Chuyển đến nội dung chính

Review The Inverted World của Christopher Priest

 

🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌖🌑🌑

7.75/10

TL;DR

Rendezvous with Rama x The Giver, viết bởi Philip K. Dick không chơi đồ.

GIỚI THIỆU CHUNG

The Inverted World (hoặc Inverted World, tùy ấn bản) là một cuốn YA Dystopia xuất bản năm 1974 của nhà văn người Anh Christopher Priest. Tác phẩm tái sử dụng ý tưởng từ một mẩu truyện ngắn cùng tên, được Priest cho ra mắt lần đầu năm 1973 trong một tuyển tập có tên New Writings in SF 22 (biên soạn bởi Kenneth Bulmer), nhưng được mở rộng và thay đổi rất nhiều. Ngay năm ra mắt, truyện đã được Hiệp hội Khoa học Viễn tưởng Anh trao giải tiểu thuyết Sci Fi hấp dẫn nhất, và sang năm sau thì đã được đề cử cho Giải Hugo và Giải Locus ở hạng mục tương tự.

Về phần nội dung thì The Inverted World lấy bối cảnh là Trái Đất. Không, không phải là cái hành tinh đâu. Chỉ là một thành phố thôi. Thành phố Trái Đất.

Một thành phố di động.

Tính đến nay, Thành phố Trái Đất đã ì ạch tiến về phía trước trên những đường ray liên tục được tái chế và lắp đặt được 200 năm có lẻ. Nó không thể dừng, không thể lùi lại phía sau, chỉ có thể tiến. Nếu thành phố không còn làm vậy nữa, nó sẽ… bị sao đó. Đừng phí công hỏi làm gì, bởi lẽ đại đa số người dân chẳng biết gì hết đâu, còn những người có biết thì ai nấy đều câm như hến. Sau hàng thế kỷ tồn tại, Trái Đất đã hình thành một hệ thống xã hội đầy kỷ cương và phức tạp, với đứng đầu là sáu phường hội: Hội Đường Ray, Hội Kéo, Hội Tương Lai, Hội Xây Cầu, Hội Đổi Chác, và Hội Dân Quân. Sáu hội đó chịu trách nhiệm đảm bảo thành phố vận hành suôn sẻ, nhưng cụ thể công việc của họ là gì thì cũng bí hiểm chẳng kèm gì bản chất của Trái Đất.

Sống tại thành phố này là Helward Mann, một cậu thanh niên trẻ măng, vừa chập chững vào đời. Cũng như mọi người dân khác của Trái Đất, Helward hoàn toàn mù tịt về thành phố, về các phường hội, thậm chí cả về những gì tồn tại bên ngoài giới hạn của Trái Đất. Tuy nhiên, tất cả những điều ấy dần sẽ thay đổi, khi trong ngày lễ trưởng thành, Helward quyết định nối nghiệp bố mình gia nhập Hội Tương Lai để cống hiến cho đời…

MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG

The Inverted World được xẻ nhỏ ra làm 5 phần riêng biệt (không tính phần mở đầu), nhưng về cơ bản thì nó chỉ có hai mạch truyện duy nhất: quá trình khám phá bản chất thực của cái thành phố Trái Đất kia, và quá trình trưởng thành của cái cậu Helward Mann. Hai mạch này được Christopher Priest lồng ghép vào với nhau cực kỳ khéo, liên tục thay phiên nhau đứng ra làm bệ đỡ để công kênh nhau lên. Trên thực tế, ta thậm chí còn có thể coi cả cái truyện này chỉ có đúng một mạch cốt duy nhất, với mạch còn lại kỳ thực chỉ là một mạch nhánh, một hệ quả tất yếu phát sinh từ việc đưa đẩy cái mạch cốt kia. Việc mạch nào sẽ là chính mạch nào là phụ thì tùy thuộc hoàn toàn vào cách anh em muốn tiếp cận cuốn này theo hướng nào, coi nó là một cuốn YA coming-of-age kiểu The Giver hay một cuốn truyện khám phá một cái Big Dumb Object kiểu Rendezvous with Rama.

Tuy nhiên, để tiện việc review, mình sẽ xẻ đôi hai cái mạch này ra và bàn lẻ về chúng nó.

