Chuyển đến nội dung chính

Review Rendezvous With Rama của Arthur C. Clarke



🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌗🌑

8.5/10

 

TL;DR

 

Journey to the Center of t̵h̵e̵ ̵E̵a̵r̵t̵h̵ Rama + From the Earth to t̵h̵e̵ ̵M̵o̵o̵n̵ Rama.

 

GIỚI THIỆU CHUNG

 

Rendezvous with Rama là một cuốn tiểu thuyết Hard Sci Fi của một trong những cây bồ đề khổng lồ nhất trong toàn bộ cái mảng đấy: Arthur C. Clarke. Truyện được xuất bản lần đầu vào năm 1973, và đã tức thì ăm cả hai giải thưởng lớn nhất làng SFF là Giải Hugo và Giải Nebula. Về sau, Clarke đã tiếp tục phát triển cuốn này lên thành một series bao gồm 4 tập. Chúng bao gồm:

1) Rendezvous with Rama

2) Rama II

3) The Garden of Rama

4) Rama Revealed

Mặc dù Rendezvous with Rama có một cái kết rất mở, dụng ý gốc của Clarke ngay từ đầu đã là để nó là tiểu thuyết đứng độc lập rồi. Chính bởi thế, anh em hoàn toàn có thể dừng lại sau khi đọc Rendezvous with Rama là đủ rồi, không cần đọc nối mấy quyển sequel được ông anh bôi ra tận chục năm sau khi tác phẩm gốc xuất bản làm gì hết.

Về bản thân cốt truyện của tác phẩm thì Rendezvous with Rama lấy bối cảnh là thập niên 2130. Khoảng 50 năm trước, Trái Đất từng bị một tiểu hành tinh va trúng, gây thiệt hại cực kỳ nghiêm trọng cả về người và của. Vụ việc đã gây rúng động toàn thể công dân trên khắp toàn cầu, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Chưa bao giờ sự mong manh của nhân loại lại rõ rành đến thế. Thảm họa này đã tàn khốc lắm rồi, nhưng “may mắn” là ngấm đòn chỉ có Châu Âu thôi. Chẳng ai biết lần tới liệu Trái Đất có còn nổi mống nào sống sót không nữa.

Trước tình hình ấy, chính phủ Trái Đất quyết định sẽ không còn “lần tới” nào nữa. Họ đã cùng nhau triển khai SPACEGUARD, một dự án chuyên theo dõi các tiểu hành tinh trong Thái Dương Hệ. Với sự hỗ trợ của hàng trăm rađa rải khắp nơi, mọi vật thể léng phéng đến gần Mặt Trời sẽ bị SPACEGUARD đánh dấu và ghi nhận vào một cơ sở dữ liệu không lồ, và nếu có thằng nào thuộc diện cần cân nhắc đặc biệt thì máy tính sẽ phất cờ báo với các nhà thiên văn học, để họ từ đấy đánh giá mức độ nguy hiểm và đưa ra hướng xử lý.

Trong suốt quãng thời gian gần nửa thế kỷ tồn tại của mình, SPACEGUARD không phát hiện thấy thứ gì đáng chú ý hết. Ngay cả mấy thành phần thuộc diện cá biệt (những thằng tiến hơi sát Mặt Trời) cũng không đến mức quá đáng ngại. Nhưng rồi một ngày nọ, rađa SPACEGUARD chợt dò thấy một thứ ở tận bên ngoài quỹ đạo Sao Mộc. Bản thân việc khu đấy có thiên thể thì cũng chẳng lạ lắm, mỗi tội từ trước đến nay, chưa một lần nào rađa SPACEGUARD dò ra được một thằng ở xa tít mù tắp như thế cả. Điều này chứng tỏ nó phải có kích thước khủng lắm. Và kích thước không chỉ là thứ dị thường duy nhất về thằng này. Quỹ đạo của nó, thậm chí cả cách nó hắt sáng nữa, cũng chẳng giống một thiên thể tự nhiên chút nào.

Lấy làm tò mò về vật thể ấy, giới khoa học đã đặt tên nó là Rama, dựa trên hóa thân thứ bảy của thần Vishnu. Mấy tháng sau, một tàu thăm dò không gian đã được phóng đi từ Phobos, một vệ tinh của Sao Hỏa. Con tàu phóng ngang qua Rama, và trên đường đi đã tung ra một loạt máy ảnh để chụp lại vật thể đó từ mọi góc độ.

