Chuyển đến nội dung chính

Review The Caves Of Steel của Isaac Asimov

Tết chết chìm trong bánh chưng nên bỏ bẵng bộ Hyperion Cantos đang đọc, và giờ đã quên gần sạch nội dung 🐧. Để  thanh tẩy hẳn óc và cày lại từ đầu bộ kia, mình đã đọc lướt lại một cuốn Sci Fi ngắn khác là The Caves of Steel, và giờ tiện thể review luôn.



🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌗 🌑 🌑

7.5/10

=====

TL;DR

=====

Blade Runner + Zootopia + The Expanse, với bối cảnh tương lai bao cấp.

==============

CỐT/VĂN PHONG

==============

The Caves of Steel là một cuốn Sci Fi trinh thám của nhà văn Isaac Asimov huyền thoại, với bối cảnh Trái Đất trong tương lai. Lúc bấy giờ, bùng nổ dân số đã khiến phần đông con người phải sống chui chúc với nhau trong các khu vòm thép (tức các “động thép” như tên truyện). Một nhóm nhỏ thì lên các hành tinh khác sinh cơ lập nghiệp, và dần dần hình thành một vương quốc riêng cho mình, có cuộc sống sung túc. Những người ngoài không gian được gọi là “Spacers”, còn những người ở lại Trái Đất gọi là “Earth men”.

Earth men thì ghen tị với Spacers, còn Spacers thì tuyệt đối không muốn cho M̶e̶x̶i̶c̶a̶n̶s̶  Earth men nhập cư và phá hoại thiên đường của mình. Và hai phe rơi vào một tình thế gần như Chiến Tranh Lạnh: không ưa gì nhau, nhưng cũng chẳng ai muốn làm gì quá khích để bùng phát xung đột thật cả.

Thế rồi một ngày đẹp trời, một ông đại sứ Spacers bị bắn tan xác. Thủ phạm bị nghi ngờ là Earth men, và nếu chính phủ Trái Đất không lôi đầu hắn/ả ra trừng phạt sớm thì kiểu gì bên Spacers cũng không để yên. Vụ án được giao cho Elijah Baley, một thám tử Trái Đất xử lý. Và để đảm bảo công minh, bên Spacers cũng phái một người đến làm cộng sự cho Baley: một con rôbốt có tên Daneel Olivaw.

Tác phẩm có một cái cốt bám khá sát khung xương mấy câu chuyện trinh thám thập niên 50, có điều xen kẽ với xây dựng thế giới và luận bàn xã hội (phần dưới sẽ bàn kỹ hơn). Xen kẽ theo đúng nghĩa đen. Ta sẽ có 1 chương đi điều tra, suy luận, xong rồi sang chương sau thì công việc điều tra dường như gác hẳn lại, chuyển qua bàn về các vấn đề của thế giới thay vì vụ án hiện tại.

Điều này tạo cho cả câu chuyện một phong thái khá giống series phim dài tập: mỗi tập (tức chương) là một “vụ án” lẻ, và thường sẽ được giải quyết gọn trong vòng tập đấy hoặc cùng lắm là lan sang tập sau là xong, nhưng cũng đều dần dần góp phần giải quyết bí ẩn chủ đạo của cả series. Mặc dù kiểu viết thế này sẽ giúp câu chuyện trở nên khá là dễ nuốt, bởi vì ta có thể đọc đến hết chương rồi bỏ đấy đi làm việc, sang hôm sau đọc tiếp không thành vấn đề, nhưng mà nó đôi khi khiến cho mạch truyện cứ phanh kít lại, đọc dễ hẫng.

Có một vấn đề nữa là giống với nhiều câu chuyện trinh thám cổ điển, có những chương Asimov thả nguyên một “cục” thông tin/suy luận to đùng. Mặc dù được viết rất chặt chẽ, đọc những đoạn đấy cực kỳ mỏi, vì nó cứ đi mãi không thấy có hồi kết, đặc biệt là nếu đến giữa chừng, ta nhìn ra được cái câu hỏi nền tảng của nó có thể giải quyết như thế nào.

