🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌑🌑
8.0/10
=====
TL;DR
=====
Contact, nhưng bi thảm hơn hẳn.
==============
GIỚI THIỆU CHUNG
==============
The Sparrow là cuốn tiểu thuyết đầu tay của
nhà nhân chủng học Mary Doria Russell, ra mắt vào năm 1996. Truyện đảo qua đảo
lại giữa hai giai đoạn tương lai, ấy là cuối thập niên 2010 và đầu thập niên
2060, thuật lại câu chuyện của một phái đoàn thám hiểm lên một hành tinh lạ
mang tên Rakhat.
Sở dĩ chuyến đi ấy được thực hiện là bởi trong
năm 2019, Đài quan sát Arecibo đã phát hiện ra một tín hiệu lạ đến từ Alpha
Centauri. Nó mang gốc nhân tạo thấy rõ, và nghe cực kỳ giống với một dạng âm nhạc.
Đây là lần đầu tiên con người có được bằng chứng cụ thể về sự sống ngoài hành
tinh, và thậm chí còn là sự sống tân tiến đến mức phát triển được âm nhạc cũng
như công nghệ radio để truyền nó đến tận Trái Đất. Lẽ đương nhiên, tin tức về
phát hiện này làm cả thế giới xôn xao hết lên, và chính phủ thế giới bàn cãi rất
hăng về chuyện nên làm gì với thông tin ấy.
Tuy nhiên, giữa lúc Liên Hiệp Quốc còn đang
bàn đi tính lại, cãi nhau ỏm tỏi về việc liệu có nên hao phí tài nguyên và nhân
lực vào việc liên hệ với một thế giới xa xôi trong khi trên Trái Đất hãy còn
hàng đống công việc cấp bách cần giải quyết, một bên khác đã chốt quyết định một
cách cực kỳ chóng vánh. Đối với họ, câu hỏi không phải là liệu có nên làm hay
không, mà là nên làm kiểu gì và cử ai đi.
Bên ấy là Dòng Tên, một dòng tu của Giáo hội
Công giáo.
Những con người này chỉ muốn đi tìm hiểu thôi
chứ không phải truyền đạo gì cả. Như cách hàng trăm tu sĩ Dòng Tên từ muôn thuở
trước luôn sẵn sàng vượt bao gian nan khổ ải để tìm đến với những chân trời xa
xôi nhất, họ đi theo tôn chỉ ad majorem Dei gloriam: cho vinh danh Thiên Chúa
hơn. Họ muốn đi để có thể được làm quen và chia sẻ yêu thương với những đứa con
khác của Đức Chúa Trời, và từ đấy tìm thấy Chúa ở trên mảnh đất mới lạ đó.
Họ nào muốn gây họa cho ai.
Tham gia vào sứ mệnh lên Rakhat ấy bao gồm Cha
Emilio Sandoz, một nhà ngôn ngữ học người Puerto Rico gốc Taino; Sofia Mendez,
một chuyên gia AI người Do Thái đến từ Thổ Nhĩ Kỳ; cặp vợ chồng già đã về hưu
tên George và Ann Edwards, với George là một kỹ sư còn Ann là bác sĩ; Jimmy
Quinn, nhà thiên văn học đã khám phá ra bản nhạc ngoài hành tinh kia; Cha Alan
Pace, chuyên gia âm nhạc người Anh; Cha D. W. Yarbrough, cựu binh Thủy quân Lục
chiến đến từ Texas; và Cha Marc Robichaux, nhà tự nhiên học người Canada gốc
Pháp. Cùng với nhau, họ sẽ nếm trải hàng bao cay đắng ngọt bùi mà chưa con người
Trái Đất nào từng được hưởng, đồng thời sẽ được một phen thấm thía lời dạy của
cổ nhân: thiện tâm là thứ lát kín con đường dẫn xuống địa ngục…
=====================
MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG
=====================
The Sparrow có một kiểu cốt khá đặc biệt, ấy
là nó tự spoil chính bản thân mình 🐧.
Vừa mở ra một phát, chỉ sau đúng dăm ba đoạn
ngời ngời hy vọng và lạc quan thôi, ta đã bị dội ngay một gáo nước lạnh. Truyện
mơi mơi nhử ta với một tương lai đầy tiềm năng, sau đó quẳng luôn cái kết của
mình lên đầu, cho ta thấy phái đoàn Rakhat chỉ còn nhõn một mạng sống sót trở về.
