Chuyển đến nội dung chính

Review Sáu Đợt Thức Tỉnh của Mur Lafferty

Hôm qua vừa có một bạn inbox mình một chuyện đại khái như thế này: nếu từ trước đến giờ chỉ đọc trinh thám với lãng mạn thì liệu có đọc được Sci Fi không.

Vì dạo này có khá nhiều bạn mới vào group, mình sẽ review cái truyện này để mọi người thấy bất kể có đến với Sci Fi từ dòng văn nào khác thì cũng không việc gì phải sợ bị lạ nước lạ cái.



🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌑

9.0/10

TR;DR

Về cơ bản là Mười người da đen nhỏ. Trên tàu vũ trụ. Với chỉ 6 người. Toàn là bản sao vô tính (clone). Rất hay và sâu sắc bất ngờ. Thích trinh thám hay Sci Fi đều nên đọc.

CỐT

Truyện lấy bối cảnh là Dormire, một con tàu vũ trụ chở hàng mấy nghìn người ngủ đông lên hành tinh Artemis định cư. Hành trình sẽ mất đến 400 năm, thế nên cần một phi hành đoàn rất đặc biệt: sáu người nhân bản vô tính (bắt đầu từ đây sẽ gọi là “clone” cho gọn), cứ chết đi (chết già hoặc tai nạn) là sẽ được clone sang xác mới, ký ức giữ đầy đủ. Đám người này bao gồm: Katrina – thuyền trưởng; Wolfgang  – thuyền phó; Maria – ờm… tạp vụ cao cấp; Hiro – lập trình viên; Joanna – bác sĩ; Paul – kỹ sư cơ khí. Vì cả 6 đều là tội phạm, nhận nhiệm vụ này để được ân xá, tàu còn có IAN, một con AI, lãnh nhiệm vụ điều khiển tàu.

Truyện mở ra theo một kiểu khá bất thình lình: 6 thuyền viên đột nhiên bừng tỉnh sau khi được clone vào xác mới, và thấy mình đang bơi giữa bể máu. Nói đúng hơn là bể xác. 6 cái xác. Xác cơ thể cũ của chính họ. Tất cả đều bị giết. IAN đã bị vô hiệu hóa. Nghiêm trọng hơn, dữ liệu ký ức của họ đã bị xoá trắng, và tất cả chỉ nhớ được cái ngày đầu tiên mình đặt chân lên thuyền. Bởi vì các hành khách ngủ đông thì vẫn nằm ngủ không thiếu một ai, thế nên chỉ có một kết luận duy nhất: hung thủ là một trong 6 thuyền viên. Và vì không ai nhớ gì hết, lẽ dĩ nhiên chẳng ai biết hung thủ là kẻ nào.

Truyện xây dựng bí mật cực hay và hồi hộp. Nó liên tục đảo điểm nhìn giữa các nhân vật, và chuẩn theo phong cách truyện trinh thám, càng đọc càng thấy mọi nhân vật đều có động cơ để là thủ phạm. Thậm chí còn phát hiện ra hàng loạt bằng chứng cho thấy người này giết chết người kia rất rõ ràng, khiến cho mọi thành viên trên tàu đều cực kỳ căng thẳng, tự hình thành các giả thuyết riêng cho mình và hoang tưởng dè chừng lẫn nhau. Mỗi lần đảo điểm nhìn, bên cạnh tìm ra manh mối (hoặc là hỏa mù) mới, ta còn được khám phá về quá khứ của sáu con người này, về những kiếp đời clone của họ trước kia, và hiểu thêm về công nghệ này (phần dưới sẽ nói chi tiết).

Mặc dù liên tục đảo tuyến thời gian quá khứ/tương lai như thế, mỗi lần đảo là lại có thêm một câu hỏi mới được đưa ra, hoặc khiến cho một nhân vật tưởng như vô tội lại thành có tội hoặc ngược lại, nhưng truyện không hề rối chút nào. Tất cả mọi thứ đều làm tiền đề cho phân cảnh tiếp theo, và không một chi tiết nào bị để thừa.

Vấn đề duy nhất của cốt truyện nằm ở phần cuối, khi bí mật chính đã được hé lộ, và hung thủ đã xuất đầu lộ diện. Chủ yếu là bởi ở đoạn đầu mọi thứ lắt léo và quá kịch tính, thế nên đến đoạn cuối thấy hung thủ bị hạ theo một cách vô thưởng vô phạt thì hơi… ấy ấy 🐧. Mình kỳ vọng một quả đánh nhau kịch tính hơn, nhất là khi liền trước cảnh ấy là… ờm… gì đó… đang cực kỳ gay cấn. Nhưng xét công bằng thì hung thủ bị như thế cũng hợp lý vì… ờm… ở chỗ… ờm…

Thôi, đọc sẽ hiểu, nói ra spoil mất 🐧.

Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI

Đây, theo quan điểm của mình, mới là cái phần hay nhất của truyện. Mặc dù đọc giới thiệu về Six Wakes thì sẽ tưởng đây chỉ đơn thuần là một dạng án mạng closed-circle, IN SPACEEEEEEEEE, nhưng mà đọc vào mới thấy đây là một tác phẩm bình luận về công nghệ nhân bản vô tính và các tác động của nó sâu sắc vô cùng. Lafferty vẽ lên một tương lai mà con người có thể clone bản thân, xong truyền ký ức cũ sang cho cơ thể mới, về cơ bản là sống bất tử. Lẽ dĩ nhiên, công nghệ này đẻ ra một tỉ vấn đề, và tất cả đều được tác giả bàn luận cực kỳ chi tiết.

