Chuyển đến nội dung chính

[SFF 101] Post-Cyberpunk


Post-Cyberpunk là cái dòng không mấy người nhận ra nó có tồn tại, và trong số những người biết đến nó thì không ít người chập hẳn nó vào với Cyberpunk luôn. Và họ làm thế cũng không sai 🐧 . Post-Cyberpunk cực kỳ giống với Cyberpunk, giống đến mức mình còn ko muốn biên bài về nó vì đã viết về Cyberpunk rồi (https://goo.gl/RdG7qd). Nhưng rốt cuộc vẫn cứ viết vì nó thể hiện 1 đặc điểm khá thú vị trong văn học nói chung và Sci Fi nói riêng.

Cyberpunk, như hồi trước có nói, là phiên bản rất tăm tối của xã hội trước sự xuất hiện của các thứ công nghệ mới (“Cyberpunk = công nghệ cao + thế giới nát"). Post-Cyberpunk cũng sẽ nói về mặt trái của công nghệ, nhưng không u tối bằng và mang tính thực tế cao hơn. Nếu trong Cyberpunk, các tập đoàn, chính phủ, “the man”,… là hiện thân của cái ác, không có một tí tử tế nào thì trong Post-Cyberpunk, đội đó sẽ pha lẫn cả tốt cả xấu, và đôi khi là tốt hẳn, mặc dù phải dùng những biện pháp rất mạnh để bảo vệ lợi ích xã hội (VD: bác Hải “đập” rất có tố chất tham gia Post-Cyberpunk). Thế giới trong Cyberpunk thường sẽ cực kỳ sa đọa, phân cách giàu nghèo quá cao, tệ nạn tràn lan,… còn ở Post-Cyberpunk thì xã hội có thể sẽ vẫn vận hành như hiện tại: về cơ bản là tốt, mặc dù vẫn có mặt trái. Riêng khoản viết về công nghệ và ảnh hưởng của nó với xã hội thì Cyberpunk và Post-Cyberpunk đều có, và đều tập trung rất mạnh. 

Nói tóm lại Post-Cyberpunk là phiên bản “hiền” hơn của Cyberpunk.

Post-Cyberpunk, đúng với cái tên của nó, là phần “tiếp nối” của Cyberpunk. Hồi trước Cyberpunk ra đời là để “vả” vào mặt Sci Fi thế hệ cũ. Trong giai đoạn 40s với 50s, các tác phẩm Sci Fi chủ yếu tô hồng thế giới, công nghệ nào công nghệ nấy đều giúp ích cho nhân loại, và độc giả đã thấy nhàm cái mô típ này, cần sự đổi mới. Thế là Cyberpunk đem một mớ bùn đất đến hắt lên tất cả, và lập tức thành phong trào mới. Được một thời gian, lại đến lượt Cyberpunk trở nên tràn lan, thế giới bị tô vẽ đen tối quá, và độc giả dần miễn nhiễm, thế là lại đến lượt Post-Cyberpunk xắn tay áo lên “vả” Cyberpunk. Cái sự “vả” ấy, hay như trong tiếng Anh sẽ gọi là “deconstruction”, là cách để văn học luôn phát triển mới, không bị tù đọng. Cyberpunk deconstruct cái sự tươi đẹp của các tác phẩm Utopia, Post-Cyberpunk thì deconstruct cái sự đen tối của Cyberpunk.

Hai cái dòng Post-Cyberpunk với Cyberpunk này trùng lặp nhau ở rất nhiều yếu tố, thế nên muốn phân biệt tác phẩm nào nằm ở dòng nào khó vô cùng. Và, như nói ở trên, nhiều người còn không công nhận Post-Cyberpunk là dòng riêng. Còn những người kỹ tính thì sẽ bảo nếu công nghệ PHÁ NÁT thế giới, nếu tổ chức thống trị ĐỘC ÁC hẳn, nếu nhân vật chính muốn LẬT ĐỔ tất cả, nó sẽ là Cyberpunk. Nếu công nghệ giúp CẢI THIỆN thế giới với chỉ một vài mặt hại, nếu tổ chức thống trị về cơ bản là TỬ TẾ nhưng cách hành xử hơi có vấn đề, nếu nhân vật chính muốn CỨU CHỮA xã hội, nó là Post-Cyberpunk.

Nhưng tất nhiên, ranh giới giữa chúng nó mong manh vô cùng, thế nên nếu không phân biệt được đâu là Post-Cyberpunk, đâu là Cyberpunk thì cũng cứ kệ luôn đi 🐧

Một số tác phẩm Post-Cyberpunk tiêu biểu: Summer Wars (Mamoru Hosoda), Minority Report (Philip K. Dick), The Diamond Age (Neal Stephenson), Mega Man Battle Network (Capcom), Watch_Dogs (Ubisoft).

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.