🌕🌕🌑🌑🌑🌑🌑🌑🌑🌑
2.0/10
=====
TL;DR
=====
Too Lame; Don’t Read.
==============
GIỚI THIỆU CHUNG
==============
Before the Coffee Gets Cold (tên tiếng Anh của Khi Tách Cà Phê Còn Chưa Nguội) là một cuốn tiểu thuyết Fantasy (thuộc ngách Magical Realism) của Toshikazu Kawaguchi. Truyện lấy bối cảnh là một quán cà phê cũ, nằm gọn trong một con hẻm nhỏ ở Tokyo. Quán không có gì đặc biệt cho lắm, và trên thực tế còn hơi… tù. Tuy nhiên, quán từng có thời là tâm điểm chú ý của giới truyền thông. Nguyên nhân là nó có thể mang đến cho khách hàng một trải nghiệm vô cùng độc đáo: cơ hội du hành thời gian.
Cụ thể hơn, ở cái quán này có một chiếc ghế đặc
biệt. Nếu có vị khách nào ngồi vào chiếc ghế đó, đồng thời yêu cầu chủ quán
mang ra cho mình một ly cà phê nhất định, họ sẽ có thể quay ngược về một mốc thời
gian trong quá khứ, được bản thân hình dung trong đầu. Khi về đến nơi, họ sẽ được
thỏa thích trò chuyện với bất cứ ai mình muốn, làm gì thì làm.
Mỗi tội tất cả những điều ấy đều phải nằm
trong khuôn khổ mấy điều kiện đi kèm như sau:
1) Họ phải ngồi im ở cái ghế trong quán đấy, cấm
dịch mông đi đâu hết.
2) Họ phải uống cạn tách cà phê trước khi nó
nguội đi
3) Ngay khi ly cà phê bị uống hết, vị khách sẽ
bị kéo ngược trở lại hiện tại
Và quan trọng nhất:
4) Mọi việc họ làm trong quá khứ đều không thể
làm thay đổi hiện tại, bất kể việc họ làm có cực đoan đến đâu. Cả vũ trụ sẽ tự
sắp xếp lại bản thân và thay đổi các tình tiết vặt để kết quả cuối cùng ở hiện
tại giữ im như cũ.
Và chính tại cái quán ấy, chúng ta sẽ được gặp
bốn con người. Mỗi người đều đến với cái quán này trong một hoàn cảnh khác
nhau, nhưng tất cả đều có chung một mục đích: sử dụng dịch vụ du hành thời gian
của quán. Họ là ai? Động cơ gì đã thôi thúc họ muốn đảo ngược kim đồng hồ? Và đặc
biệt nhất, họ kỳ vọng sẽ nhận được điều gì từ chuyến đi ngắn ngủi của mình,
trong khi mọi thứ họ làm trong quá khứ rốt cuộc đều sẽ vô ích hết?
=====================
MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG
=====================
Lúc lấy thông tin để viết mục giới thiệu sơ về
Before the Coffee Gets Cold trên Goodreads, mình vô tình liếc thấy một review về
cuốn này. Thanh niên viết review đã đưa ra một so sánh không thể nào chuẩn hơn
về nó, cụ thể như sau:
“Cuốn truyện này gợi tôi liên tưởng đến một
chiếc xe Ý cổ, có lẽ là một chiếc Alfa Romeo, hoặc một chiếc Ferrari giai đoạn
thập niên 1970.
Nhìn bề ngoài thì trông nó oách lắm, nhưng khi
ta khởi động nó lên thì... ối giời ơi. Ngay cả lúc chạy được tử tế nhất thì cái
của nợ khốn khổ khốn nạn này cũng chỉ lết đi được với vận tốc còn lâu mới chạm
nổi ngưỡng giới hạn tối thiểu, và phát ra từ dưới mui xe còn là nguyên một
tràng âm thanh va chạm xủng xẻng và tiếng nghiến rào rạo rất đáng quan ngại nữa
chứ.”
Nghe sơ như thế thì anh em hẳn đã hiểu hòm hòm
cái truyện này chất lượng thế nào rồi nhỉ 🐧?
Cụ thể hơn, Before the Coffee Gets Cold có một
ý tưởng nền dù không hẳn quá mới mẻ, nhưng nghe chừng cũng có hướng khai thác
khá thú vị. Và vì cũng đã đọc/xem khá nhiều tác phẩm với cùng một mô típ mượn
những quán xá cửa hàng kỳ lạ làm Framing Device để khám phá chuyện đời những
nhân vật đa dạng khác nhau, mình biết mấy cái kiểu thế này chỉ cần viết chắc
tay một chút là cũng đủ để khiến người đọc hài lòng rồi.
Nhưng vấn đề là cái truyện này viết không ổn
tí nào.