Và ngay khoảnh khắc những hình ảnh đầu tiên về Rama được truyền về, toàn bộ nhân loại, từ những người còn trên Trái Đất cho đến những người đã ra định cư tại các mặt trăng và hành tinh trong hệ Mặt Trời, đều sững sờ đến bàng hoàng.

Xuất hiện trên một tỉ màn hình tivi là một khối hình trụ.

Không phải là một vật trông giống hình trụ. Rama là một khối hình trụ đúng nghĩa, hệt như ví dụ chuẩn mực trong một cuốn sách giáo khoa hình học vậy. Bề mặt của nó không chút gập ghềnh, mấp mô, láng trơn hoàn hảo đến độ như được xuất xưởng từ một nhà máy vậy.

Và giờ đây, đến cả những người hoài nghi nhất cũng chẳng còn bới nổi ra lý lẽ gì để nói rằng Rama là vật thể tự nhiên nữa. Câu hỏi cần bàn cãi hiện chỉ còn là: khám phá nó kiểu gì đây?

 

MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG

 

Đến với Rendezvous with Rama, điều đầu tiên khiến anh em thấy ấn tượng với nó sẽ là tốc độ cái truyện này vào đề. Bụp một phát, Clarke đã giới thiệu xong về SPACEGUARD rồi. Bụp phát nữa, Rama đã tòi mặt vào câu chuyện, và thiên hạ đã biết luôn nó là vật thể ngoài hành tinh. Và lại bụp thêm một phát, con người đã thò chân lên đấy rồi. Mọi thứ vào guồng nhanh đến mức nếu anh em bắc một ấm nước siêu tốc để nấu mì thì nước chưa kịp sôi, anh em đã thấy mình ngồi chễm chệ trong mạch chính luôn.

Và không, cái này không phải là chém. Tớ thử rồi các cậu ạ. Chấp đọc chậm vẫn lên Rama nhanh hơn tốc độ nước sôi nhé 🐧.

Tuy nhiên, đừng lầm tưởng rằng Rendezvous with Rama vào đề nhanh nhường ấy sẽ đồng nghĩa với nó có một mạch truyện dồn dập và kịch tính nhé. Cốt của Rendezvous with Rama không có kiểu giật đùng đùng như bị dí lửa sau đít tí nào. Trên thực tế, ta thậm chí còn có thể nói rằng Rendezvous with Rama là một cuốn… không có cốt. Ừ, truyện có mở thân kết đầy đủ đấy, nhưng mọi thứ đại khái chỉ có thế này: có một cục thò mặt vào Thái Dương Hệ, con người lên đó ngó nghiêng, và rồi họ về nhà. Hết truyện.

Và không, đây không phải là mình đang giản lược quá trớn cái cốt đi, kiểu như bảo Tây Du Ký là sư đi phượt xin sách xong về đâu. Rendezvous with Rama quả thực đơn sơ tột cùng. Trong suốt cái truyện này, gần như chẳng có gì trọng đại xảy ra ngoài việc cái cục Rama nó xuất hiện ở mấy trang, và rồi nó bay đi chỗ khác ở mấy trang cuối. Toàn bộ phần giữa chỉ có mấy nhà khoa học đi ngó nghiêng, thọc ngoáy cái này cái nọ, ngẫm xem tại sao nó lại thế, đưa ra vài cái thuyết mông lung bàn bạc, xong chốt lại với vài phỏng đoán chẳng biết đúng sai ra sao. Có đôi ba chỗ xảy ra chút biến cố, nhưng mọi thứ luôn được giải quyết một cách cực kỳ chóng vánh, và sự bình bình ban đầu lại được tái thiết lập, khiến anh em chưa kịp cảm nhận được tí nguy hiểm nào thì đã hết sạch cả kích thích.

Kết hợp vào đó là cái giọng văn của Arthur C. Clarke khô như ngói vậy. Ông anh rặt mô tả các thông tin kỹ thuật và giả thuyết khoa học, với mọi xung đột (nếu có thể gọi mấy trò “hắt xì hụt” của truyện là xung đột) xuất hiện đều chỉ là một cái cớ để Clarke bàn thêm về một khía cạnh khoa học nào đó của Rama và xã hội bấy giờ (sang phần thế giới sẽ bàn kỹ hơn). Chỉ thỉnh thoảng mới có dăm ba câu mang tính văn hoặc đùa hài hài được chen vào, nhưng chúng nó cực hiếm khi chường mặt ra, và ngay cả những lúc có xuất hiện thì cũng hoặc là hơi bị nhạt, hoặc lệch tông với sự “tiệt trùng” của giọng văn tính đến thời điểm hiện tại tới độ chỉ tổ làm mọi người thấy không thoải mái, như thể vừa tự nhiên bật cười giữa một đám tang nghiêm trang vậy.

