Chuyển đến nội dung chính

5 manga SFF "trẻ con" với theme người lớn

 Trong bài mình share về Đôrêmon hôm qua để cho thấy ngay cả Sci Fi trẻ con cũng có thể mang những theme vượt ra ngoài khuôn khổ giải trí cũng như công nghệ thuần túy, một số anh em có nói rằng thực ra việc truyện trẻ con có theme sâu như vậy là chuyện bình thường, và chưa đủ để cho thấy nó vươn được ra ngoài tầm tuổi của độc giả mình hướng đến. Ngoài ra thì cũng có bạn chỉ ra rằng bản thân cái bài ấy có nhiều sạn với lỗ hổng, và cũng bẻ lái hơi quá gắt, thế nên đem ra làm dẫn chứng thì không ổn.

Để bù lại cho bài đó thì hôm nay, mình sẽ giới thiệu đến với anh em một số tác phẩm khác với những theme mang sắc trưởng thành rõ rệt hơn cả, nhưng technically vẫn nhắm đến độc giả trẻ hoặc rất trẻ. Hy vọng lần này nó sẽ giúp chứng minh hiệu quả hơn cho việc Sci Fi không chỉ để bọn trẻ con giải trí đơn thuần, và ngay cả những tác phẩm có thể dùng để giải trí thuần túy cũng vẫn có tiềm năng trở nên sâu sắc hơn hẳn vẻ ngoài.

Các tác phẩm giới thiệu trong bài này sẽ 100% là manga, bởi vì 1) bài gốc cũng nói về manga, và 2) nó là một trong những loại hình media hiện còn bị mang định kiến là cho trẻ con nhiều nhất. Bên cạnh đó, vì mình nhớ hình như hồi trước đã có bạn từng bảo rằng Sci Fi là thằng duy nhất có thể dành cho người lớn, còn Fantasy thì chỉ có thể dành cho trẻ con, các tác phẩm trong này sẽ bao gồm cả Fantasy lẫn Sci Fi để giải oan cho cả 2 thằng cùng một lúc.

Ứng viên đầu tiên thì ta có Girls’ Last Tour của Tsukumizu. Đây là một series Sci Fi về hai con bé trên một chiếc xe tăng (đúng ra là xe máy địa hình, nhưng gọi xe tăng nghe vần hơn 🐧 ), loay hoay sống trong một thế giới hậu tận thế.



Bộ này là thanh niên có lẽ sát nhất với Đôrêmon trong bài viết này, bởi lẽ nó không có một chút máu me nào, gần như G-rated (ngoại trừ 1 chương có 1 con bé đi tắm, nhưng nếu Xuka mà còn tối ngày nude được thì vụ này ăn nhằm gì 🐧 ), và hoàn toàn có thể cho bọn trẻ con đọc bình thường như Lucky Star mà chẳng sợ gì hết. Tuy nhiên, tất cả mọi chương truyện đều xoay quanh một triết lý sâu nào đó về sự tồn tại, cái giá của sinh tồn, ý nghĩa của tham vọng, và hàng loạt theme khác mà người lớn mới thực sự cảm hết được. Mỗi tội là Girls’ Last Tour là webcomic, thế nên chỉ dựa vào bên ngoài thì khó khẳng định chắc chắn 100% là nó hướng tới đối tượng trẻ con được.

Tuy nhiên, series tiếp theo thì được xuất bản trên Monthly Comic Garden (tiền thân là  Comic Blade), một tạp chí truyện shounen (trẻ con 12-18 tuổi). Nó là series Fantasy mang tên The Girl From the Other Side: Siúil, a Rún của Nagabe. Siúil, a Rún xoay quanh câu chuyện về một con bé bị bỏ rơi trong rừng, và một ông “thầy” quái vật vô tình tìm thấy nó.



Nghe đến đây thì anh em hẳn đã thấy rất quen rồi, bởi vì cái mô típ “nhặt được của rơi” này đã từng có mấy series manga khác triển khai là The Ancient Magus' Bride của Kore Yamazaki và Somali and the Forest Spirit của Yako Gureishi. Cả hai series đấy cũng đều là truyện Fantasy với đối tượng nhắm đến là trẻ con, và bản thân chúng nó cũng có nhiều theme sâu sắc, đủ để được liệt vào danh sách này. Tuy nhiên, lý do Siúil, a Rún được mình chọn thay vì chúng nó là bởi Siúil, a Rún là Dark Fantasy, tức là Fantasy tăm tối. Kỳ diệu một điều là Siúil, a Rún cực kỳ hiếm có cảnh máu chảy đầu rơi, và một số cảnh đánh nhau thật của nó thì diễn ra rất chớp nhoáng, và thậm chí còn thua xa những bộ như One Piece với Naruto về độ máu me. Tuy nhiên, nếu đã đọc series này thì anh em sẽ thấy Siúil, a Rún tàn độc hơn hẳn cả hai bộ kia, đơn giản vì những cái theme nó trình bày. Tình cảm gia đình, tôn giáo, nghĩa vụ, sự bất khả kháng của cái chết,… Thật tình mà nói, sự ám ảnh với cái chết và bệnh tật của series này làm mình thấy rất ngạc nhiên nó là truyện mới hoàn toàn, không phải là một bản chuyển thể của Edgar Allan Poe hay gì khác.