Mọi thứ về Before the Coffee Gets Cold đều nhạt
nhẽo và rập khuôn kinh khủng. Mạch cốt của các nhân vật đều được xây dựng dựa
trên những xung đột cũ mèm, với không một nỗ lực nào để tân trang cho chúng nó
khác đi một tí, khiến cho tất cả mọi thứ đều trở nên hết sức dễ đoán. Chỉ cần
giới thiệu sơ sơ một tí về câu chuyện của nhân vật là mọi người gần như đã có
thể nhìn ra luôn mấu chốt của vụ việc là gì, nó sẽ diễn tiến như thế nào, và
bài học rút ra sẽ là gì. Đặc biệt, nếu đã quen với các tác phẩm của Nhật, bất kể
là thuộc loại hình gì (manga, anime, tiểu thuyết, phim,…), mọi người sẽ càng cảm
thấy mọi thứ dễ đoán hơn nữa, bởi nó dùng đủ mọi loại cliché có thể có của mấy
câu chuyện Nhật tương tự.
Đúng lý ra, cliché với dễ đoán chưa hẳn sẽ là
tử huyệt của một tác phẩm. Như mình đã nói ở đoạn đầu đấy, cái mô típ của
Before the Coffee Gets Cold không mới lắm, và bản thân mình đã kinh qua khá nhiều
tác phẩm xây dựng câu chuyện dựa trên một cái nền tương tự. Mấy tác phẩm đấy
cũng có những cliché và sự dễ đoán ở các mức độ khác nhau, nhưng chúng nó đều
được dẫn dắt và xây dựng ổn, từ đấy duy trì được sự hứng thú trong suốt quá
trình theo dõi mạch cốt phát triển. Before the Coffee Gets Cold thì chẳng có gì
như thế hết. Nó có một giọng văn như nước lã, không mô tả hay phát triển cái gì
thú vị, không có một sự đưa đẩy nào hấp dẫn hết.
Anh em tưởng tượng cái mạch của Before the
Coffee Gets Cold như một con đường cao tốc trần trụi, không có một cái gì níu
giữ sự chú ý của người đi hết ấy. Hai bên con đường chẳng có cỏ cây hay gì thú
vị cả, và trong xe vì đài hỏng với điện thoại hết pin nên ta cũng chẳng có gì để
làm. Điểm đến là đâu thì ta đã biết sẵn rồi, và trên thực tế hồi trước còn đã
ghé đấy rất nhiều lần rồi, thế nên cũng chẳng có cảm giác trông chờ gì hết. Tất
cả những gì ta có thể làm chỉ là lầm lũi lái xe đi thẳng một lèo, hy vọng chuyến
đi kết thúc cho nhanh để còn làm việc khác thôi.
===============
Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI
===============
Cũng như ở phần cốt, Before the Coffee Gets
Cold xây dựng cái thế giới của mình theo một cách nhạt toẹt.
Về phần thế giới vật lý thì bối cảnh của nó là
Tokyo hiện đại, thế nên cũng chẳng có quá nhiều điều mới mẻ để khám phá. Tuy
nhiên, ngay cả nếu xét theo chuẩn các tác phẩm diễn ra ở những thế giới quen
thuộc, Before the Coffee Gets Cold vẫn xoay xở khiến cho thế giới của mình hiện
lên một cách nhàm chán ngoài sức tưởng tượng. Có rất ít đoạn tác giả đào sâu
vào mô tả cảnh quan hay khắc họa cái đời sống ở Tokyo để câu chuyện trông có da
có thịt hơn một tí, và đến cả những chỗ có mô tả thì cũng bị làm theo một cách
rất sơ sài và nhạt toẹt. Nguyên do chắc là bởi, như tất cả chúng ta đều đã biết,
mọi thứ về Nhật Bản chỉ gói gọn trong chữ Tokyo, với Nagoya, Osaka, Kanazawa,
Fukushima, Chiba, Kyoto, cùng hơn bốn chục cái tỉnh khác đều giống nó như tạc,
tả tiếc làm cái đếch gì cho phí thời gian 🐧. Ừ, đúng là quyển này gốc viết cho thị trường Nhật thật đấy, nhưng tớ
từ chối tin là dân các tỉnh khác hay thậm chí cả chính dân Tokyo lại không muốn
được nghe tả qua tí quang cảnh cho biết đây biết đó. Lạy Chúa, đến giờ cái thằng
tôi sống ở Hà Nội gần 3 thập kỷ rồi mà vẫn còn thích đọc những đoạn mô tả cảnh
phố xá chỗ này qua các góc nhìn khác nhau để thưởng thức sự sinh động của nó cơ
mà.