Tuy nhiên, điều ấy không đồng nghĩa với việc Rendezvous with Rama không hay. Cái quan trọng là anh em phải biết cần thưởng thức nó với tâm thế ra sao. Đây không phải là một câu chuyện với các màn bẻ lái lắt léo. Nó là một chuyến đi thăm viện bảo tàng được trình bày rất bài bản và công phu. Và một khi đã xác định được chuẩn cái này rồi, mọi người sẽ không thấy cả sự bình bình của nó lẫn cái giọng khô cứng của Clarke có vấn đề gì nữa. Trên thực tế, anh em sẽ còn không thể hình dung nổi quyển này có thể được viết theo bất kỳ một cách nào khác ngoài cái cách “nhạt toẹt” của nó, bởi vì nó cho mọi người tận hưởng tối đa sự kỳ vĩ của cái kỳ quan mang tên Rama.

Và tiện nhắc đến Rama…

 

Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI

 

Rendezvous with Rama hy sinh gần như hoàn toàn cốt truyện và nhân vật để dành thời gian xây dựng cho thế giới, và sức hấp dẫn của nó cao ngất trời.

Ấn tượng nhất dứt khoát phải là “cục nợ” trọng tâm của truyện: Rama. Đây là một con tàu ngoài hành tinh, được Clarke đầu tư miêu tả kỹ lưỡng cả ngoài lẫn trong với những thông tin khoa học rất quy củ. Ngay từ lúc Rama mới thò mặt ra ở đoạn đầu thôi, khi tất cả những gì thu được về Rama chỉ là cách sóng rađa dội ngược lại sau khi phóng vào nó và cách nó phản sáng của mặt trời, Clarke vẫn từ đấy đưa ra hàng loạt phân tích mổ xẻ cực kỳ thú vị. Ông anh dẫn ta đi qua từng bước lập luận, suy đoán, từng cơ sở khoa học, và từng cái kết luận một, để từ đấy vẽ ra một bức tranh rất sinh động về con tàu, và khơi dậy trong người đọc một cảm giác choáng váng trước sự phi thường của nó. Mỗi lần có thêm thông tin gì mới về Rama, Clarke lại tiếp tục làm một tràng phân tích theo lối như trên, tiếp tục tô vẽ Rama thêm rõ nét và chân thực hơn nữa. Tuy nhiên, Clarke vẫn cực khéo trong việc duy trì và mở rộng tính chất bí ẩn của Rama, khiến anh em càng đi sâu, càng nghe nhiều càng thấy thêm “đói,” chỉ hau háu muốn biết thêm nhiều thứ nữa chứ không hề bị ngấy tí nào.

Và một khi đã vào đến trong Rama thì, ôi lạy Chúa.

Trong phần TL;DR, mình có ví Rendezvous with Rama với truyện của Jules Verne, và phần “nội thất” của Rama chính là nguyên nhân chủ đạo cho so sánh ấy. Cái cách những cảnh quan dị thường nhưng đầy hùng tráng bên trong Rama, cách nó ảo diệu đến ngoài sức tưởng tượng song lại bám cực sát nền tảng khoa học, cách những quy luật vật lý cùng tụ lại để tạo ra những hiệu ứng đầy bất ngờ và mới lạ nhưng luôn luôn đi theo các lôgic không thể bẻ vào đâu được, những chiêm nghiệm và phỏng đoán về công nghệ và chiều hướng áp dụng của công nghệ mà nó khơi gợi ra mang lại một cảm giác đậm chất Verne. Cụ thể hơn, nó là một cái thế giới mà bất kể có bước vào bao nhiêu lần, anh em cũng sẽ không khỏi mắt chữ O mồm chữ A với nó. Dù cho đây là lần thứ hai mình đọc quyển này rồi, Rama vẫn cứ hớp hồn mình y hệt như lần đầu, khiến mình như quay ngược lại cái thời còn mặc quần thủng đít ngồi đọc truyện Verne và trầm trồ trước công trình chế đại bác lên cung trăng của Câu lạc bộ Súng đạn Baltimore hay lác mắt trước thế giới nguyên thủy trong lòng đất mà đoàn thám hiểm của Giáo sư Lidenbrock lọt vào. Có vô vàn thứ để khám phá ở đây, chạy từ các công trình kiến trúc ứng dụng những mánh kỹ thuật sáng tạo và nhìn xa trông rộng cho đến cái hệ sinh thái riêng biệt vừa đáng sợ vừa khơi gợi lên bao tò mò. Bất kể có ghé nơi này bao nhiêu lần, anh em cũng sẽ đến chết mê chết mệt với nó, và cảm thấy vô cùng tiếc nuối khi chuyến tham quan của mình cuối cùng cũng đến hồi kết, và bản thân buộc phải chia tay Rama.

