Chuyển đến nội dung chính

Review Brave New World của Aldous Huxley



🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌕 🌑 🌑

8/10

Dạo này mình đang đọc lại mấy quyển classic để lấy cảm hứng viết tiếp series Sci Fi căn bản, nhưng tạm thời chưa có hứng viết nên chuyển tạm qua review đổi món chút 🐧.

Review của mình sẽ phân ra thành các mục riêng cho dễ đọc. Anh em ai lười thì đọc TL;DR là đủ rồi.

TL;DR

Nhiều hình tượng hay, triết lý hay, thế giới sáng tạo, có điều lắm chữ, phần cuối có thể sẽ chán.

Ý TƯỞNG

Đã nhắc đến Brave New World là sẽ phải nhắc đến cái thế giới của nó, bởi đây là một trong những thứ đáng nhớ nhất trong truyện, đầy rẫy những ý tưởng mà đến tận bây giờ vẫn rất nhiều tác giả Sci Fi sử dụng lại. Có thể nói nó đại khái là 1984, phiên bản anh hai phê cần (literally).

Giống 1984, Brave New World lấy bối cảnh một thế giới toàn trị Dystopia, đó là London tương lai (World State), và nó được Huxley dành ra gần 1/3 quyển sách chỉ để mô tả và xây dựng rất chi tiết. Thế giới của Brave New World đã “cách tân hoá” rất nhiều thứ cốt lõi của thế giới loài người, ví dụ như:

- Sinh đẻ: trẻ con được thụ thai trong ống nghiệm, đỡ công mang nặng đẻ đau cho phụ nữ. Ngoài ra, bọn nó trưởng thành nhanh hơn, và nhờ công nghệ “đào tạo trong giấc ngủ” mà thời gian dạy dỗ được rút xuống, đỡ tốn tiền nuôi và còn bổ sung lực lượng lao động được nhanh.

- Giai cấp: mọi đứa trẻ đều được tinh chỉnh cho phù hợp với giai cấp của mình. Những đứa cấp thấp sẽ được làm cho thấp bé nhẹ cân, cấp cao sẽ trẻ đẹp cường tráng. Ngay từ trong ống nghiệm, tất cả bọn trẻ con đều đã được luyện cho đam mê và yêu thích cái giai cấp sau này của mình, thế nên khỏi lo có chuyện bất mãn.

- An sinh xã hội: tình dục chẳng còn là vấn đề cấm kị nữa. Không cần chung thuỷ, không cần vợ chồng, chỉ cần thích thì chịch thôi. Đến bọn trẻ con từ nhỏ đã được dạy các trò chơi tình dục để làm quen, không ngại ngần chuyện giới tính. Bên cạnh đó soma, một dạng ma tuý tổng hợp, được ban bố tràn lan khắp nơi. Ai chán đời cứ lấy một viên bỏ vào miệng là lại hạnh phúc ngay.

- Kinh tế: mọi thứ trên đời đều phải làm ra giá trị kinh tế. Trẻ con từ nhỏ được luyện cho cứ sờ đến hoa cỏ là bị điện giật tung người, bởi vì những thứ như thế sẽ làm chúng nó thấy thích thú, thấy mãn nguyện. Mà nếu đã mãn nguyện rồi thì còn tiêu thụ hàng hoá kiểu gì? Mọi hoạt động phải giúp tăng trưởng kinh tế. Đến các trò chơi hết sức phổ thông cũng bị phức tạp hoá, đòi hỏi phải sử dụng thứ thiết bị đồ nghề, bởi có thể người ta mới đi mua, mới cho kinh tế phát triển.

- Văn hoá: sách vở toàn là những quyển mang tính cung cấp thông tin thuần. Các tác phẩm văn học như Shakespeare sẽ không được đọc, bởi vì nó khiến người ta phí thời gian nghĩ ngợi lung tung, không làm gì có ích cho xã hội. Tôn giáo đã chết sạch, bởi vì nó là thứ vô dụng, và thứ duy nhất cần tôn thờ đó là khoa học vì nó giúp thế giới phát triển.

