Chuyển đến nội dung chính

Review Dragonsbane của Barbara Hambly


🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌖🌑

8.75/10

=====

TL;DR

=====

The W̵i̵t̵c̵h̵e̵r̵ Dragonsbane, nhưng tâm lý và PG-13 hơn.

==============

GIỚI THIỆU CHUNG

==============

Dragonsbane là một cuốn tiểu thuyết High Fantasy hồi năm 1985 của Barbara Hambly, trứ danh là cuốn tiểu thuyết đã giúp Brandon Sanderson, ông hoàng Epic Fantasy thời hiện đại, trở nên mê đọc truyện và về sau dấn thân hẳn vào mảng này.

Trọng tâm của truyện là một cặp vợ chồng trung niên. Ông chồng, John Aversin, là người duy nhất còn sống từng tiêu diệt được một con rồng, và bởi thế được mệnh danh là Dragonsbane (tức Dũng Sĩ Diệt Rồng); còn bà vợ, Jenny Waynest, là một phù thủy hạng xoàng, nhưng đã góp công giúp chồng diệt con rồng ấy. Bất chấp chiến công lẫy lừng của mình, họ lẳng lặng sống một cuộc đời bình dị tại S̵c̵o̵t̵l̵a̵n̵d̵ Winterland, một vùng đất nghèo khó nằm ở phía Bắc A̵n̵h̵ ̵Q̵u̵ố̵c̵ Ylferdun.

Thế rồi một ngày nọ, một tai họa tự nhiên giáng xuống đầu Ylferdun. Một con rồng hung dữ chợt xuất hiện, tàn sát người dân Ylferdun và cướp đoạt The Deep, một hầm mỏ rất quan trọng của Ylferdun, nơi sinh sống của những thần lùn. Rất nhiều nỗ lực đã được triển khai nhằm xua con rồng đấy đi, nhưng tất cả đều có một kết thúc đầy thảm khốc. Chưa hết, chính trong lúc này, triều đình Ylferdun lại còn đang phải đối mặt với một cuộc phản loạn, và The Deep là một cửa ngõ cực kỳ then chốt đối với cả hai phe.

Trước cảnh vận nước rối ren, Gareth, một hiệp sĩ trẻ măng, đã đánh liều lặn lội đến tận Winterland để cầu cứu John Aversin. Khổ nỗi vốn sống của thanh niên hiệp sĩ non choẹt ấy chỉ gói gọn trong mấy bản dân ca hoa mỹ mình tối ngày chúi mũi vào, và cậu chàng sắp sửa nhận ra thực tại xa cách mấy vần thơ đến độ nào…

=====================

MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG

=====================

Dragonsbane có một mạch khá chậm, cả cuốn chỉ rải rác vài ba cảnh hành động, còn đâu chủ yếu nhẩn nha đi trông trời trông đất trông mây, và đào sâu vào khắc họa tâm lý nhân vật cùng các mối quan hệ giữa dàn nhân vật với nhau (lát đến phần nhân vật sẽ bàn cụ thể hơn). Trên thực tế, trong lúc đọc tầm 1/3 đoạn đầu, mình lắm lúc cứ ngỡ đây sẽ triển khai như kiểu một cuốn Contemporary Fiction (còn gọi là Realistic Fiction, tức truyện xoay quanh các thứ bình dị trong cuộc sống thật) hoặc một bộ manga Slice of Life (tương tự trên, nhưng mà, ờm, manga 🐧 ), với việc giết rồng các kiểu chỉ là một cái cớ phụ để cốt diễn ra thôi.

Chính vì cái kiểu đấy mà review Dragonsbane trở thành một công việc xương xẩu hẳn, bởi vì tả ra thì kiểu gì nghe cũng sẽ thấy nó có vẻ chán, trong khi thực tế thì ngược lại hẳn. Tác giả Hambly cực kỳ biết tạo dựng không khí, và một tác phẩm với nhiều khoảng lặng như thế này hợp với lối viết ấy vô cùng. Gần như không một đoạn nào mình không bị hớp hồn bởi cái kiểu nhẩn nha âm ỉ của nó với những chiêm nghiệm về cuộc đời và những băn khoăn, do dự trước các quyết định cả to lẫn nhỏ. Mấy cái đoạn này cuốn tới độ mình thậm chí còn chẳng muốn đọc đến đoạn đánh nhau thực với con rồng, chỉ mong tác giả tiếp tục kéo dài thật dài cái chặng đường đi từ Sco…, à nhầm, Winterland về Ylferdun thôi để còn được tiếp tục đắm chìm trong những khoảnh khắc như thế.

