🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌗🌑🌑
7.5/10
TL;DR
12 (- 11) c̵h̵i̵ế̵n̵ ̵c̵ô̵n̵g̵ chuyến tour của
H̵e̵r̵a̵c̵l̵e̵s̵ Conrad.
GIỚI THIỆU CHUNG
This Immortal gốc là một series truyện dài kỳ
có tên ...And Call Me Conrad, sáng tác bởi Roger Zelazny một trong những gương
mặt nổi trội của phong trào New Wave. Sau khi được đăng trên tạp chí The
Magazine of Fantasy and Science Fiction được vào cuối năm 1965, ...And Call Me
Conrad đã được biên tập lại, đổi tên thành This Immortal, và sau đó đem đi xuất
bản thành tiểu thuyết nghiêm chỉnh trong năm 1966. Và chính trong dạng tiểu
thuyết ấy, This Immortal đã đoạt giải Hugo năm 1966, trở thành người đồng thắng
cuộc trong hạng mục tiểu thuyết xuất sắc nhất cùng với Dune của Frank Herbert.
Về phần bản thân cốt truyện thì This Immortal
lấy bối cảnh tương lai xa, sau khi Trái Đất đã bị tàn phá bởi một cuộc chiến
tranh hạt nhân (gọi là sự kiện Ba Ngày). Cả hành tinh bây giờ chỉ còn toen hoẻn
dăm triệu mạng, và một lượng rất lớn trong số đó đã bị phóng xạ làm cho trở
thành đột biến. Các khu định cư thuộc địa trên Sao Hỏa và vệ tinh Titan của
loài người thì may mắn không phải hứng chịu bom đạn trực tiếp, nhưng vẫn chịu ảnh
hưởng nghiêm trọng vì bị mất đi sự hỗ trợ từ hành tinh mẹ. Tất cả đều phải gồng
căng người tự cung tự cấp, và ngày tàn của nền văn minh nhân loại xem chừng đã
đến.
May mắn thay, giữa lúc nguy kịch như vậy thì
con người liên lạc được với một chủng tộc ngoài hành tinh tân tiến ở hệ thống
Sao Chức Nữ, và đã được họ chìa tay hỗ trợ. Tất nhiên, đời chẳng ai cho không
cái gì, và trường hợp này cũng đúng với sự “giúp đỡ” mà loài người nhận được.
Loài người giờ về cơ bản là một dạng thuộc địa kiểu mới của dân Chức Nữ. Người
dân đa phần toàn phải xuất khẩu lao động qua hành tinh quê nhà của dân Chức Nữ
để làm các công việc tay chân thấp hèn, hoặc giải trí mua vui các kiểu, chấp nhận
kiếp làm công dân hạng hai. Bản thân Trái Đất thì chẳng còn giá trị gì ngoài một
công viên giải trí mới lạ cho dân Chức Nữ đến ăn chơi đập phá, và gần như tất thảy
những người còn sống trên Trái Đất đều chỉ cắm đầu vào làm các dịch vụ du lịch
sinh thái cũng như văn hóa để hầu hạ dân Chức Nữ.
Trong số những con người ở trên Trái Đất có một
nhân vật tên Conrad Nomikos. Cũng như nhiều cư dân Trái Đất khác, Conrad là một
kẻ đột biến, mang diện mạo méo mó (mặc dù không đến nỗi thảm như nhiều kẻ xấu số
hơn khác). Gã về cơ bản là nhân viên nhà nước, chịu trách nhiệm duy trì những
tàn tích và công trình nghệ thuật cổ xưa của nền văn minh nhân loại, và nhìn
chung có phần bất mãn với công việc mình làm cũng như tình cảnh hiện tại của
loài người và Trái Đất. Thế rồi một ngày đẹp trời nọ, Conrad được giao phó một
nhiệm vụ gã chẳng ham hố chút nào: một tay Chức Nữ giàu có tên Cort Myshtigo
đang có ý định ngao du Trái Đất để viết một cuốn sách du ký về nền văn minh
nhân loại, và Conrad cần đóng vai hướng dẫn viên du lịch cho hắn.
Và ngoài quan điểm cá nhân ra, Conrad còn có một
lý do khác để không ưa cái nhiệm vụ này. Tháp tùng Cort Myshtigo là một đoàn
người khá đáng ngờ, với một số thành viên trong đó có dây mơ rễ má với Radpol.
