Trong lúc chờ Cyberpunk 2077 ra mắt, mình có đọc
lại một tiểu thuyết rất kinh điển, được coi như nền tảng của game cũng như toàn
bộ dòng Cyberpunk nói chung. Nhân dịp game vừa mới chính thức đến tay người
chơi cũng như dỡ bỏ cấm vận stream các kiểu, mình xin được review về cái cuốn ấy:
🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌑 🌑 🌑
7.0/10
=====
TL;DR
=====
Cyberpunk 2077: Origin.
==============
GIỚI THIỆU CHUNG
==============
Neuromancer là một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng
hồi năm 1984 của William Gibson, và trứ danh là tác phẩm đã giúp Cyberpunk trở
thành… Cyberpunk 🐧.
Truyện kể về một tay hacker có tên Henry Case.
Đồng chí này hồi trước tung hoành ngang dọc khắp toàn The Matrix (ừ, The Matrix
🐧 ), chuyên trộm cắp dữ liệu của
các tập đoàn cả to lẫn nhỏ về bán cho bên đối thủ hoặc các tổ chức ngầm. Nhưng
rồi một ngày nọ, Case lỡ chơi ngu: trong một phi vụ ăn cắp dữ liệu như thường lệ,
gã nổi máu tham và đã tìm cách lừa đảo khách của mình. Khi vụ việc bị phát
giác, gã bị tiêm chất độc gây hủy hoại hệ thần kinh, vĩnh viễn không còn kết nối
trực tiếp vào The Matrix được nữa.
Case vắt kiệt từng đồng xu một tìm cách chữa
chạy cho bản thân, nhưng bất thành. Thân tàn ma dại, không xu dính túi, Case chết
kẹt ở Night City (ừ, Night City 🐧 ), lay lắt
sống bằng nghề bán ma túy. Nhưng rồi một ngày nọ, gã được một cặp đôi bí ẩn ghé
thăm. Cặp đôi này muốn thuê gã giúp mình thực hiện một phi vụ mạo hiểm có liên
quan đến gia đình nắm giữ tập đoàn quyền thế ngang trời, ấy là nhà
Tessier-Ashpool. Đổi lại, Case sẽ được trao một phần thưởng ngoài sức tưởng tượng
của gã: khả năng kết nối lại với The Matrix.
=====================
MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG
=====================
Neuromancer có một cái cốt về căn bản khá giống
một bộ phim hành động. Các nhân vật sẽ chạy đến một địa điểm A nhằm thực hiện một
mục tiêu B nào đó. Giữa đường sẽ có chút trục trặc, càng về sau càng nghiêm trọng,
và cả đội phải ứng biến sao cho mình vẫn xoay xở thực hiện được B. Sau đó thì dựa
trên những gì thu được từ B, cả đội sẽ nhảy tiếp đến C, và cứ thế cho đến tận
khi đánh trùm cuối. Song song với mạch truyện chính đấy thì còn một mạch nhánh
nữa, ấy là Case nỗ lực tìm hiểu xem thực sự thì mục đích tối thượng của cái nhiệm
vụ mình đang làm là gì, cũng như ai là chủ mưu giật dây cả đội.
Có rất nhiều phân cảnh hành động trong truyện
được miêu tả đầy hấp dẫn, nhưng nhìn tổng thể thì cái cốt truyện của
Neuromancer không được ổn cho lắm. Nó lúc nhanh lúc chậm rất thất thường, và
đôi khi nói trắng ra là còn rất lộn xộn, với thỉnh thoảng có một vài tình tiết
thò mặt vào một cách hơi bị vô duyên (dù technically là cũng được tác giả rải sẵn
manh mối từ trước để dự báo rồi, nhưng thời khắc với cả cách nó xuất hiện thì lại
không khéo). Nặng nhất là cái quả đánh trùm cuối, với nhiều chỗ cứ thấy ngáo
ngáo thế nào ấy, và chốt lại theo một kiểu nửa nạc nửa mỡ, gọi là kịch tính thì
không phải nhưng mà bảo là nhạt thì cũng không hẳn thế. Nó chỉ kiểu… kết rồi đấy,
về nhà đi thôi 🐧.
