh thoảng mới có được tí đoạn đề cập đến cái hiểm họa to lù lù sắp ập xuống đầu cũng như công tác chuẩn bị cho nó. Tít đến tận cuối thì vấn đề chính mới bắt đầu chiếm spotlight. Ừ thì cũng có lý do được đưa ra cho cái kiểu kết cấu ngược đời ấy đấy, và nó cũng không phải là không lôgíc, nhưng mà lạy Chúa, đọc ngứa thịt vl.

Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI

Thế giới trong này đa dạng kinh khủng bởi vì 1) nó không chỉ giới hạn ở mỗi Trái Đất mà còn chạy đi hàng loạt hệ thống sao cũng như các hành tinh khác trong những hệ thống ấy nữa, và 2) bản thân đám Bob cũng tự tạo ra một cái xã hội của riêng mình (gọi là “Bobiverse”), với các đặc tính hấp dẫn và thú vị chẳng kém gì thế giới thực.

Đầu tiên phải kể đến là các thế giới ngoài đời thực cái đã. Tất cả mọi thứ đều khởi đầu từ Trái Đất, và sau gần trăm năm, nơi này đã có một lịch sử mới. Rất nhiều biến cố đã xảy ra, khiến cho hệ thống chính trị của cả Mỹ (quê thằng Bob) lẫn các quốc gia trên thế giới thay đổi. Một số nước trở thành đồng minh với nhau, một số sát nhập hoặc “bị” sát nhập lại thành quốc gia chung, một số quay sang chĩa mũi dùi vào nhau. Mấy thứ này được điểm qua trong phần set up, và sau đó tiếp tục được dàn ra phát triển thêm lên trong quá trình Bob chuẩn bị rời khỏi hành tinh. Mọi thứ được mô tả khá chi tiết, hay thậm chí có thể còn là hơi chi tiết quá đà (ở phần đầu thì cái khoản nhồi thông tin hơi nặng), nhưng như đã nói đấy, cái giọng kể của thanh niên gánh rất mạnh, thế nên đọc rất dễ nuốt, và khiến thiên hạ chỉ muốn tìm hiểu thêm thôi. Ngay cả sau khi Bob đã rời đi rồi, Trái Đất vẫn tiếp tục có sự đổi thay, và lúc có vài thằng Bob quay trở lại thì cục diện đã một lần nữa thay đổi gần như hoàn toàn, và ta gần như lại được khám phá thêm một hành tinh thú vị mới.

Tiện nhắc đến hành tinh mới, các hành tinh và hệ thống sao mà đám Bob chia nhau đi thăm thú cũng được mô tả một cách đặc sắc chẳng kém cạnh gì Trái Đất hết. Mỗi một hành tinh đều có một hệ sinh thái khác nhau, và chúng nó được tả lại sinh động vô cùng. Hấp dẫn một điểm là vì thanh niên Bob không phải dân nghiên cứu sinh học, thế nên các nỗ lực miêu tả với phân loại của đồng chí lóng ngóng và vụng về vô cùng, khác xa cái kiểu ngôn ngữ khoa học chuẩn xác đến từng milimét của To Be Taught, If Fortunate. Nhưng cái sự nghiệp dư ấy lại được bù đắp bởi một cái giọng thấm đẫm sự hào hứng và đam mê, và đặc biệt còn là cả một ngôn ngữ đầy chất hình tượng, khiến mọi thứ hiện ra rõ mồn một, và không hành tinh nào kém thú vị hơn hành tinh nào cả. Đến khi có con người lên một vài hành tinh tring số ấy định cư thì mọi thứ còn hấp dẫn hơn nữa, bởi vì có hàng lô hàng lốc vấn đề Bob không lường hết được bắt đầu tòi mặt ra, và ta được chứng kiến cách các chủng tộc từ hai hệ sinh thái (hay đúng hơn là hai hành tinh) khác biệt hoàn toàn tương tác với nhau theo những cách rất bất ngờ.