Và cả phần hành động cũng khá ấn tượng nốt, dù rằng chúng ít ỏi và đòi hỏi thời gian đầu tư ban đầu hơi lâu. Ở phần đầu thì mấy cảnh đánh nhau nó khá là tiêu chuẩn, không đặc sắc lắm, thậm chí còn có thể gọi là hơi mang mùi mấy cái phim Fantasy kinh phí thấp năm 80-90. Trên thực tế, mấy cái cánh đánh nhau đó chỉ tổ càng củng cố ấn tượng của mình rằng nên xác định đây sẽ là một cuốn đọc vì nhân vật và không khí chứ không phải vì cốt.

Nhưng sang đến khoảng nửa sau thì mọi thứ lại đổi khác.

Ừ, cảnh hành động vẫn ít đấy, và nhân vật với không khí vẫn là trọng. Nhưng vì Hambly đã đầu tư rất xuất sắc mảng nhân vật lúc ban đầu, mấy cảnh hành động ở đây dù chớp nhoáng đến đâu vẫn tạo ra một sự ngộp thở khó tả. Bởi lẽ anh em đã quá quan tâm đến nhân vật rồi, và đã được nhồi đi nhồi lại trong đầu rằng đây không phải là một thế giới giống với mấy bản dân ca lãng mạn, mọi người sẽ không khỏi run rẩy và lo lắng trước từng diễn tiến của trận chiến.

Ngay cả nếu thích đánh đấm kiểu xôi thịt thì anh em cũng không sợ sẽ thất vọng đâu nhé, vì càng về sau thì Hambly càng tăng cường đầu tư cho các trận đánh hơn, cho chúng trở nên vừa dài vừa gay cấn hơn hẳn, đồng thời vẫn giữ nguyên cái kiểu kịch tính vì lo cho nhân vật như cũ. Và đến đoạn cuối thì có cả một cuộc giao đấu cực kỳ mãn nhãn, với độ khốc liệt đáng ngạc nhiên so với những gì diễn ra tính đến nay trong tác phẩm.

Một yếu tố khác cũng nửa lôm côm, nửa hấp dẫn là các quả plot twist trong truyện. Cái truyện này dù khá độc đáo, nó vẫn cứ là một cuốn Fantasy dành cho thanh thiếu niên, thế nên Hambly vẫn dựa dẫm vào một số mô típ nền tảng của dòng để xây tác phẩm. Nếu đã đọc Fantasy quen rồi thì sẽ có một số đoạn anh em thấy các cái manh mối dự báo cốt bị thả khá lộ, và có thể ang áng một số tình tiết. Cũng may là chủ yếu mấy quả làm lộ đó không phải là mạch cốt lớn, thế nên vẫn có khá nhiều pha bẻ lái bất ngờ để thu hút anh em nếu mọi người muốn đọc lấy cốt.

Miễn là anh em không nhìn cái bìa gốc <(“).

Lạy Chúa, cái thằng cha ra quyết định thả cái dòng giới thiệu đấy lên bìa cần bị tước giấy phép hành nghề vĩnh viễn <(“).

