Chuyển đến nội dung chính

Review Ninth House của Leigh Bardugo



🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌑🌑🌑

7.0/10

TL;DR

Dirty Harry Potter, với Hogwart nằm ở Yale, và Harry là con nghiện hoàn lương.

GIỚI THIỆU CHUNG

Ninth House là một cuốn tiểu thuyết YA Fantasy lai trinh thám, sáng tác bởi Leigh Bardugo, tác giả bộ Móng vuốt quạ đen nổi tiếng. Năm 2019, Ninth House đã đoạt giải Goodreads Choice ở hạng mục tiểu thuyết Fantasy xuất sắc nhất.

Về cốt thì Ninth House theo chân Galaxy “Alex” Stern, một cô gái đôi mươi với cảnh đời đầy u tối. Cô sinh ra trong một gia đình mẹ đơn thân nghèo khó ở Los Angeles, tối ngày thiếu ăn thiếu mặc. Lên đến cấp hai, Alex bắt đầu giao du với một toán anh chị bất hảo, và bắt đầu dấn thân vào thế giới tội ác, ngày ngày đem ma túy vào trường bán cho học sinh. Dần dà, Alex bỏ học hẳn, nhảy tòm vào thế giới của những cơn phê lú đầu, những trận đòn thô bạo của thằng bạn trai kiêm mối buôn hàng, những lần phải nghiến răng bán mình trong các nhà vệ sinh xập xệ để trả nợ tiền thuốc. Cứ mỗi khi những tưởng mình đã chạm đáy bần cùng rồi, Alex xem chừng lại xoay xở đục xuyên qua nó, và mò thấy một cái đáy đen kịt mới. Không một ai, kể cả Alex, tin rằng số phận cô sẽ có một cái kết cục gì tử tế hơn một con chó hoang: chết vật vạ đầu đường xó chợ, không một ai đoái hoài.

Nhưng đùng một cái, Alex thò được chân vào Yale.

Đại học Yale. Một trong những trường đại học danh giá và tuyển lọc đầu vào thuộc hàng khắt khe nhất nước Mỹ, nếu không muốn nói là cả thế giới.

Và Alex không chỉ được nhận vào Yale thôi đâu. Cô nàng được vào với một suất học bổng toàn phần, bao ăn ở trọn gói, chưa kể còn được dúi cho nguyên một đống tiền để trả sạch nợ nần, dứt hẳn quan hệ với các thành phần xã hội đen, về cơ bản được làm lại cuộc đời ở một mốc nằm sát xịt vạch đích nữa chứ.

Tại sao một kỳ tích như vậy lại có thể xảy ra? Bí quyết của Alex là gì? Phải chăng cô là một thiên tài ẩn? Phải chăng cô sở hữu một nghị lực sắt đá vô tiền khoáng hậu? Phải chăng cô đã chơi trò chính trị và tống tiền hay thao túng ban quản trị Yale theo một cách nào đó?

Không, không, và không. Sở dĩ Alex vào được Yale là vì cô nắm trong tay một tài năng độc đáo: nhìn thấy được ma.

Ngay cả tại New Haven, vùng “trũng” đối với các dòng chảy ma thuật, nơi mọi phép lạ đều dồn tụ về và ẩn nấp trong từng viên gạch, từng chiếc lá, khả năng của Alex vẫn là một thứ cổ kim hiếm gặp. Chính bởi vậy, Lethe, một bí hội ma thuật cổ đặt trụ sở tại Yale, đã quyết định chiêu mộ Alex. Họ muốn cô sử dụng món quà trời cho ấy để giúp mình thực hiện một nhiệm vụ đầy hệ trọng, vốn đã được Lethe bí mật thực hiện ngót nghét trăm năm: giám sát hoạt động của Tám Bí hội Cổ xưa.