Lấy ví dụ, nếu cứ clone được liên tiếp như thế thì giả sử nếu có ai bị bắt cóc, không biết sống chết thế nào, bao lâu sau được phép clone mới? Nếu vừa clone mới xong mà khoảng 2 năm sau người cũ quay trở lại thì thế nào? Danh tính sẽ thuộc về ai? Hoặc nếu clone cứ sống bất tử như thế, mãi truyền lại tài sản cho bản thân, thế thì chênh lệch tài sản xã hội sẽ như thế nào? Hoặc vì ký ức đã trở thành dữ liệu số, có thể được điều chỉnh tuỳ ý, thế thì nếu có người “hack não” cho mình thành thiên tài thì có tội gì không? Hoặc nếu một người bị clone trái ý thì sao? Clone nào sống clone nào chết? Hoặc hack não để clone mới của mình không biết tí gì về tội ác cũ thì sao? Liệu có tính clone mới là người vô tội? Và nếu vợ hack não chồng cho chung thủy hơn, hoặc bỏ tư tưởng sùng tín cực đoan đi, về cơ bản biến đổi bản chất người khác mà không được cho phép thì xử lý thế nào? Và tôn giáo sẽ phản ứng thế nào khi có cả một ngành công nghệ nhổ toẹt vào thuyết đầu thai luân hồi của mình? Vân vân và vân vân… Đủ mọi loại câu hỏi về đạo đức, chính trị, xã hội, kinh tế đều được đem ra bàn thảo từ cả hai chiều. Và ngoài ra, như đã nói ở trên, không một chi tiết nào trong truyện bị thừa cả, thế nên tất cả những câu hỏi ấy đều góp phần vừa xây dựng thế giới, vừa chung tay xây dựng/giải quyết bí ẩn chính của truyện.

Cái hay của Sci Fi không bao giờ nằm ở tàu vũ trụ khổng lồ với súng laze pằng chíu (mặc dù có thì cũng không sao). Cái hay của Sci Fi là nó đề cập đến những biến động của xã hội trước sự xuất hiện của một bước nhảy vọt về công nghệ, và cách con người thích nghi với công nghệ mới. Ở đây công nghệ ấy là công nghệ clone. Bàn luận kiểu ấy là điều mà mình từng hi vọng bản chuyển thể của Altered Carbon sẽ thực hiện, nhưng rất tiếc là phim thích boobs & blood hơn.

NHÂN VẬT

Nhân vật trong truyện được phát triển rất tốt và rất đa chiều. Mới mấy chương đầu thì bạn sẽ có cảm giác mình đã nhìn ra được mô típ ai là “ác” ai là “thiện,” nhưng rồi càng đọc về sau thì lại càng thấy hình như mình đã sai. Rồi thêm một lúc nữa lại nghĩ hay là hồi nãy đúng nhỉ? Cái sự mập mờ về bản chất thế này khiến mình đọc thấy rất hút, rất muốn tìm hiểu thêm về từng nhân vật, bởi lẽ không ai như vẻ bề ngoài cả. Và cũng rất khó chọn ra nhân vật thích nhất, bởi lẽ cứ mỗi lần sắp sửa chuyển điểm nhìn, luôn có một cái cliff hanger (tình huống kịch tính bỏ ngỏ) để lập tức khiến người đọc phải giật mình, và muốn biết sâu hơn về nhân vật ấy.

Cơ mà Lafferty lúc xây dựng nhân vật bị sa vào cái bẫy rất nhiều người dính: để cho một số nhân vật quá giống nhau. Mặc dù truyện có 7 nhân vật chính (6 clone + 1 AI) và đôi ba nhân vật phụ, nhưng mà có một số người cứ giống giống nhau về tính cách, hoặc là kiểu ăn nói hành xử pha trộn của nhau một chút. Chẳng hạn Hiro là nhân vật cợt nhả, mở mồm ra là trêu ngươi người khác (có lý do cả, không thừa chi tiết đâu) có nét hao hao giống Maria, một người cũng ăn nói hài hước (dù không quá đà như Hiro); hoặc Katrina và Wolfgang thì cùng có cái kiểu thô bạo macho như nhau (dù bên nam bên nữ). Nói như thế không phải là nhân vật bị làm nhạt, chỉ là nếu tách bạch hẳn ra nữa thì sẽ hay hơn.

TỔNG KẾT

Six Wakes là một cuốn Sci Fi vừa có tính giải trí rất cao thông qua việc đi giải mã một vụ thảm sát đầy lắt léo trên tàu vũ trụ, đồng thời còn giúp khơi gợi suy tư thông qua những bình luận cực kỳ sâu sắc về sức ảnh hưởng của một trong những thứ công nghệ mang tính bước ngoặt. Truyện pha trộn rất hài hoà các mô típ của trinh thám và Sci Fi, thế kể cả nếu chỉ đọc được một trong hai dòng này, chắc chắn bạn sẽ không thất vọng với Six Wakes.

P/S: Quay về với nguyên nhân mình viết bài này, tức câu hỏi của bạn hôm qua. Mọi người đừng bị định kiến Sci Fi là cái gì quá riêng rẽ. Sci Fi thực chất chỉ là một nền tảng để xây dựng tác phẩm, quy định rằng truyện bắt buộc phải có sự xuất hiện của công nghệ. Giản dị vậy thôi. Hãy tưởng tượng Sci Fi như một tấm vải bố. Bạn có thể vẽ lên trên đấy tranh tĩnh vật, tranh phong cảnh, tranh chân dung, tranh biếm họa, tranh trừu tượng,… Tấm vải Sci Fi kia chỉ tạo khung cho bức tranh thôi, chứ nó có quyết định đề tài họa sĩ vẽ trên đó phải là ABC gì đâu?

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.