Chuyển đến nội dung chính

Review Bear Head (Dogs Of War #2) của Adrian Tchaikovsky


 

🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌗🌑🌑

7.5/10

=====

TL;DR

=====

Orange Man Bad + Cyberpunk 2077.

==============

GIỚI THIỆU CHUNG

==============

Bear Head là một cuốn tiểu thuyết của Adrian Tchaikovsky, phần nối tiếp của cuốn Dogs of War mình từng review cách đây ít lâu (review full về nó ở đây: https://www.facebook.com/photo?fbid=2060336917442611&set=g.973745792712688).

Truyện lấy bối cảnh vài thập kỷ sau những gì xảy ra trong Dogs of War, khi công nghệ để chế tạo Bioform (các sinh vật đã bị biến đổi gen) đã bắt đầu được áp dụng cho con người chứ không chỉ mỗi thú vật nữa, và loài người đã tận dụng công nghệ ấy để xây dựng một khu định cư trên Sao Hỏa. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc Bioform đã được xã hội chấp nhận hẳn. Ngược lại là đằng khác, một làn sóng bài Bioform đã tái trỗi dậy, đe dọa sẽ lật đổ tất cả những gì các Bioform từng phải khó khăn lắm mới dành được, và thậm chí còn đe dọa cả bản thân con người nữa.

Và trong khi ấy, trên Sao Hỏa, một thanh niên nghiện ngập vì quá vã thuốc mà đã nhắm mắt gật đầu nhận làm một công việc ám muội, nhẹ nhàng thôi nhưng hứa hẹn sẽ giúp hắn sống qua đợt vật thuốc sắp tới. Nhưng cả hắn lẫn người thuê hắn đều không hề ngờ được rằng công việc này sẽ làm thay đổi hoàn toàn tình hình cả trên Trái Đất lẫn Sao Hỏa, đưa họ đến với một âm mưu ẩn chứa ngay trong lòng thành phố mình đang xây dựng.

=====================

MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG

=====================

Bear Head dù trên danh nghĩa là sequel của Dogs of War, với khá nhiều theme và nhân vật cũ tái xuất hiện, nó vẫn có thể được đọc theo kiểu một cuốn truyện đứng độc lập. Nó không còn là Military Sci Fi nữa mà gần như chuyển hẳn thành Cyberpunk, với style viết và cách xây dựng câu chuyện nhìn chung thay đổi khá nhiều. Một trong những cái thay đổi lớn nhất của cái quyển Bear Head này là nó mang màu sắc chính trị cực đậm, với trọng tâm của nó không phải thứ gì khác ngoài cơn lốc màu da cam mang tên Đỗ Nam Trung.

Truyện dành nguyên một nửa cái cốt bám theo sự nghiệp chính trị của một thanh niên tên là Warner Thompson, một con người chỉ cần đọc xong đúng một chương thôi là ai cũng sẽ nhận thấy đích thị danh hài Trung không Chí huyền thoại. Hàng bao tình huống và tình tiết trong này được xây dựng từ những lùm xùm có thật xoay quanh cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Trung, tạo thành một bản parody đôi khi giống đến sởn tóc gáy về thanh niên này, đồng thời cho phép tác giả đưa ra những chiêm nghiệm rất thú vị về chủ nghĩa dân túy tư tưởng sùng bái cá nhân.

Khốn nạn một cái là đây cũng là một trong những cái chết người của tác phẩm này. Việc xây dựng cốt bám sát cuộc đời một nhân vật đương thời nổi tiếng như thế cũng giống hệt như để Ed Sheeran thò mặt vào Game of Thrones ấy, rất dễ kéo tuột người đọc ra khỏi thế giới của tác phẩm nếu tác giả không đủ chắc tay. Khoản này nhẽ ra không đáng lo lắm, bởi Tchaikovsky là một cây bút rất sành sỏi, và từng cho thấy thông qua Dogs of War cũng như nhiều tác phẩm hồi trước rằng mình đủ sức neo độc giả lại trong thế giới của mình rồi. Nhưng khổ nỗi ông anh lại quá sa đà vào kháy đểu, bằng mọi giá cho thiên hạ biết đây là Trump mới chịu cơ, khiến truyện lắm lúc đọc như kịch bản một cái clip chính trị Youtube chứ không phải là một tác phẩm về tương lai xa nữa.

Đỡ một cái là ta vẫn còn một cái mạch trên Sao Hỏa, được đặt xen kẽ vào giữa những đoạn Orange Man Bad. Riêng cái phần này thì cảm giác như anh em bước vào một câu chuyện khác luôn, với cái style Cyberpunk lai Viễn Tây rất thú vị. Trong phần này cũng có nhiều phân cảnh hành động hơn hẳn, có rất nhiều pha rượt bắt kịch tính, đồng thời cũng là chỗ phần đông các bí mật lớn của tác phẩm được giới thiệu và bóc tách. Gần như mọi lần tác giả qua về mạch chính trị là mình lại tặc lưỡi tiếc rẻ, và chỉ muốn phi thật nhanh để về lại Sao Hỏa thôi.