Bí hội Cổ xưa là tám hội sinh viên lâu đời đồng thời cũng quyền lực nhất Yale, chuyên nghiên cứu đủ thứ phép thuật thần bí trên đời. Với những phép thuật ấy, Tám Bí hội Cổ xưa đã giúp làm nên cơ đồ của hàng bao tỷ phú, củng cố sự nghiệp của hàng chục chính trị gia, thậm chí còn xoay chuyển cả vận mệnh của các quốc gia. Lẽ đương nhiên, đặt một công cụ hùng mạnh như vậy vào tay một toán thanh niên vắt mũi chưa sạch, đặc biệt lại còn là những đứa vốn lớn lên trong nhung trong lụa, được nhiều nhân vật tai to mặt lớn bảo kê, thì thảm họa chắc chắn sẽ xảy ra. Chính bởi vậy, Lethe mới ra đời, giữ vai trò đảm bảo không bí hội nào làm gì gây nguy hiểm cho bản thân và cho người thường, hoặc chỉ đơn thuần là để lộ cho thế giới bên ngoài biết về sự tồn tại của phép thuật.

Nhưng ngay cả với một cơ quan kiểm soát độc lập như Lethe, trong lòng Tám Bí hội Cổ xưa vẫn tồn tại những góc khuất mờ ám và nguy hại khôn lường. Và một đêm nọ, sự thối nát tiềm ẩn ấy đã lộ diện trước Alex, dưới dạng xác chết bị băm vằm đầy man rợ của một cô gái bí hiểm, quẳng vất vưởng tại một mảnh đất hoang ngay trong khuôn viên của Yale…

MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG

Ninth House nhìn chung có hai mạch truyện chính, lồng ghép xen kẽ vào với nhau. Mạch đầu tiên diễn ra ở thời hiện tại, theo chân cô Alex kia đi giải mã vụ án mạng man rợ xảy ra ở đầu truyện. Mạch thứ hai diễn ra trong quá khứ, thuật lại hành trình của Alex và một nhân vật chính khác, điểm qua cách họ trở thành con người của hiện tại. Bên cạnh đó, cái mạch thứ hai kia còn chứa cả một cái mạch nhánh khác, xoay quanh việc vén màn một vụ án khủng khiếp nhưng cũng hết sức bí ẩn mà Alex từng dính vào, liền trước khi cô đến Lethe.

Mạch thứ nhất thì có kết cấu gần như y xì đúc một cuốn trinh thám Noir. Alex sẽ đóng vai một ông thám tử nghiệp dư, chạy ngược chạy xuôi theo đuổi các manh mối liên quan đến vụ án mạng. Càng đào sâu tìm hiểu, sự tình càng trở nên phức tạp hơn, với nạn nhân có dây mơ rễ má đến gần như tất thảy mọi bí hội tại Yale, và thậm chí còn cả một số thành phần bất hảo không dính dáng gì đến các bí hội nữa. Hầu hết các nhân vật chường mặt ra trong truyện đều sở hữu động cơ tiềm tàng để gây án, và họ hoặc trực tiếp nắm giữ những phép thuật đặc thù để đảm bảo bằng chứng ngoại phạm cho bản thân, hoặc có một bên nào đó khác sở hữu khả năng xoay ra được hàng với công năng tương tự để đổ vấy lên đầu họ. Tất cả tạo thành một mạng lưới bằng chứng – động cơ – chứng cứ ngoại phạm rất phức tạp, với hàng bao pha lật kèo và tái lật kèo, đến mức khó lòng lọc bỏ được ai ra khỏi diện tình nghi cho đến tận phút chót.

Mạch thứ hai thì trầm hơn một chút, chủ yếu đi sâu vào khắc họa nội tâm và những thứ mang tính cá nhân của nhân vật (phần nhân vật sẽ nói sâu hơn), kết hợp với xây dựng thế giới (đến phần thế giới sẽ bàn cụ thể). Tuy nhiên, nó vẫn còn một cái mạch khám phá bí ẩn nữa. Mạch này có một cách dẫn dắt cũng khá hay, với các manh mối được nhả dần ra cho đến khi bức tranh hoàn chỉnh được tạo thành, nhưng không có gì đang nói lắm nếu so với cái mạch điều tra chính. Nó mang tính bi kịch nhiều hơn, dùng để xây dựng nhân vật và tạo drama là chính, chứ không có cái kiểu lắt léo lập lờ như vụ án ở tuyến. Trên thực tế, nó còn tương đối dễ đoán và có phần hơi rập khuôn, đến mức nếu tinh ý thì ngay từ lúc vụ án được mô tả, anh em sẽ đoán ra được đại khái chân tướng sự tình là thế nào rồi.