===============

Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI

===============

Khi mới đọc vào truyện, anh em hẳn sẽ có ấn tượng Dragonsbane rất giống với Witcher (mặc dù xét chuẩn ra thì phải so ngược lại mới đúng, bởi vì Dragonsbane là tiền bối của nó). Nó cũng có một cái không khí ảm đạm tăm tối, kiểu chế nhạo và deconstruct (đọc thêm về thủ pháp này ở đây: https://www.facebook.com/groups/SciFiReadersVN/permalink/3423778537709389/) các mô típ Fantasy truyền thống như kiểu anh hùng phải tỏa sáng ngời ngời hay chuyện tình mỹ nhân hoàng tử luôn có một cái kết tốt đẹp. Bên cạnh đó, nó còn có cả cái kiểu khắc họa các sinh vật thần thoại dưới một góc nhìn khác, không phải những chú yêu tinh tươi vui giúp nhân vật chính thực hiện mục tiêu của mình, mà là những chủng người và dân tộc với những nếp văn hóa, phong tục, quan hệ chính trị riêng. Và tiện nói đến chuyện chính trị, theo đúng chuẩn của High Fantasy, ta có những chiêu trò và mưu mô trong hoàng cung đủ cả, với các phe phái chia bè kết cánh đấu đá nhau loạn xạ. Nhìn chung thú vị ra phết.

Đặc biệt một điều là dù viết theo style tiệm cận Contemporary Fiction như thế này, Hambly lại không bị vướng vào một nhược điểm mà không ít nhà văn mắc phải, ấy là không tận dụng tối đa cái bản sắc SFF của mình. Những cuốn chẳng hạn như The Children of Men hoặc Never Let Me Go cũng chơi cái kiểu cốt trầm lặng thay vì những thứ hành động khủng, về cơ bản đọc như một câu chuyện đời thường trong một thế giới phi thực (mặc dù bọn này dùng thế giới Sci Fi chứ không phải là Fantasy), nhưng lại ngó lơ cái thế giới hấp dẫn của mình một cách quá trớn. Nó tạo ra cảm giác bản thân tác phẩm xấu hổ về cái mác dòng ngách của mình, và cố gắng chối bỏ nó bằng mọi giá. Riêng Hambly thì không chơi kiểu đấy. Bà tích hợp các yếu tố Fantasy vào những phân đoạn đời thường rất nhuần nhuyễn, liên tục để thế giới tích cực góp mặt xây dựng câu chuyện, hùng hồn tuyên bố mình là Fantasy chứ không tạo cảm giác đang try hard ghi điểm với mấy ông bên mảng vĂn ChƯơnG ĐÍch thỰCᵀᴹ.

Và ngoài đó ra thì cái hệ thống phép thuật của truyện cũng được xây dựng rất ổn. Nó có một cái quy luật nền rạch ròi, về cơ bản khá tương đồng với Fullmetal Alchemist (mặc dù của thằng này là định luật bảo toàn vật chất, còn của Dragonsbane là định luật bảo toàn năng lượng), nhưng cũng đủ thoáng để phép thuật có thể rộng tay làm bất cứ cái gì mình muốn. Điều này giúp câu chuyện có những màn sử dụng phép thuật khá ma mị vào huyền ảo, nhưng không bao giờ tạo cảm giác Hambly đang chém tung trời tung đất hết. Cứ khi nào phép thuật thò tay vào, dù là để pha độc dược hay tiên đoán hay biến hình, anh em sẽ đều thấy nó hợp lý và lôgic, không thấy nó như một cái chìa khóa vạn năng để tác giả hứng lên là mang ra giải cứu nhân vật.

Tuy nhiên, cũng như phần cái cốt, Dragonsbane không thực sự đánh mạnh vào mảng này. Anh em cứ xác định là đừng kỳ vọng sẽ thấy một cái thế giới với bề dày lịch sử phong phú và đủ kiểu quan hệ chính trị nhập nhằng phức tạp như A Song Of Ice And Fire hay đến cái cây mà còn có ngôn ngữ riêng như Lord of the Rings nhé. Cách tiếp cận của nó khá tương đồng với những gì Animorphs từng thực hiện trong Sci Fi, ấy là xây dựng vừa đủ để có một thế giới nền vững chắc, kèm một số sự độc đáo để tạo sức cuốn hút nhất định, còn đâu dành thời gian đi làm việc khác.

Cụ thể hơn, cái việc khác đó là…

========

NHÂN VẬT

========

Đây là trái tim của Dragonsbane, và đọc vào là có thể hiểu tại sao quyển này lại đủ sức khơi dậy tình yêu với truyện sách mạnh mẽ đến vậy ở anh cu Sanderson 11 tuổi, bấy giờ đã ngán đến tận cổ việc sờ vào ba cái miếng bột gỗ in chữ.

