Chuyển đến nội dung chính

[SFF 101] Bản chất của tên các dòng văn

 Cái bài giải thích về sự khó xác định của Hard Fantasy hôm qua làm mình nhớ tới một cái clip do một bro Booktuber rất nổi tiếng trong cộng đồng Fantasy tên là Daniel Greene thực hiện. Clip đấy chủ yếu chửi mấy ông bà tác giả THưỢng đẲnG, nhờ Fantasy mà phất lên nhưng sau đó lại quay ra bảo văn mình không phải là Fantasy. Quan trọng là trong đó, Daniel có đưa ra một ý rất hay thế này: các mảng ngách của Fantasy, và thậm chí cả bản thân cái từ “Fantasy” nữa, về cơ bản chỉ là một công cụ Marketing thôi.

Như mình thấy thì đây là một ý rất chuẩn. Đã bán buôn thì cái đầu tiên cần phải làm là đảm bảo khách biết được rõ sản phẩm của mình là cái gì. Nếu chỉ nói đơn thuần là “Tôi bán truyện” đơn thuần thôi thì rộng quá. “Truyện” ở đây là cái gì? Nó có những nhân vật thế nào? Làm cái gì trong đấy? Có những tình tiết gì thú vị?... Có rất nhiều thứ còn mơ hồ, và khách hàng người ta sẽ chẳng biết đường nào mà chọn cả. Ngay cả nếu người ta có quan tâm mà hỏi thêm về nội dung thì trả lời hết đống câu hỏi trên kia cũng mệt.

Chính vì thế mà các cái tên dòng mới ra đời.

Mỗi một cái tên dòng văn đều kiểu như một cái ký ám hiệu giữa người mua và người bán rồi. Fantasy có những cái mô típ rất đặc trưng, chẳng hạn người được chọn, rồng thần, phép thuật,… và tất cả chúng nó đều được gói gọn trong 7 chữ cái giản dị. Cộp cái mác “Fantasy” lên truyện thôi là ngay lập tức khách hàng sẽ hiểu luôn cái quyển truyện được bán sẽ kiểu kiểu thế nào, và từ đấy nhanh chóng ra được quyết định mua/bỏ qua/tìm hiểu thêm.

Bên bán cũng được lợi từ việc này. Thay vì cứ phải mất công diễn giải nội dung từng quyển lẻ tẻ rất mệt mỏi thì chỉ cần đẩy mạnh PR cho cái từ “Fantasy” thôi, còn về sau khi thiên hạ biết Fantasy là gì rồi thì mình có thể giới thiệu một loạt tác phẩm trong cái dòng đấy bằng một từ nhanh gọn. Bên cạnh đó thì việc đặt tên chung cho dòng còn cho phép các bên bán “hưởng sái” thành quả Marketing của nhau nữa. Ví dụ như 3 ông A, B, C mỗi người giúp được 10 ông khách hiểu và thích Fantasy, thế thì lượng khách tiềm năng của mỗi ông sẽ tăng lên thành 30 chứ không chỉ là 1, bởi vì ngay cả khi chung dòng thì mỗi một quyển Fantasy khác nhau cũng đều có nội dung khác nhau, thế nên khách mua xong Lord of the Ring chỗ ông A thì hoàn toàn có thể chạy qua ông B mua The Shining và qua ông C mua The Wheel of Time, chứ không phải khóa cứng tại chỗ của một ông nào.

Mấy cái dòng phụ thì về cơ bản cũng hoạt động trên nguyên lý tương tự thế. Cứ khi nào có một nhóm các mô típ cụ thể nào đó của Fantasy có vẻ bản tốt, nhiều người quan tâm, thì mấy ông nhà bán cũng sẽ đặt tên cho nó luôn để khách hàng tiềm năng nghe phát là hiểu luôn cái quyển đang được chào mời có chứa cái gì ở bên trong. Nhiều khi mấy ông còn chẳng cần phải nghĩ tên mới làm gì, vì bản thân fan của cái dòng đấy người ta cũng đã tự đặt tên cho dòng sẵn rồi để trao đổi với nhau cho nó thuận tiện.