Một điểm hấp dẫn khác của Ninth House là nó lồng ghép vào mạch trinh thám giải trí một số theme khá sâu sắc. Lẽ đương nhiên, vì truyện xây dựng theo phong cách Noir, ta có mấy cái gần như là tiêu chuẩn của dòng, bao gồm sự thối nát của những con người và tổ chức nhìn bề ngoài thì rất hào nhoáng, đẹp đẽ; cách quyền lực hoặc sự tuyệt vọng có thể đẩy con người đến bước đường sa đọa; cách xã hội dù cao dù thấp thì cũng đều lợi dụng và lừa lọc lẫn nhau, đạp lên nhau để mà sống; cách những con người bần cùng luôn chết tắc trong một vòng xoáy khốn khổ không có đường thoát;…

Nhưng bên cạnh mấy phần triết mặc định đó, ta còn có cả một số theme không hay xuất hiện trong trinh thám Noir. Phần này có nguy cơ spoil rất cao, thế nên mình sẽ không đả động cụ thể đến, nhưng đại khái là có một số phân cảnh trong này không khỏi khiến mình sững người, bởi vì cái đề tài nó động đến quả thật rất đáng suy ngẫm, đồng thời cái cách tác phẩm khắc họa nó cũng để lại một ấn tượng cực kỳ sâu đậm.

Tuy nhiên, nếu nhìn điểm số ở trên, anh em hẳn đã nhận thấy Ninth House không phải không có vấn đề. Cái điểm trừ đầu tiên của nó là truyện cân bằng các mạch hơi vụng. Bất kể anh em ưng phần trinh thám hơn hay tâm lý của nó hơn, sẽ không thiếu lúc mọi người thấy nó cứ ề à làm ba cái trò cải lương gì đâu, mãi không thấy có gì hấp dẫn xuất hiện. Thêm vào đó, vì cứ đảo qua đảo lại giữa quá khứ và hiện tại, truyện lắm khi tự phá mạch của bản thân, dừng ở những chỗ rất hấp dẫn để nhảy sang một thứ a đuồi hơn. Ừ, cũng có đôi lúc cái kiểu để lấp lửng như thế tạo được hiệu ứng hay đấy, nhưng lắm khi nó chỉ tổ làm con người ta cảm thấy bực mình, đặc biệt nếu cái phân đoạn chen ngang không có gì hấp dẫn để biện minh cho việc nó ngắt lời cái mạch đằng trước cả.

Một vấn đề khác nữa nằm ở mấy cái theme của nó. Vâng, đúng là truyện tích hợp được nhiều theme thú vị đấy, và có lắm lần nó tung ra được những cú đấm cực kỳ hóc hiểm, khiến ta không khỏi quặn thắt lòng. Nhưng nó hiếm khi xoáy sâu hẳn xuống để thực sự tạo ra một dấu ấn tầm cỡ, mà chỉ dừng ở mức sàn sàn bên ngoài, tương đồng với nhiều cuốn khác trong cùng thể loại.

Đã thế, tác giả có đôi chỗ còn tiếp cận mấy cái theme của mình một cách cliché khủng khiếp, tới mức đọc mà thấy đây như một cuộc trò chuyện được bê nguyên từ trên Twitter xuống, với đủ những từ khóa đặc sản không thể lẫn đi đâu được. Đọc những đoạn đấy mà mình vừa thấy bực, vừa thấy khó hiểu. Bực vì tự nhiên bị kéo tuột ra khỏi thế giới tác phẩm; khó hiểu vì cũng trong chính tác phẩm này, Bardugo đã thể hiện mình hoàn toàn có khả năng bàn về cái đề tài ấy theo một kiểu sáng tạo và hấp dẫn, thông qua các phân đoạn hết sức khó quên, nhưng tự nhiên đến đây lại lùi về với những thứ rập khuôn đến thế. Chỉ đâu tầm 1, 2 lần gì là chuyện ấy xảy ra thôi, thế nên độ phá game của nó không quá cao, song vẫn đủ để làm mình cảm thấy cợn.

Nhưng mấy cái vấn đề trên chỉ là hạng tép riu thôi. Thứ thực sự trầm trọng nằm ở tầm 20 trang gần cuối của cái quyển này.

