Chuyển đến nội dung chính

Review Alice In Wonderland & Through The Looking-Glass của Lewis Carroll

 


🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌗

9.5/10

=====

TL;DR

=====

Cần sa mực, hàng tuyển.

==============

GIỚI THIỆU CHUNG

==============

Đây là Alice. In Wonderland. Và phần 2 của nó.

Chắc chẳng cần giới thiệu chi li thêm nữa đâu nhỉ 🐧?

Nhưng phòng trường hợp có anh em nào quả thật chưa từng nghe đến cặp đôi nay bao giờ, Alice in Wonderland và Through the Looking-Glass (tên đầy đủ là Alice's Adventures in Wonderland và Through the Looking-Glass, and What Alice Found There) là hai cuốn tiểu thuyết ngắn thuộc thể loại Literary Nonsense do Lewis Carroll sáng tác. Cả hai đều kể về một cô bé người Anh có tên Alice (bất ngờ chưa 🐧? ) cũng như cái sự “nhàn cư vi bất thiện” của cô bé.

Cụ thể, trong cuốn thứ nhất, Alice ra bờ sông chơi với chị, nhưng được một lúc thì bắt đầu phát chán. Giữa lúc đang vơ vẩn không biết làm gì, cô bé nhìn thấy một con thỏ trắng mặc ghi lê chạy vụt qua, và đã tức thì đuổi theo nó, và đã cùng nó chui tọt xuống cả một cái hang. Theo sau đó là một cuộc phiêu lưu ở một xứ sở hết sức quái đản, nơi lôgic chỉ mang tính gợi ý.

Sang đến cuốn thứ hai, 6 tháng đã trôi qua từ sau chuyến phiêu lưu dưới hang thỏ, và Alice bấy giờ đang chẳng có trò gì ngoài ngồi chơi với mèo trong nhà. Giữa lúc trò chuyện với con mèo, Alice có tưởng tượng đằng sau một tấm gương trên lò sưởi là nguyên một thế giới song song, và đã tò mò thử chui qua nó. Bất ngờ thay, cô bé lọt hẳn người qua gương thật, và lại một lần nữa trải qua một chuyến ngao du vô tiền khoáng hậu.

=====================

MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG

=====================

Nếu muốn thưởng thức Alice in Wonderland và Through the Looking-Glass, mình chân thành khuyên anh em tốt nhất nên tắt não đi 🐧.

Nói như vậy không phải vì hai câu chuyện Alice là kiểu giải trí vô não hay gì đâu. Cái vấn đề chỉ là hai thằng này… phê cần quá. Cốt của nó gần như không bám theo bất kỳ một cái lôgic nào (trừ khi mọi người tính tôn chỉ lật ngược bằng được mọi lôgic cũng là lôgic), với các diễn biến cứ nối đuôi nhau xảy ra theo một kiểu rất bừa phứa, thích thì thò mặt ra mà chán thì tếch đi chỗ khác chơi. Nếu cố gắng tìm kiếm một cái cốt hợp lý, một mạch phát triển tịnh tiến quy củ, mọi người sẽ thấy rất đau đầu, và khó lòng coi trọng nổi những thứ diễn ra trong truyện. Cách tốt nhất là, như mình đã nói đó, tắt tạm não đi. Đừng để lý trí xét đoán gì câu chuyện này cả, mà hãy phó mặc bản thân cho cái dòng chảy dị hợm của nó đưa đẩy.