Cơ mà cả cái mạch Sao Hỏa này cũng có vấn đề, nặng nhất là ở phần cuối. Khi xung đột cuối cùng bùng nổ, Tchaikovsky lại một lần nữa phô diễn khả năng tự tay bóp ấy đầy điêu luyện của bản thân, bằng cách để thằng trùm có một cái kế hoạch rất ngu, y như copy từ một cái game thập niên 90 nào đó ra. Bản thân Tchaikovsky cũng nhận ra sự ngu độn của kế hoạch ấy, và đã có một số nỗ lực chữa cháy cho nó, để thằng trùm phải đối lao đao trước những lỗ hổng trong mưu đồ của mình. Nó cũng vớt vát được phần nào cái phân đoạn cuối này, nhưng đổi lại thì nó khiến màn cao trào trở nên khá nhạt. Trông cảnh thằng trùm cứ liên tục ăn đồng bằng, ăn cát mà tụt hết cả hứng. Trên thực tế, chính nhân vật trong tác phẩm ở đoạn này còn cảm thấy mình như người thừa, và… bỏ về giữa chừng vì chẳng có cái gì để mà làm nữa.

Vâng, nhân vật chính bỏ về giữa trận climax 🐧. Giỏi lắm 🐧.

Bonus thêm một quả nữa là cũng như Dogs of Wars, Tchaikovsky lại thích gói ghém mọi thứ quá gọn gàng. Thế là đến phần hậu kết, thanh niên lại bồi thêm một cú nữa vào giữa hạ bộ của bản thân, với một tình tiết khiến cho một trong những cái thông điệp thú vị nhất được đưa ra trong cái cuộc chiến kia trở nên vô nghĩa. Quả thật đọc đến đấy mà thấy nể ông anh này. Thanh niên hẳn phải có trượng đồng bi sắt, chứ cứ tự bóp liên tục như thế mà vẫn bình chân như vại được thì cứng vl 🐧.

===============

Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI

===============

Một trong những cái hấp dẫn nhất về mảng thế giới trong Bear Head là cái khu thuộc địa trên Sao Hỏa của nó. Kha khá tình tiết xoay quanh các thứ công nghệ nền giúp thành phố này có thể duy trì sự tồn tại được đem ra miêu tả, với tiêu biểu là cái công nghệ Bioform. Cái này thực ra đã trở thành báo cũ rồi, vì nó đã được khám phá từ Dogs of War. Tuy nhiên, tác giả đã rất khôn khéo đánh vào một khía cạnh khác của nó, đấy là cách nó được áp dụng cho con người với nhiều đoạn miêu tả rất hình tượng về cách các cấu tạo sinh học của những người thợ trên này được thay đổi để thích ứng với môi trường nghèo ôxi, đầy bụi mịn trên đấy ra sao, khiến mọi thứ như được phủ thêm một lớp sơn mới mẻ.

Quan trọng nhất, Tchaikovsky đã to vẽ lên cả một thành phố sống thực sự, với cả một nền văn hóa, lịch sử, hệ thống kinh tế riêng. Ta được tìm hiểu rất kỹ về cách các Bioform người và Bioform thú vật tương tác với nhau như thế nào, những định kiến và cách đôi bên nhìn nhận về nhau. Ta được thấy cách xã hội nơi đây tự hình thành một nền kinh tế ngầm dựa trên cái thứ tiền tệ không thể tiêu được ở nơi nào khác ngoài tại các cơ sở đắt đỏ của chính tập đoàn chủ quản cũng như các công nghệ hoặc được tích hợp sẵn vào trong người, hoặc được “trưng dụng” từ tài sản của tập đoàn. Ta còn được thấy cả cách cái xã hội nổi và xã hội ngầm tương tác với nhau, với các bên dằn mặt và chấp nhận sự tồn tại của nhau để đảm bảo duy trì cái cán cân trật tự đầy chênh vênh trên cái nơi này… Tóm lại là nhiều thứ thú vị lắm.

Đáng buồn một cái là song hành cùng nó thì có khá nhiều ý tưởng hay nhưng lại bị làm chưa tới, không vì lý do nhày thì lý do kia. Nổi bật nhất vẫn cứ lại là cái ý tưởng áp hệ thống thang bậc (tức cái Chó Ngoan – Chó Hư) cho con người trong mạch chính trị dưới Trái Đất. Cái ứng dụng mới của hệ thống này được tác giả đào sâu khai thác, mô tả thực chân thực và lạnh gáy vô cùng, nhưng khốn nạn một điều là nó lại ăn phải một cú vả đầy bất ngờ từ quyển Dogs of War.