Cái xã hội Bobiverse phải kể riêng ra, bởi vì nó thực sự độc đáo vô cùng. Đầu tiên, ngay từ khi mới chỉ có 1 Bob lang thang ngoài không gian, ta đã bắt đầu có những thứ hấp dẫn để xem rồi. Vì hiện chỉ là một con AI không thân thể (không tính cái xác tàu chứa ma trận não của mình), thanh niên dành rất nhiều thời gian hí húi ngồi lập trình ra một cái không gian VR ảo, tự hiển thị bản thân dưới lốt người để có thể vận động chân tay cho đỡ phát điên. Lẽ đương nhiên, anh em nào làm code thì biết rồi đấy, không thể cứ bùm một phát là có ngay cái phần mềm tử tế được, mà phải xây dần dần nó lên, chưa kể càng xây thì càng đẻ ra lắm bug (lỗi) cần diệt, và cái VR này cũng chẳng phải là ngoại lệ. Đầu tiên Bob chỉ có một cái người trần trong một cái không gian trắng trơn, sau đó cứ thế mày mò tìm cách xây thêm đồ nội thất với nền cảnh các kiểu, và dần dần còn tạo ra những cái giả lập vật lý (gọi là các physic engine) để mình có thể hít ngửi ăn uống đầy đủ, và thậm chí còn gộp các hệ thống thông báo trong tàu thành một anh trợ lý mang hình hài Admiral Ackbar (ừ, Ackbar 🐧 ) để tương tác. Cái mô phỏng VR đó về sau được cả Bob gốc lẫn các Bob mới liên tục cập nhật, đến mức trở thành hẳn một thế giới riêng biệt, chẳng khác gì thế giới thực, dù một số quy luật cũng được nơi nới tí chút cho tiện.

Khi có các Bob khác xuất hiện thì cái vũ trụ Bob này nó lại càng hay nữa. Các ông Bob tương tác với nhau theo đủ kiểu thể loại, tạo thành một cái xã hội khá đa dạng, dù về cơ bản đây đều là Bob hết. Để tránh lộn xộn hay xảy ra xích mính, đám Bob tự phân ra một số quy luật ứng xử căn bản, nhưng nhìn chung để thả cho nhau thích làm gì thì làm, khiến cái xã hội Bob đấy có phần khá giống một thế giới Utopia. Về sau, khi công nghệ được các Bob tự phát triển lên rất cao, đội Bob còn hình thành hẳn một mạng Internet riêng gọi là Bobnet, với đầy đủ Bobtube, Wikibob, và nhan nhản các thể loại blog do các Bob tự điều hành để cập nhật tình hình cho nhau nữa. Thậm chí mấy ông còn tổ chức một cuộc đại hội định kỳ, tổ chức trong một phiên bản VR siêu hạng gọi là “Bob moot,” nơi các Bob tứ phương cùng đổ về vui chơi, trò chuyện, cập nhật tình hình cá nhân cho nhau nghe, hoặc chiêu mộ Bob rảnh vào làm dự án với mình.

Nói chung là cái vũ trụ trong này, cả thật lẫn ảo, đều nhộn lắm.

NHÂN VẬT

Dù không dựa hẳn vào mỗi nhân vật không, đây vẫn là một trong những sức hút chính của cái series này, với tiêu biểu nhất chính là Bob. Hay đúng hơn là gia tộc nhà Bob. Hầu hết các nhân vật trong này đều là bản copy của Bob mà ra, thế nên tất cả đều có chung một kiểu óc khôi hài và lòng ham nghiên cứu khám phá, giải quyết vấn đề như nhau. Khó ở đây là bất kể nguyên mẫu có thú vị đến đâu, nếu để thằng nào cũng như thằng nào thì truyện chẳng bao lâu sẽ nhạt như nước ốc.