Nói tóm lại là mọi thứ hiện ra cứ vô hồn và lờ
đờ, như thể ta đang nhìn vào một bức tường xi măng trần xám ngoét vậy.
Về phần cái yếu tố phép thuật của nó thì làm
cũng ngáo cần chẳng kém. Một lần nữa, ý tưởng nền về cách du hành thời gian được
thực hiện trong tác phẩm này không đến nỗi nào đâu, và tùy cách nhìn nhận mà có
thể gọi là sáng tạo cũng được. Vấn đề là ông tác giả phát triển nó theo một kiểu
rất ấm ớ. Mọi thứ quy luật xoay quanh quá trình du hành thời gian bị tống ra
thành một cục rất kệch cỡm, không có lôgic hay thể thống gì hết. Thực ra xây dựng
hệ thống phép thuật theo kiểu để nó chỉ thuần túy là… phép thuật, không tuân
theo quy luật nghiêm chỉnh (tức Soft Magic) cũng chẳng đến nỗi chết người, và
có khi làm thế còn tăng sự huyền bí với nhiệm màu lên cho nó. Nhưng khốn nạn một
chỗ là ông tác giả cứ viết lóng nga lóng ngóng, không gợi lên sự bí hiểm hay hấp
dẫn gì cả, mà khiến mọi thứ nghe như kiểu thanh niên đi đến đâu chém bừa đến đấy
theo phong cách “Truyện bố, bố bịa luật, thích ý kiến ý cò không?” sặc mùi
Yu-Gi-Oh!.
Bản thân mấy cái luật được đặt ra về sau gần
như lặp đi lặp lại suốt 4 mẩu truyện, với chỉ đôi lần các giới hạn của nó được
thử thách và khám phá, nhằm tìm xem có lỗ hổng nào có thể lợi dụng được không.
Nhưng một lần nữa, cái ngòi bút của Kawaguchi không đủ điêu luyện để làm cho mọi
thứ hấp dẫn. Hoặc là lỗ hổng và giới hạn của quy luật hiển nhiên rành rành, chẳng
khó gì để đoán ra, hoặc thanh niên vá chúng nó bằng cách chém thêm những luật rất
random từ trên trời rơi xuống, hoặc cái kiểu phát triển của ông anh chỉ càng
làm người ta đẻ ra thêm nhiều câu hỏi và cảm thấy hệ thống phép thuật của cái
nơi này xiêu vẹo và lủng củng kinh khủng.
========
NHÂN VẬT
========
Trong mấy cái truyện kiểu này thì nhân vật và
các câu chuyện của họ sẽ là linh hồn của cả tác phẩm, quyết định sự thành bại của
nó.
Và trông vào điểm số của Before the Coffee
Gets Cold, anh em chắc cũng biết nhân vật ở đây như thế nào rồi đấy 🐧.
Vẫn như với phần mạch truyện, các nhân vật
trong này rập khuôn phát kinh. Câu chuyện của bọn họ không có một cái gì mới, hết
sức dễ đoán, và bản thân các nhân vật cũng chẳng có gì thú vị hết. Họ cũng có một
số lo âu với giằng xé nội tâm, và có đôi đoạn nghe chừng cũng khá mùi mẫn (bởi
thế nên cái truyện này mới được 2 điểm chứ không ăn con 1), nhưng nó cliché và
thậm chí có chỗ còn mang nặng một cái sắc mà mình hay gọi là manga-gitis đến mức
mình chẳng thể nào thấy hứng nổi với ai trong cái đám này. Đặc biệt, trong này
có một nhân vật được tô vẽ như kiểu Einstein tái thế, IQ 9000, nhưng đến một
cái lỗ hổng cơ bản trong hệ thống phép thuật của cái quán mà cũng nhìn không
ra, và đến về sau, khi có người nêu ra cái lỗ hổng ấy, câu chuyện làm như nó là
một phát hiện thiên tài lắm ấy, khiến cho mình không khỏi lo ngại cho mức IQ
trung bình của đám nhân vật này.
========
TỔNG KẾT
========
Before the Coffee Gets Cold là ví dụ cực kỳ sắc
bén cho việc ý tưởng không làm nên câu chuyện. Trong suốt quá trình ngồi đọc
cái quyển này, mình chẳng thấy gì ngoài buồn ngủ và cùng lắm thì nhớ đến những
tác phẩm cùng mô típ khác nhưng làm hay hơn. Nếu anh em cảm thấy hứng thú với
cái ý tưởng của truyện, mình khuyên hãy xem thử cái anim…, à đâu, “Chinese
cartoon” có tên Link Click, hoặc đọc cái bộ manga Revolving Lantern Corporation
là được rồi. Ý tưởng của chúng nó cũng từa tựa Before the Coffee Gets Cold,
nhưng làm đỡ thụt hơn hẳn.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