Đầu tiên là mạch tìm hiểu về bản chất của Trái Đất. Ở trong mạch này, Tác giả làm cực tốt công tác xây dựng bí ẩn và khơi gợi tò mò, bất chấp việc ông anh sử dụng một giọng văn có thế nói là khá “ghìm.” Priest chẳng bao giờ làm cái gì thái quá cả, không hứa hẹn sẽ có cái gì động trời xảy ra, không hối thúc giọng văn phi hùng hục để độc giả cảm thấy adrenaline giật đùng đùng trong người mà từ đó háo hức muốn biết sự tình quả thật thế nào. Truyện lết đi theo một kiểu khá ề à và nhẩn nhơ, trông trời trông đất trông trăng là chính, hiếm khi nào có một cái gì kịch tính xuất hiện cả. Tuy nhiên, kể cả trong những đoạn dung dị nhất, bản chất khác thường của những nếp sinh hoạt và làm việc của con người nơi đây luôn luôn hiện hữu, tạo thành một cái dòng hoài nghi chảy ngầm trong từng con chữ. Nó không khiến mọi người nổi gai ốc hay lo lắng hay gì hết đâu, nhưng xuyên suốt truyện, anh em sẽ luôn cảm thấy có một cái gì đó sai sai, khiến lòng dạ cứ nhấp nha nhấp nhổm.

Đặc biệt nhất, càng đi sâu vào trong tác phẩm, ta sẽ càng thấy Priest xây dựng mạch truyện bí ẩn theo một kiểu rất chiến lược. Giọng văn chậm rãi gốc được ông dùng để đưa ta vào một cái guồng nhất định, ru ngủ sự cảnh giác của ta đi một chút. Ngay lúc ta bắt đầu lắng xuống đủ đô, Priest sẽ lập tức nhả ra một manh mối. Nó vẫn lập tức kéo bật ta trở lại trạng thái cảnh giác hồi trước, khiến ta phải nhíu mày nghĩ lại về cái ẩn ý đằng sau những thứ đấy, và ngóng chờ cơ hội được có thêm thông tin mới để lý giải tất cả. Mấy cái manh mối đấy nếu xét lẻ thì chúng khá xoàng xĩnh, không có gì to tát cả, có thể xuất hiện dưới dạng câu xã giao nhân vật này hỏi nhân vật kia, dưới dạng một sự kiện tình cờ trong lúc làm, hoặc dưới một khó khăn cần giải quyết. Tuy nhiên, chúng luôn làm gia tăng cái cảm giác sai lệch sẵn có của mọi người lên một nấc rất nhỏ, gần như không thể cảm nhận nổi. Dần dần, đến một đoạn nhất định, khi mọi thứ có dấu hiệu bắt đầu bước vào công đoạn vén màn rồi, anh em mới giật mình nhận ra bản thân hiện đang căng như dây đàn, bởi vì hiệu ứng tổng lực mà mấy cái manh mối vặt vãnh kia khi ấy mới phát huy hết tác dụng.

Lấp lửng gây tò mò chỉ là một phần. Quan trọng là cái bí mật nó cũng phải đạt ngang tầm những gì đã úp mở, không thì sẽ rất dễ gây ức chế. Vì phần này dính đến spoiler cực nặng, chưa kể còn giẫm vào chân phần thế giới, thế nên mình sẽ không đả động đến nhiều, nhưng anh em hãy cứ biết là cái bí mật hết sức xứng tầm với những gì đã được xây dựng từ trước. Chẳng có một pha đạp đổ kỳ vọng hay lật kèo gì hết, bởi vì Priest đã bóng gió và dẫn dắt đầy đủ ngay từ đầu rồi. Tuy nhiên, cái bí ẩn này rất dị hợm, tái định hình tất cả những thứ anh em đã biết từ đầu, và khiến ta phải nhìn lại một số câu hỏi triết lý mà truyện đặt ra từ trước với một con mắt khác.

Và tiện nhắc đến triết lý, tiếp theo ta sẽ bàn đến cái mạch thứ hai của truyện, ấy là hành trình trưởng thành của Helward Mann.