Nếu xét lẻ ra, khúc đó có thể nói là phân cảnh epic nhất toàn bộ truyện. Tất cả mọi thứ đều dồn tụ vào trong một trận chiến hết sức khốc liệt, với vận mệnh của nhân vật chính được đặt lên bàn cân một cách rất kịch tính. Trên thực tế, trong quá trình đọc cái đoạn này, cứ mỗi một trang trôi qua, mắt mình lại thêm trố tròn, mồm lại thêm há hốc trước những gì đang diễn ra, và đây hẳn cũng chính là dụng ý của tác giả khi xây dựng một màn đọ sức gay cấn đến vậy.

Nhưng khốn nạn thay, sở dĩ mình mắt chữ O mồm chữ A là vì đang được chứng kiến tác giả tự tay bóp ấy theo thời gian thực, và còn bóp trên nhiều phương diện nữa mới tài chứ.

Nạn nhân đầu tiên của phân cảnh này là cái mạch trinh thám của truyện. Tính đến nay, truyện đã có một loạt các pha lật kèo và bẻ lái. Không hẳn mọi màn lật kèo đều thực sự dễ theo dõi hay hợp lý, với đôi cái còn dựa vào những trùng hợp hơi bị “tiện,” nhưng ít nhất thì tất cả đều mang lại cảm giác là nó có thể được luận ra nếu người đọc chịu để ý theo dõi các manh mối truyện đã rải từ trước. Riêng cái đoạn này thì mọi người sẽ chẳng tài nào luận ra nổi, bởi vì toàn truyện hầu như không có cái gì khả dĩ để giúp mọi người đoán ra cả. Trên thực tế, đến tận đoạn này, tác giả mới bắt đầu bung ra một tràng giải thích về một thuật ngữ mới toanh, và khốn nạn là cái này lại có ý nghĩa cực kỳ hệ trọng trong việc luận ra bản chất của vụ án. Thiếu đi cái đấy thì có đưa vụ này cho Sherlock, thanh niên cũng phải lắc đầu GG.

Kẻ tiếp theo bị nó bóp là hình ảnh của Alex. Tính đến thời điểm này, dẫu có mấy pha hơi mang mùi chó ngáp phải ruồi, Alex nhìn chung thể hiện tài tháo vát cũng như sự chủ động rất hấp dẫn. Cô nàng liên tục tìm ra những điểm bất nhất trong các lời khai, nhận thấy những kẽ hở nên được khai thác tiếp, suy đoán được ý nghĩa của các manh mối tiềm tàng, lên được những kế hoạch vừa táo bạo vừa khôn ngoan để đạt được mục đích, và rốt cuộc đã truy được đến hung thủ thực sự đằng sau vụ án mạng. Đến lúc Alex vạch trần danh tính tên sát nhân, câu chuyện vẫn còn đôi chỗ bỏ ngỏ, nhưng mạch vụ án chính về cơ bản đã gói gọn hết lại, với bản thân hung thủ đã khai nhận và điền hết vào các chỗ trống cần thiết rồi, và mọi thứ đều có thể dừng ở đấy. Nhưng đùng một cái, 20 trang kia ập đến, và tất cả những gì Alex có thể làm ở đoạn này là đực mặt ra đấy, ngồi nghe trùm cuối giải thích đầu đuôi sự tình. Thế là thành ra, Alex không còn đi đến đáp án bằng thực lực bản thân nữa, mà phải chờ người bưng lời giải đến tận mồm mớm cho.

Không chỉ dừng ở đấy, 20 trang này còn pha loãng cả quyển truyện ra bởi cái sự rập khuôn của nó. Trong suốt phân cảnh này, trùm cuối hành xử y xì đúc một thằng phản diện Bond, giống đến mức mình thậm chí còn phải tự vả cho tiềm thức mấy cái bạt tai, cấm nó thầm sửa họ thằng trùm thành Goldfinger. Và phản diện Bond thì khét tiếng nhất với khoản gì? Ấy chính là khoản độc thoại. Bất chấp việc Alex bấy giờ đang ngơ ngơ ngáo ngáo, chẳng hiểu chuyện gì xảy ra cả, thậm chí còn không ý thức được về bản chất thật của thằng trùm, thanh niên Goldfinger bản Shopee này cứ bô bô cái mồm giải thích từ đầu đến cuối sự tích đời mình, động cơ của mình, cơ chế hoạt động của năng lực mình, về cơ bản cung cấp cho Alex sạch sành sanh mọi thông tin cần thiết để hóa chaos và counter chết cụ bản thân. Cứ mỗi một câu trôi qua, mỗi lần thằng trùm mớm lời hay dẫn dắt Alex qua một đoạn khó hiểu như một vị gia sư tận tâm, mình lại gào lên trong đầu rằng, “Bro. Bro! BRO!!! Ông làm cái đồng bằng gì đấy!? Bật ulti đi, đừng dạy khôn nó nữa!”