===============
Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI
===============
Và đây chính là cái phần hấp dẫn nhất của
Neuromancer, cũng như lý do nó đã được đi vào lịch sử của Sci Fi.
Neuromancer đã khắc họa cực kỳ sống động một
cái thế giới với những thứ công nghệ rất ấn tượng, chẳng hạn không gian mạng
Matrix với những khối dữ liệu được hiển thị dưới dạng những khối hình cụ thể,
các thiết bị máy chiếu tích hợp trực tiếp vào cơ thể để giúp người dùng tạo dựng
những thực tế ảo ngoài đời, khả năng lưu trữ dữ liệu nhân cách để tạo ra một thực
thể bán AI, các loại nội tạng được tinh chỉnh đặc biệt để lọc thải và miễn nhiễm
với độc tố, công nghệ giả lập cho phép thiên hạ “nhập hồn” vào cơ thể nhau và
trải nghiệm mọi thứ các giác quan của đối tượng thu nhận được, thiết bị mở rộng
hoặc ức chế ký ức để cải thiện khả năng của não bộ…
Nhưng đúng với bản chất Cyberpunk, mọi thứ
công nghệ gần như đều được khắc họa qua một lăng kính rất bẩn tưởi hoặc u tối.
Không gian mạng Matrix trở thành một thứ thuốc phiện với sức hút rất ghê hồn,
khiến cho con người ta dần coi cái xác mình như một nhà tù thịt, và chỉ muốn sống
trên thế giới mạng; thiết bị máy chiếu được dùng để “triệu hồi” những ảo giác
ghê rợn và thậm chí còn bệnh hoạn nhằm mua vui cho những con người đã quá miễn
nhiễm với những thú vui thông thường; các thực thể bán AI phải chịu một kiếp đời
nửa sống nửa chết, không tồn tại thực mà cũng chẳng hề được yên nghỉ; nội tạng
lọc chất được dùng để ép nhân vật không thể bị chất kích thích tác động, nhưng
vẫn giữ nguyên cái cảm giác thèm khát vật vã của một con nghiện đói thuốc; thiết
bị mở rộng ký ức được dùng để tạo ra các USB “thịt,” giấu thông tin mật cho
khách hàng, nhưng về sau lại bị dùng để tống tiền chính khách hàng; công nghệ ức
chế ký ức cũng được dùng để chế tạo hàng “thịt” nốt, có điều lần này là những
con búp bê tình dục sống, không nhớ được gì về quãng thời gian “hành sự” của
mình cả, và từ đó cho phép khách mua dâm làm những trò rất bạo…
Có một điểm hơi hài một chút ở quyển này, đó
là nó có những phần sặc mùi công nghệ cổ lỗ sĩ thời những năm 80. Ngay từ cái
câu mở huyền thoại đầu tiên, ta đã thấy điều này bộc lộ rõ khi Gibson so sánh bầu
trời với một kênh truyền hình mất sóng. Đến bản thân Gibson trong lời đề từ của
một ấn bản mới của truyện còn tự thú là khả năng cao rất nhiều độc giả mới của
tác phẩm sẽ không biết cái kiểu nhẽo xẹt xẹt của TV mất tín hiệu nó trông như
thế nào, và thế là sẽ khó mường tượng ra cái bầu không khí của truyện. Ngoài đó
ra thì truyện cũng có cả mấy thứ như bốt điện thoại công cộng, ổ cứng chỉ chứa
được vài megabyte, cùng một số thứ lặt vặt khác khiến cái chất 80 của quyển
truyện cứ lồ lộ.
Nhưng thực sự thì cái sự “cổ” đấy không đến mức
quá lớn để kéo ta ra khỏi tác phẩm, chưa kể còn giúp mang lại cho thế giới nơi
đây một hương vị rất hay nữa. Quan trọng nhất, nó như một lời nhắc nhở rất nhẹ
nhàng về cái giai đoạn truyện được sáng tác, và từ đó càng khiến ta thêm khâm
phục cái tầm nhìn của Gibson. Đây là cái thời cực hiếm người có máy tính cá
nhân, và mạng Internet thậm chí còn chưa thò được cái chân ra khỏi một dự án quốc
gia chẳng mấy ai biết đến. Ấy thế mà Neuromancer đã vẽ ra cái viễn cảnh một thế
giới nơi công nghệ máy tính cũng như mạng Internet được phổ cập đến từng ngóc
ngách, chưa kể còn tiên đoán nhiều mặt trái của nó đến rợn người.