Nếu đọc phần giới thiệu sơ, anh em hẳn sẽ thấy cái quyển này sặc mùi YA (tức truyện cho tuổi hồng). Cái này chắc sẽ tạo tâm lý e dè cho khá nhiều người, bởi vì YA trong cái mảng SFF rất hay bị rập khuôn. Anh em biết cái kiểu của nó rồi đấy: hotboy/hotgirl nổi loạn chống chính quyền, tình củm nhập nhèm kiểu chanh muối rất buồn nôn, trẻ trâu hóa người được chọn khuynh đảo toàn bộ xã hội,…. Và lúc ban đầu, quyển truyện cũng khiến mình cảm thấy khá rét, bởi vì nó nghe chừng dàn dựng bản thân theo đúng cái hướng như thế.

Nhưng tạ ơn Chúa, càng đi sâu vào trong thì càng thấy cái quyển này dù đúng là YA, nó không “YA” tí nào.

Hành trình của Helward Mann vẫn rải rác hàng đống mô típ quen thuộc đối với một tác phẩm YA. Nó cũng có những sự rung động tình cảm, cũng có xung đột giữa truyền thống và cái bất mãn của tuổi trẻ, cũng có việc rời bỏ ngây thơ để bước vào cái thế giới khắc nghiệt của tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, chẳng ai ở đây là hotboy ngời sáng toàn tài toàn đức, với một vài cái điểm xấu bị phóng đại kệch cỡm lên cho đỡ giống Gary Stu cả, mà chỉ có mấy đứa nhóc mười tám đôi mươi ngờ nghệch, trình độ làng nhàng; không có tình yêu hừng hực lửa nồng, với những cuộc tình tay ba cải lương, mà chỉ có những gắn kết và xa rời, tròng kèm những kỳ vọng xã hội và đạo nghĩa với nhau; chẳng có ai là kẻ được chọn, và thế giới không biến đổi sau đêm chỉ nhờ một con người xuất chúng, mà tất cả đều chỉ là bánh răng trong một cỗ máy rất phức tạp, với mọi thay đổi đều đến đến từ một sự tổng hòa giữa muôn vàn yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan, và ngay cả khi đến thì chúng nó cũng đến rất chậm, với một sức ỳ không hề vô lý.

Kiểu tiếp cận này khiến The Inverted World không sôi nổi hay gây giật bằng các tác phẩm YA khác, nhưng cái cách mọi thứ đều trầm xuống như thế lại làm cho mọi sự trở nên sát thực hơn, không khiến ta cứ phải đảo mắt liên tục trước cái sự “kịch” đầy lố lăng, bị nhồi vào để tăng tính giải trí xôi thịt cho tác phẩm. Chính nhờ vậy ta cơ hội nghiền ngẫm một cách nghiêm túc hơn về những cuộc bàn luận đa chiều mà câu chuyện đưa ra, cả về những đề tài liên quan đến quá trình chuyển giao đầy hỗn độn giữa hai giai đoạn trẻ con-người lớn lẫn những đề tài mang tính phổ quát hơn, chẳng hạn cách điểm nhìn có thể định hình thế giới, đâu mới là lằn ranh cần đặt ra cho những thỏa hiệp về đạo đức để đảm bảo an yên, hay hiểm họa vô tình đến từ những phong trào xã hội đầy dụng ý tốt nhưng xuất phát từ sự thiếu hiểu biết,….

Dù có hai cái mạch thú vị đến vậy, The Inverted World cũng có những vấn đề riêng của nó. Cái đầu tiên và khổng lồ nhất là truyện kết lại theo một kiểu cụt khôn tả. Nó tự nhiên ngừng bộp lại, như thể tác giả đã chán viết rồi, hay làm bài thi đến mấy phút cuối thì cuống quá, kết vu vơ vài câu cho gọi là có rồi nộp thôi. Truyện cũng phần nào giải quyết được cái bí ẩn cốt lõi đấy, nhưng nó bỏ lửng rất nhiều thứ, để dở dang khá nhiều vấn đề. Có thể dụng ý của bro Priest là muốn để lại cho độc giả một dư vị bâng khuâng nuối tiếc và bơ vơ như những gì nhân vật chính phải trải qua tại thời điểm đấy, và có thể anh em sẽ có người cảm thấy thế thật. Nhưng riêng với mình thì chỉ thấy chưng hửng và không thỏa mãn, chẳng hiểu tại sao đã là tiểu thuyết mà Axe-kun lại vẫn thò mặt được vào như vậy.

