Chuyển đến nội dung chính

[SFF 101] Cyberpunk


Mô tả ngắn gọn thì “Cyberpunk = công nghệ cao + thế giới nát". Mô tả cụ thể hơn thì Cyberpunk là các tác phẩm viết về công nghệ tân tiến, chẳng hạn AI, điều khiển học, mạng viễn thông,... (phần “Cyber”) và cách chúng khiến tôn ti trật tự thế giới bị đảo lộn, hoặc toàn bộ xã hội trở nên suy tàn, tha hoá (phần “Punk”). Đây là kẻ đi tiên phong, làm tiền đề cho mọi dòng "Punk" khác trong Sci Fi. 

Cái dòng này thường khá bi quan, bối cảnh tăm tối, có góc nhìn đời rất cay đắng, và mặt trái của công nghệ/phát triển thường được đưa lên hàng đầu để vẽ ra tính phản địa đàng (Dystopian) của xã hội dựa dẫm quá nhiều vào công nghệ. Khung thời gian của nó chủ yếu là tương lai, và thường là tương lai không xa lắm (tầm vài chục đến trăm năm). Bối cảnh có thể lấy khá rộng, thành phố, thế giới, hành tinh lạ đều được, nhưng thường sẽ chỉ giới hạn trong một khu hẹp, chẳng hạn thành phố hoặc khu công nghiệp thối nát nào đó (kiểu trong các phim noir). Thế giới tác phẩm thường sẽ nhan nhản tội ác/tội phạm, người dân mất niềm tin vào một giá trị quan trọng nào đó, và đặc biệt sẽ có một thứ công nghệ tân tiến bị lạm dụng để trục lợi cá nhân/tìm kiếm khoái cảm. Cyberpunk thường là loại Sci Fi khá nặng, mô tả công nghệ kỹ thuật chi tiết. Nó cũng có hành động phiêu lưu, nhưng chủ yếu là triết lý về xã hội, và cảnh báo về những hệ quả tiềm tàng/khó lường của công nghệ mới. 

“Người hùng” của Cyberpunk sẽ là các nhân vật “punk” (“punk” trong tiếng Anh là “mất dạy/bố đời”), chẳng hạn như hacker, khủng bố, tội phạm, cớm bẩn, hay tử tế lắm thì cũng có nguyên tắc đạo đức rất lỏng lẻo, chẳng hạn các thám tử bất mãn. Nói chung, trong Cyberpunk, “Hero = Anti-hero”. Kẻ ác trong tác phẩm khoảng 90% sẽ là tập đoàn hay tổ chức chính thống, “tử tế” nào đó, mặc dù trên danh nghĩa chỉ là doanh nghiệp nhưng có khả năng thao túng chính quyền, điều hành xã hội tuỳ thích. Ngoài ra còn có các chính quyền toàn trị, các băng đảng tội phạm, hay một cá nhân đơn thuần. Có một số tác phẩm không để cho kẻ ác là thực thể cụ thể nào, mà chỉ là một xu hướng mới hay gì đó (tức cả xã hội trở thành “kẻ ác”). Chính cái sự đen tối của “người hùng” và cái sự suy đồi của địch thủ/thế giới là thứ làm nên chất “punk” của dòng này.

Một số tác phẩm Cyberpunk đáng chú ý: Neuromancer (William Gibson), Snow Crash. (Neal Stephenson), Ready Player One (Ernest Cline), The Windup Girl (Paolo Bacigalupi), The Matrix (Lana & Lilly Wachowski), Ghost in the Shell (Mamoru Oshii), RoboCop (Paul Verhoeven), Battle Angel Alita (Yukito Kishiro), Akira (Katsuhiro Otomo), Mirror's Edge (EA DICE), Deus Ex (Ion Storm), Remember Me (Dontnod Entertainment)

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.