Nhắc đến Sci Fi thì thường người ta hay hình dung đến các thứ công nghệ tân tiến, kỹ thuật hiện đại. Nhưng “Social Science Fiction” thì lại khác. Cái dòng này bao gồm các tác phẩm Sci Fi chủ yếu bàn luận về xã hội. Xã hội được bàn đến có thế chính là xã hội hiện thời, nhưng được “ngụy trang” bằng cách đưa vào một thế giới khác hoặc tương lai hoá các công nghệ đương đại lên để từ đó xoáy đến một vấn đề nổi cộm. Hoặc nó có thể là một xã hội ở tương lai xa hẳn, với những vấn đề rất mới nảy sinh từ tiến bộ của khoa học mà hiện giờ ta chưa gặp phải hay chưa từng nghĩ đến.
Vì gần như mọi tác phẩm Sci Fi trên đời đều pha kèm bình luận xã hội, thế nên ngay cả những tác phẩm với công nghệ cao và có đầu tư cho việc tích hợp khoa học tự nhiên vào câu chuyện vẫn có thể được liệt vào hàng ngũ Social Science Fiction nếu chúng đẩy đủ mạnh yếu tố xã hội. Nhưng thường thì Social Science Fiction hay được coi là dòng Sci Fi “nhẹ” (https://scifivietnam.blogspot.com/2022/06/sff-101-hard-soft-sci-fi.html), bởi vì nó ít khi đi quá sâu vào công nghệ các thứ, hay thậm chí có khi còn chẳng thấy bóng dáng tiến bộ công nghệ nào quá mới mẻ. Phần khoa học chính của nó là nhân chủng học: bàn về hành vi và tương tác của con người/xã hội con người. Các công nghệ hiện đại nếu có thường cũng không quan trọng bằng nhân vật cũng như bối cảnh xã hội của cái thế giới nơi nhân vật sinh sống, và hành động của nhân vật luôn nhằm mục đích lột tả, chỉ trích, hoặc ngợi ca xã hội.
Các tác phẩm Utopia (thế giới thiên đường) và Dystopia (thế giới phản địa đàng) là hai điểm cực của cái dòng này. Một bên Utopia thì ca ngợi thế giới tươi đẹp, bên Dystopia thì cho thế giới thối nát hoàn toàn. Tất nhiên, Social Science Fiction không nhất thiết phải Utopia hẳn hay Dystopia hẳn. Chủ yếu các tác phẩm sẽ rơi vào khoảng giữa, xấu có tốt có, và trong đó có một vấn đề nổi cộm nhất mà tác phẩm muốn bàn đến. Vấn đề đó có thể tốt hoặc xấu, cần được sửa hoặc cần để im, tuỳ tác phẩm quyết.
Một số tác phẩm Social Science Fiction nổi bật: Brave New World (Aldous Huxley), 1984 (George Orwell), Chúng tôi (Yevgeny Zamyatin), 451 độ F (Ray Bradbury), A Canticle for Leibowitz (Walter M. Miller Jr.), It Can't Happen Here (Sinclair Lewis), bộ truyện Wayfarers (Becky Chambers)
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