🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌑
9.0/10 (trilogy gốc)
🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌑 🌑 🌑
7.0/10 (+ phần mở rộng)
TL;DR
Kinh tế Vĩ mô + Quan hệ Quốc tế 101. Giảng tại
La Mã ngoài vũ trụ.
GIỚI THIỆU CHUNG
Foundation là một bộ truyện của nhà văn Isaac
Asimov, vốn chỉ bao gồm ba cuốn tiểu thuyết, hay đúng hơn là tuyển tập các truyện
ngắn có xâu chuỗi với nhau. Nhưng tầm hơn ba chục năm sau khi khép lại series,
do sự thôi thúc của bạn đọc và nhà xuất bản, Asimov đã quay trở lại vũ trụ
Foundation và viết thêm 2 quyển sequel cùng 2 quyển prequel (lần này thì là tiểu
thuyết nghiêm chỉnh chứ không còn là tuyển tập truyện ngắn nữa), nâng tổng số
truyện lên thành 7. Sắp xếp theo trình tự xuất bản, chúng bao gồm:
1) Foundation (trilogy gốc)
2) Foundation and Empire (trilogy gốc)
3) Second Foundation (trilogy gốc)
4) Foundation's Edge (sequel)
5) Foundation and Earth (sequel)
6) Prelude to Foundation (prequel)
7) Forward the Foundation (prequel)
Câu chuyện lấy bối cảnh là mấy chục thiên niên
kỷ trong tương lai, khi loài người đã ra định cư trên hàng trăm ngàn hành tinh
trong vũ trụ, tạo thành một đế chế hùng mạnh có tên Đế chế Thiên hà. Lúc bấy giờ,
Đế chế Thiên hà đang được tận hưởng một kỷ nguyên thanh bình và thịnh vượng vô
tiền khoáng hậu, tính đến nay đã kéo dài hơn 12.000 năm, và ai cũng tin rằng kỷ
nguyên ấy sẽ kéo dài thêm mấy ngàn năm nữa.
Trừ một người.
Nhân vật ấy là Hari Seldon, một nhà toán học
và tâm lý học thiên tài. Sau nhiều năm nghiên cứu, ông đã phát triển ra được một
bộ môn mới là psychohistory (tâm sử học). Về cơ bản, psychohistory cho phép diễn
giải hết các biến động về tâm lý của những nhóm người khổng lồ (ngang dân số một
hành tinh trở lên) thành các biến số toán học để lắp vào một phương trình, từ đó
tính xem các nhóm người ấy về sau sẽ hành động theo những chiều hướng ra sao.
Nói gọn lại, psychohistory cho phép tiên đoán
tương lai dựa trên tâm lý học và xác suất (nhưng chỉ áp dụng cho các biến động
xã hội lớn thôi, chứ hỏi tối đề về con nào thì tịt ngắc <(“) ).
Nhờ psychohistory, Seldon đã nhìn ra một tương
lai hết sức u ám. Bất chấp sự yên bình hiện tại, chỉ trong khoảng 300 năm nữa
thôi, Đế chế sẽ suy thoái hoàn toàn. Cú sụp đổ của gã khổng lồ này sẽ kéo toàn
bộ nền văn minh con người đi tụt lùi lại hàng ngàn năm, và nhân loại sẽ quay về
với một thời kỳ mông muội kéo dài 30.000 năm.
Tuy nhiên, Seldon cũng nhìn ra một tia hy vọng
le lói. Ông tính được rằng kiểu gì thì kiểu, một đế chế mới cũng sẽ trỗi dậy
sau khi kỷ nguyên tăm tối kia trôi qua. Quan trọng hơn, nếu biết liệu đường triển
khai một số bước chuẩn bị thích hợp, giai đoạn mông muội bất khả kháng kia vẫn
có thể được rút từ 30.000 năm xuống chỉ còn đúng 1 thiên niên kỷ. Toàn bộ quá
trình thu gọn ấy được ông vạch hết ra trong một thứ có tên giản dị là Kế hoạch
Seldon.
Vì biết bên Đế chế sẽ chẳng đời nào công nhận
cái dự đoán của mình, đừng nói là triển khai các bước đệm cần thiết, Seldon đã
đích thân đảm nhiệm vai trò thực hiện Kế hoạch Seldon. Bằng sự khôn khéo của
mình, ông đã thuyết phục được Đế chế đầu tư thành lập một tổ chức có tên
Foundation, nằm ở tít tận rìa mép lãnh thổ Đế chế, do những nhà khoa học lỗi lạc
điều hành. Nếu mọi tính toán trong Kế hoạch Seldon là chính xác, họ cũng như
Foundation sẽ trở thành hạt giống cho một Đế chế Thiên hà mới sau này.
