Chuyển đến nội dung chính

[SFF 101] Sci Fi x Khoa học - một quan hệ cộng sinh

Trong cái bài về việc NASA đang triển khai thí nghiệm dùng N̶a̶u̶v̶o̶o̶ động cơ NEXT-C đẩy thiên thạch khỏi đâm vào Trái Đất, có một bạn nói rằng khoa học ngày nay đang ngày càng tiệm cận những gì Sci Fi vẽ ra. Tình cờ thì nhận định ấy lại đại diện cho một "chiều" rất thú vị của một mối quan hệ cộng sinh hấp dẫn: khoa học và khoa học viễn tưởng.


Sci Fi đặc biệt hơn gần như mọi dòng khác ở chỗ nó không bằng lòng với sự gò bó của thực tại. Nó muốn vứt bỏ mọi rào cản, đi vào khám phá những miền đất mà trong con mắt người đương thời sẽ là không thể tồn tại. Nhưng thay vì sử dụng những thứ ma phép huyền bí như người anh em Fantasy của mình, Sci Fi lựa chọn một công cụ thực tiễn hơn, nhưng với tiềm năng mạnh mẽ không kém: khoa học công nghệ.

Căn cứ trên những hiểu biết mà khoa học đã mang lại cho con người, kết hợp với những phát minh, ứng dụng hiện đã ra đời nhờ những khám phá khoa học ấy, Sci Fi đặt câu hỏi: Nếu đẩy nó đi xa hơn giới hạn hiện tại thì như thế nào nhỉ? Và từ trên tiền đề đó, các tác phẩm ấy bắt đầu xây dựng lên những thế giới mới mẻ, xem cách chúng bị/được biến đổi bởi khoa học và những xung đột có thể nảy sinh ra từ đấy.

Tuy nhiên, Sci Fi không chỉ "trục lợi" từ khoa học, mà nó còn "cho đi" nữa. Thứ nhất, Sci Fi có một ưu điểm so với khoa học thuần là nó có tính giải trí cao hơn hẳn. Chính nhờ bản chất đó, nó có thể hút được những người chưa dấn thân vào khoa học bao giờ, khơi dậy sự ham thích của họ với khoa học và những điều chưa biết, và từ đó liên tục cung cấp cho khoa học một nguồn nhân lực dồi dào. Edwin Hubble, nhà thiên văn học từng chứng minh vũ trụ không chỉ dừng lại trong Dải Ngân Hà, hồi nhỏ từng chét mê chết mệt Jules Verne. Carl Sagan, người giúp khoa học trở nên dễ tiếp cận hơn với hàng triệu con người, từng là fan cứng của những chuyến phiêu lưu Edgar Rice Burroughs cho John Carter thực hiện trên Sao Hỏa. Robert H. Goddard, "thằng điên" đã sáng lập ra ngành tên lửa học hiện đại, được truyền cảm hứng qua các tác phẩm của H. G. Wells...

Thứ hai, Sci Fi tạo ra một không gian nơi ta có thể thoải mái "chơi đùa" với các ý tưởng cũng như hướng giải quyết tiềm tàng cho những vấn đề hiện tại mà không nhất thiết phải quan tâm liệu chúng có khả thi hay không. Điều này cho phép một lượng rất lớn những người không phải dân làm khoa học chuyên nghiệp cùng tham gia "hiến kế", cung cấp những cái "đích" tiềm tàng mà có khi những người bị kiến thức "giam lỏng" bỏ lỡ mất, hay chỉ đơn thuần thúc cho họ nghĩ rằng, "Êu, cái này hay thế," và từ đó chế ra các phát minh hữu dụng. Martin Cooper, giám đốc nghiên cứu và phát triển của Motorola, từng nói rằng chiếc điện thoại di động đầu tiên trên thế giới mà công ty mình làm ra lấy cảm hứng từ thiết bị liên lạc trong Star Trek. Steve Jobs cũng từng nhiều lần khẳng định Star Trek đã tác động rất mạnh đến mình và các sản phẩm mình cho ra đời. Ý tưởng dùng roi vụt để chuyên chở đồ đạc của Neal Stephenson hiện cũng đã được Amazon mang đi đăng ký bằng sáng chế, với mục tiêu phát triển nó lên thành hệ thống thực...

Sci Fi hay bị coi khinh bởi vì nó không chịu ngồi ngoan như các dòng khác mà cứ toàn chạy tót sang những chỗ viển vông chơi. Tuy nhiên, sự viển vông ấy của nó lại là một đồng minh cực kỳ hữu ích cho thế giới thực của ta. Thiếu đi Sci Fi thì chưa chắc khoa học ngày nay đã đến được cái tầm như thế này, với nhiều thành tựu chẳng khác gì phép màu đối với các thế hệ đi trước. Và rồi chính nền khoa học đã được Sci Fi giúp công kênh lên ấy sẽ lại tiếp tục làm bệ phóng cho những tác phẩm thậm chí còn viển vông hơn, dọn sẵn đường để đón khoa học lên cùng.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.