Thêm một cái nữa là dù giọng văn bình dị của Priest giúp câu chuyện tạo dựng tò mò tốt và rất thực tế (ít nhất thực tế hết mức một quyển truyện về thành phố di chuyển trên đường ray có thể làm được 🐧 ), nó cũng bóp ấy cái quyển này khá mạnh. Priest lắm khi viết một cách tỉnh quá, nghiêm túc và lôgíc quá. Bản thân việc viết tỉnh như thế không phải là vấn đề to tát, nhưng khi lắp vào với The Inverted World thì có thể anh em sẽ thấy nó hơi bị lệch tông. Với bản chất thế giới quái thai, thực tại không như những gì ta quan sát thấy, cái quyển này rất giống với những câu chuyện do Philip K. Dick viết. Và cũng như những truyện của Dick, nó sẽ hiệu quả hơn hẳn nếu câu chữ nghe văn vẻ bay bướm hơn tí, và cái sự ảo ma được làm mạnh hơn. Bình thường thì mình rất ủng hộ quan điểm không nên hất cùn trước khi cầm bút, nhưng riêng trong trường hợp này, Priest có lẽ không nên sống ngoan đạo như cái tên của mình, mà phải bạo dạn đến xin Ka Đích cho rít nhờ một hai hơi gì đó.

Còn một cái nữa cũng khá liên quan đến vụ giọng trên, ấy là Priest đôi khi lại mắc cái tật giải thích hơi rành rọt mọi thứ. Có những chỗ ông anh đã rải khá đủ thông tin rồi, hoặc là từ những chương trước hoặc trực tiếp trong cái phân cảnh hiện thời, và người đọc sẽ có thể tự rút ra được kết luận riêng với chỉ một chút động não. Nhưng như thể muốn thực sự chắc chắn độc giả sẽ đi theo đúng cái hướng mình muốn, Priest sẽ đế thêm một đoạn giúp loại bỏ bớt sự mập mờ. Mấy cái này không xuất hiện quá thường xuyên, và khi chường mặt ra thì cũng không đến nỗi quá lộ liễu, nhưng ta vẫn có thể ý thức được rằng đang có người giật giật tay áo, muốn kéo mình đến một cái đích nhất định. Nhét vào những tác phẩm khác thì không đến nỗi nào đâu, nhưng trong một cuốn như The Inverted World, một chút bóng gió chẳng chết ai đâu.

Ngoài đấy ra, việc The Inverted World đi kiểu đủng đỉnh an nhàn có thể cũng sẽ gây ra khó chịu với một số người. Truyện không có nhiều kịch tính, và các cảnh đấy hay bị giãn ra khá xa nhau, chưa kể lúc xuất hiện thì cũng chốt lại khá nhanh, lắm khi còn theo một kiểu cụt (cả về hứng lẫn mạch). Bên cạnh đó, ngay cả các manh mối với ám chỉ về bí ẩn hay các sự kiện thú vị then chốt cũng bị Priest căn khoảng cách khá căng. Bản thân mình thì không thấy chúng nó bị xa nhau, và đến rất đúng lúc cần đến, nhưng những cái lúc đấy hầu như luôn nằm sát sìn sịt giới hạn kiên nhẫn của mình. Thế nên nếu có một ngưỡng giới hạn khác, mọi người sẽ thấy câu chuyện bị thừa chữ, phân cảnh hay thì ít mà lê thê thì nhiều, và sốt hết cả ruột khi thấy Priest cứ tà lưa đưa đẩy cái sự tò mò và trông ngóng mãi mà chẳng chịu hóa giải gì cả.

Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI

The Inverted World có một cái thế giới khá chập cheng, theo cả nghĩa tốt lẫn nghĩa xấu.

Như đã nói rất nhiều ở trên, thế giới của tác phẩm rất quái dị. Và khi nhắc đến thế giới, thứ mình muốn nói là cả cái thành phố Trái Đất lẫn cái không gian xung quanh nó. Nhìn chung, sự quái đấy nằm ở hai thứ: cơ cấu xã hội và cấu trúc vật lý.