Ngoài Rama ra thì phần thế giới con người cũng được Clarke động đến ít nhiều. Thông qua các cuộc trò chuyện với bàn tán của cả đội ngũ phi hành gia ghé Rama lẫn tổ tư vấn ngồi nhà, anh em sẽ thu lượm được một lượng thông tin khá thú vị về tình hình cơ cấu xã hội của loài người thời bấy giờ, biết thái độ của con người đối với hôn nhân ra sao, định cư hệ Mặt Trời đến đâu rồi, hình thành kiểu văn hóa như thế nào tùy vào nơi sống. Đặc biệt hấp dẫn là những đoạn Clarke đi vào tả các hệ lụy xảy ra từ một xã hội như thế, và giải pháp công nghệ nào đã được áp dụng để khắc phục nó, và các giải pháp đấy dẫn đến những hậu quả oái oăm khác như thế nào. Ví dụ tiêu biểu bao gồm cách thiên hạ bấy giờ toàn dùng hình chiếu 3D để họp hành liên hành tinh, nhưng từ đấy mà đã dẫn đến việc nhiều quan chức cứ đâm sầm hay lỡ tay thụi nhau vì tưởng người kia là hình chiếu và mình có thể thọc xuyên ông ta; việc các phi hành gia ai cũng sẽ bị bức xạ ngoài vũ trụ tàn phá ADN, dẫn đến họ phải lưu tinh trùng và trứng vào kho trữ sẵn, và khi được chính phủ cấp phép thì dùng “hàng ém” thụ thai chứ không chơi kiểu tự nhiên được; việc loài người dùng công nghệ gen để tạo ra simp (viết tắt của “super-chimpanzee,” tức “tinh tinh siêu cấp” nhé, không phải subscriber Pokimane đâu 🐧 ) nhằm giúp các việc vặt trong những nhiệm vụ vũ trụ, nhưng có thể dẫn đến những hệ lụy tâm lý khó lường cho người chăm sóc chúng nó;… Nói chung Rama không phải thứ thú vị duy nhất trong này đâu.

Tuy nhiên, thế giới của Rendezvous with Rama không phải hoàn hảo 100%. Cái chết người lớn nhất của nó cũng nằm ở chính thứ lôi cuốn nhất của nó: Rama. Dẫu tác phẩm cung cấp rất nhiều thông tin về Rama, mọi kết luận rút ra được về bản chất của nó đều chỉ là các giả thuyết và suy đoán thuần túy, và khi đến cuối cùng thì chẳng có lời giải cụ thể nào được đưa ra cả. Lúc tác phẩm khép lại, gần như mọi bí ẩn về Rama vẫn tiếp tục chìm trong bóng tối, bỏ lại người đọc trong một trạng thái bần thần ngơ ngác. Cá nhân mình thì thấy đây không phải là vấn đề, vì mục đích của Rendezvous with Rama là tạo ra cảm giác ngợp cho độc giả, gợi cho ta suy nghĩ thêm về cái vô cùng của vũ trụ cũng như một phương án tiềm năng để đi định cư tại các hệ mặt trời xa xăm khác, nhưng có thể anh em sẽ thấy hơi thất vọng trước những gì thu lượm được ở cuối.