Ngoài đó ra, khúc này còn là một pha phản bội vô tội vạ cái Hợp đồng Độc giả của Ninth House (đọc đây nếu anh em chưa biết nó là gì: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/07/hop-ong-oc-gia-nhung-loi-hua-cua-mot.html). Trước đoạn này, truyện cũng có phép thuật bùa mê các kiểu tóe loe rất ảo diệu đấy, nhưng cái hấp dẫn nhất của nó là nó duy trì được động cơ gây án tiềm tàng theo một cách rất “thường.” Phép thuật ở trong truyện không hơn gì một công cụ, từa tựa như con dao hay khẩu súng thôi, và nó vẫn được đem ra sử dụng để phục vụ những ham muốn rất người, chẳng hạn trả nợ bài bạc, thoát cảnh nghèo, ghen tuông, tránh bê bối, tham quyền cố vị,…. Thêm vào đó, bất chấp một số phân cảnh đánh nhau với sự hỗ trợ của phép thuật rất mãn nhãn, đây vẫn mang cấu trúc một câu chuyện trinh thám, có thể được giải quyết bởi cái đầu chứ không phải bởi nắm đấm. Nhưng sang đến 20 trang này thì mấy thứ đấy vứt vào sọt rác hết. Động cơ của trùm cuối là một thứ sặc mùi phép ma, không có tí mùi lôgic người thường gần gũi nào ở đây cả; đáp án thì như đã nói ở trên đấy, phải do trùm dâng lên tận miệng mới biết được, chứ cả nhân vật lẫn độc giả đều chịu chết, chẳng tài nào đoán nổi; và lúc dâng hết lời giải xong, câu chuyện chốt lại với một màn tẩn nhau cục súc, với kết quả cuối cùng được quyết định thông qua việc Alex đột ngột luyện được Bankai, chứ không phải vì cô nàng có mưu có kế.

Và như một cú bồi chốt hạ, lúc 20 cái trang của nợ kia đã trôi qua, và hồi kết thực sự xuất hiện, ta ngớ người nhận ra sự tồn tại của nó không thể nào thừa thãi hơn được. Ta hoàn toàn có thể cắt bỏ hết mấy trang đó đi, và cái kết cũng sẽ không đổi. Thông điệp tác phẩm muốn truyền tải về sự ích kỷ, lòng tham, việc lợi dụng địa vị và năng lực cho những mục đích tà ác sẽ vẫn không suy chuyển gì, vì đã có những phần trước khắc họa hộ rồi. Cái mạch cốt chính cũng sẽ chẳng làm sao cả, vì vụ án trọng tâm đã được xử lý xong, và hành động cuối cùng của giới chức trách về bản chất sẽ chẳng thay đổi.

Lý do duy nhất khả dĩ bao biện cho sự tồn tại của cái kết đấy là tác giả muốn bít hết những đoạn bị bỏ ngỏ còn sót lại trong truyện, bởi vì thằng trùm cứ tằng tằng phun ra hết cục Infodump này đến cục Infodump kia. Nhưng vấn đề là 20 trang kia vẫn còn để ngỏ một đống thứ khác, chứ chẳng làm tác phẩm thêm gọn. Đặc biệt, tác giả còn tương nguyên một câu hứa hẹn rằng sẽ có sequel để giải quyết nốt nữa chứ. Khi đọc đến đó, mình thấy cực kỳ sửng sốt trước quyết định nhồi 20 cái trang đó vào trong quyển Ninth House, bởi vì căn cứ vào lời lẽ tác giả, sequel sẽ là một thứ đâm sâu vào phép thuật hơn chứ không còn nấn ná với thế giới bên ngoài nữa, mà như thế thì thằng trùm cuối và mọi thứ xoay quanh nó sẽ khớp như in vào với cuốn đó. Tại sao lại phải miễn cưỡng nhét nó vào quyển đầu và làm hỏng tất cả, trong khi đằng nào cũng xác định là sẽ có một quyển nối đuôi, với “thổ nhưỡng” hợp hơn hẳn?

Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI

Thế giới của Ninth House nhìn chung có thể chia ra làm hai mảng chính. Một là cái thế giới ma pháp tiềm ẩn bên dưới Yale, điều khiển bởi Tám Bí hội Cổ xưa. Hai là bản thân đại học Yale và cái thị trấn New Haven của nó.

Đầu tiên là về thế giới phép thuật của truyện. Phép thuật trong truyện này được xây dựng theo một kiểu rất đa dạng, với mỗi một bí hội của Yale nắm giữ một chuyên môn riêng, với một lịch sử hình thành cũng như cách ứng dụng rất thú vị. Ví dụ, Manuscript là một hội kín chuyên về ảo ảnh và các bùa phép, thần dược đánh lừa giác quan, và mục đích chính cho những món này là giúp những cựu thành viên của Manuscript, tức các minh tinh màn bạc, các nhân vật công chúng, những chính trị gia,… cải thiện hình ảnh của bản thân. Tuy nhiên, trong suốt chiều dài truyện, ta liên tục thấy những thứ đấy bị đem đi lợi dụng hòng ngụy tạo bằng chứng, đột nhập những nơi cấm, qua mặt luật pháp để thu thập lời khai, thậm chí còn cả làm những tội ác tày trời (không phải vụ án mạng chính nhé). Cả mấy hội khác cũng có cái kiểu tương tự vậy, với mục đích chính và mục đích phụ mờ ám nhập nhằng chồng chéo loạn xạ. Khi hợp lại, nó giúp truyện hình thành một hệ thống phép thuật tương đối có chiều sâu và quy củ, nhưng cũng đủ mềm mỏng để có thể làm được khá nhiều điều mình muốn.

Đáng bực một điều là cái kết cấu của truyện lại làm hại hệ thống phép thuật của truyện. Vì như đã nói ở trên, truyện liên tục đảo qua đảo lại giữa quá khứ và hiện tại, tác giả gặp rất nhiều khó khăn trong việc giãn thời gian giữa dàn dựng và miêu tả về phép thuật của các hội với những lúc thực sự cần dùng đến chúng nó để giải quyết vấn đề nhất định nào đấy. Lắm khi, việc giải thích về đặc tính của một phép thuật nhất định sẽ xuất hiện liền sát với vấn đề, hay thậm chí còn xuất hiện đằng sau vấn đề. Điều này khiến cho các phép thuật của truyện hơi có phần… lười nhác. Nói cụ thể hơn, chúng nó giống như một cái chìa khóa vạn năng bị lạm dụng quá lố, xuất hiện vì tác giả cần một cách giải quyết thật nhanh gọn vấn đề, chứ không phải là một phần thật sự của thế giới. Kết hợp với việc phần đông các phép toàn giới hạn trong một số chương nhất định, chỉ xuất hiện khi cần giải quyết vấn đề, chưa kể tác giả còn hơi lạm dụng thủ pháp kể lể khơi khơi chứ không đi kèm bằng chứng nhằm tạo chiều sâu ảo, cái phép thuật của Ninth House trông giống với những công cụ để đẩy cốt tới trước, thay vì một phần tự nhiên của thế giới câu chuyện.

Tiếp theo, ta có cái trường Yale và cả khu New Haven. Đây thực chất là phần mà mình còn đánh giá cao hơn hẳn cái phép thuật, bởi vì chúng nó chủ yếu được miêu tả qua miệng một nhân vật thực lòng yêu cái nơi này, và người đấy đã thổi hồn cũng như tiếp rất nhiều “nhân tính” cho những nơi chính ra chỉ toàn là gạch đá vô tri. Ngay cả trong những chỗ các nhân vật khác tả lại về các địa điểm trên, ta sẽ vẫn nhận được các bức tranh đầy sống động về cấu trúc tinh xảo và cổ điển của Yale cũng như thực sự cảm nhận thấy không khí tiêu điều và ảm đạm của New Haven, một thành phố cứ ngắc ngoải trên bờ vực giữa sống và chết. Chính bởi vậy, mình cực kỳ hóng những đoạn Yale và New Haven bước ra chiếm sân khấu. Điều duy nhất mình thấy đáng trách ở đây là việc tác giả miêu tả chúng nó hơi ít, chắc vì sợ làm chậm mạch văn (và đúng là những đoạn này truyện đi lề mề hơn thật). Nhưng cái này chỉ là cá nhân mình thấy vậy thôi. Khả năng cao đa số anh em sẽ muốn truyện nhảy cóc mấy đoạn đó thật nhanh để về với cốt chính.