Đây là một tổ chức với mục tiêu khá cao đẹp, ấy là gầy dựng lại Trái Đất cũng
như khôi phục vị thế tự lập tự cường của nhân loại. Khổ nỗi đám Radpol không
quá câu nệ phương thức mình sử dụng, sẵn sàng chém giết, đe dọa, thậm chí cả
dùng pháo kích để đạt được mục tiêu. Với sự tham gia của đám này, khả năng cao
sẽ có chuyện bất lành xảy ra trong chuyến tham quan.
Tên Chức Nữ kia có thật chỉ đến Trái Đất để lấy
tư liệu về chém sách đong xèng từ bà con không thế? Nếu đúng thì tại sao Radpol
lại quan tâm đến hắn nhường ấy vậy nhỉ?
MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG
This Immortal có một mạch truyện khá thẳng. Nó
chỉ bao gồm một toán người đi từ điểm A tới điểm B, thỉnh thoảng dừng chân và
tham gia/vướng phải một chuyến phiêu lưu nào đó, chẳng khác nào một series truyền
hình dài tập vậy (gọi là “dài” nhưng nó chắc chỉ có tầm 3, 4 tập là kịch dây
đàn rồi 🐧 ). Mỗi một
“tập” trong câu chuyện này thường sẽ có kết cấu tương tự nhau thế này: Conrad
trò chuyện cùng mấy nhân vật, tìm hiểu xem ai muốn gì cũng như sự thật đằng sau
chuyến đi này là thế nào, sau đó quay sang chiêm nghiệm về cuộc đời thế sự và xắn
tay áo lên đấm nhau với quái gặp dọc đường. Trình tự các bước có thể sẽ thay đổi
tí, hoặc chồng chéo hơi nhập nhèm lên nhau một tí, nhưng về cơ bản không lệch
ra ngoài công thức này.
Cái khuôn mẫu trên hẳn sẽ khiến câu chuyện
nghe giống một dạng series hành động điều tra điển hình, có điều nhồi thêm tí
Sci Fi vào. Và nghĩ thế kể cũng không sai. Khá nhiều đoạn trong This Immortal
khiến tác phẩm đọc cứ như một tiểu thuyết phiêu lưu trinh thám, với các manh mối
bí ẩn cứ tích tụ dần và chờ đợi được hóa giải. Truyện cũng có kèm những đoạn
hành động vô cùng lôi cuốn, kết hợp cả kiểu đánh đấm trâu bò cục súc đến long
trời lở đất lẫn phân tích điểm yếu/điểm mạnh của đối thủ để thoát thân một cách
rất khôn khéo tinh ranh, theo dõi mãn nhãn cực kỳ. Nói chung, nếu muốn những thứ
mang tính giải trí mì ăn liền thuần túy, This Immortal sẽ vẫn chiều được ý anh
em.
Tuy nhiên, nếu tiếp cận quyển này dưới góc độ
một tác phẩm hành động tiêu khiển kiểu vậy, mọi người sẽ rất dễ cảm thấy thất vọng.
Phần hành động và bí ẩn dù cũng hấp dẫn và không đến mức quá khan hiếm, chúng
nó chỉ như một thứ phụ gia bổ trợ mà thôi. Trên thực tế, một điểm thú vị về
This Immortal là nó tận dụng các phân cảnh kịch tính đầy nghẹt thở để cho chúng
ta… thở. Cụ thể hơn, đây là những khoảng nghỉ của câu chuyện, để độc giả có một
thứ mang tính phiêu lưu truyền thống mà thưởng thức trước khi quay về với các
khung đoạn chính, ấy là những suy ngẫm về cuộc đời và triết lý.