Bên cạnh đó, một cái thú vị nữa ở thế giới
Neuromancer lại nằm ở một điểm đáng lẽ phải mang tính tiêu cực: nó có rất lắm
“người quen.” Nói cách khác, đọc vào đây ta sẽ thấy thế giới với nhiều ý tưởng
của truyện cũ mèm, bởi vì nó đã quá điển hình trong dòng Cyberpunk này rồi.
Nhưng riêng lần này thì sự thân quen đấy lại làm nên nét hấp dẫn của tác phẩm,
bởi vì ai cũng biết thực ra nó quen như thế không phải vì nó ăn cắp của thằng
nào hết (nếu không tính việc nó kế thừa một số theme của phong trào New Wave),
mà là vì đám con cháu nhà nó toàn xông vào đây ăn cắp của nó. Ta sẽ thấy bóng
dáng của The Matrix, Cowboy Bebop, Alita, Hyperion, Altered Carbon, Ghost in
the Shell, và ty tỷ thế giới cả trong lẫn ngoài Cyberpunk ở trong này, bởi đây
là thanh niên đã khởi tạo tất cả hoặc ít nhất cũng là mainstream hóa những thứ
đó.
========
NHÂN VẬT
========
Cái khoản này của Neuromancer hơi khó nói. Xét
về một mặt, gần như tất cả các nhân vật đều có một quá khứ đặc sắc, đại diện
cho một khía cạnh của cái thế giới trong Neuromancer. Những tình tiết xoay
quanh quá khứ của họ cứ dần dần được tiết lộ, và hình thành một bức tranh đầy đủ
hơn về con người của họ cũng như lý do họ rơi vào hoàn cảnh hiện tại, đồng thời
góp phần khắc họa cái sự đen tối và tàn nhẫn của thế giới trong Neuromancer.
Cơ mà cũng như cái cốt, các tình tiết về nhân
vật cứ bị đưa ra một cách khá rối rắm, và lắm lúc còn đầy bất thình lình, khiến
nhân vật cứ tiến theo kiểu giật cục, và phần quá khứ trở nên hơi rời rạc so với
bước phát triển của nhân vật, khiến phần đông các nhân vật rốt cuộc vẫn chẳng
có chiều sâu. Bên cạnh đó, cách các nhân vật tương tác với nhau cũng có cái kiểu
du kích tương tự như thế. Chẳng hạn phần gần đầu truyện, có hai nhân vật chính
vừa gặp nhau phát, chưa gì đã tự nhiên xông vào bem nhau luôn. Lạy Chúa, đến
bóc bánh trả tiền mà còn phải có chút màn dạo đầu, chưa kể còn có lý do hẳn hoi
cho việc bem, chứ chơi chóng vánh như thế này thì đến mấy quả tình yêu mì ăn liền
của YA còn gọi bằng cụ 🐧. Chính vì
lẽ đó mà mình cảm thấy rất khó gắn kết được vào với nhân vật nào, nếu không tính
đôi ba nhân vật hoặc thấy thương vì cái số khố hoặc thấy thích vì cái độ bệnh.
========
TỔNG KẾT
========
Neuromancer là một thanh niên bị dính hiệu ứng
Pioneer Disadvantage (đọc thêm về nó ở đây:
https://www.facebook.com/groups/SciFiReadersVN/permalink/3154394774647768) rất
nặng, chưa kể còn có khá nhiều sạn về cốt và nhân vật. Tuy nhiên, cái thế giới
của nó vẫn rất đủ để carry cả truyện, và nếu muốn tìm hiểu về cội rễ của
Cyberpunk, anh em nên thử vào ngó qua nó tí.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