Chuyển đến nội dung chính

Review Random Acts Of Senseless Violence của Jack Womack

Để dẫn chứng cho bài về việc Sci Fi không phải là nô lệ của khoa học hôm qua, mình xin được review 1 cuốn với độ khoa học cực li ti, nhưng vẫn technically là Sci Fi:



🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌑

9.0/10

=====

TL;DR

=====

Flower for Algernon + Brave New World. Có điều thảm thương hơn.

==============

CỐT/VĂN PHONG

==============

Note: quyển này mình đọc từ lâu rồi, và nay review dựa trên trí nhớ, thế nên tình tiết có thể sẽ hơi nhớ nhớ quên quên.

Random Acts of Senseless Violence (RASV) là một cuốn tiểu thuyết Dystopia của tác giả Jack Womack, được viết dưới dạng nhật ký của một bé gái 12 tuổi tên là Lola. Bé này sống ở một phiên bản tương lai của Thành phố New York, bấy giờ đang trải qua một cuộc đại suy thoái vô danh nào đó. Truyện thuật lại những biến động mà gia đình bé gái này trải qua trong cuộc suy thoái ấy, cũng như chính quá trình trưởng thành của con bé trong lúc bị đời vả bôm bốp vào mặt.

Cốt của RASV thực ra cũng không có gì đáng nói lắm. Nó diễn ra khá thẳng, không có nhiều plot twist hay gì hết, và thậm chí có khi còn đoán được hòm hòm cái cốt sẽ dẫn đến đâu.

Nhưng quan trọng là cái cách câu chuyện được kể.

Ôi lạy Chúa, cái mô tả của nó.

Vẫn những sự kiện ta thường thấy trong các cuốn Dystopia hay Post Apocalypse, vẫn cái cách xã hội dần trở nên hỗn loạn, bạo động bùng nổ, băng đảng hình thành, con người bắt đầu sống tha hóa,… không một thứ gì quá mới mẻ cả, thậm chí còn “lành” hơn hẳn phần đông các tác phẩm khác, nhưng khi được  nhìn qua mắt của một con bé chưa biết sự đời là gì thì mọi thứ trông khác hẳn. Tác giả viết cực kỳ khéo, giữ rất chuẩn cái giọng ngây thơ của bọn trẻ con, nhưng vẫn thả đủ tình tiết để ta đọc vào là hiểu luôn chuyện gì đang diễn ra.

Và rồi theo đà mạch truyện phát triển, khi những sự kiện khác dần xảy đến với gia đình Lola, ta mới bắt đầu đến cái chỗ đáng sợ nhất của câu chuyện này.

Cái giọng của nó thay đổi.

Lúc mới đầu thì chỉ là những thứ cực nhỏ thôi, chẳng hạn cách Lola không còn nghe có vẻ lạc quan cho lắm nữa, nhưng vẫn còn cố tự bịa lý do để bao biện cho những sự kiện xảy đến với bố mẹ và gia đình, hay cách nó vẫn cố gắng bới móc điều tích cực ra để mà nhìn vào. Thế rồi những thứ ấy bớt dần đi. Nó trở nên cay đắng hơn. Cách nó sử dụng từ ngữ bắt đầu thay đổi. Thái độ nhìn đời của nó thay đổi. Ta thấy cách cái xã hội xung quanh dần ngấm vào người nó, nhào nặn nó, biến đổi bản chất nó. Womack có một cái kiểu viết cực kỳ “mất dạy”, đó là cứ mồi một số cái hy vọng giả cho người đọc. Và khốn nạn một cái nữa là bản thân ta cũng sẽ cực kỳ muốn bấu víu vào cái hy vọng mà Womack đưa ra, mặc dù càng ngày càng khó để phủ nhận một sự thật đau lòng: chúng ta đang chứng kiến sự ra đời của một Chí Phèo.

================

Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI

================

Thế giới có lẽ là phần mình nhớ mù mờ nhất, căn bản là vì cũng như cốt, nó không thực sự có gì quá mới lạ. Như đã nói ở trên, RASV lấy bối cảnh l̶à̶n̶g̶ ̶V̶ũ̶ ̶Đ̶ạ̶i̶ New York tương lai, nhưng mà lại là tương lai cực kỳ gần. Đừng kỳ vọng sẽ thấy ô tô bay, giao diện ảo, hay thậm chí là cả một cái smartphone (quyển này viết năm 90 mà). Thứ duy nhất cho ta biết đây là tương lai chỉ là nhờ những lời cực kỳ bóng gió của Womack, với cách một số thứ lúc bấy giờ chưa xuất hiện, chẳng hạn sự phân rã của hệ thống chính quyền, và sự trỗi dậy của những băng đảng du côn đường phố.