Không may là khi Foundation còn chưa được
thành lập xong, Seldon qua đời, trong khi chẳng có ai trên đời biết cái Kế hoạch
Seldon ấy hình thù ra sao hết. Thế là giờ đây, tổ chức Foundation non nớt phải
tự loay hoay chống đỡ thù trong giặc ngoài, mặc dù bản thân chẳng biết mình cần
đi theo đường hướng thế nào cả.
Trong khi ấy, ở trên thiên đàng, Seldon tủm tỉm
cười và thầm nhủ: “Exactly as keikaku” (keikaku = plan <(“) ).
MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG
Series này khốn nạn ở một chỗ là nếu mà tả nó
ra thì nghe sẽ… cực kỳ chán. Chán không thể để đâu cho hết được luôn. Nhưng cái
cách nó triển khai cái sự “chán” đấy thì quả thực lôi cuốn vô cùng.
Để dễ hình dung, anh em hãy ngó qua cái clip
này nhé: https://www.youtube.com/watch?v=Ig0815OI9Lg
Clip bên trên là cảnh mở đầu của phim
Inglourious Basterds của Quentin Tarantino, và chỉ có đúng hai nhân vật. Ngồi
trong một cái phòng. Nói chuyện. Hết.
Nếu chưa xem phim (hoặc clip), anh em nghe tả
sẽ thấy nó chán ngoài sức tưởng tượng. Tuy nhiên, nếu đã vào xem rồi, mọi người
sẽ thấy đây có thể nói là một trong những phân cảnh kịch tính và cuốn hút nhất
trong lịch sử điện ảnh. Từng lời nói, từng động tác, từng chủ đề được lôi ra
bàn đều có một mục đích rất cụ thể, và nó bóp nghẹt bầu không khí lại, làm ta cảm
thấy căng thẳng như đang chứng kiến một trận quyền Anh “ôn hòa.” Và rồi càng về
cuối, ta càng dần hiểu ra cách mọi thứ khớp vào với nhau, và lúc cái kết xuất
hiện thì không còn biết làm gì khác ngoài ngả mũ thán phục cái người đã xây dựng
lên câu chuyện này.
Đấy, về cơ bản, chính là Foundation.
Như đã nói ở trên, trilogy gốc của Foundation
được cấu thành từ một chuỗi các truyện ngắn. Và gần như tất cả mọi câu chuyện đều
chỉ xoay quanh hai nhân vật. Ngồi trong một cái phòng. Nói chuyện. Hết. Nội
dung câu chuyện lại còn toàn về kinh tế, xuất nhập khẩu, quan hệ ngoại giao với
các nước láng giềng, những mưu mô đấu đá chính trị trong nội bộ Foundation… Túm
cái váy lại là nếu anh em kỳ vọng sẽ được thấy tàu bè vũ trụ bắn nổ bùm chíu
thì kiểu gì cũng sẽ thất vọng ê chề, bởi vì thứ gần nhất mọi người nhận được sẽ
là 1 đoạn ngắn cỏn con mô tả một đoàn tàu dàn quân xâm lược, và sau đó là nhảy
cóc mấy năm, đến khi cuộc chiến đã kết thúc (tớ nói rất nghiêm túc <(“) ).
Tuy nhiên, cũng như đoạn clip phía trên, thiếu
đi hành động (không tính mở mồm nói nhé <(“) ) không có nghĩa là nó thiếu đi
sự hấp dẫn. Các thông tin kiến thức khô khan đều được đưa ra một cách rất có
chiến lược, luôn được gắn kèm với một sự gấp gáp khẩn trương của một tai ương
tiềm ẩn nào đó sắp giáng xuống, khiến cho ta dần ý thức được sự phức tạp cũng
như mức độ cam go của thách thức đang đứng ngáng đường các công dân Foundation.
Càng về sau, câu chuyện sẽ càng có đà lăn cực mạnh, và ta sẽ bị nó cuốn vào guồng
từ lúc nào không biết, tò mò săm soi từng chữ để suy ngẫm cùng với các nhân vật
xem bức tranh đầy đủ thực sự nó là cái gì, và liệu có vấn đề mấu chốt nào nằm ẩn
mình đâu đó không, cũng như vắt óc tính xem với chỉ những mảnh ghép có trong
tay, bên Foundation sẽ phải xoay kiểu gì để thoát ra khỏi cái kiếp nạn này. Thế
rồi đến lúc lời giải được đưa ra, ta sẽ ngẩn người ra trước cách mọi thứ ráp
vào với nhau vừa như in, và đôi khi lại còn giản đơn đến bất ngờ, song vẫn
không khỏi thán phục sự điêu luyện của cái bàn tay đã lèo lái mọi thứ đến một
cái kết trọn vẹn nhường ấy.