Ngoài ra còn vô số ý tưởng nữa, khó có thể kể hết ra. Nhưng nhìn chung, thế giới World State của Brave New World là nơi tư bản chủ nghĩa (capitalism) và xã hội chủ nghĩa (socialism) đã được đẩy lên đến cực điểm, giúp tăng trưởng kinh tế hiệu quả, đói nghèo đã bị triệt tiêu, mà người dân thì vẫn vui vẻ nhờ nhục dục và soma. Đổi lại, mọi thứ thừa thãi như xúc cảm, các giá trị tinh thần sâu sắc, tự do lựa chọn cuộc đời của cá nhân đều bị vứt bỏ hết.

CỐT

Cũng như mọi tác phẩm về các thế giới Utopia/Dystopia, Brave New World là hành trình “lật mặt” cái thế giới ấy.

Như nãy có nói, Huxley dành rất nhiều đất phần đầu để xây dựng thế giới. Đây cũng là lúc ông cho ta nhìn nhận World State qua con mắt của những người dân ở đây, những người thấy nó là bình thường, là tân tiến hơn hẳn ngày xưa (tức thời nay của ta). Thế rồi truyện chuyển qua điểm nhìn của một nhân vật cũng thuộc thế giới ấy, nhưng vì có chút thiệt thòi nên thành ra bất mãn, và từ đó ta dần thấy thế giới này không hẳn là Utopia như ban đầu. Sau đó, nhà văn đưa tiếp đến một nhân vật được nuôi dạy theo cách “truyền thống”, để cho tư tưởng của người kia và những người đại diện cho World State đối lập với nhau, và cuối cùng chẳng ai biết nơi này là Utopia hay Dystopia nữa.

Mạch văn của truyện phát triển theo ba cấp độ tăng tiến như thế nên đọc rất trôi, rất lôgic. Có điều vì đây là truyện triết lý nên sẽ không có cảnh hành động kịch tính nào (nếu không tính mấy buổi orgy). Đặc biệt đến cuối, truyện có nguyên một chương chỉ có hai nhân vật nói nói nói nói và nói. Họ nói toàn triết lý, rất dài, rất lê thê, đôi khi đi hết cả trang mới dứt đoạn. Như mình thấy thì đoạn này kịch tính không kém gì các pha hành động giật gân, bởi đây là lúc hai thế giới cũ và mới va chạm với nhau, tìm cách lột trần nhau, hạ bệ nhau. Mọi lập luận đưa ra đều cực kỳ hợp lý, bẻ gãy răng rắc lập luận của bên kia. Hãy tưởng tượng chương ấy là Eminem được Karl Marx nhập hồn battle với Lil Wayne được Shakespeare nhập hồn.

Cái chương gần chót kia cũng giống như cảnh gần 10 phút liên tục cuối phim Se7en, chỉ có 3 nhân vật lái xe trên đường cao tốc nói chuyện với nhau rất bình thản (ít nhất là 2 trong 3). Mình thì thấy cái cảnh ấy rất hay, và là thứ khiến cả bộ phim trở nên đáng giá, còn một con bạn khác của mình chẳng thấy nó có gì hay cả, và với nó Se7en là một phim overrated. Giống như Se7en, cái chương triết lý này sẽ là chỗ quyết định mọi người cho quyển này 5 hay 10 điểm.

NHÂN VẬT

Khoản này không có nhiều thứ để bàn, vì nhân vật trong truyện không nổi trội lắm. Truyện là một quyển sách triết lý và ý tưởng, thế nên nhân vật tồn tại như các plot device, giúp bóc tách cái thế giới theo từng lớp như đã nói.

TỔNG KẾT

Brave New World là một trong bộ ba cuốn Dystopia kinh điển (1984 – We – Brave New World).. Truyện được viết khá dễ đọc, không quá xa lạ với thế giới chúng ta, nhưng vì nặng về triết lý nên chưa chắc đã hợp được với tất cả mọi người. Nếu đã hợp thì sẽ thấy nó cực kỳ hay, còn không hợp thì thấy nó meh. Dẫu vậy điều không thể phủ nhận là Brave New World đã đưa ra nhiều lập luận sắc sảo về bản chất của một Utopia/Dystopia, với rất nhiều hình tượng đã đọc vào là khó mà quên nổi.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.