This Immortal động đến khá nhiều đề tài nhân
văn, bao gồm tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị của văn hóa và di sản, sự cực đoan
nhân danh chính nghĩa, cách huyền thoại hình thành,… Đáng chú ý nhất, truyện lấy
cảm hứng cực mạnh từ Heart of Darkness (đừng quên cái tiêu đề gốc của truyện
cũng như câu cửa miệng của nhân vật chính là, “… And Call Me Conrad”), và có một
theme xuyên suốt xoay quanh chủ nghĩa thực dân kiểu mới, chủ nghĩa đế quốc, và
lằn ranh giữa sự văn minh và mọi rợ, thế nên cuốn này có thêm một tầng hấp dẫn
khác đối với chúng ta. Anh em gần như sẽ có thể bê hoàn toàn những thứ mà truyện
bàn luận đến để áp thẳng vào bối cảnh xã hội của chính mình, cả xã hội thời hiện
đại lẫn những giai đoạn ta chịu ách đô hộ của nước ngoài, bởi vì có quá nhiều
thứ trong này nghe quen kinh khủng. Ta có dân tình vì hoàn cảnh mà trở nên vọng
ngoại, phải bỏ xứ đi làm culi cho một nơi giàu sang hơn; có cách quê nhà lệ thuộc
vào nền văn minh lạ nhiều đến mức dần tự “điếm hóa” bản thân, tập trung thỏa
mãn nhu cầu thưởng thức của lạ của người ngoài một cách bất cần đời; có những nỗ
lực kêu gọi kiều bào tại các khu định cư Chức Nữ quay trở về tái thiết quê
hương đầy vô vọng; thậm chí còn có cả cách công nghệ nõi Fortland Bretnand được
phổ cập lên tầm vũ trụ, với chính phủ Trái Đất cứ bán dần bán mòn các khu vực
còn sinh sống được trên hành tinh cho đám Chức Nữ xây khu nghỉ dưỡng (mặc dù ít
nhất cái này còn ít nhiều tạo được hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế,
chứ không chỉ thổi giá móc túi nhau và làm dân không mua nổi mảnh đất cắm dùi 🐧 ). Đọc vừa thấy buồn cười, vừa
không khỏi nao lòng.
Tất cả những chủ đế đó đều được đầu tư xây dựng
và bàn luận rất kỹ lưỡng, dàn ra khắp tác phẩm theo một kiểu vừa đủ dàn trải để
không gây ngộp và giáo điều, mà cũng vẫn duy trì được sức nặng để tạo ra những
“cú đấm” ra trò và tác động vào tâm tư người đọc. Bổ trợ cho nó còn là một giọng
văn rất mềm mại và quyến rũ, mang nét đượm buồn đầy hoài niệm, và lắm lúc còn
là thống khổ vì bất lực, song vẫn duy trì một sự hóm hỉnh tinh tế nhất định. Điều
này khiến cho tác phẩm mang một sắc trầm lắng đặc biệt, để lại những dư vị đậm
đà sau từng con chữ, và không ngừng khơi dậy những suy tư sâu sắc trong tâm trí
người đọc ngay cả sau khi câu chuyện đã khép lại.
Nhưng dẫu thú vị như vậy, phần cốt của This
Immortal cũng có một số vấn đề. Cái nặng nhất là cách nó phối hợp hai phần triết
lý và hành động. Hai cái này nếu để lẻ thì sẽ thấy rất hay, nhưng khi chập
chung vào với nhau thì cứ có kiểu lệch lạc sao đó ấy. Roger Zelazny đã rất cố gắng
nối liền những phân cảnh đó vào với nhau, nhưng cá nhân mình thấy ông anh làm
điều này hơi vụng, khiến câu chuyện phần nào cứ đứt quãng. Đang nghe tâm tình đầy
mơ màng thì bùm một phát, tự nhiên có cảnh hành động đạp cửa xông vào, và câu
chuyện bẻ phắt từ một tác phẩm văn học triết lý sang thành một thứ sặc mùi
Indiana Jones hoặc Marvel.
Bực mình nhất là có một đoạn, Zelazny đã xây
được một cảnh hành động rất ổn, nối rất mượt vào với phần triết lý, hay thậm
chí còn có thể coi là một phần nối dài của câu chuyện triết lý liền trước. Nó
là cao trào của một xung đột vốn đã được xây dựng từ đầu truyện đến bây giờ, xảy
ra giữa hai nhân vật ta đã hiểu rõ và thậm chí còn đem lòng mến mộ, và dù trên
lý thuyết không xôi thịt với thích mắt như các cảnh khác, đây có lẽ là phần kịch
tính nhất cả truyện. Nhưng rồi đùng một phát, tác giả cho một cảnh hành động
khác hồng hộc nhảy tòm vào chính giữa. Nó xuất hiện theo một kiểu rất ngáo,
chưa kể còn không giữ được sự kịch tính như cái cảnh mình thế chỗ (dù rằng mức
nguy hiểm trên lý thuyết đã được tăng lên), thế nên đọc thấy khó chịu vô cùng.