Nhưng nói vậy không có nghĩa là cốt của nó không lôi cuốn. Có 3 mạch truyện chính tất cả: 1) giải mã bí ẩn ai giết cái ông đại sứ Spacers kia, 2) các vấn đề chính trị giữa Spacers và Earth men, 3) mối hiềm khích giữa con người với rôbốt. Cả 3 mạch đều được phát triển rất đồng đều, giúp cho mọi người hoàn toàn có thể tiếp cận nó dưới góc độ một cuốn trinh thám hoặc một cuốn Social Science Fiction. Đặc biệt thú vị là cái cách Asimov phát triển song song mối quan hệ tay ba giữa Spacers - Earth men - rôbốt, và gần như mọi phân cảnh hấp dẫn/kịch tính nhất truyện đều nảy sinh từ đấy mà ra.

================

Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI

================

Thế giới của The Caves of Steel được Asimov phát triển lên từ các tác phẩm trong series về rôbốt của ông, trong đó nổi tiếng nhất là I, Robot. Tuy nhiên, nếu anh em đọc từ I, Robot xong nhảy bộp vào đây thì sẽ có một pha sốc văn hóa vì thế giới hai bên lệch nhau khá nhiều. Thế giới của I, Robot được xây dựng lên theo chiều hướng khá Utopian, với rôbốt được thể hiện một cách đầy tích cực và nền văn minh cứ ngày một đi lên. The Caves of Steel thì sặc mùi Dystopian, với rôbốt bị tô vẽ theo chiều hướng tiêu cực, xã hội con người đang đi vào bế tắc, và xung đột chính thậm chí còn máu me hẳn, trong khi I, Robot không có đến một giọt máu nào rơi ra. Bởi thế, mặc dù mang danh là nằm trong series rôbốt của Asimov, thế giới The Caves of Steel thực chất sát với Blade Runner hơn là những “người tiền nhiệm” của mình.

Mặc dù phát triển theo chiều hướng tăm tối, nhưng điều đó không có nghĩa The Caves of Steel có một thế giới nhàm chán. Asimov đề đem những vấn đề xã hội cực kỳ thực tiễn ra bàn, và xoáy sâu vào chúng đến lạnh cả gáy. Hai ví dụ lớn nhất có thể đem ra bàn mà không sợ spoiler quá nặng là khủng hoảng dân số và sự máy móc hóa đời sống.

Như đã nói ở trên, lúc bấy giờ, dân số thế giới đã phát triển đến mức tài nguyên Trái Đất không còn gánh nổi nữa, và con người buộc phải dần dần từ bỏ từng tí quyền lợi của mình, dần dần đến mức quay hẳn trở về một thời giống bao cấp khủng khiếp. Cơm nước, tắm giặt, nhà cửa, tất cả đều phải vận hành theo một kiểu “tem phiếu”, có hạn ngạch hẳn hoi. Ngay cả những người có quyền “ăn sang” cũng chẳng dám ăn, hoặc phải ăn giấu vì sợ hàng xóm láng giềng trông thấy. Anh em nào từng sống qua thời đấy hẳn sẽ thất khá giật mình khi đọc quyển này. Nhưng mà Asimov thiên tài ở một chỗ để cho cái “bao cấp” này hợp lý đến phi thường, và càng đọc sẽ càng không có lựa chọn nào khác ngoài chấp nhận đây là phương án tối ưu nhất có thể với tình hình hiện thời, cho dù biết rất rõ nó là một phương án tệ hại.

Và vì đây là truyện của Asimov nên khoản máy móc hóa thì khỏi có chỗ chê rồi. Đám rôbốt trong truyện cũng dùng não positron và tuân thủ 3 Định luật Rôbốt học, nhưng lần này thì ông không đi sâu vào vẽ ra những bài toán khó cần giải quyết trong khuôn khổ 3 định luật ấy nữa, mà đánh mạnh vào các vấn đề xã hội của rôbốt với thế giới. Vì rôbốt ngày một phát triển, có thể làm thay con người cực kỳ nhiều việc, cơ hội việc làm đối với Earth men bị thu hẹp lại kinh khủng, và ngay cả những người đang có việc trong tay cũng nơm nớp không biết bao giờ đến lượt mình bị sút ra ngoài. Asimov viết rất khéo, không cho bên nào nắm trọn phần đúng cả, mà cả rôbốt lẫn con người đều có cái lý của mình. Chính thế nên dù trông kiểu mấy ông Earth men hơi tí ngoạc mồm đòi công bằng với Spacers nhưng ngoảnh mặt lại cái là đối xử với rôbốt không ra gì mà thấy khá là hài, ta vẫn không thể chê trách gì họ cả. Nhưng đồng thời, đến những phân cảnh bọn rôbốt bị ngược đãi, ta vẫn thấy chúng chẳng đáng bị thế tí nào.