Ở trên, mình có bảo truyện xoay quanh hai vợ chồng John và Jenny, và nói thế kể cũng không sai. Cốt chính đúng là xoay quanh hai con người này thật. Nhưng thực tế thì John chỉ là một nhân vật phụ cấp cao thôi, còn cái tác phẩm này gần như là màn độc diễn của bà phù thủy Jenny.

Không như phần đông các tác phẩm Fantasy phiêu lưu khác, Jenny trên lý thuyết là một nhân vật chính cực kỳ dở. Bà chị đúng là mang danh phù thủy đấy, nhưng sở hữu năng lực rất xoàng xĩnh, chỉ làm được một số việc tầm thường. Đến cả ngoại hình của Jenny cũng bị chê lên chê xuống, trông vừa xấu vừa bần (xấu kiểu Thị Nở ấy nhé, không phải “xấu” kiểu Chloe Moretz đeo răng giả mà Hollyweed hay làm đâu 🐧 ), hành xử quê kệch, nhìn chung là chẳng mê nổi điểm nào.

Ấy nhưng mà cái thế giới nội tâm của bà này được viết sâu sắc ngoài sức tưởng tượng. Ta thấy bà dẫu ngoài mặt đã chấp nhận mình sẽ chẳng thể làm được cái gì tử tế cho đời cả, nhưng vẫn ngầm thấy ghen tị với những con người thành đạt khác (về mặt phép thuật) và không ngừng tiếc nuối cái tiềm năng mình đã bỏ lỡ. Có rất nhiều phen ta thấy Jenny suy đi tính lại lựa chọn không toàn tâm toàn ý theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu phép thuật nữa, mà để dành một phần thời gian vun vén chuyện gia đình. Bà tự chất vấn bản thân liệu đấy có phải là quyết định đúng đắn không, và bất kể nghĩ theo hướng nào thì cũng cảm thấy cắn rứt vô cùng. Nếu thấy hối vì đã chọn gia đình thay vì sự nghiệp, Jenny sẽ không khỏi tự thấy xấu hổ về bản thân vì đã nghĩ đến một điều ích kỷ như thế. Còn nếu cảm thấy mình nên cắt giảm thời gian luyện phép để về chăm lo chồng con, Jenny lại thấy hổ thẹn với danh dự pháp sư, và cảm thấy mình như đang để phí hoài cuộc đời và những tiềm năng của bản thân. Nhưng đau một cái là bà ý thức rất rõ cái kiểu ỡm ờ của mình như thế này cũng chẳng thể ổn được, vì nó khiến cả chuyện sự nghiệp lẫn gia đình đều chẳng đi đến đâu hết.

Khi nhìn vào cái nhân vật Jenny này, anh em sẽ nhận thấy rất rõ tác giả Hambly đang muốn khắc họa cái khủng hoảng tuổi trung niên, và bà đã thực hiện được điều đó một cách thành công vang dội. Chúng ta ai cũng có ít nhất một lần từng trăn trở trước những hoài bão dở dang, từng lao đao tìm cách cân bằng cuộc sống sự nghiệp/gia đình, từng bị ám ảnh bởi câu hỏi, “Nếu ngày ấy mà ABC thì biết đâu giờ mình thành đạt rồi?”, bị cái cảm giác tự ti và ngờ vực về bản thân đầy khó chịu thỉnh thoảng lại chường mặt ra để nhiếc móc mình, nói khống lên những điểm yếu và ngó lờ thành tựu để bảo rằng chúng ta là những kẻ kém cỏi, hay thậm chí còn không xứng đáng với những thành quả bản thân đã đổ mồ hôi sôi nước mắt để gặt hái được. Tất cả những thứ ấy đều hiện hữu trong nhân vật Jenny, và từ đó biến bà thành một nhân vật cực kỳ dễ đồng cảm.