Và bắt đầu từ cái đoạn chen ngang kệch cỡm đấy,
câu chuyện cứ xuống dốc dần đều. Mọi thứ cứ nhảy chồm chồm vào mồm nhau, với một
loạt tình tiết mới thò mặt vào câu chuyện theo kiểu trên trời rơi xuống, không
hề được báo hiệu trước hay gì cả. Khi đọc vào, anh em sẽ có thể thấy Zelazny có
một cái đích đến rất cụ thể mà ông anh muốn hướng tới, nhưng lại cứ liên tục chọn
những cung đường lởm khớm để đi, xong buộc phải cho câu chuyện đánh võng một
cách rất vụng về. Rốt cuộc thì nó cũng lết được về đích, và cái đích đến kể
cũng không đến nỗi nào, nhưng sau một ê hết cả mông vì cái tay lái “lụa” của
Zelazny, anh em sẽ khó lòng mà tận hưởng được nó một cách trọn vẹn.
Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI
This Immortal là một tác phẩm hậu tận thế, và
tác phẩm không hề để ta quên điều này. Nó liên tục đề cập đến những “điểm nóng”
hạt nhân, đến cách con người đã bị phóng xạ tàn phá và gây đột biến, đến sự lụi
tàn của nền văn minh nhân loại, nhưng nó không sa đà vào khắc họa sự tiêu điều
hoang tàn như đại đa số các tác phẩm khác trong cùng dòng. Truyện có một cách
tiếp cận khá nhẹ nhàng, khắc họa chủ yếu những cảnh thiên nhiên mục đồng và sự
quay trở lại của một lối sống xưa cũ nghèo nàn. Mọi thứ nhìn chung vẫn được
nhìn nhận qua lăng kính tiêu cực, không lãn mạn hóa hành động kéo giật lùi nền
văn minh, nhưng vẫn có những cảnh nó mô tả nghe êm đềm và thanh bình đến lạ, đọc
rất thú.
Đáng chú ý nhất, This Immortal mang tiếng là
Sci Fi nhưng lại xây theo một kiểu đậm chất Fantasy. Nó vẫn có người ngoài hành
tinh, tàu không gian, súng đạn, rôbốt đầy đủ, và có đôi chỗ đi sâu vào miêu tả
khá tường tận một số cơ chế sinh học và kỹ thuật đằng sau các công nghệ ấy,
nhưng mọi thứ khoác trên mình một lớp áo diệu huyền. Đặc biệt, truyện lấy cảm hứng
cực nhiều từ thần thoại Hy Lạp, khắc họa các chủng người đột biến thành những dạng
thần rừng và đủ loại sinh vật huyền bí khác, giải thích lý do những tạo vật ấy
tồn tại theo kiểu tương đối khả dĩ, nhưng không ngừng sử dụng chúng để vẽ lên
những bức tranh mang đậm nét sử thi. Điều này khiến cho thế giới của This
Immortal như tồn tại trên một lằn ranh độc đáo, chân thực và lôgic song vẫn hư ảo
và bay bổng.
Cách This Immortal xây dựng thế giới cũng rất
hay. Nó không nói toạc hết ra tất cả mọi thứ ngay từ đầu, không đi sâu vào giải
thích quá cặn kẽ, không dồn thông tin thành những cục Infodump to khổng lồ.
Truyện tiến theo một kiểu rất tha thẩn, mỗi phân đoạn chỉ nhả ra những thông
tin thiết yếu nhất theo một kiểu khá bóng gió, chừa lại khá nhiều khoảng trống
để người đọc tự điền vào theo cách hiểu của bản thân. Thông tin nó đưa ra dù tối
giản nhưng rất dễ hình dung, và luôn vừa đủ để hình thành một khung xương cụ thể.
Thêm vào đó thì thỉnh thoảng, sau khi tiến
được một đoạn xa, truyện sẽ lộn ngược về trước để củng cố và tái khẳng định những
điều độc giả đã phỏng đoán, giúp cho bức tranh toàn cảnh dần hiện ra một cách rất
tự nhiên, và thế giới của truyện không đến mức như một khối hình trừu tượng, ra
đời để tác giả bắt bí người đọc.