Ngoài hai cái yếu tố trên thì truyện còn rải rắc rất nhiều yếu tố xây dựng thế giới thú vị khác, chạy từ to tát như khi hai nền văn minh đã sống trong những môi trường tách biệt quá lâu rồi thì khi giao tiếp phải như thế nào, và sẽ phải phát triển công nghệ gì để đảm bảo sự sinh tồn của mình, nhưng những công nghệ ấy sẽ ảnh hưởng đến ý thức hệ và tiền đồ của họ ra sao; cho đến chỉ một cái rất đơn giản như các “băng chuyền” giúp con người di chuyển giữa những thành phố đã đẻ ra một môn thể thao mạo hiểm mới như thế nào, và tác động của nó đến với đời sống là gì, và nó được ứng dụng để giải quyết một vấn đề bất ngờ ra sao… Tất cả đều được xây dựng rất chặt chẽ và hợp lý, tạo thành một bức tranh tương lai hết sức sống động, hiện đại, vừa đủ xa cách nhưng cũng vừa đủ gần gũi.

=========

NHÂN VẬT

=========

Nhân vật luôn là phần Asimov viết yếu nhất, bởi chuyên môn của ông là những ý tưởng vĩ mô chứ không phải tâm lý với số mệnh cá nhân. Các nhân vật trong The Caves of Steel cũng không phải là ngoại lệ, nhưng mà  vì lý do khác hẳn.

Nhân vật trong này ngu vl 🐧.

Nói nhiều quá thì sẽ lộ cốt mất, nhưng có thể lấy một ví dụ lúc khoảng giữa giữa truyện, khi thám tử Baley đưa ra một tuyên bố đầy hùng hồn, và sau đó là nguyên một chương dài dằng dặc cãi nhau qua lại với lập luận đầy hầm hố.

Trong khi cái giải pháp thì nó cực kỳ hiển nhiên.

Trái nghiệm đọc của mình đại khái như thế này:

Baley: A là thủ phạm bởi vì X, Y, Z.

Mình: Bro, kiểm tra đơn giản mà, chỉ…

Nhân vật B: Ừ, nhưng để X, Y, Z thì phải G, H, I, trong khi L, M, N…

Mình: Êu, êu, sao không…

Baley: Á à, tao biết ngay, nhưng mà Q, K, Át…

Mình: Lằng nhằng thế làm gì, lấy…

Nhân vật B: Vâng, mỗi tội O, Ô, Ơ…

Mình: Con lạy các bố, lấy một cái…

Baley: Bậy, Q, W, E, R, T, Y…

Mình: Dcm, ngồi im mà nghe phát nào, cứ việc…

Nhân vật B: À vâng, nhưng thực ra chỉ cần <phương án đúng>.

Baley:…

Mình:…

Nhân vật B:…

Mình: … các ông ăn của tôi 30’ cuộc đời chỉ để rút ra kết luận hiển nhiên nhất thôi à?

Thực sự thì ngoài Olivaw ra, trong truyện chẳng có nhân vật nào ưa được cả. Mặc dù có thể có một số người có cốt với tính tình hấp dẫn, nhưng mức IQ của các ông tạ quá thể đáng. Phước đời có con rôbốt mở miệng ra câu nào chí lý câu đấy nó gỡ gạc lại, không thì…

=========

TỔNG KẾT

=========

The Caves of Steel là một cuốn đọc khá ổn, đủ nhiều khoa học và bàn luận tương lai để thu hút người đã đọc Sci Fi lâu năm mà cũng không quá ngộn để làm người mới bước vào dòng này phải phát hoảng bỏ chạy. Bất chấp việc không quen viết trinh thám và bởi thế mà làm câu chuyện có mấy chỗ lủng củng, Asimov vẫn chứng minh được rằng không phải ngẫu nhiên mà ông là một trong những cây đại thụ của làng Sci Fi, và mang đến cho ta một tác phẩm thú vị.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.