Về khoản cơ cấu xã hội thì điều này thể hiện mạnh nhất ở trong cái thành phố. Sự tồn tại hết sức đặc biệt của nó làm sản sinh ra một lô một lốc những hệ lụy lằng nhằng, từ đấy dẫn đến việc người dân ở đây hình thành một văn hóa rất đặc trưng, lẹm hẳn vào nếp sinh hoạt, lời ăn tiếng nói, phong tục của họ. Có những cái nghe lạ nhưng vẫn quen, na ná bản nhái của những hủ tục hoặc tiền lệ lịch sử lỗi thời, nhưng cũng có những thứ dị hợm hơn, nghe chẳng hiểu ý tứ là thế nào. Cả cái hệ thống chính quyền của thành phố cũng rất khác thường, pha trộn giữa các yếu tố cổ lỗ gần như ngang thời Trung Cổ với những yếu tố quái đản và mới mẻ hơn.

Đáng chú ý là không như đa phần các tác phẩm thuộc ngách YA Dystopia, những tình tiết về xã hội của Trái Đất không bị làm lố đến hóa thành kệch cỡm. Không có cái kiểu chính quyền gò dân làm thế vì tham quyền cố vị hay tàn ác như mấy thằng phản diện đặc sệt chất hoạt hình trẻ con, không có kiểu lý do dẫn đến sự hình thành của hệ thống hiện thời dựa trên những cái nguy hiểm chẳng có tí vị nguy hiểm nào, không có chuyện dân tình ngu đến mức chỉ biết ngu ngơ nghe lãnh đạo như cừu cho đến khi có đấng cứu thế ngầu lòi với IQ vô cực thò mặt vào hỏi mấy câu cực kỳ cơ bản. Mọi thứ đều có một nguyên nhân phức tạp ẩn đằng sau, và quan trọng nhất là cái nguyên nhân đấy dù dị nhưng nghe vẫn hoàn toàn đáng tin, và sau khi hé lộ thì ta bắt buộc phải công nhận rằng cái thế giới này nó không như thế thì nó chẳng thế nào được cả. Các phe phái trong xã hội này, từ tầng lớp dân ngu cu đen cho đến giới cầm quyền, đều không bị tô vẽ theo kiểu đen trắng tách bạch để nhìn rõ ai là phản diện ai là chính diện. Trên thực tế, chẳng có một phe phản diện nào ở đây hết. Ai nấy đều đang bám theo một mạch lôgic hết sức hợp lý đối với bối cảnh hiện tại, và luôn tự thân có những động thái tự chuyển biến để nỗ lực làm điều tốt nhất cho thành phố dựa trên những gì bản thân biết về tình thế hiện thời.

Mấy phần xã hội trên có mối liên hệ vô cùng mật thiết với cấu trúc vật lý của toàn thể thế giới này chứ không chỉ mỗi cái thành phố nói chung. Cái nơi người dân Thành phố Trái Đất đang sinh sống tuân theo một quy luật không hề bình thường một tí nào, và mọi thứ cứ được nhỏ giọt dần ra cho chúng ta thấy. Ban đầu anh em sẽ thấy thế giới chẳng có gì đặc biệt lắm, với mỗi cái thành phố di động kia là thứ khác thường nhất ở đây, mà ngay cả cái kiểu “khác” của nó cũng hơi quen quen nếu anh em đã kinh qua nhiều cuốn YA trong mảng SFF rồi. Nhưng càng về sau, khi tiếp xúc với những nơi bên ngoài phạm vi thành phố, mọi người sẽ bắt đầu chuyển dịch từ, “Xời, anh còn lạ gì cái kiểu YA của chú nữa,” sang thành “Toto, hình như ta không còn ở Kansas nữa rồi….”

Thú vị là cái điên của thế giới này được mô tả chẳng khác nào Fantasy, nhưng nó được củng cố lại bởi những yếu tố trông rõ là Sci Fi. Quyển này chém khoa học tung trời chứ chẳng đến nỗi Hard Sci Fi gì đâu, nhưng trong khuôn khổ cái sự ảo diệu của mình, Priest vẫn xoay xở làm cho mọi thứ nghe rất lôgic và thực tế. Thậm chí còn có một đoạn, Priest suýt nữa khiến mình lên cơn PTSD khi ông anh lôi ra một cái bài toán đồ thị hàm từng là ác mộng của mình cách đây tỉ năm, lần nào giở giải sau đít ra rồi mà vẫn chẳng hiểu sao lại ra được thành thế này. May mà cái bản của Priest cực kỳ đơn giản thôi, không bắt mọi người tính toán gì cao siêu cả, thế nên giúp bổ trợ rất tốt cho việc vừa làm thế giới thêm hấp dẫn, vừa giữ cho nó nghe có vẻ thực tế.