Đáng chú ý là tác giả không chỉ dừng lại ở việc miêu tả cấu trúc không gian bề ngoài, mà bà chị còn đi sâu vào khắc họa cả mặt xã hội của cái thế giới này nữa. Riêng trong khoản xã hội thì New Haven không được đầu tư cho lắm, chỉ giới hạn trong một số tình tiết đến từ tác phong sinh hoạt của một gia đình nhất định và người quen của họ thôi. Cái được tác giả tập trung nhất là văn hóa trong Yale. Mặc dù dính thêm phần phép thuật hơi bị ảo ma vào, xã hội tại Yale vẫn gần gũi đến giật mình. Ta được thấy kiểu hành xử của cả đám sinh viên lẫn cánh thầy cô, thấy được cách dân tình ở đây hình thành những “bộ lạc” riêng rẽ với nếp văn hóa riêng. Ta cũng được thấy cả những mặt bẩn thỉu của nó, bao gồm cách những con người được cho là tinh hoa của thế giới vẫn làm đủ trò thô bỉ và tởm lợm chẳng khác gì ai, và cũng lợi dụng lẫn nhau để phục vụ mục đích riêng. Nó không có các trò đấu đá phức tạp hay chi tiết như A Song Of Ice And Fire, mà cũng chẳng đến nỗi quá dị biệt hay độc đáo đến mức chưa từng thấy xuất hiện ở đâu khác đâu, nhưng truyện vẫn xoay xở cung cấp được một cái nhìn hay ho về một trong những môi trường danh giá bậc nhất.

NHÂN VẬT

Ninth House có một dàn nhân vật tương đối lớn, và theo đúng truyền thống của Noir, gần như chẳng nhân vật nào trong này có bản chất đúng với vẻ bề ngoài. Tất cả bọn họ đều như những đồng xu, với hai mặt sấp ngửa khác nhau. Những người xấu luôn tiềm ẩn bên dưới một sự tốt đẹp tử tế, và những người ngoài mặt lịch lãm hào hoa kỳ thực lại có những mặt nhỏ nhen hay góc tối đáng sợ đến giật mình.

Nhưng vấn đề là cũng như một đồng xu, việc họ có hai mặt không khiến họ ngưng phẳng lét.  Hầu hết các nhân vật đều khá một màu, không có mấy đời sống nội tâm hay cái gì thú vị để khiến họ trông khác biệt với những công cụ thúc đẩy cốt với mắt mũi mồm cả. Đôi khi, ta sẽ có một, hai nhân vật được xây dựng kỹ hơn so với mặt bằng chung, nhưng nó cũng mang tính khá lớt phớt, không có gì thực sự đáng nói. Họ cũng hay bị xô xoành xoạch ra khỏi câu chuyện, chỉ thò mặt vào mỗi khi một đoạn nút thắt cốt nào đó cần xảy ra, thế nên chẳng có mấy thời lượng để hình thành gắn kết với độc giả.

Cặp đôi nhân vật chính của truyện, bao gồm Alex và một thanh niên tên là Darlington, thì khá khẩm hơn. Đội này được đào rất sâu vào trong tâm lý và lịch sử. Ta được chứng kiến những khó khăn mà bọn họ từng phải trải qua thuở bé, cách các vết sẹo tinh thần của họ hình thành, cách chúng định hình con người trưởng thành của họ, cũng như các hoài bão và ước mơ của họ. Đặc biệt ở chỗ sự sâu sắc của họ thậm chí còn loang hẳn ra ngoài, và nó tác động đến những thân nhân gần gũi nhất của họ (trong trường hợp của Alex là mẹ cô, còn Darlington thì là ông nội anh). Những người đấy chính ra cũng chỉ phẳng ngang các nhân vật phụ khác thôi, nhưng vì họ tương tác rất nhiều với cặp nhân vật chính, bọn họ vô tình được hưởng sái chút ít độ sâu từ cặp đôi đó.