Nhưng tác giả đã ý thức được điều ấy, và đã xử lý nó một cách rất tài ba. Mỗi một phiên bản Bob được copy ra sẽ lại hơi khác với Bob gốc đi một xíu, và nó được giải thích bằng khác biệt về lượng tử. Vì các nguyên tử cấu thành nên các Bob không thể nào ở cùng một vị trí giống hệt nhau, không thể dao động theo kiểu giống hệt nhau được, thế nên khác biệt là không tránh khỏi. Điều này tạo cho mỗi Bob một bản tính rất đặc sắc, với thằng thì tính tình hơi tự kỷ, chỉ muốn đi tìm những chỗ xa xa; thằng thì hơi nhơn nhơn quá đà, đôi lúc chỉ muốn đạp cho một phát; thằng thì hơi bị nghiêm nghị quá;… Từ đó mà tương tác giữa các Bob với nhau cũng như cách chúng nó phản ứng trước một vấn đề trở nên đa dạng bất ngờ, đọc không thấy chán được.

Bên cạnh làm dàn nhân vật trở nên đa dạng, vụ khác biệt lượng tử này còn góp phần làm tăng kịch tính cho câu chuyện nữa. Vì mỗi một lần copy là sẽ có một Bob mới ra đời, mọi Bob đều không còn “bất tử.” Kể cả nếu thằng Bob nào có backup dữ liệu lại trước khi bị phá hủy thì khi cho nó hồi sinh dựa trên bản backup kia, một thằng Bob mới sẽ thế chỗ nó. Ừ, thằng Bob này sẽ vẫn thừa hưởng ký ức và kinh nghiệm của Bob cũ đấy, nhưng cách nghĩ của nó sẽ hơi khác đi một tí, không còn có thể gọi là Bob cũ được. Theo nghĩa này, thằng Bob cũ về cơ bản đã “chết” thật rồi, và chỉ có ký ức của nó là còn tiếp tục sống thôi. Từ đấy mà mỗi khi có thằng Bob nào làm nhiệm vụ gì nguy hiểm, ta thực sự phải cắn móng tay lo ngại cho cái mạng của nó.

Bên cạnh đó, còn một điểm độc đáo ở đồng chí này nữa. Bob trông rõ là được xây dựng trên nguyên mẫu của chính tác giả, vì thanh niên nghiện nặng SFF, và không ngừng lôi các tác phẩm Sci Fi với Fantasy hoặc mấy truyện phiêu lưu pulp ra để đặt tên cho đủ thứ, hoặc xây dựng không gian VR của mình dựa trên chúng nó. Nghe thì có vẻ giống Ready Player One đấy, nhưng xin khẳng định là cái serie này làm tốt hơn Ready Player One rất nhiều. Ready Player One chủ yếu là dựa vào liệt kê, với cả mắc cái tật là rất hay giải thích toạc móng heo ra cái mình nhắc đến là gì và ý nghĩa như thế nào. Bobiverse thì lồng ghép vào một cách tự nhiên hơn hẳn, và thường chỉ thả vài ba manh mối để anh em tự đoán thôi, chứ chẳng giải thích gì mấy. Ví dụ như một trong những thằng Bob đầu tiên được copy đã lấy tên mới là “Riker” để đỡ lẫn với Bob gốc. Thằng này trang hoàng cho VR của mình theo style tàu Star Trek, và thường xuyên bị một thằng Bob khác gọi là “Number Two” để trêu ngươi. Một thằng khác thì đặt một tấm bia liền khối trên mặt trăng, ghi lại lịch sử sơ khai của một giống loài. Có thằng thì phóng tót đến một hệ thống mang tên Omicron-2 Eridani, bởi vì đấy có thế giới quên nhà của Vulcan. Bên cạnh bọn này thì còn có Goku, Phineas, Ferb, Thor, Loki, Khan, Hannibal, Mulder, Marvin, Bender, và đủ thể loại khác nữa. Riêng việc ngồi dò manh mối và đoán xem chúng nó đang nhắc đến cái gì thôi là cũng đủ thấy thú rồi.