Không chỉ hấp dẫn ở tầm các câu chuyện lẻ,
trilogy gốc còn hấp dẫn ở chỗ mỗi một quyển đều ngấm ngầm “ru ngủ” người đọc, để
rồi đến quyển tiếp theo, chính cái kỳ vọng của người đọc sẽ bị mang ra tận dụng
để tạo những cú twist hết sức bất ngờ. Ví dụ như khi đọc quyển Foundation, ta sẽ
dần nhận thấy rằng dù cái tổ chức Foundation kia có mấy màn lên voi xuống chó
và thoát chết sát sườn thật đấy, câu chuyện nhìn chung vẫn diễn ra theo một chiều
hướng nhất định, và cái hướng đấy còn được chính bản thân các nhân vật trong
truyện chỉ mặt gọi tên, bàn luận về nó hay thậm chí tìm cách chống lại nó, những
mong sẽ “bẻ lái” được con tàu số mệnh, nhưng rốt cuộc lại bất thành và đành
buông tay. Đây là một nước cờ “trấn an” giả tạo cực kỳ tinh tế, gần như thể
chính Asimov hiện hồn lên bảo với chúng ta rằng, “Mấy chế cứ tin chụy, truyện của
chụy chỉ có thế thôi chứ không việc gì phải lo đâu.” Và ngay khi chuyển sang
quyển thứ hai, Foundation and Empire, ta sẽ có một phát đo đường đau không ngờ
nổi, bởi vì Asimov gần như lập tức ôm cua, bẻ ngoặt toàn bộ câu chuyện theo một
hướng mới hoàn toàn, làm độ kịch tính của câu chuyện tăng còn nhanh hơn huyết
áp độc giả khi chúng ta nhận ra mình đã ăn một cú lừa thế kỷ, và bây giờ số mệnh
của Foundation lại trở nên bất định như những ngày đầu, và có khi còn nguy ngập
hơn.
Thế nhưng lúc phủi đít đứng dậy, nắn lại quai
hàm, và nhặt hết mấy cái răng vương vãi trên đường, chúng ta sẽ không thể không
tặng cho Asimov một nụ cười toe toét, bởi vì ông anh đã cho chúng ta một chuyến
đi khó quên.
Nói vậy không phải là trilogy gốc hoàn hảo.
Đây xét cho cùng vẫn cứ là văn của Asimov, thế nên dù mạch cốt rất lôi cuốn, nó
vẫn khô hơn Sahara. Điều này kết hợp với việc truyện chỉ có nói, nói, và nói,
nó có một cái khởi đầu khá rề rà, và sẽ phải mất chút ít thời gian để người đọc
bắt nhịp được. Vì mình thích những thứ liên quan đến chính trị kinh tế, thế nên
bị nó cuốn ngay từ đầu (chưa kể lần này là đọc lại nên cũng phần nào nắm trước
được tình hình rồi <(“) ), nhưng có khả năng anh em sẽ đứt gánh giữa chừng
vì không thấm nổi cái lối viết ấy.
Ngoài đó ra thì Asimov còn mê trò nhảy cóc tuyến
thời gian kinh khủng. Gần như cứ mọi mẩu truyện trong tác phẩm đều cách nhau đến
nguyên một thế hệ, với các nhân vật của truyện cũ đều bay sạch, và ta phải làm
quen với một dàn nhân vật mới, một bối cảnh mới từ đầu. Lạy Chúa, đến cái truyện
ngắn đầu tiên ông anh còn chơi trò ém nhẹm cái kết đi,và tua nhanh đến chục năm
sau, lúc mọi thứ đã được giải quyết xong hết rồi, sau đó mới nhân vật điểm lại
những gì mình đã làm cơ mà <(“).