Khốn nạn một cái là sang đến tầm 1/3 cuối của tác phẩm, khi mọi thứ đã bắt đầu hé lộ gần ổn hết rồi, Priest bắt đầu thêm thắt một số sự kiện, khiến cho niềm tin của mình vào thế giới của cái quyển này bị lung lay trầm trọng. Và cũng như với rất nhiều trường hợp vượt ngưỡng chấp nhận gạt bỏ hoài nghi của độc giả khác, điều ấy không đến từ những thứ chém to tát của tác phẩm. Nó đến từ những tình tiết nhỏ hơn, thậm chí còn là những tình tiết trên lý thuyết hoàn toàn khả dĩ trong thế giới thực nữa, nhưng cực khó để chấp nhận là chuyện ấy xảy ra. Vì hầu hết chúng nó đều tụ lại ở đoạn cuối, thế nên hơi khó mà nói cụ thể được là như thế nào, nhưng nhìn chung, chúng nó liên quan đến tuổi đời của cái thành phố này, cái hành trình nó đã thực hiện tính đến nay, và tương quan giữa một yếu tố nhất định của thế giới bên ngoài và cái thành phố ấy. Lúc mấy đoạn đó xảy ra, mình không khỏi thắc mắc làm thế nào mà các sự kiện diễn ra trong cái quyển tiểu thuyết này phải đến tận bây giờ mới có, hay thậm chí làm thế nào mà thành phố này đứng vững được đến tận thời điểm này.

Và tất nhiên, không thể nào quên được cái kết. Cũng như với phần cốt, quả kết trời giáng của cái quyển này đấm cái thế giới của The Inverted World không trượt phát nào. Dẫu giúp lý giải nốt những yếu tố quái thai vẫn còn để lấp lửng, và kéo được tác phẩm đi từ Science Fantasy sang thành Sci Fi toàn bộ, phần kết vẫn chứa một yếu tố gây lung lay niềm tin mình đã nhắc đến ở trên. Nhưng nghiêm trọng nhất, điều khốn nạn nhất về cái kết là nó tự nhiên chặt phăng đi sự tiến hóa đang diễn ra trong xã hội của thành phố Trái Đất. Trước khi cái kết đến, đang có một cuộc tranh luận rất hấp dẫn về tương lai cũng như những gì thành phố phải làm khi gặp phải một chướng ngại chưa từng thấy bao giờ, và những bước đệm nền tảng để bản thân thành phố cũng trải qua một sự trưởng thành như chính nhân vật của nó đã được bôi trát và lắp đặt hết rồi. Nhưng đùng một cái, quả kết trời ơi đất hỡi kia rơi xuống, và thế là tự nhiên, ta chẳng còn một cái lựa chọn nào nữa. Mọi sự sắp đặt công phu ban đầu rốt cuộc hóa thành lãng xẹt, và chỉ có đúng một con đường duy nhất để cái thế giới này tiến thôi. Bên cạnh đó, các vấn đề thành phố phải đối mặt rốt cuộc vẫn chẳng biến đi đâu cả. Nó vẫn chưa có lời giải nào thỏa đáng, nhưng kết giờ đã đến vỗ vai rồi, thế nên phải kệ xừ công trình đang xây dở ở đấy mà dông thôi.

NHÂN VẬT

The Inverted World cũng có kha khá nhân vật, với những nét cá tính rất đặc trưng. Đầu tư mạnh nhất lẽ đương nhiên sẽ là Helward Mann, nhân vật chính của truyện. Thanh niên trải qua rất nhiều biến cố trong đời, và dần dần lột xác từ một thằng cu ngơ ngơ sang một công dân trưởng thành của thành phố. Thú vị nhất là truyện không khắc họa một sự khác biệt thực sự rõ rệt nào giữa phiên bản Helward thiếu niên và Helward trưởng thành, không có sự lột xác hoàn toàn về tư duy và tâm tưởng đến mức biến hai giai đoạn cuộc đời của Helward trong như hai con người khác nhau. Tuy nhiên, thông qua những tiểu tiết vụn vặt, chẳng hạn như cách tư duy và nếp nghĩ của Helward, qua các hành động đồng chí này thực hiện, ta vẫn có thể thấy thanh niên này đã không còn là người như xưa nữa. Trong hầu hết câu chuyện, Helward trưởng thành theo một kiểu khá sâu lắng, tinh tế, không từ chối và vứt bỏ hoàn toàn con người ngày trước của mình mà vẫn đạt được một sự chín cần thiết để tham gia xã hội.