Mình đã thử tái hiện lại hiệu ứng của nó trong phần giới thiệu chung của bài
review này, với kết cấu chỉ sau mấy đoạn nói sơ sơ thì lập tức một câu cực đơn
giản đập bụp vào mặt: “They meant no harm” (tức “Họ nào muốn gây họa cho ai”),
nhưng cái bản tóm tắt đó chưa đủ sức truyền tải cái cách dẫn dắt đầy tinh tế mà
Mary Russell thực hiện trong tác phẩm đâu.
Cái kiểu trồng cây chuối thế này có một cái rất
hay là ngay từ đầu nó đã tạo được cảm giác kịch tính rồi. Khi bị đánh phủ đầu với
hàng loạt ám chỉ về số phận tăm tối và bi thảm của đoàn người lên Rakhat, chạy
từ cách giới truyền thông nhộn nhạo hết lên, bài phát biểu của bên Dòng Tên về
việc họ chưa muốn bình luận về những cáo buộc đối với hành vi trên Rakhat của
người sống sót, và cách người sống sót được miêu tả như một cái xác không hồn,
tàn tạ cả về thể xác lẫn tinh thần, một không khí căng thẳng lập tức bao trùm
lên khắp tác phẩm, khơi dậy một sự tò mò cực kỳ mạnh. Nó khiến ta chỉ chăm chăm
muốn biết rốt cuộc cái quái gì đã xảy ra trong mấy năm (hoặc mấy thập kỷ nếu
nhìn từ góc độ những người ở trên Trái Đất, bởi vì phái đoàn di chuyển với vận tốc
cận ánh sáng nên thời gian tương đối của hai bên bị lệch nhau) nhóm người kia
cư ngụ trên Rakhat.
Bản thân việc tạo được sức hút ngay từ sớm như
thế cũng đã thể hiện tác giả là một cây bút rất có khả năng rồi. Tuy nhiên, khi
đọc xong tác phẩm ngẫm lại, mình mới thấy thấm thía sự tài tình của bà tác giả
khi chọn cách lộn đít lên đầu như thế. Nguyên nhân là phần lớn cái nhiệm vụ
Rakhat cũng như các thứ tiền/hậu của nó (và đồng nghĩa với phần lớn tác phẩm)
có mạch khá thư thái, nhẹ nhàng, không có gì giật đùng đùng kiểu Michael Bơm diễn
ra hết. Ngay cả những đoạn thảm họa thương tâm cũng diễn ra theo một kiểu lặng
lẽ và trầm lắng, chứ chẳng có ai ôm bom cảm tử hay liều chết cản một bầy người
ngoài hành tinh khát máu xộc đến hay gì tương tự thế. Phải đến tít tận gần cuối,
khi truyện chỉ còn khoảng 50 trang gì đó (quyển này dày hơn 500 trang) thì mới
bắt đầu có một tí đấm nhau kịch tính, và mọi thứ trở nên dồn dập hơn hẳn, nhưng
đến cả đoạn ấy cũng chốt lại một cách rất chóng vánh. Nếu không có cái đoạn kết
kia để tạo không khí từ sớm, rất có thể sẽ có không ít người ngủ gật hoặc bỏ cuộc
giữa chừng, bởi vì nếu xếp đúng trình tự thời gian thì truyện ê a lắm, và chủ yếu
toàn drama người-người với nhau rất bình thường.
Bổ trợ cho cái phần mở đấy là cách truyện cứ thế
xen kẽ giữa hai tuyến thời gian, một là những cảnh trong quá khứ, hai là quá
trình bình phục và bị hỏi han về nhiệm vụ của người sống sót, đánh ngược trở về
giữa từ hai chiều, dần dà cho ta biết rõ hơn sự thật về những gì đã xảy ra trên
cái hành tinh kia. Nó giúp tạo ra một hiệu ứng tương phản khá thú vị. Bởi vì
liên tục nhảy qua nhảy lại giữa lúc trước/giai đoạn đầu của nhiệm vụ và giai đoạn
sau khi người sống sót quay trở về, ta được chứng kiến cái sự đối lập giữa vẻ tự
tin tràn ngập hy vọng của giai đoạn đầu nhiệm vụ, cũng như cái kiểu các thành
viên nhiệm vụ đùm bọc nhau hết sức ấm lòng và hòa mình đầy vui vẻ vào với nền
văn hóa lạ của một tộc người bản địa trên Rakhat, và cái không khí tuyệt vọng
thẫn thờ đầy bi thương và đau đớn của tương lai, khi nhiệm vụ đã kết thúc trong
bi kịch, từ đó cảm thấy không khỏi đau lòng cho cái dàn nhân vật kia.