Được cái là kiểu viết này không phải là vấn đề
quá lớn. Lúc ban đầu có thể sẽ khiến mọi người cảm thấy hơi choáng váng, nhưng
thực ra làm quen được nhanh lắm. Trên thực tế, chỉ cần đọc xong tầm 2, 3 mẩu
truyện ngắn trong quyển đầu tiên thôi là mọi người sẽ thấy đây thực chất còn là
một thế mạnh rất độc đáo của series, bởi nó cho phép Asimov có thể đào sâu vào
bàn luận về những hệ quả mà đợt tai ương hồi trước cũng như cách bên Foundation
giải quyết nó để lại, đồng thời giới thiệu một tai ương rất mới, với quy mô
ngang tầm hoặc thậm chí còn nghiêm trọng hơn tai ương trước một cách rất tự
nhiên, không gượng ép. Nhờ cái thủ pháp này, ta có thể thấy được rất rõ quá
trình suy tàn của Đế chế và sự trỗi dậy của Foundation, song vẫn giữ được một sự
chậm rãi cần thiết để duy trì sự chân thực, không gây cảm giác mọi chuyện xảy đến
quá dồn dập hay chóng vánh gì.
Cái yếu điểm của bộ Foundation nằm chủ yếu ở 4
quyển bôi thêm ra về sau. Mấy quyển này thực ra nếu đọc lẻ thì cũng không đến nỗi
nào đâu, nhưng chúng nó quả thực không nên cho nằm trong cái series. Trong mấy
tác phẩm đó, Asimov bỏ cái format nhảy cóc đi và bắt đầu viết theo style tiểu
thuyết thường. Lúc này, vì đã có 30 năm kinh nghiệm viết lách, đọc văn ông anh
thấy nó trôi hơn hẳn, nhưng nó mất đi khá nhiều cái chất đã làm nên sự đặc biệt
của Foundation. Bên cạnh đó, đây là lúc Asimov bắt đầu muốn hàn gắn tất cả các
tác phẩm mình từng viết lại thành một vũ trụ thống nhất, bất kể chúng nó có ăn
nhập vào với nhau hay không, và mấy quyển này ông anh làm điều ấy một cách thô
vl. Chúng nó không chỉ lẹm vào thời lượng của cốt truyện chính mà còn tạo một cảm
giác hết sức cồng kềnh cho người đọc, mang lại cho cái vũ trụ Foundation một sự
ngồn ngộn mà hồi trước không hề xuất hiện. Bản thân cốt truyện của mấy quyển
này cũng có vấn đề nữa, bởi vì chính Asimov cũng đã tự thú là mình chẳng biết
phải dẫn dắt câu chuyện đi đâu về đâu cả, thế nên đọc cứ thấy nó lòng vòng một
cách vô nghĩa. Chán nhất là đến lúc viết xong quyển sequel thứ hai thì Asimov
tác tị hẳn, bỏ đi làm prequel, và rồi qua đời khi chưa kịp quay về viết nốt cái
kết, khiến series bị lơ lửng. Ừ thì trilogy gốc cũng có kết mở đấy, nhưng ít nhất
tất cả các mạch quan trọng đều đã được gói lại rất gọn ghẽ rồi, và ta có thể tự
mường tượng mọi thứ về sau sẽ ra sao. Riêng cái kết của Foundation and Earth
thì nó cứ hơi Animorphs thế nào ấy <(“).
Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI
Phần thế giới của Foundation được đầu tư khá kỹ
lưỡng, nhưng sẽ không phải là theo cái nghĩa mà anh em vẫn hay mường tượng. Bất
chấp việc có nguyên một thiên hà cực kỳ rộng lớn với hàng trăm ngàn hành tinh
có người định cư, tha hồ lên đấy chơi đùa, Asimov lại rất hiếm khi mô tả quá kỹ
lưỡng diện mạo của một hành tinh nào cả. Tất nhiên cũng có những cảnh miêu tả
Trantor (thủ phủ của Đế chế) hay Terminus (thủ phủ của Foundation), cách chúng
nó dần phát triển hoặc điêu tàn hóa đi ra sao, những thứ công nghệ gì hay được
sử dụng trên đấy, và ta cũng có thể hình dung ra một bức tranh khá sống động về
phần nền cảnh của câu chuyện. Nhưng thực ra, tất cả đều cứ na ná như nhau, và
có khác chăng thì chỉ là một số cái tiểu tiết lặt vặt. Ngay cả những hành tinh
được chọn để mô tả chi tiết nó cũng không thực sự “chi tiết” lắm, mà như kiểu
Asimov tả cho xong chuyện ấy, để còn nhảy sang một cái khía cạnh khác quan trọng
hơn của thế giới Foundation: các phạm trù xã hội vĩ mô của nó.