Nhưng cái sự gần của nó ấy lại chính là thứ khiến cuốn truyện này hớp hồn đến thế, bởi lẽ mọi thứ đều như thể ngay ngày mai sẽ diễn ra được. Không cần một thiên tài nghĩ ra công nghệ vượt thời gian hay một quả thiên thạch lao rầm xuống đất gì hết. Mọi thứ đã có sẵn. Nền tảng đã xong sạch. Đặc biệt trông vụ Cô Vy và việc kinh tế đang ngấp nghé bờ vực suy thoái (anh em tra thử về tình hình NYC mấy bữa nay là sẽ thấy ngay) mà thấy quyển này có khi thành hiện thực tới nơi rồi, khiến sự rùng rợn của nó càng tăng lên gấp bội.

Và cũng như cái cốt, quan trọng là ở cách Womack truyền tải mọi thứ.

Như mình đã nói, truyện “lành” lắm. Không có lắm cảnh máu chảy đầu rơi với đủ thứ suy đồi mà mấy quyển Dystopia hay thích nhồi vào để thể hiện mình edgy đâu (mặc dù nếu nhớ không nhầm cũng có mấy đoạn khá trần trụi). Nhưng cái sự tàn nhẫn của cái thế giới vẫn được bật lên ở những địa điểm và phân cảnh cực kỳ tầm thường. Thứ mình nhớ nhất về cái thế giới này thực ra lại là một cái hiệu sách nhỏ/ Nó chẳng có gì đặc biệt hết, chỉ là một cái hiệu sách thôi, và trong phân cảnh ấy chỉ có 3 nhân vật, con bé Lola, mẹ nó, và ông chủ hiệu sách. Chẳng ai chết hết. Thậm chí còn không sứt đến một cái móng tay. Nhưng mà lạy Chúa, cái chuyện xảy ra ở đấy, cái thứ mà cái hiệu sách đó đại diện…

=========

NHÂN VẬT

=========

Nhân vật là cái hồn nối kết toàn bộ quyển truyện này lại với nhau, và là thứ khiến cho một cuốn sách với cái cốt bình thường và thế giới còn bình thường hơn trở nên đáng nhớ vô cùng.

Cái bản chất “keo dính” của nhân vật thì hẳn anh em đọc đến đây cũng đã nhận ra rồi, vì trong phần tả cốt lẫn thế giới, mình luôn đá nhân vật vào. Điều này cũng dễ hiểu thôi, vì một cuốn truyện tả qua những trang nhật ký thì làm thế nào mà tách rời nhân vật ra khỏi ngoại cảnh được?

Nhưng kỳ diệu một điều là bất chấp cuốn nhật ký chỉ kể độc qua con mắt của Lola, Womack vẫn xoay xở tạo dựng lên được cả một dàn nhân vật phụ lôi cuốn vô cùng. Ngoài Lola ra thì chỉ có thêm 1 con bé khác là Iz, bạn thân mới của nó, là còn được tả chi tiết, vì hai đứa chơi thân với nhau, nhưng không một nhân vật nào lại không gây ấn tượng cả.

Ngay cả những con người không nằm trong tâm điểm, chỉ xuất hiện qua lời tả của con bé một cách gián tiếp, tầm 1, 2 dòng mỗi lần, vẫn bộc lộ được một cá tính rất sắc nét, gợi được cho ta hình dung ra họ đang phải trải qua những khó khăn gì. Chính vì thế mà không nhân vật nào gây cảm giác đây chỉ là gia vị, cho vào cho truyện thêm tí đa dạng, mà họ đều như một phần hiện hữu rất thực, khiến ta cảm thấy đau lòng mỗi khi một chuyện gì đó xảy đến với họ. Nhưng dù có bản sắc rất riêng biệt, ta vẫn thực sự cảm nhận được rằng những con người này là một phần của Lola, giúp neo con bé lại, và cứ mỗi một lần có nhân vật nào rời đi, ta lại thấy Lola như vừa mất đi một phần hồn, và tiếp tục trượt sâu trên con đường tha hóa.

=========

TỔNG KẾT

=========

Random Acts of Senseless Violence là một minh chứng rất hùng hồn cho việc Sci Fi thực chất vượt xa hơn cái phần “Sci” của mình rất nhiều. Hàm lượng khoa học của nó thấp kinh khủng, đến mức có đem kính hiển vi ra soi cũng phải căng mắt lắm mới thấy được. Nó là một bức tranh phi thực nhưng cũng vẫn rất thực về một tương lai tiềm tàng đang đón đợi chúng ta, một lời nhắc nhở rằng với chỉ một cú hích cực nhẹ, tất cả chúng ta hoàn toàn có thể cắm đầu xuống vực mà không thể làm gì được. Mặc dù hơi bị thọt ở khoản tính sáng tạo, đây vẫn là một tác phẩm cực kỳ hấp dẫn, đáng để tìm đọc.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.