Edgy hơn thì ta có BioMeat: Nectar của Fujisawa Yuki. Đây là một series Sci Fi thuộc mảng Apocalypse/Post-Apocalypse. Truyện lấy bối cảnh trong một thế giới tương lai, khi con người đã phát minh ra một loại sinh vật chuyên ăn rác để thay thế cho thịt (BioMeatᵀᴹ), từ đấy chấm dứt nạn đói trên thế giới. Tuy nhiên, một ngày nọ, một vụ động đất khiến một trại nuôi BioMeat bị hư hại, và lũ BioMeat bị sổng ra ngoài. Đám BioMeat vốn được thiết kể để có thể ăn tất tần tật mọi thứ, và đặc biệt là nhân giống với tốc độ chóng mặt, thế nên anh em có thể hiểu câu chuyện phát triển theo chiều hướng nào rồi đấy. 



Khác với hai thằng trên, BioMeat chủ trương sốc giật với máu me nhiều gấp bội. Ta có rất nhiều cảnh người bị ăn tươi nuốt sống, ăn thịt từ bên trong, con người dùng nhau làm mồi nhử, và đủ thứ trò tàn độc khác. Tuy nhiên, vì một lý do kỳ diệu nào đó, truyện vẫn không bị quẳng thành seinen mà lại đăng tải trên Weekly Shounen Champion, một tạp chí chuyên đăng truyện cho cùng lứa tuổi cấp 2, cấp 3. Bên cạnh đó, BioMeat còn có một cái theme bài kích phát triển công nghệ vô tội vạ và chủ trương lợi nhuận bất chấp mọi thứ của các tập đoàn, khiến nó tiến cực kỳ sát đến ranh giới của một bộ truyện thuần túy cho người lớn.

Nhẹ nhàng hơn thì ta có 2 series Fantasy mang tên My Capricorn Friend của Otsuichi và Masaru Miyokawa, cùng với The Bones of an Invisible Person của Ogino Jun. My Capricorn Friend thì kể về một thằng nhóc phát hiện ra bạn mình rồi sẽ dính líu vào một vụ giết người, và sẽ chết trong đồn cảnh sát, và nó phải tìm cách không để điều đó xảy ra. The Bones of an Invisible Person thì kể về một con bé có khả năng tàng hình, và đã dùng nó để giết bố nhằm giúp gia đình được nhẹ gánh, và sau đó phải loay hoay với gánh nặng lương tâm của bản thân.




Hai truyện này được mình gộp lại với nhau bởi cả cùng xuất bản trên Shounen Jump+, và đều là Low Fantasy, tức hàm lượng Fantasy trong này thấp kinh khủng. Chúng nó cũng có khá nhiều điểm tương đồng với nhau, ấy là tận dụng bản chất dòng Low Fantasy của mình để giúp cho mọi thứ trở nên thực tế kinh khủng. Bên cạnh đó, mặc dù cả 2 đều liên quan đến giết người, truyện thực chất lại… chẳng dính đến án mạng mấy, giết xong là bỏ đấy thôi. Thay vào đó, cả hai mang tính bình dị hơn hẳn, nhưng lại xoáy sâu vào những theme rất nhức nhối như bạo lực học đường, tự sát, trầm cảm, bạo lực gia đình, cảm giác tội lỗi, giá trị của bản thân, và tất nhiên, bản tính hai mặt của công lý. Nó dịu hơn tất cả những series bên trên về mọi mặt, cả khoản máu me lẫn độ phức tạp của triết lý. Dẫu vậy, chính cái sự nhẹ nhàng của nó lại có tiềm năng khiến cho chúng ta “ngấm đòn” hơn, bởi lẽ nó tạo cảm giác sát sườn hơn hẳn, không xa vời như những thằng kia.

Đây mới chỉ là một số ví dụ rất ít ỏi về một số tác phẩm technically cho trẻ con, nhưng lại không hề trẻ con tí nào trong cách trình bày hoặc thông điệp truyền tải. Và đó mới chỉ dừng trong một loại hình media thôi, chứ chưa đánh rộng sang những mảng khác như truyện chữ, game, hoạt hình, phim nhựa,… Điều này cho thấy dù cả Sci Fi lẫn Fantasy đều có độ phủ rất rộng, với mọi tầm tuổi đều tiếp cận được, và ngay cả những tác phẩm nhắm vào lứa tuổi nhỏ của nó cũng chưa chắc đã chỉ dành cho mỗi mình tầm tuổi đấy đọc.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.