Thông qua chuyện đời của họ, tác giả cũng muốn gửi gắm khá nhiều thông điệp về sự bất hạnh, tình người, sự gắn bó gia đình, cũng như bóng gió bàn đến một số vấn nạn nhức nhối của xã hội hiện đại. Vì tất cả những cái này đều mang tính spoiler cực kỳ cao, mình sẽ không thể nói sâu thêm được, nhưng anh em cứ biết là những khung cảnh sâu lắng, đáng suy ngẫm, và thậm chí còn sốc óc nhất trong truyện đều xuất phát từ quá khứ của hai con người này đấy nhé.

Khốn nạn một cái là Ninth House là một cuốn truyện YA, thế nên đội nhân vật chính vẫn ít nhiều mang cái sự rập khuôn mà ta thấy nhan nhản trong cái dòng này. Darlington, bất chấp có một quá khứ đa chiều, vẫn bị buff lên thành kiểu soái ca hào hoa hơi bị quá lố. Thanh niên cái gì cũng biết, hỏi gì cũng tường, và cứ hở tí là xổ ra cả một đống trích dẫn văn hoa mỹ lệ. Điều này khiến cho cậu chàng nghe cứ giả tạo và kệch cỡm kiểu gì ấy, tựa như một trang blog Tumblr di động của cánh chị em lậm ngôn tình chứ không phải người. Alex thì đỡ hơn tí, không bị buff thành kẻ được chọn làm gì cũng giỏi, mà luôn phải chật vật và ăn hành suốt truyện, bất chấp sở hữu một tài năng thiên bẩm không ai có. Nhưng đến đoạn cuối thì tự nhiên tác giả quyết định giờ là lúc viết truyện shounen, và đã buff Alex lên thành kiểu quái kiệt, tự dưng mót được quả ulti siêu quần để giải quyết mọi thứ trong một nốt nhạc. Nó không đến mức ngáo đá như phần đông mấy cái shounen xôi thịt vẫn làm, nhưng đố mọi người không nghĩ đến Naruto khi đọc cái cảnh đấm nhau phút cuối đấy.

Về phần phản diện thì nực cười là phản diện phụ lại hấp dẫn hơn phản diện chính. Đồng chí phụ đấy xuất hiện với tần suất nhiều hơn, có một mối quan hệ phức tạp hơn với các nhân vật, và thanh niên tích hợp một cái theme liên quan đến quyền lực và sự bất biến trong bản chất con người xuyên suốt câu chuyện. Quan trọng nhất, thanh niên này đã bị Alex đánh bại bằng chính thực lực của mình, chủ yếu dùng sự thông minh sắc sảo chứ không cần phải lên Gear hay triệu hồi Susanoo hay mọc ra bất kỳ siêu năng lực nào vào phút chót cả. Nhưng rốt cuộc, thanh niên lại bị sút phắt sang một bên, bắt phải nhường chỗ cho một thành phần tương đối ất ơ, không dành nhiều thời gian với nhân vật, và đặc biệt là không cách nào truy ra danh tính hay chống đỡ nổi nếu bản thân thanh niên không tự miệng khai tất tần tật mọi thứ, bất chấp chưa bị ai tra khảo cả.

TỔNG KẾT

Khi đọc Ninth House, mình có cảm tưởng đây như một cuốn bị chính cái dòng của bản thân xích lại, hay ít nhất là bị biên tập còng tay lại. Nó rất nỗ lực hướng đến những lứa độc giả già đầu hơn, nhưng vẫn cứ giới thiệu vào câu chuyện những thứ nghe rất giống nhằm câu kéo độc giả YA phổ thông. Mặc dù hơi sốc trước một số quyết định của truyện, mình vẫn thấy đây là một cuốn giải trí rất tốt, đặc biệt nếu mọi người thích dòng YA hay không đòi hỏi gì khắt khe.

Nói tóm lại, anh em vẫn nên ngó qua quyển này, mặc dù tốt nhất hãy đọc nó dưới đúng một cái tâm thế như sau: đây là truyện giải trí, kiểu một bộ phim Marvel hay Fast & Furious. Một khi đã xác định mức kỳ vọng chuẩn xác, mọi người sẽ thấy Ninth House hay đến không ngờ, và có khi còn sững người trước sự bạo dạn của nó cũng như cái cách đầy ấn tượng mà nó sử dụng đề bàn về một số đề tài nhất định nữa kia.


***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.