Chuyển đến nội dung chính

Review Hòn Đảo Của Bác Sĩ Moreau của H. G. Wells (viết bởi Lã Bảo)



🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌑🌑

8.0/10

Nhân dịp sắp tới Bookism sẽ cho xuất bản The Island of Dr. Moreau, tức Hòn đảo của Bác sĩ Moreau, mình sẽ review trước về cuốn truyện Sci Fi kinh điển này. 

Lưu ý: review viết dựa trên bản gốc tiếng Anh.

Hòn đảo của Bác sĩ Moreau được coi là một trong những tác phẩm “tiền thân Sci Fi” nổi tiếng của H.G. Wells. Truyện xoay quanh nhân vật Eward Prendick bị đắm tàu, sau đó được cứu và đưa lên một hòn đảo hoang. Tại đây anh gặp Moreau, một vị bác sĩ lạnh lùng bí ẩn, và chạm trán với những “thành tựu” của ông ta.

Đầu tiên là về cốt truyện. Mọi người còn nhớ cái bìa bản việt mà Long Nguyen up lên group hôm trước không? Cái bìa đó làm nhiều người ngạc nhiên là sao lại thiết kế trông giống hệt truyện kinh dị. Tất nhiên, mọi thứ đều có lý do, và lý do đằng sau cái bìa bản Việt kia cực kỳ phức tạp, mọi người hãy chuẩn bị tinh thần lãnh hội này *lấy hơi*: 

Đây là truyện kinh dị.

Thế thôi :v.

Tác phẩm này có thể coi là Frankenstein x Robinson Crusoe, nhưng với liều lượng kinh dị cao hơn hẳn. Và là “kinh dị” theo đúng nghĩa: vừa KINH mà lại vừa DỊ. Trên Goodreads có 1 bạn reviewer nói cái hay của quyển này không nằm ở máu chảy đầu rơi mà là cảm giác ‘some f*ckery is afoot’ (tạm dịch: ‘có cái đ*o gì bất ổn quanh đây’). Tác giả rất hay ngụ ý ám chỉ những điều ghê rợn nhưng chẳng bao giờ nói hẳn ra, mang lại cái cảm giác gai gai, không ngừng bò dọc sống lưng suốt từ lúc chưa đến cho tới khi đặt chân lên đảo. Cái phần DỊ cứ kéo căng mãi như sợi dây chun, cuối cùng bùng nổ và chuyển giao thẳng sang phần KINH. Từ tiếng gào bùng nổ thành phát hiện <*spoiler removed*> và cuộc chạy trốn diễn ra. Từ những câu tra hỏi và những mảnh xác vương bùng nổ thành một chuyến săn mồi rùng rợn. Từ những ánh mắt rình rập lấp ló trong bóng tối bùng nổ thành một màn rượt đuổi đầy kịch tính dưới ánh trăng… 

Tác giả thậm chí còn dùng cả cách hành văn để bổ sung cho tính kinh dị của truyện. Trong truyện rải rắc rất nhiều điển tích, sự kiện, giai thoại kinh dị, thí nghiệm có thật trong lịch sử, ví dụ như vụ chém giết và ăn thịt người trên tàu khu trục Méduse, giai thoại về hầm ngục của bá tước Blue-Beard, thí nghiệm ghép cựa gà của John Hunter, tác phẩm về “Joker” toác mồm của Victor Hugo,… Chúng chỉ được nhắc đến qua loa qua những câu so sánh, ví von hời hợt, nhưng nếu tìm hiểu ra thì sẽ thấy lồng trong câu chuyện của bác sĩ Moreau là hàng chục những câu chuyện kinh dị mini khác. 

Tiện nói về cách hành văn, đây là cũng đồng thời điểm khó đỡ nhất của tác phẩm. Truyện viết từ thời Victoria, lại là truyện của Wells nên câu văn lắm lúc cứ nối hết với nhau, mãi mới dứt ý. Sợ nhất là các đoạn mô tả dài dằng dặc đi mãi mới thấy nó xuống dòng sang đoạn khác, tạo thành những “cục” đoạn đọc khá mệt. Tác phẩm cũng hay sử dụng nhiều từ bay bướm hoa văn, lối viết cổ thành ra phải đi tra một hồi mới hiểu ông ấy muốn nói cái gì :v. Cơ mà như đã nói, bản mình đọc là bản tiếng Anh gốc, thế những yếu tố như thế này trở thành điểm trừ nặng, nhưng sau khi dịch sang tiếng Việt nó sẽ thành như thế nào thì cái đó còn tuỳ.