Ngay cả nếu không có phần mở ấn tượng cùng những
đoạn hậu kết chèn vào giữa giúp duy trì cảm giác tò mò cũng như không khí u ám
của truyện, The Sparrow cũng có thể trở thành một tác phẩm rất có sức hút. Những
đoạn bình lặng và drama của nó khơi gợi lên cực kỳ nhiều theme đáng suy ngẫm về
tôn giáo, đức tin, cách con người chúng ta nhìn nhận cuộc đời tùy thuộc vào gia
cảnh xuất xứ, chủ nghĩa thực dân và sự khác biệt trong các nền văn hóa khác
nhau. Chúng nó thậm chí còn có cả những khúc lên xuống kịch tính riêng của
mình, đủ sức thu hút sự chú ý của người đọc và làm ta muốn được biết liệu mấy
cái xung đột này rồi sẽ được giải quyết ra sao, dẫu rằng phần kết tổng đã biết
trước từ lâu lắm rồi.
===============
Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI
===============
Phần thế giới của The Sparrow kể cũng khá khó
đánh giá, bởi vì xét trên một số phương diện, nó được xây dựng rất hấp dẫn,
nhưng xét ở một số phương diện khác, nó lại bị làm một cách hơi (có khi còn là
rất) lôm côm.
Cái đầu tiên là về thế giới trên Trái Đất của
chúng ta. Anh em cần nhớ rằng tác phẩm này được viết vào thập niên 90, thế nên
toàn bộ thế giới của tác phẩm, bao gồm cả cái giai đoạn 2019 lẫn 2060 của nó, đều
là tương lai đối với tác giả. Bất chấp điều này, mọi người sẽ phải căng đến nứt
nhãn cầu thì họa hoằn lắm mới mò ra được một thứ có thể gọi là tương lai ở cái
tác phẩm này.
Cụ thể hơn, Mary Russell viết The Sparrow theo
kiểu khiến nó gần như là một tác phẩm văn học bình thường thuần túy, chẳng nhồi
nhét quá nhiều thứ khác biệt vào trong này. Nó cũng có một số thứ mang tính
tương lai xa, chẳng hạn một cái hệ thống AI đang dần thay thế con người, và việc
công nghệ hàng không vũ trụ giờ đã cho phép con người đi khai thác quặng ngoài
không gian cũng như biến các tảng thiên thạch thành tàu vũ trụ di chuyển với vận
tốc tiệm cận ánh sáng, đồng thời còn đủ rẻ để các bên tư nhân có thể cân nhắc tự
mình triển khai nó theo một kiểu cùng lắm chỉ đắt ngang các dự án bất động sản
nghỉ dưỡng hay gì thôi (thế cũng là đắt rồi, nhưng không đến mức đắt lòi kèn),
và cũng có một số mạch cốt được xây dựng xung quanh mấy công nghệ này. Cũng có
cả một số thay đổi quan trọng liên quan đến xã hội, chẳng hạn việc lao động khế
ước đã quay trở lại dưới một dạng mới, cho phép cánh nhà giàu nô lệ hóa người
nghèo một cách hợp pháp. Song những không khí nhìn chung không thực sự gợi cảm
giác đây là một thế giới quá mới lạ.
Trong các đoạn về năm 2019 thì chơi kiểu này
khá phù hợp, bởi lẽ chúng ta về cơ bản cũng chẳng xa cái mốc đó mấy, và khi thấy
thế giới kiểu quen quen như thế thì sẽ không có gì dị nghị cả. Nhưng trong những
đoạn năm 2060 thì đây lại trở thành một vấn đề khá lớn. Đây là một mốc tương
lai rất rõ rệt, cả đối với thế giới trong tác phẩm lẫn thế giới thực của chúng
ta, nhưng mọi thứ vẫn cứ bình bình theo kiểu 2020+ như cũ, không có gì đột phá
xuất hiện hết. Thậm chí, nó có khi còn tệ hơn cả giai đoạn 2019, bởi vì những
thứ công nghệ/xã hội mới mẻ của giai đoạn đấy trong này gần như vắng bóng hoàn
toàn. Ta không còn được thấy cái hệ thống AI kia đâu nữa, và mấy cái hàng không
vũ trụ cũng chỉ được nhắc đến một cách rất sơ sịa. Đến cả cái hệ thống lao động
khế ước cũng biến mất tăm mất tích luôn, không thấy ai nhắc gì đến nó cả. Đây
là một điều cực kỳ đáng tiếc, bởi lẽ trong đoạn 2019, cả hệ thống AI lẫn cái
lao động khế ước này đã được dàn dựng như thể một thứ có thể khuynh đảo hoàn
toàn xã hội loài người, nhưng đến năm 2060 thì chẳng thấy dấu ấn chúng nó để lại
ở đâu hết. Thế giới không những chẳng tiến mà còn như thể thụt lùi, chạy từ một
phiên bản 2019 tương lai sang thành 2019 cũ, đọc rất dở hơi.
