🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕
10/10
=====
TR;DR
=====
20,000 Dặm Dưới Đáy Biển + Interstellar. Cực kỳ
đáng đọc.
===
CỐT
===
To Be Taught, If Fortunate được mình tăm tia
ngay từ lúc xuất bản rồi, vì tác giả Becky Chambers quả thực có thể gọi là huyền
thoại của Sci Fi hiện đại (ai chưa đọc bộ Wayfarers, tính đến nay gồm 3 cuốn
thì cần khẩn cấp tìm đọc). Nhưng vì lỡ bán máu mua full bộ Wheel of Time để đọc
lại và review nên phải mãi hôm nay, khi được bơm thêm tí tiền dịch để sống qua
ngày mới cơ cấu được quyển này về. Và đã đọc liền một lèo hết sạch luôn vì nó
cuốn vô cùng.
To Be Taught, If Fortunate là một tiểu thuyết
ngắn thể loại Hard Sci Fi, kể về Lawki 6, nhiệm vụ đi nghiên cứu bốn hành tinh
có thể hỗ trợ sự sống cách Trái Đất cả chục năm ánh sáng của tàu vũ trụ Merian.
Đội ngũ trên tàu bao gồm bốn nhà khoa học: Ariadne, Elena, Jack, Chikondi. Mỗi
lần đến một hành tinh mới, họ lại có những phát hiện khoa học hết sức mới mẻ
cũng như gặp những khó khăn rất riêng biệt, và toàn bộ hành trình của họ được
Ariadne thuật lại dưới dạng một lá thư gửi về Trái Đất.
Cốt thực chất rất giống với một cuốn mình đọc
thấy ghét kinh khủng, nhưng Chambers đã viết cực kỳ điêu luyện, khiến cho mình
phải sửng sốt là một cái cốt đơn giản như thế lại có thể lôi cuốn đến như vậy,
và mọi tình tiết dù nhỏ đến đâu đều có một sức hút hết sức khó cưỡng. Ngay cả
khi có cảm giác đã nắm được mạch của truyện sẽ như thế nào (một phần vì đã quen
cách xây dựng truyện của Chambers), và xem chừng sẽ không có cái plot twist nào
xuất hiện, mình vẫn luôn hau háu theo dõi hành trình của họ, cực kỳ muốn biết
những gì sẽ xảy đến tiếp theo.
Thêm vào đó, mỗi một hành tinh, mỗi một khám
phá, mỗi một hồi ức đều được kết hợp với một sự chiêm nghiệm về cuộc đời, sự sống,
vị thế của con người trong vũ trụ, sứ mệnh và ý nghĩa của khoa học rất sâu sắc.
Thật khó mà tin nổi rằng với chỉ tầm đâu hơn 150 trang, Chambers lại có thể đưa
được nhiều triết lý mềm vào như thế mà
không hề tạo ra cảm giác nhồi nhét, thô thiển hay bất cứ xúc cảm tiêu cực nào,
đồng thời vẫn chừa rất đủ chỗ cho cốt phát triển. Đây là một kỳ tích mà ngay cả
những cuốn tiểu thuyết dày gấp 3, gấp 4 lần cũng rất ít khi làm được. Nó lồng
khéo léo vô cùng, diễn ra rất tự nhiên, không bao giờ phá mạch của câu truyện,
mà luôn lên xuống cực kỳ đồng điệu với cốt, bổ trợ cho nó và phát triển dựa
trên nó. Cả hai chẳng khác nào một chiếc piano và một cây violin, cùng hòa lại
và tạo thành một bản giao hưởng hết sức đồng điệu.
Nhưng mà bố tổ sư, cách viết truyện của đồng
chí này làm cho review nó gần như bất khả thi, bởi vì nó hay đến mức thực sự xứng
đáng được trải nghiệm một cách “trinh nguyên,” càng ít biết về nó càng tốt. Hở
ra hơn những gì đã nói một câu thôi là sẽ làm hỏng nó ngay, thế nên mình đã lờ
tịt theme và một số yếu tố cốt khác. Nhưng anh em cứ tin tưởng mình là quyển
này cốt rất ổn, cứ đọc đi, không thất vọng đâu.
================
Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI
================
Woooo-hoo!
Hãy tưởng tượng một biệt đội James Cameron,
Christopher Nolan, Stanley Kubrick, Denis Villeneuve cùng hiệp lực lại, mỗi người
đều được cấp cho kinh phí vô hạn và hoàn toàn không bị cấm cản gì hết, thỏa sức
phóng tay tô vẽ lên các thế giới mình muốn, và sau đó được Shinichiro Watanabe
chắp nối lại thành một vũ trụ đồng nhất. Đó sẽ là thế giới của To Be Taught, If
Fortunate.
Phần xây dựng thế giới xuất sắc ngay ở mảng kiến
thức khoa học của nó. Như đã nói, đây là một cuốn Hard Sci Fi, thế nên phần
khoa học được đầu tư hết sức tử tế. Thậm chí còn phải nói là tử tế một cách
đáng sợ. Sợ vã mồ hôi thật chứ không đùa. Truyện ngắn cũng thôi mà cô này
nghiên cứu tởm vkl. Chambers động đến gần như mọi mảng khoa học trên đời, bao gồm
hàng không vũ trụ, phân tích địa chất, phân tích sinh học,… đều được bàn rất
sâu và sử dụng nền tảng là khoa học thực tế. Đến cả một thứ lặt vặt ngoài sức
tưởng tượng như cách đặt tên cho các giống loài cũng được đề cập và phân tích
lôgic đến giật mình. Thế nhưng dù bám cực kỳ sát công nghệ khoa học ngày nay, mọi
thứ kỹ thuật vẫn mang nét hết sức mới mẻ và sáng tạo, lộ rõ chất là công nghệ
tương lai xa chứ không phải là công nghệ đương thời.