Như trong bài review Dogs of War mình đã nói đấy, cái kết của nó hơi lôm côm, nhưng có đưa ra một số ý tưởng hết sức thú vị. Một trong số đó chính là cái vụ người bị hệ thống Chó Ngoan – Chó Hư xích cổ. Ý tưởng này được giới thiệu theo một cách không thể nào sững sờ hơn, và cái tầm cũng như sự quỷ quyệt của nó ăn đứt tất cả những gì mà Bear Head có thể làm được. Bear Head có hơn trăm trang giấy để bàn về cái ý tưởng này, và dù cũng đã đạt được một số thành công nhất định, nó không đủ trình đú với chỉ đôi ba đoạn trong Dogs of War. Gần như lúc nào cái ý tưởng này xuất hiện, mình lại cứ nhớ về Dogs of War chứ không toàn tâm toàn ý tập trung vào Bear Head được, khiến Bear Head càng trở nên mất điểm vì nó tạo cảm giác như một bản phế hơn của Dogs of War chứ không phải ngược lại.

Ngoài Chó Ngoan – Chó Hư ra, có khá nhiều ý tưởng khác trong này cũng lại gợi cho mình nhớ đến những tác phẩm đã thực hiện chúng nó một cách ưu việt hơn, chứ không phải neo ý nghĩ của mình vào trong bản thân tác phẩm. Nói ra thì lộ kết mất, nhưng nếu anh em nào mà đã từng kinh qua Animorphs, SOMA, Cyberpunk 2077, Neuromancer thì kiểu gì cũng sẽ nhớ lại chúng nó trong quá trình đọc Bear Head, và thấy thằng này quả thực cứ hụt hơi thế nào ấy. Mọi thứ cứ hời hợt, không được đào sâu cho lắm, không có mấy sự cải biên dựa trên các cái concept cũ kia. Ông anh chính ra nên san bớt tầm chục trang của cái mạch Orange Man vào mấy cái ý tưởng này, chứ cứ làm nửa vời như thế rất chán.

========

NHÂN VẬT

========

Trong phần kết của Dogs of War, tác giả có sử dụng một phép so sánh những gì xảy ra trong tác phẩm với một vở kịch, và bảo rằng chắc thế giới sẽ không bao giờ kiếm được một anh diễn viên chính như con Rex nữa.

Và bro này tiên đoán chuẩn vl 🐧.

Bởi vì Dogs of War có con Rex cực kỳ xuất sắc, Bear Head không móc đâu ra được một nhân vật thú vị ngang hàng với nó. Mọi nhân vật từ cũ đến mới, dẫu đều có chiều sâu và câu chuyện nền hấp dẫn, vẫn không thể bì nổi với cái sự lôi cuốn và sức hút của cái con Rex kia. Tiệm cận độ thú vị của nó nhất thì ta có cái cô trợ lý của Đỗ Nam Trung. Cô trợ lý cũng có một cuộc đời khá bi kịch, và cũng gợi ra được một sự thương cảm cũng như hãi hùng trong tâm trí người đọc mỗi khi đến những đoạn cô xuất hiện. Vấn đề là cái mạch của cô gần như tua lại cái mạch của con Rex, nhưng làm theo một cách không hấp dẫn bằng (chủ yếu do cái giọng văn).

Về phần Đỗ Nam Trung thì bất chấp bị chửi lên bờ xuống ruộng, thanh niên vẫn được tác giả đầu tư đào sâu khai thác về mặt tâm tư (mặc dù toàn thông qua lời kể của người khác và diễn tả theo một chiều duy nhất thôi, anh em tự đoán chiều nào 🐧 ), khiến đây trở thành một phiên bản khá thú vị của Trump. Khó chịu mỗi cái là thanh niên Trump đến cuối bị biến thành một kiểu phản diện Bond điển hình, với một cái kế hoạch rất lôm côm và độ đáng sợ tụt còn nhanh hơn huyết áp của bro này khi biết mình tuột ghế nóng nhiệm kỳ 2. Một lần nữa, đây cũng là một điều Bear Head làm rất phế so với thằng tiền nhiệm, bởi vì phản diện của Dogs of War dù cũng hơi kiểu villain hoạt hình đấy, thằng cha này lại có một kế hoạch rất ngon lành và đáng sợ, khiến ta thực sự phải cảm thấy lo thay cho số phận dàn nhân vật chính.

========

TỔNG KẾT

========

Bear Head kể ra cũng có lắm sạn đấy, nhưng nếu xét lẻ ra thì nó không đến nỗi nào đâu. Nhưng vấn đề là bên cạnh mấy hạt sạn sẵn có, nó còn xui xẻo phải đứng cạnh một gã khổng lồ tên là Dogs of War. Cũng may là dù có một cái kết khá mở và phần nào lồi lõm, Dogs of War không thực sự cần một cuốn sequel tiếp nối, thế nên anh em không nhất thiết phải sờ đến Bear Head làm gì. Nhưng nếu thực sự hứng thú với vũ trụ của nó thì thử nhảy sang Bear Head cũng được, mặc dù hãy sẵn sàng tinh thần là đừng kỳ vọng nó sẽ được ngang tầm với Dogs of War.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.