Cả cái cuộc hôn nhân giữa John và Jenny cũng là một điểm nhấn cực kỳ hấp dẫn của tác phẩm. Cũng như phần bản thân Jenny, cái cuộc tình này không mang sắc mãnh liệt như ta thường gặp trong Fantasy truyền thống, mà cũng chẳng đến mức thực dụng như cách Fantasy hiện đại thời nay thường làm. Đây là một cái tình yêu đã đạt đến một sự chín nhất định, không phải lúc nào cũng nhìn nhau theo cái kiểu hồng tươi sặc sỡ nữa, nhưng cũng không đến mức chỉ muốn cứa cổ nhau để đường ai nấy đi. Ta có thể thấy cả hai không hẳn hài lòng hoàn toàn với nhau, và cũng có lúc nảy sinh xung đột và nghi ngờ, nhưng họ luôn toát lên cái vẻ thấu hiểu và quan tâm đến nhau, ý thức được sự ích kỷ của bản thân và cố gắng nhẫn nhịn nhau để đảm bảo nửa kia của mình được hạnh phúc.

Trên thực tế, cái mối quan hệ này mới là xung đột thực sự của cả truyện, còn cái xung đột về cốt chính kia chỉ mang tính chất phông bạt, thúc đẩy cái mối quan hệ này đến với cái cao trào của nó, dồn nhân vật vào thế phải đưa ra lựa chọn tối hậu của đời mình: gìn giữ gia đình, hay theo đuổi đam mê.

Lẽ đương nhiên, với cái trọng tâm rõ rệt như thế thì dàn nhân vật phụ sẽ không được đầu tư bằng. Trên thực tế, có một số thanh niên trong này mang lại cảm giác họ chỉ như đòn bẩy để thúc cốt hay diễn biến nội tâm của nhân vật chính thôi, chứ chẳng có chiều sâu gì lắm. Chẳng hạn phản diện chính về cơ bản cũng  chỉ có cái động lực là UNLIMITED POWAAAAHHHH! điển hình thôi, chứ không có gì sâu xa hơn thúc đẩy hết. Cơ mà được cái là về sau, cái sự “nông” của đồng chí này được Hambly tận dụng rất khéo, dẫn ngược về chính bản thân Jenny, và anh em sẽ nhận ra mọi thứ đều có chủ đích cả, và vẫn thấy đây là một nhân vật thú vị (mặc dù không phải tự thân cái ả đấy là kẻ thú vị 🐧 ).

Dẫu vậy, cũng có kha khá nhân vật được viết rất tốt, gần đủ tầm đứng ngang hàng hai nhân vật chính. Ví dụ tiêu biểu nhất là cái anh cu Gareth ba ngơ, ban đầu được khắc họa theo một kiểu trẻ trâu hơi khó chịu, nhưng dần dần được phát triển lên một cách rất ấn tượng, với những lo toan và giằng xé riêng, sâu sắc đến bất ngờ. Dù rằng không có cửa để đứng cạnh Jenny, hay thậm chí là John, Gareth vẫn để lại một ấn tượng rất tốt, gần như nhân vật The Kid trong cái phim Unforgiven của Clint Eastwood ấy.

========

TỔNG KẾT

========

Trong phần thế giới, mình có so sánh Dragonsbane với Animorphs, và không phải là không có lý do. Dragonsbane gần như có thể gọi là Animorphs của Fantasy, với việc tích hợp các theme tăm tối và sâu sắc vào một câu chuyện phiêu lưu dành cho độc giả trẻ (mặc dù tầm tuổi đọc Animorphs chắc chưa nên cho đọc Dragonsbane, vì nó hardcore hơn nhiều 🐧 ), tạo thành một tác phẩm vừa hấp dẫn, vừa đáng suy ngẫm. Nó tất nhiên cũng có một số hạt sạn, và có thể còn tùy việc anh em muốn tìm kiếm cái gì ở Fantasy mà sẽ thấy liệu có hợp được với cái style của nó hay không. Nhưng nhìn chung, một khi đã đọc vào quyển này, anh em kiểu gì cũng sẽ nhận thấy không phải vô cớ Dragonsbane chính là thứ đã tán đổ một trong những đại thụ làng Fantasy đâu.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.