Thế nhưng lượng kiến thức khoa học khổng lồ
kia đọc không khô một tí nào. Nó được đưa ra đúng những lúc cần thiết phải xuất
hiện, và rút về ngay khi các yếu tố khác cần chiếm spotlight. Ngay cả lúc xuất
hiện, nó cũng không chỉ là một “cục” chữ to tổ bố để đấy lòe thiên hạ mà nó
luôn được Chambers thổi hồn vào bên trong, khiến cho phần khoa học vô tình lại
góp phần xây dựng luôn tính cách của nhân vật chính. Nếu đã từng đọc Người về từ
Sao Hỏa của Andy Weir (hoặc xem bản phim chuyển thể), mọi người hẳn sẽ nhớ cách
phần khoa học của nó được biến thành một vở hài kịch nhây nhây thông qua cái giọng
điệu tưng tửng của Mark Watney. Ariadne cũng giúp mang lại một hiệu ứng kiểu
như vậy, chỉ có điều theo một cách rất nhẹ nhàng, thấm đẫm cái sự lạc quan đặc
trưng của tác giả Chambers. Mỗi câu mỗi chữ đều mang một sự nhiệt tình, vui sướng
gần như hồn nhiên, chẳng khác gì một đứa trẻ lần đầu được thả vào giữa một cung
điện xa hoa. Cách truyền tải của nó được viết mượt mà đến mức ta sẽ không khỏi
“lây” chung cái niềm đam mê mà nhân vật đang cảm nhận lúc bấy giờ.
Bên cạnh khoa học nền tảng ra thì Chambers còn
xây dựng thế giới theo đúng nghĩa đen: cô vẽ lên năm thế giới riêng biệt: Trái
Đất, Aecor, Mirabilis, Opera, và Votum. Đây là năm hành tinh xuất hiện trong
tác phẩm, mỗi hành tinh đều được đầu tư xây dựng sống động vô cùng, bất chấp nếu
chia ra thì mỗi thằng chỉ có đâu tầm 30 trang. Mỗi một hành tinh đều có một hệ
sinh thái, một đặc điểm riêng, được xây dựng một cách đa dạng, lôgíc, và mô tả
chân thực đến mức ta có cảm giác đang ngồi trong một rạp IMAX 4D. Ngoài ra,
chúng nó còn ẩn chứa một theme triết lý và thông điệp riêng (spoiler rất lớn,
không nói cụ thể được), và thậm chí có thể còn coi như năm nhân vật riêng lẻ với
nét tính cách đầy khác biệt. Ngay cả Trái Đất, thanh niên đã quá quen thuộc với
chúng ta, cũng sẽ đủ sức khiến làm ta choáng ngợp, giống như gặp lại một đứa bạn
10 năm xa cách. Trong truyện, Chambers đã mô tả cái niềm vui phi thường khi lần
đầu tiên bước ra một thế giới lạ lùng, vậy nên đúng với tinh thần của truyện,
mình sẽ không tả thêm gì nữa mà để mọi người tự trải nghiệm nó.
=========
NHÂN VẬT
=========
Cả bốn nhân vật Ariadne, Elena, Jack, Chikondi
đều được xây dựng khá ổn, với những nét tính cách, tật xấu, hướng nhìn đời
riêng. Tuy nhiên, vì truyện được viết dưới dạng một lá thư của Ariadne nên cái
cô này là nhân vật được khai thác sâu nhất, còn các nhân vật còn lại không được
chi tiết bằng. Dẫu vậy, điều ấy không có nghĩa là ngoài Ariadne ra thì những
người còn lại đều là manơcanh hết. Khi có thứ mới lạ cần khám phá, và khi có một
số tình huống xảy ra, lập tức cá tính của mọi nhân vật đều bật lên hết. Chỉ có
điều vì Ariadne là người dẫn truyện nên chúng ta ngồi hẳn trong đầu cô nàng rồi,
vậy nên các nhân vật khác bì thế nào nổi. Nếu đã xem Interstellar của
Christopher Nolan, mọi người sẽ phần nào hình dung được điều này. Nhân vật
Cooper (cả bố và con gái) được khắc họa sâu đến mức át sạch mọi nhân vật khác,
nhưng những người như Giáo sư Brand, con rôbốt TARS, Tiến sĩ Mann,… cũng đều có
chiều sâu cả chứ không bị bỏ bê. Qua ánh mắt của Ariadne, tất cả các nhân vật
trong truyện đều hiện lên rất “người”, và khi kết hợp với rất nhiều yếu tố khác
của cốt và thế giới nền mà Chambers đã dựng lên, ngay cả một nhân vật phụ chỉ
xuất hiện trong vỏn vẹn 2 đoạn văn cũng sẽ khiến ta không khỏi lấy làm lo lắng,
muốn biết số phận của người đấy ra sao.
=========
TỔNG KẾT
=========
To Be Taught, If Fortunate là một trong những cuốn Hard Sci Fi rất có hồn, mang cái chất lạc quan mang mác đặc sản của Becky Chambers. Người thích khoa học sẽ có khoa học, người thích phiêu lưu sẽ có phiêu lưu, người thích tâm lý sẽ có tâm lý, người thích hài hước sẽ có hài hước, người thích triết sẽ có triết,... Nó có tất cả mọi thứ nhưng không hề bị tạp nham. Một quyển rất đáng đọc.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