Cái bản chất tên dòng = nhãn mác Marketing này nghe thì có vẻ giống một cái fun fact thôi, nhưng mình khuyên anh em nên nhớ kỹ điều này, đặc biệt nếu có định giới thiệu truyện cho bạn bè cùng đọc hay xuất bản truyện gì đó. Mục đích tối thượng của một cái tên dòng là để người nghe hình dung được hòm hòm về nội dung quyển truyện, thế nên không nhất thiết lúc nào cũng phải sử dụng thật chuẩn xác tên dòng. Vì gần như mọi tác phẩm đều chẳng bao giờ chỉ nằm gọn trong một dòng nhất định cả, hãy chọn lấy cái tên dòng nào mà mọi người nghĩ sẽ giúp người nghe dễ hình dung ra quyển truyện nói về cái gì nhất để tả nó.

Ví dụ thế này để anh em dễ hiểu nhé: mình có xuất bản một quyển tên Sáu đợt thức tỉnh. Nó là Hard Sci Fi, nhưng nếu gặp một người ngơ ngơ về Sci Fi, giới thiệu quyển này bằng cái tên chuẩn của nó thì người ta sẽ chẳng hình dung được nó là cái gì hết. Thế là với người này, mình sẽ giản dị bảo rằng, “Đây là trinh thám, có điều ở ngoài vũ trụ.”

Ngay khi nghe đến từ “trinh thám,” 99% chắc kèo người kia sẽ hình dung ra được khá chuẩn nội dung của truyện: sẽ có giết người hay bí ẩn gì đó, và sẽ phải đi điều tra để biết được sự thật. Phần “ngoài vũ trụ” mình đế thêm là đủ để người ta biết cuộc điều tra sẽ diễn ra ở đâu rồi, và thế là mình đã có thể truyền đạt được rất nhanh nội dung tác phẩm. Nếu cứ cứng nhắc nói đây là Hard Sci Fi lai Space Opera, mình sẽ phải lòng và lòng vòng giải thích cả hai cái kia, mà giải thích xong chưa chắc người ta đã hiểu đúng.

Tương tự, ta có thể áp dụng phương thức này cho hàng loạt tác phẩm Sci Fi khác khi cần giới thiệu nó cho người mù Sci Fi. Không việc gì phải dùng chuẩn tên dòng ngách của nó hết, hay thậm chí là nhắc đến cái chữ Sci Fi làm gì cả. Cái gì mà người ta chắc sẽ biết thì cứ lôi ra dùng. Chẳng ai cần biết Hoa trên mộ Algernon là Sci Fi cả, nói gọn một câu “truyện tâm lý” là xong; đừng gọi Lời hiệu triệu của Cthulhu là Cosmic Horror, cứ bảo nó là “kinh dị” đơn thuần thôi; Bác sĩ Jekyll và ông Hyde cũng chẳng cần phải là Sci Fi, là “Gothic” hoặc “kinh dị” hoặc “trinh thám” (hoặc “trinh thám Gothic kinh dị” 🐧 ) là được; The Murderbot Diaries chẳng cần phải là Cyberpunk, cứ bảo nó là truyện “hành động” (mặc dù Cyberpunk chắc cũng nhiều người biết 🐧 ), Người về từ Sao Hỏa cũng như Sáu đợt thức tỉnh, chẳng phải là Hard Sci Fi, mà là truyện “hài khoa học;”… Quan trọng là làm sao thuyết phục được người ta cảm thấy muốn đọc đã, xong rồi nếu người ta có hứng muốn tìm hiểu thêm thì nói sâu thêm sau. Gặp ai mà cũng nói chuyện như kiểu anh em mình trong group nói với nhau thì người ta chạy mất dép ngay 🐧.

Đá về cái Hard Fantasy hôm trước chút. Trong bài đấy thì có vẻ là có một bạn đang viết truyện thuộc mảng này, nhưng mà lăn tăn trước việc mảng đấy ít người biết đến quá. Mình khuyên cứ gạt phắt hai cái chữ “Hard Fantasy” đi chỗ khác, nhìn thử xem truyện của bạn nó còn nằm ở cái mảng nào khác thì hãy gọi nó bằng cái tên đấy luôn cho nhẹ đầu. Nếu truyện của bạn thiên về lãng mạn thì hãy gọi nó là “Fantasy lãng mạn,” và thế là người ta sẽ hiểu và tìm vào đọc rồi. Nếu nó là mang tính lịch sử cao, với bối cảnh Châu Âu thì gọi nó là “Fantasy Trung Cổ,” bối cảnh Châu Á thì thay “Trung Cổ” thành “cổ trang” hay gì đó tương tự… Đợi khi nào Hard Fantasy thịnh hành lên thì hãy dùng đến nó, còn không thì chẳng việc gì phải chung tình thế đâu 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.