Một khi đã chấp nhận để kệ nước chảy bèo trôi, anh em sẽ có một trải nghiệm cực kỳ hấp dẫn với hai cuốn đấy. Cái sự điên loạn của nó kéo mọi người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, liên tục không biết phải trông đợi điều gì. Có những lúc, cái sự loạn xạ của nó sẽ gây phá mạch hơi quá đà, nhưng điều ấy cực hiếm khi xảy ra. Đặc biệt nhất, vì lúc này không phải dồn quá nhiều bám cốt với suy luận nọ kia, cảm quan đối với câu chữ của mọi người sẽ được mài lên sắc hẳn lên. Mọi người sẽ để ý thấy hai tác phẩm này chẳng khác nào hai bản nhạc chơi ngẫu hứng, và không chỉ đơn thuần vì nó lắm thơ với ca hát thôi đâu. Nhiều chỗ Carroll gieo vần gieo vè với chơi chữ một cách rất chiến lược, khiến mọi thứ chảy trôi rất có tông có điệu. Chính nhờ cái kiểu nhịp nhàng như thế mà kể cả khi tác giả nhảy mạch loạn xạ hay thậm chí bịa trắng trợn những thứ hoàn toàn không có một tí ý nghĩa nào hết, ta vẫn nhìn thấy một sự liên kết đầy hợp lý tồn tại giữa một nùi những thứ trông rõ là lăng nhăng.

Đáng chú ý là Alice in Wonderland và Through the Looking-Glass không chỉ đơn thuần là những tác phẩm thiếu nhi đơn thuần. Hồi nhỏ mình đọc hai cuốn này thì chỉ chú ý đến cái kiểu bát nháo chi khươn của nó thôi (và ngắm tranh, ngắm tranh là chủ đạo 🐧 ), nhưng giờ tìm về với chúng nó lúc đã lớn, mình mới thấy nó còn kín đáo lồng ghép khá nhiều thứ đáng suy ngẫm vào trong này nữa. Bét nhất cũng phải cứ cách một phân đoạn, mình sẽ lại thấy một sự châm biếm ngầm cái xã hội Anh Quốc đương thời, chẳng hạn cái kiểu lễ nghi rườm rà của nó, cách nó phân tầng giai cấp, cái hệ thống công lý như trò hề, cái tư tưởng giáo dục họ sử dụng,… Và cả trong những đoạn không có châm biếm (hoặc nếu có thì mình không nhận ra), tác giả cũng thả kèm một số triết lý nhân sinh thú vị cũng như các thí nghiệm tư tưởng sâu sắc, khiến mọi thứ về cái cuốn này đều có một sức “níu” rất mãnh liệt, chứ không chỉ trôi đi tuồn tuột như một màn xiếc giải trí. Chính bởi thế nên ở đoạn trên, mình mới khẳng định rằng hai cuốn này không hề vô não tí nào, dẫu đã khuyên anh em đừng ép xung não khi đọc chúng nó làm gì.

===============

Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI

===============

Đây là Alice. In Wonderland. Và phần 2 của nó.

Bản thân cái dòng đấy thôi cũng đã đủ để nói lên tất cả về thế giới cái quyển truyện này rồi 🐧.

Cụ thể hơn, thế giới trong hai quyển này chỉ có thể được tả bằng một từ: điên. Anh em đừng phí công ngồi phân tích xem phần nào khớp với phần nào, hay cơ chế hoạt động của cái thế giới này ra sao, vì tớ long trọng thề rằng tất tần tật mọi thứ trong này, chạy từ viên gạch xây nhà cho đến hòn sỏi ven đường, đều được cấu thành từ làn khói của một điếu cần to tổ cụ. Thanh niên Carroll công nhận kiếm được nguồn cung chất phết.

Nghiêm túc mà nói, cái thế giới này chẳng có quy luật gì cụ thể mấy, trừ khi mọi người tính cái theme của mỗi tác phẩm. Trong cuốn Alice in Wonderland, thế giới mang theme chủ đạo là những trò chơi, mặc dù ngay cả cái này cũng không rõ ràng lắm. Sang đến Through the Looking-Glass thì cái quy luật của thế giới mới có vẻ sắc nét hơn tí, bao gồm mô típ đảo ngược mọi thứ (vì đây là thế giới tương phản trong gương), mô típ các bài vè thiếu nhi nổi tiếng, và mô típ một trận đấu cờ. Tuy nhiên, kể cả khi có quy luật mang tính rạch ròi hơn, Through the Looking-Glass cũng chẳng bám quá sát chúng nó, mà cứ tròng trành chạy qua chạy lại và nhảy tưng tưng mấy vòng xung quanh các quy luật trong thế giới mình, sau đó mới tạm gọi là về vị trí cũ.