NHÂN VẬT
Về khoản nhân vật của This Immortal thì đáng
chú ý nhất tất nhiên là Conrad, nhân vật chính của cả truyện. Thanh niên có một
đời sống nội tâm rất hấp dẫn, và vì truyện kể theo ngôi thứ nhất, ta có cơ hội
thâm nhập cực sâu vào trong tâm hồn của thanh niên này. Anh em sẽ được chứng kiến
hàng loạt giằng xé thú vị mà gã phải trải qua trong quá trình làm nhiệm vụ, được
thấy những trăn trở của gã đối với những thành viên tham gia cái tour mình dẫn
cũng như với bản thân cái nhiệm vụ và thế giới xung quanh, được cảm nhận cách
các quyết định mà gã phải đưa ra nặng đè lên lương tâm gã, đồng thời thấu hiểu
các lựa chọn gã thực hiện trong suốt câu chuyện.
Hấp dẫn nhất có lẽ sẽ là danh tính và quá khứ
của Conrad. Thanh niên là một dấu hỏi to đùng. Gã sở hữu một quá khứ vô cùng bí
ẩn, kèm một tuổi đời dài đến phi tư nhiên, bét ra cũng phải đã vài thế kỷ rồi.
Conrad không hề giấu giếm sự sống thọ của mình, và cũng đã đưa ra một lời giải
thích rất hợp lý cho nó: phóng xạ hạt nhân. Theo lời Conrad, gã là một trong
hàng ngàn đứa trẻ bị cuộc chiến Ba Ngày hủy hoại, chỉ có điều thay vì mọc sừng
hay móng guốc, gã tự nhiên sống mãi không già. Nhưng càng đi sâu vào trong câu
chuyện, khi ta càng được chứng kiến nhiều hồi ức của Conrad cũng như nghe cách
gã tiếp chuyện các nhân vật khác, ta càng thấy có nhiều điểm bất nhất trong câu
chuyện của Conrad. Thanh niên này dường như đã trải nghiệm những sự kiện rất xa
trong quá khứ, trước cả sự kiện Ba Ngày, tít từ tận thời kỳ của những anh hùng
trong huyền thoại và truyền thuyết. Rốt cuộc gã là ai? Một tên đột biến thuần
túy? Một người hùng huyền thoại như Heracles? Hay thậm chí chính là Pan, vị thần
cuối cùng vẫn chưa từ bỏ Trái Đất? Không một lần nào những điều ấy được khẳng định
chắc nịch cả, và ta hoàn toàn có thể diễn giải Conrad theo bất cứ cách nào, với
mỗi cách lại hơi làm thay đổi câu chuyện đi một chút.
Ngoài Conrad ra thì ta còn có cả một dàn nhân
vật khá đa dạng nữa, nhưng bọn họ bị phát triển theo một kiểu không đồng đều.
Đa phần chỉ dừng lại ở việc có một nét tính cách đặc trưng nhất định thôi, chứ
không có mấy chiều sâu để đi vào phân tích. Ngoại lệ lớn nhất là một thanh niên
sát thủ chuyên nghiệp đi theo cái đoàn này, địch thủ lớn nhất của Conrad. Đồng
chí được cho mấy đoạn bàn sâu về thế giới quan cũng như tư tưởng tâm tính, giúp
cho đỡ một chiều hơn, đồng thời còn góp phần khiến cho các hành động của cả hắn
lẫn Conrad mang một sắc xám nhòe nhòe, khó phân định đúng sai. Mỗi tội mấy đoạn
đấy không nhiều, thành ra cái sự hấp dẫn của thanh niên này lại trở thành một
điểm trừ, vì mình chỉ thấy hắn hiện lên như một cơ hội bị phí phạm mà thôi.
TỔNG KẾT
This Immortal không phải là một cuốn truyện hoàn hảo, với đôi lúc thậm chí còn như bị khủng hoảng danh tính, không rõ mình muốn chạy theo hướng nào. Tuy nhiên, nó vẫn có một lượng ưu điểm rất lớn, đủ để khỏa lấp những hạt sạn của mình, và thể hiện rất rõ rằng không phải vô cớ mình được lên đứng ngang hàng với Dune. Nếu muốn một câu chuyện triết lý mang màu sắc kỳ ảo, nhưng vẫn được neo vào thực tế với những cảnh hành động hấp dẫn, anh em hãy thử ngó qua cuốn này nhé.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