Chuyển đến nội dung chính

Review Bí Kíp Quá Giang Vào Ngân Hà của Douglas Adams (viết bởi Lã Bảo)



🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌖🌑

8.75/10

Sắp tới Nhã Nam cho xuất bản một trong những tác phẩm kinh điển nhất dòng Sci Fi. Giờ mình review trước nhé.

Lưu ý: review được viết dựa trên bản gốc tiếng Anh. Bản dịch có thể sẽ có khác biệt.

Bí kíp quá giang vào ngân hà có cốt truyện khá đơn giản. Trong tích tắc trước khi Trái Đất bị phá huỷ, Arthur Dent được một ông bạn tên Ford Prefect cứu đi. Ford đang biên soạn một cuốn sách có tên ‘Bí kíp quá giang vào ngân hà’. Cặp đôi Ford và Arthur bắt đầu hành trình chu du dải ngân hà, gặp gỡ đủ thể loại sinh vật và mắc vào những tình huống khó đỡ.

Điểm nhấn của toàn bộ tác phẩm này là sự hài hước. Truyện cực kỳ hài, với văn phong viết theo tỉ lệ 1:1 – sau một câu tả thường sẽ đến một câu tí sặc nước bọt. Truyện rải đầy rẫy những câu chơi chữ, trả treo, châm biếm, nhận xét, hội thoại,… mà chẳng cần phải biết tình huống là gì, viết không ra thôi cũng đã thấy hài rồi. VD: 'Thoạt tiên không chuyện gì xảy ra cả. Thế rồi, một hai giây sau, vẫn không có chuyện gì xảy ra cả.' Cả những ý tưởng, những tình huống đưa ra trong truyện cũng khiến ta không biết làm gì ngoài ngoác mồm ra cười vì nó quá ngớ ngẩn. Chẳng hạn như Trái Đất bị cho nổ để làm đường cao tốc liên thiên hà, cá heo biết trước vụ này và tìm cách báo cho người nhưng ta lại tưởng bọn nó đùa,… Đại khái khi cầm đến truyện, hãy hình dung đây là một tập The Big Bang Theory kinh điển, có điều hài hơn.

Mặc dù truyện viết kiểu điên điên tưng tửng, nhưng Bí kíp quá giang vào ngân hà còn một cái hay nữa là đưa ra rất nhiều phỏng đoán chính xác về công nghệ tương lai. Điển hình nhất là “quyển sách” mà Ford Prefect đang biên tập. Tác giả tả nó giống hệt Wikipedia: một ngân hàng dữ liệu chứa đầy đủ các thông tin cần thiết, muốn gì có nấy, chỉ có điều thay vì là website thì nó là ebook. Truyện còn nhắc đến một mạng thông tin tích hợp, kết nối các máy tính và các thiết bị thông tin cầm tay (nói cách khác: mạng internet, kết nối máy tính và smartphone, tablet), các màn hình cảm ứng (touchscreen trên smartphone và tablet), và nhiều thứ khác nữa. Giờ nói ra nghe có vẻ bình thường, nhưng nên nhớ: Douglas Adams viết quyển này năm 1979; Internet ra đời năm 1990 (phiên bản nền tảng xuất hiện năm 1983); Wikipedia thành lập năm 2001; điện thoại cảm ứng đầu tiên ra đời năm 1992. 

Vì tác phẩm chú trọng hài hước, thế nên không đi quá sâu vào phân tích từng nhân vật một. Nhưng nói vậy không có nghĩa là truyện nhân vật viết chán. Các nhân vật trong truyện có những nét cá tính khá độc đáo và được khắc hoạ rất hài hước. Mô tả ra thì hơi khó nói bởi vì nếu tách khỏi khung cảnh của câu chuyện thì nghe sẽ rất khó ngấm, nhưng xin khẳng định các nhân vật vẫn có thể để lại ấn tượng sâu khi đọc. Cá nhân mình thích nhất mấy nhân vật AI. Trước mình đã từng đọc về đủ kiểu AI, từ đa cảm như Lovey của Becky Chambers cho đến lạnh lùng như rô-bốt của Isaac Asimov, nhưng vào trong truyện này vẫn thấy bất ngờ trước những nhân vật như Eddie với Marvin. Đám này hành xử rất hài, nhưng mà logic đằng sau mọi hành động cũng rất chặt chẽ, không vặn vẹo gì được. 

Vấn đề lớn nhất ở cái quyển này là cái cốt truyện của nó. Đây cũng chính là lý do mà nếu search review trên mạng, mọi người sẽ thấy Bí kíp quá giang vào ngân hà được rất nhiều người cực thích, và cũng có một lượng antifan đông đảo không kém. Cốt truyện rất đơn giản, chỉ có hai thanh niên đi phiêu lưu trong vũ trụ. Hết. Nó không có một cái mạch nào xuyên suốt, không thấy đích đến cuối cùng là ở đâu, ý nghĩa cuộc hành trình là gì. Có thể nói quyển truyện tạo cảm giác như một series với nhiều tập phim được đặt liền kề bên nhau, dùng cái khôi hài tưng tửng, cái kỳ quái, những diễn tiến bất ngờ để xâu chuỗi lại. Kể cũng đúng vì gốc nó là talkshow radio, cứ mỗi tập một kiểu, sau đó diễn xuôi ra văn nên như vậy. Và vì quyển này là tập đầu trong triology năm quyển (không có viết nhầm đâu nhé :v) nên cái kết nó rất chưng hửng, đọc xong thấy kiểu “wtf, phần còn lại đâu rồi?”

Nhìn chung, Bí kíp quá giang vào ngân hà là một tiểu thuyết Sci Fi vô cùng hài hước theo kiểu điên điên. Mọi thứ trong truyện, kể cả cái cốt, đều là một trò đùa, vì toàn bộ cái vũ trụ của Douglas Adams là một trò đùa. Bạn nào muốn kiếm một tác phẩm mang tính giải trí cao và không quá xét nét về độ sâu sắc cũng như tính logic thì mình rất khuyên nên đọc.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.