Tuy nhiên, bất kể có quái chiêu ra sao, cái thế giới của cả hai tác phẩm đều mang một nét duyên rất thú vị, và chúng hiện lên một cách cực kỳ sống động và sặc sỡ. Kể cả nếu có không tắt não ngay từ đầu, mọi người cũng sẽ ngày một bị thế giới nơi đây hớp hồn, đến mức quên luôn cả việc chẳng có cái gì trong này hợp lý cả, và chỉ đơn thuần há mồm ngồi nhìn đủ kiểu pháo hoa với sơn màu bắn tóe loe khắp xung quanh thôi.

========

NHÂN VẬT

========

Đây là Alice. In Wonderland. Và phần 2 của nó.

Nói vậy đủ hiểu rồi nhỉ 🐧?

Nếu xét theo cái kiểu truyền thống thì nhân vật trong này phần lớn đều khá một chiều. Ta không biết gì nhiều về quá khứ, về tham vọng, về động cơ thúc đẩy của họ. Thường tất cả chỉ có một nét tính cách bị làm quá lên mà thôi. Bản thân Alice, nhân vật chính của truyện, cũng chẳng có nhiều khía cạnh để ta mổ xẻ. Cô bé này chỉ đơn thuần là một… cô bé thôi. Nó có cái kiểu ngây ngô tự nhiên của một đứa trẻ con, đọc thấy cưng lắm, và cũng có một số nét tính cách biệt lập hẳn với các nhân vật khác (chủ yếu vì nó là đứa duy nhất hoạt động với lôgic con người, mấy nhân vật khác thì hoạt động dựa trên độ tươi của cỏ mất rồi 🐧 ). Nhưng nhìn chung mọi thứ về Alice khá là vanilla, và đồng chí này về cơ bản chỉ đóng vai trò một phương tiện để ta đi khám phá cái thế giới của truyện, kiêm làm vật tương phản để càng làm toát lên sự quái chiêu của các nhân vật khác.

Nhưng không phải vì thế mà nhân vật trong này phế. Ngược lại là đằng khác, cái sự giản đơn kết hợp với điên loạn của các nhân vật trong này giúp ai cũng để lại được một ấn tượng rất sâu đậm. Kiểu gì thì kiểu, mọi người cũng sẽ tìm ra ít nhất một nhân vật đáng nhớ ở trong cặp đôi tác phẩm này, bởi vì bọn họ đúng kiểu có một không hai luôn. Ấn tượng của mọi người về những nhân vật ấy sẽ càng thêm mạnh mẽ nếu, cũng như mình, mọi người đã kinh qua hơi quá nhiều tác phẩm luôn tìm cách đa chiều và phức tạp hóa nhân vật của mình lên, đến mức bản thân việc ai cũng sâu sắc lại hóa ra lại trở thành… một chiều. Sự đơn giản của các nhân vật trong thế giới của Alice sẽ chẳng khác nào một luồng gió mới, một món ăn lạ miệng để “rửa” bớt cái kiểu ai cũng bi kịch quá khứ với bố chết mẹ chết này kia và tốt xấu lẫn lộn nhập nhằng.

========

TỔNG KẾT

========

Alice in Wonderland và Through the Looking-Glass là những tác phẩm rất đặc biệt. Chúng nó vô lý mà chẳng vô não tí nào; thiếu nhi nhưng lại chẳng trẻ con; phê cần nhưng không ngáo đá; bị copy liên suốt cả trăm năm rồi mà vẫn mới mẻ. Nói tóm lại, đây là Alice. In Wonderland. Và phần 2 của nó. Hai thằng này gần như thuộc về một đẳng cấp riêng trong văn học, và không phải không có lý do. Anh em bất kể người lớn hay trẻ nhỏ, đọc rồi hay chưa đọc chúng nó bao giờ, vẫn rất nên sờ lại vào hai cuốn này nhé.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.