Còn một vấn đề nữa là thằng Rama được chú tâm xây dựng khủng quá, thế nên nó hút hết sạch tâm trí của Clarke, dẫn đến việc ông anh xây dựng thế giới loài người theo kiểu hơi lôm côm. Mấy thứ về xã hội với ảnh hưởng công nghệ hiện lên theo kiểu rất giật cục, và thường mỗi một khía cạnh mới lại bị dồn đống thành một chỗ, nhắc đến một lần thôi là về sau gần như không còn động đến nữa. Điều này làm cho thế giới con người thiếu đi sự liên kết, và tùy cách nhìn nhận thì có khi còn mang một vẻ hơi giả nữa, như thể đấy chỉ là một mớ đạo cụ bày lên cho đỡ trống sân khấu thôi, còn đâu ánh đèn chiếu hết sạch vào Rama.

Và tiện nhắc đến đạo cụ sân khấu…

 

NHÂN VẬT

 

Nó có à 🐧?

Đừng nghĩ là vì Rendezvous with Rama được so với các tác phẩm của Jules Verne, anh em sẽ gặp được một dàn nhân vật thú vị như Barbicane hay Nicholl nhé. Maston thì đặc biệt càng không. Đội nhân vật trong này chỉ toàn bù nhìn rơm, được vẽ ra vì Clarke cần người lên Rama làm trò con bò. Ông anh có nỗ lực chém ra cho dàn nhân vật của mình tí lịch sử, phông nền, với tâm tư tình cảm đấy, nhưng mọi thứ nghe cứ vô hồn, sống sượng thế nào ấy. Ai cũng na ná nhau, bất luận giới tính, tôn giáo, quê quán, kinh nghiệm làm việc có là gì.

Hài nhất là cách ông anh phát triển đám nhân vật ấy. Nó có diễn tiến cực kỳ giật cục, thậm chí còn hơn cả cách thanh niên xây dựng thế giới loài người (mặc dù phần lớn các tình tiết về thế giới đều gắn liền với nhân vật). Phải đi được một đoạn xa tít mù tắp, Clarke mới như giật nảy mình nhớ ra rằng, “Ôi bỏ mẹ, thằng A/con B không phải là cái loa phường,” và cuống quýt đi chém thêm tình tiết cho bọn họ. Đọc mấy đoạn này chẳng thấy nhân vật sâu hơn tí nào, mà chỉ phát phì cười trước cái kiểu làm ăn chống chế của tác giả thôi.

Thêm một cái nữa là ngay cả những tình tiết xây dựng nhân vật của Clarke kỳ thực cũng không phải để phục vụ nhân vật đâu, mà nó để phục vụ việc xây dựng thế giới. Mọi khía cạnh của các nhân vật lẻ cũng như những khác biệt giữa bọn họ với nhau đều được dùng làm nền tảng để Clarke từ đó bàn về cách xã hội tương lai vận hành, công nghệ đã phát triển đến đâu rồi. Trong số này, vụ mình nhớ nhất là trường hợp một thanh niên trong đoàn lên Rama ban đầu được xây dựng là người có đức tin rất mạnh mẽ, mục đích cứ bí bí ẩn ẩn. Hồi mới đọc, mình cứ đinh ninh đây sẽ là nền móng để tác giả đẩy một cái xung đột giữa tôn giáo với khoa học gì đó, nhưng rốt cuộc thất vọng ê chề khi thấy cái khác biệt tư tưởng thú vị kia chỉ được lôi ra đúng một lần để Clarke chém về một giả thuyết liên quan đến Rama, và sau đó được giải quyết ngay tắp lự. Lần này đọc lại thì biết khôn hơn, không kỳ vọng gì nữa, và rốt cuộc khi đến đoạn “xung đột” đó thì chỉ thấy buồn cười trước cái kiểu treo đầu dê bán thịt chó của ông anh.

Nhưng ít nhất, điều ấy đồng nghĩa với anh em không phải đọc ba cái drama hay tình củm vớ vẩn gì hết. Chừng ấy hẳn cũng gỡ gạc ít nhiều cái sự nhạt thếch của đội này rồi nhỉ 🐧?

 

TỔNG KẾT

 

Rendezvous with Rama sẽ không phải là một cuốn truyện chiều lòng được tất thảy mọi người. Nó hoặc sẽ là một chuyến chu du đầy kỳ thú, hoặc sẽ là một sự lãng phí thời gian vô bổ, tùy vào việc anh em chú trọng thứ gì ở một tác phẩm. Nếu thấy có thể thấm được cái kiểu dạo chơi bảo tàng của nó thì anh em rất nên xúc cuốn này, còn nếu không thì cứ tránh thật xa nó ra nhé.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.