Thường thì với các tác phẩm cổ thế này, khoa học sẽ cực kỳ nhảm. Nhưng riêng trong Hòn đảo của Bác sĩ Moreau, các yếu tố khoa học của nó vẫn rất gần với khoa học hiện đại. Có 3 nguyên do như sau: Thứ nhất, khoa học dùng trong tác phẩm là giải phẫu động vật sống. Nó về cơ bản chỉ là mổ xẻ cấy ghép, không thay đổi quá mạnh mẽ như nhiều ngành khoa học khác (ít nhất với vốn kiến thức bao la về mổ ếch với giun hồi lớp 8 của mình thì thấy như thế :v). Thứ hai, Wells nhắc đến khá nhiều điều từng được thực hiện trong lịch sử, giúp công trình của Moreau thực sự giống một “nghiên cứu” phát triển lên từ những gì người đi trước xây dựng. Thứ ba, ngày nay khoa học đang giúp cho con người ghép được bộ phận của các loài khác cho người và cho lẫn nhau, thế nên gần như chúng ta đang quay ngược lại chứng minh sự đúng đắn của thí nghiệm của Moreau. Chính nhờ cái tính chân thực này mà tác phẩm càng thêm phần đáng sợ vì nó không quá khó để xảy ra, và độc giả hiện đại đọc vẫn thấy ổn.

Nhân vật trong truyện được phát triển khá tốt. Như nhiều tác phẩm khác của Wells, nhân vật chính, Eward Prendick, là quý tộc da trắng hơi phân biệt chủng tộc, và là chuẩn mực đạo đức của xã hội đương thời, kiêm “avatar” của tác giả để bàn triết lý. Nhân vật này có đủ yếu tố diễn biến tâm lý phức tạp để trở nên đa chiều, nhưng lại cứng đầu và có cái tính khinh khỉnh khó mà mê nổi. Montgomery, trợ lý của bác sĩ Moreau, thì dù là nhân vật phụ nhưng mình thấy đồng cảm được nhiều nhất. Anh ta lắm tật xấu nhưng tính tình tử tế hơn hẳn Prendick, chỉ tội số rất khổ, và sự sa ngã của anh về sau rất dễ thông cảm. Moreau thì phần nhiều là một “sự hiện diện” hơn là một nhân vật. Ông rất ít xuất hiện, và thường chỉ ra mặt khi có biến cố nào đó. 

Tất nhiên truyện của H.G. Wells thì không thể nào không có triết. Truyện bàn về sự tàn nhẫn và nguy hiểm của khoa học, đồng thời còn cả về bản chất của loài người. Tác giả danh nguyên một chương cho Moreau tranh luận với Prendick xem liệu ác độc như Moreau có đáng bị chỉ trích không khi tất cả những gì ông ta làm là đẩy xa ranh giới của khoa học. Câu hỏi này khá lạnh gáy nếu ta nghĩ về việc các thí nghiệm theo kiểu Moreau ngày nay vẫn còn được thực hiện, đặc biệt trong y học. Ngoài ra, tác giả còn tương phản hành động với suy nghĩ của Prendick và Moreau với đám “quái vật” để ta thấy ranh giới giữa người với thú rất nhập nhằng. Đặc biệt đến cuối, tác giả còn tinh tế chập hẳn hai “xã hội” vào với nhau, càng khiến ta phải tự hỏi về chất “người” của xã hội mình.

Lúc ra đời, Hòn đảo của Bác sĩ Moreau không gây chấn động mạnh như Cỗ máy Thời gian, Người Tàng hình, và Chiến tranh giữa Các thế giới của Wells, bởi trước nó đã có Frankeinstein bàn về đề tài tương tự trong khi 3 quyển kia toàn mở ra những nhánh chưa một ai khai thác. Tuy nhiên, đây lại là cuốn có chất văn và chất khoa học hấp dẫn nhất trong số các tác phẩm nổi trội của ông. Nếu nhìn khách quan, bỏ đi yếu tố ý nghĩa lịch sử, đây sẽ là tác phẩm văn học viễn tưởng hay nhất Wells từng chấp bút, và là một trong những cuốn biopunk tiên phong thú vị.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.