Nhưng mà đây cũng là một cái dễ chết người của series. Nếu anh em không quan tâm nhiều đến mấy cái văn hóa geek kiểu này thì sẽ thấy khá nhiều cái đùa của nó trở nên nhạt. Ngoài ra, một số cái quả thực là đòi hỏi anh em phải căng hẳn não ra mới đoán nổi nó đang muốn nói đến cái gì. Ví dụ như có một đoạn, một thằng Bob cáu tiết chửi một thằng Bob khác tội làm ăn vớ vẩn, viết sai chính tả tên một thành phố là “Tantor.” Cái tên đấy lên hồ sơ đầy đủ hết rồi, thế nên không đổi được, và thành ra bây giờ cả lũ lại bị sống trong bụng một con voi. Anh em chắc khá đông sẽ chẳng thể nhận ra cái tên chuẩn phải là gì (dù con voi Tantor thì chắc sẽ vẫn biết), và sẽ không hiểu được hoàn toàn cái trò đùa ở đây. Đến bản thân mình cũng phải khựng lại trước cái câu đùa này, mặc dù lại là theo kiểu ngược lại: mình nhận ra được cái từ chuẩn phải là “Trantor” (thủ phủ của Đế chế trong Foundation), nhưng còn Tantor thì vắt óc mãi chẳng nhớ ra nó nằm trong cái của nợ nào, và còn ngờ ngợ đây có gì liên quan đến... Dumbo. Phải đến khi Google ra thì mới ngã ngửa đây là con voi trong Tarzan 🐧.

Ngoài mấy thứ mang hình thức bề ngoài đó ra thì thanh niên Bob cũng được xây dựng khá sâu về mặt nội tâm. Có mấy đoạn ở phần đầu thanh niên phải loay hoay chấp nhận cái số kiếp AI mới của mình, cũng như việc tất cả những bạn bè người thân của mình giờ đã qua đời hết rồi, đọc thấy mà thương. Về sau, khi các thanh niên này tương tác với con người hoặc các chủng loài ngoài hành tinh mới, ta lại thấy rất nhiều nét tính cách ẩn sâu khác bộc lộ ra ngoài, chẳng hạn thèm khát yêu thương cũng như lòng nhân đạo của thanh niên đấy, và đôi khi là cả cái bản tính dễ bị ám ảnh với một số người nhất định nữa. Đặc biệt, khi những nhân vật bạn bè mới mà thanh niên này làm quen được lần lượt qua đời hoặc tìm đến với những thành viên cùng chủng loài của mình, thậm chí còn xua đuổi cả Bob đi, ta lại một lần nữa được chứng kiến cảnh thanh niên bị giằng xé nội tâm rất đau đớn.

Bên cạnh Bob thì còn có cả một dàn các nhân vật bổ trợ khác nữa, bao gồm con người lẫn người ngoài hành tinh. Cái khoản này thì thanh niên tác giả làm hơi lôm côm tí, với nhiều nhân vật có phần một chiều. Đặc biệt là mấy tay phản diện gần như toàn phẳng lỳ luôn, với một số đồng chí còn bị làm cho ác ôn hơi quá đà đến mức nghe như kiểu phản diện hoạt hình ấy 🐧. Dẫu vậy, vẫn có một số nhân vật được đầu tư làm khá tử tế, chẳng hạn một cặp vợ chồng làm bạn với một thanh niên Bob tên là Howard, hay một thanh niên người ngoài hành tinh thông minh đang trong giai đoạn đưa bộ tộc mình vươn lên thời kỳ đồ đá, được một Bob đặt tên là Archimedes, cùng với một thanh niên cùng bộ tộc khác với sức vóc phi thường, được đặt tên là Arnold (đừng hỏi họ gì nhé 🐧 ).

TỔNG KẾT

Bobiverse được Amazon bế về nhằm chèo kéo thiên hạ đăng ký dùng cái dịch vụ sách nói của mình quả là không hề vô cớ chút nào. Đây là một trong những series Sci Fi có tính giải trí cực kỳ cao, nhưng đồng thời cũng lồng ghép được rất nhiều kiến thức/giả thuyết khoa học thú vị cũng như một số theme khá sâu sắc. Dù hơi có sạn một tí, anh em vẫn rất nên thử đọc bộ này. Nhỡ đâu chuẩn gu thì khó dứt ra lắm.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.