“Steampunk” có định nghĩa rất đơn giản: các tác phẩm có sự xuất hiện của công nghệ hiện đại, nhưng tất cả đều vận hành chủ yếu bằng hơi nước. Chính thế mà người ta mới gọi nó là STEAMpunk (từ “steam” có nghĩa là “hơi nước”).
Steampunk có thể sẽ lấy khung thời gian là giai đoạn Victoria ở các nước công nghiệp; hoặc lấy tuyến thời gian hiện tại/tương lai, nhưng vì lý do gì đó động cơ đốt/linh kiện điện tử không ra đời, và động cơ hơi nước vẫn là đỉnh cao khoa học. Tất nhiên, mặc dù nền tảng là động cơ hơi nước, nhưng công nghệ ứng dụng động cơ ấy lại tân tiến vượt trội, tối thiểu phải cao cấp hơn các công nghệ giai đoạn thế kỷ 19-20, hoặc thậm chí còn vượt cả công nghệ hiện đại, có thể có súng laze, tàu ngầm, phi thuyền, máy tính, rôbốt,…
Steampunk có thể coi là dòng có diện mạo dễ nhận ra nhất trong mọi dòng Sci Fi. Bất kể tác phẩm Sci Fi nào, truyện, phim, game,… chỉ cần nhìn qua hình ảnh của nó thôi là sẽ biết luôn đây có phải Steampunk hay không. Máy móc sẽ có dây cót, bánh răng (clockwork), hay làm từ đồng, gỗ, sắt để trần, tàu bè gắn khinh khí cầu/buồm, và tất nhiên là hơi nước xì xì khắp nơi. Trong một số trường hợp, đặc biệt với các tác phẩm nặng về hình ảnh như phim, truyện tranh,… công nghệ nền có thể không phải là công nghệ hơi nước, nhưng tích hợp nhiều yếu tố ngoại hình của Steampunk thì nó vẫn có thể coi là con lai của Steampunk. Treasure Planet bản phim hoạt hình của Disney là ví dụ rất rõ về sự pha tạp này.
Cái thuật ngữ Steampunk vốn là do nhà văn Kevin Jeter nghĩ ra để gọi các tác phẩm “Retro” Sci Fi của mình, đọ với các tác phẩm “Futuristic” Sci Fi, tức “Cyberpunk,” của William Gibson. Thực ra, trước thời của Jeter, đã có rất nhiều tác phẩm đủ tiêu chuẩn để gọi là Steampunk, đặc biệt là các tác phẩm của Jules Vernes. Steampunk còn có thể được gọi là “Victorian Futurism,” và các tác phẩm Fantasy sử dụng những yếu tố tương tự như Steampunk thì sẽ được gọi là “Gaslamp Fantasy.”
Một số tác phẩm Steampunk đáng chú ý: Hai vạn dặm dưới đáy biển (Jules Vernes), Cỗ máy thời gian (H.G. Wells), Atlantis: The Lost Empire (Disney), Fullmetal Alchemist (Hiromu Arakawa), Mortal Engines (Philip Reeve), BioShock Infinite (Irrational Games).
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