Một thứ khác cũng bị làm theo kiểu hơi khó nói
hay dở ra sao là cái công nghệ hàng không vũ trụ với thiên văn của The Sparrow.
Có những đoạn nó được mô tả theo một kiểu khá thú vị và lôgic, pha lẫn giữa
thông tin khoa học thật với thông tin khoa học chém, kèm một số suy tính trù bị
về những vấn đề có thể gặp phải đối với các ý tưởng nọ kia, đặc biệt những đoạn
liên quan đến con tàu vũ trụ dựa trên khối thiên thạch rỗng. Điều này tạo ra
cho tác phẩm một nét chân thực nhưng không bị ôm đồm hay quá nặng nề về khoa học.
Chết nỗi chính cái sự chân thực này lại bóp ấy tác phẩm ở một số đoạn khác, chẳng
hạn cái cách họ thích nghi với hành tinh kia cũng như quy trình tiếp xúc với nền
văn minh lạ. Nó có đôi chỗ “tiện” hơi quá đà, và có khi còn là lủng củng nữa. Mấy
lỗi đấy chẳng đến nỗi lớn lắm đâu, nhưng vì tác phẩm ngay từ đầu đã khoác một lớp
áo thực lên mình, thế nên nó đẩy não ta vào một guồng nhìn nhận nhất định rồi,
và khi gặp mấy chỗ như thế không khỏi thấy chợn vì sự ngô nghê của nó.
Được một cái tác giả làm rất tốt là khoản nhân
chủng học của nó. Như đã nói ở trên, Mary Russell gốc là một nhà nhân chủng học,
thế nên tác giả có những phân tích và khám phá rất thú vị về khoản này trong
tác phẩm. Cụ thể, tác phẩm đào khá sâu vào phân tích ngôn ngữ cùng cơ cấu xã hội
của cái nền văn minh trên Rakhat, cho thấy cách văn hóa và nhìn đời của các dân
tộc sẽ ảnh hưởng ra sao đến kiểu ngôn ngữ và thể chế xã hội họ sử dụng, cũng
như những sự khó khăn trong việc hệ thống hóa ngôn ngữ và giải thích các khái
niệm không có sẵn trong đấy. Nó cũng động đến một số thuyết khá hay về tiến
hóa, cho thấy cách các chủng tộc trên hành tinh này tương tác với nhau ra sao,
dẫn đến một số pha bẻ lái đầy bất ngờ xảy ra trong truyện sau này.
Nhưng mà khổ cái cứ đang phân tích ngon thì bà
chị lại nhảy sang làm drama.
Như đã nói ở phần cốt, mấy cái drama của The
Sparrow được làm khá ổn (phần nhân vật sẽ bàn kỹ hơn), nhưng nó chủ yếu lại
toàn là drama người-người. Nếu đây mà là một cuốn văn học bình thường thì đã chẳng
có vấn đề gì rồi, và trên thực tế, ngay cả SFF có cho drama người-người vào
cũng chẳng sao. Nhưng vấn đề là Mary Russell xoáy quá nhiều vào đấy, trong khi
sờ sờ ngay bên cạnh là mấy cái xã hội ngoài hành tinh với ý tưởng mới lạ. Mấy
phần đấy bị tác giả “lỡ tay” viết quá hấp dẫn, thế nên mình cảm thấy rất cụt hứng
khi nó cứ bị thế chân bởi mấy cái drama dông dài này nọ. Rốt cuộc, đến cuối tác
phẩm, dù rằng thấy thế giới cũng đã được phát triển một cách tương đối trọn vẹn,
mình vẫn cứ có một cảm giác không mấy hài lòng, như thể đi chợ mua cân thịt
nhưng bị cho thiếu nửa lạng hay gì đó, và không khỏi ấm ức như thể bị tác giả
ăn bớt một cái gì thú vị vậy.