Điểm hấp dẫn của thế giới Foundation nằm ở
chính những thứ tàng hình thế này đây. Các hệ thống chính trị và những mối quan
hệ ngoại giao của nó được mô tả một cách cực kỳ chi tiết, với những bước tiến
triển rất tự nhiên và chân thực. Ta có những hành tinh tranh thủ sự rệu rã của
bộ máy cầm quyền Đế chế mà tuyên bố ly khai, và từ đó đẻ ra cả một lô một lốc
những chiêu trò liên minh, đâm lén, dọa nạt lẫn nhau hòng chiếm ưu thế và củng
cố quyền lực. Song hành với nó là những thằng nhỏ con phải loay hoay tìm cách
thuyết phục mấy thằng to đừng cấm vận mình trong khi cố gắng duy trì tự do thể
chế cũng như kinh tế, nhưng vẫn đồng thời kiếm cách lừa cho mấy ông hàng xóm
chĩa mũi dùi vào nhau trong khi mình củng cố quyền lực, và rốt cuộc trèo lên đầu
mấy ông đó ngồi. Ta có cách một chính thể dần dần phải thay đổi cách mình vận
hành cho thích hợp với tình hình mới, và cách những thể chế mới sẽ bị cả tận dụng
lẫn lợi dụng bởi những cá nhân nhằm phục vụ mục đích của mình… Tất cả những thứ
này tổng hợp lại và tạo nên một vũ trụ vô cùng sôi động, luôn luôn chuyển biến,
luôn luôn mới lạ.
Nói chung là thế giới của series này được
Asimov coi như một bàn cờ 4D ấy. Đã là bàn cờ thì người ta quan trọng là những
thứ chiến lược tàng hình, mà cụ thể ở đây là nền kinh tế, chiêu bài chính trị,
phong trào xã hội, triết lý nhân sinh,… Có ai lại đi quan trọng cái bàn cờ nó
trông như thế nào đâu <(“).
NHÂN VẬT
Một lần nữa, đây là truyện của Asimov, thế nên
nếu anh em nào mà đã đọc các tác phẩm của ông thì biết nhân vật nó ra mần răng
rồi đấy: phẳng lỳ và hao hao như nhau cả <(“).
Thực tình mà nói, series chỉ có đúng hai kiểu
nhân vật chính: nhân vật khôn nhưng giả ngu và nhân vật ngu nhưng tưởng mình
khôn. Ngoài ra thì có thể thêm một vài cái biến tấu nữa như khôn quá hóa ngu
hay ngu đột phá đến mức lại thành khôn, nhưng về cơ bản thì chỉ có thế thôi.
Nhiệm vụ của các nhân vật ở trong truyện là để dẫn dắt cái cốt, thúc đẩy mọi thứ
đi tới trước, không phải để chúng ta ố á về những xung đột tâm lý hay giằng xé
nội tâm hay gì cả. Nhà đang bao việc, bố ai có thời gian mà diễn trò mùi mẫn
<(“)?
Nhưng thú vị là trong cái series này thì đây lại
là một lợi thế. Một trong những cái theme lớn nhất của series là nó nhổ toẹt
vào mô típ một cá nhân có thể làm thay đổi thế giới. Asimov khẳng định những
con người nhỏ lẻ kiểu gì cũng sẽ bị dòng chảy của lịch sử cuốn phăng đi mất, và
mọi nỗ lực của họ đều chẳng thể thay đổi được gì nhiều. Việc các dàn nhân vật ở
những mẩu truyện khác nhau gần như toàn copy lại dàn nhân vật trước vô tình lại
như chứng minh cho điều này, cho thấy rằng con người cá nhân thời nào thì cũng
một kiểu như nhau thôi, chẳng hơn gì đâu, thời thế đến thì Salvor Hardin hay
Hober Mallow cũng như nhau tuốt, chỉ là một quân cờ trong một ván đấu khổng lồ.
Chỉ cần có đủ não là được, bởi vì Kế hoạch Seldon vẫn đòi hỏi các công dân
Foundation phải tự thân vận động ở một cấp nhất định, không có chuyện há miệng
chờ sung đâu.
TỔNG KẾT
Bất chấp đã ra đời được gần 70 năm, Foundation vẫn giữ nguyên được một sự hấp dẫn rất đặc biệt, cuốn hút người đọc không phải bởi sự lòe loẹt hay những phân cảnh hành động hoành tráng mà là thông qua đào sâu những phân tích những khái niệm vĩ mô về kinh tế, chính trị, và xã hội. Vì khá khô và chưa kể còn bị mấy quyển phụ trội sau này hơi bóp tí, đây chưa chắc đã là series sẽ phù hợp với tất cả. Tuy nhiên, nếu sẵn sàng dành thời gian cho nó, mình tin anh em sẽ hiểu nguyên nhân tại sao cho đến tận hôm nay, Foundation vẫn là một trong những bộ truyện đình đám và có sức ảnh hưởng lớn nhất dòng Sci Fi.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