Và ngay cả sau khi đã đạt mức chững chạc đủ để coi là trưởng thành rồi, quá trình lớn của Helward vẫn không kết thúc. Đồng chí này vẫn liên tục bị thách thức, liên tục phải trải qua những giằng xé và đấu tranh tư tưởng, thách thức những hiểu biết và cách nhìn nhận của bản thân về thế giới. Câu chuyện của Helward là công cụ để tác phẩm thể hiện rằng trưởng thành chẳng bao giờ có một cái mốc cố định nào hết. Nó là một hành trình bất tận, đòi hỏi ta luôn phải vượt qua hết chông gai này đến chông gai khác, mỗi lúc một khó khăn hơn khi tư duy ta dần định hình và tạo ra những sức ỳ càng lúc càng lớn.

Một điều đáng bực về khoản nhân vật là cái sự “ghìm” từng nhắc đến bên trên của Priest. Dàn nhân vật trong này đúng là có hỷ nộ ái ố đấy đủ đấy, nhưng các cung bậc của chúng nó khá là… phều phào. Priest rất kiệm để nhân vật bộc lộ cảm xúc mạnh mẽ, cứ khi nào hơi hơi lên cao một tí là lại xìu đi ngay. Thậm chí có những chỗ, nhân vật còn toát lên một vẻ dửng dưng và hờ hững, trong khi khung cảnh bấy giờ đang rất cần xúc cảm. Bởi vậy, anh em sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc san sẻ và cảm thông với nhân vật. Xét cho cùng, nếu bản thân người trong cuộc còn lãnh đạm với bi kịch hoặc mừng vui của đời mình, người ngoài biết đồng cảm kiểu gì đây?

Và rồi thì ta có cái kết, vẫn lại là cái kết.

Cũng như với phần thế giới, kết truyện đạp đổ một nền tảng đang xây dựng dở. Lúc bấy giờ, Helward đang một lần nữa bị thách thức rất nghiêm trọng, phải chọn giữa thay đổi hoặc bám rịt lấy truyền thống. Nhưng rồi cái kết xông đến, và câu chuyện dừng phắt lại. Công bằng mà nói, sự kiện của cái kết ít nhiều cũng khá sát với những gì tác giả đã rải ra từ trước, thế nên nó về cơ bản chỉ là một con đường hơi ngáo ngơ để dẫn đến cùng một kết cục. Nhưng điên tiết nhất là liền sau đó, tất cả mọi thứ dừng hoàn toàn lại, ngay giữa lúc cao trào. Hành trình của Helward không có một cái chốt nào hết. Thanh niên bị vứt bỏ chỏng chơ ở đấy, trong khi toàn bộ thế giới quan và niềm tin của bản thân đang sụp đổ ầm ầm. Vâng, đúng là The Inverted World sẽ hay hơn nếu được bổ sung thêm chút mơ hồ đấy, nhưng mơ hồ gì thì cũng phải có chừng mực thôi. Làm kiểu bỏ của chạy lấy người như thế này thì bậy quá.

TỔNG KẾT

The Inverted World dính phải một cái kết dở hơi, thế nên độ hay của nó đã ít nhiều bị phong ấn lại. Nhưng bất chấp cái cục nợ đó, phần còn lại của câu chuyện vẫn gánh được khá ổn, và The Inverted World vẫn là một tác phẩm có nhiều giá trị và ý nghĩa. Đây không chỉ là câu chuyện ngụ ngôn về quá trình trưởng thành, mà còn là một phép ẩn dụ về cách chúng ta tự bóp méo thế giới bằng những thiên kiến của mình. Đây vẫn rất đáng là một cuốn truyện nên tìm đọc nhé.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.