========
NHÂN VẬT
========
The Sparrow về cơ bản có hai dàn nhân vật. Một
là mấy thanh niên tham gia làm nhiệm vụ như đã nói ở phần đầu, và hai là mấy
nhân vật khác nằm ở năm 2060, những người thẩm vấn/hỗ trợ nhân vật sống sót trở
về từ nhiệm vụ. Cả hai bên đều được đầu tư xây dựng một cách rất xuất sắc, với
mỗi nhân vật đều có một nét cá tính hấp dẫn riêng biệt. Họ cũng có những câu
chuyện và cảnh đời riêng, những tâm tư và giằng xé riêng, từ đấy hiện lên rất sống
động và đa chiều. Bên cạnh đó, mấy cái nội tâm với thế giới quan khác nhau này
cũng dẫn đến những màn xung đột rất hấp dẫn, thúc đẩy các nhân vật phát triển
và thay đổi dần dần suốt dọc câu chuyện, vừa tự thân trở nên hấp dẫn hơn, vừa
giúp nâng đỡ lẫn nhau trở thành những nhân vật đáng nhớ nữa.
Tuy nhiên, phần nhân vật cũng có một số chỗ sạn,
và như đã nói trong suốt mấy phần trên, nổi bật nhất là việc tác giả dồn sức viết
drama quá nhiều. Ở một mức nhất định, mấy cái drama của The Sparrow giúp hé lộ
những thứ sâu kín trong lòng các nhân vật rất hiệu quả, và nó cũng tạo ra một sự
gắn kết rất tự nhiên giữa các nhân vật của truyện. Nhưng cái chết ở đây là tác
giả không biết dừng đúng lúc. Có vô số đoạn Mary Russell đã thể hiện được những
thứ cần thiết về nhân vật cũng như phát triển mối quan hệ của họ đến một mức rất
hợp lý, và đã có thể chuyển sang làm chuyện khác rồi, nhưng bà chị cứ nhẩn nha
mãi ở chỗ đấy, tiếp tục bàn chuyện tình cảm này nọ xọ xiên. Mấy cái đấy hoặc chỉ
như thừa giấy vẽ voi, hoặc chỉ nhai lại của một cái đã được phát triển từ trước,
hoặc có thể được lồng chung vào với một thứ khác theo cách khéo hơn. Đặc biệt
là vì, như đã nói ở trên đấy, The Sparrow có vô số thứ hấp dẫn đáng để đâm sâu
vào, thế nên mấy cái drama dông dài quá lố này không ít lần khiến mình thấy cực
kỳ sốt ruột, đâm ra phát bực luôn với cả cái dàn nhân vật.
Một vấn đề khác nữa là Mary Russell không biết
cách phân bố “quỹ phát triển” của mình sao cho đồng đều. Có một số nhân vật được
dành thời lượng phát triển nhiều kinh khủng, trong khi một số nhân vật khác
cũng có tầm quan trọng ngang bằng hay thậm chí còn hơn thì lại bị đầu tư một
cách rất sơ sịa. Rất nhiều đoạn drama chỉ mang tính lặp lại với thừa thãi vốn
thuộc về cái nhóm tí hon đấy đáng lẽ có thể được nhượng cho mấy nhân vật kia,
giúp tác phẩm trở nên đồng đều hơn, và một số đoạn bi kịch của tác phẩm trở nên
có sức nặng hơn. Nhưng không, bà nội tác giả cứ phải nhai đi nhai lại mấy cảnh
chim nhau giữa một nhúm nhỏ xíu mấy nhân vật kia cơ, trong khi mấy ông quan trọng
khác thì sống chết mặc bay. Rốt cuộc trong mấy cảnh thương tâm, thay vì cảm thấy
mủi lòng, mình lại chỉ cố vắt óc nghĩ xem cái thằng này là thằng bất nào mà đám
kia khóc như chết cha chết mẹ thế.
========
TỔNG KẾT
========
The Sparrow là một tác phẩm với đôi chỗ hơi gập
ghềnh, nhưng nhìn chung vẫn sở hữu một nét hấp dẫn khá khó cưỡng. Đặc biệt, nó
còn là một tác phẩm rất có chiều sâu, với nhiều thông điệp và ẩn ý đáng suy ngẫm.
Nếu có thời gian, anh em hãy ngó qua nó thử nhé.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